Gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Iran sau vụ tấn công tàu chở dầu trên Vịnh Oman
Sự việc xảy ra trong khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới thăm Iran để làm trung gian hòa giải cho căng thẳng hiện nay tại khu vực Trung Đông, đang khiến dư luận lo ngại xung đột ở Trung Đông sẽ leo thang..
Đây là bước leo thang căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ - Iran. Thời gian qua, căng thẳng Mỹ - Iran liên tục leo thang với các hành động đáp trả lẫn nhau. Khởi nguồn căng thẳng từ khoảng hơn một năm trước, khi Mỹ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Đáp lại, một năm sau, Iran cũng tuyên bố đình chỉ việc thực hiện một số cam kết tự nguyện trong thỏa thuận nói trên, đẩy Thỏa thuận hạt nhân JCPOA trước nguy cơ sụp đổ.
Sự cố mới trên Vịnh Oman
Ngày 13-6, các sự cố đã xảy ra với tàu Front Altair của hãng tàu biển Frontline Na Uy, chở 75.000 tấn naphtha, một loại nhiên liệu hydrocarbon dạng lỏng, đang trên đường từ Qatar đi Đài Loan (Trung Quốc); và tàu Kokuka Courageous do Công ty Kokuka Sangyo có trụ sở tại Tokyo vận hành, chở 25.000 tấn methanol, đang trên đường từ một cảng của Saudi Arabia đến Singapore. Theo thông tin ban đầu, hai tàu trên đã "bị tấn công", có thể bằng ngư lôi hoặc bằng mìn từ tính.
Điều đáng nói là sự cố được cho là "tấn công" này xảy ra chỉ một tháng sau một sự việc tương tự khi 4 tàu thương mại bị tấn công bằng mìn gắn dưới đáy tàu, cũng tại khu vực Fujairah của Saudi Arabia, nằm ngay bên ngoài eo biển Hormuz. Saudi Arabia và Mỹ đổ lỗi cho Iran thực hiện vụ tấn công này, cáo buộc mà Tehran bác bỏ.
Trước vụ việc lần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã một lần nữa cáo buộc Iran đứng sau đồng thời chỉ trích các vụ tấn công vô cớ này đặt ra "một mối đe dọa rõ ràng đối với an ninh quốc tế" và chống lại "sự tự do hàng hải".
Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Iran đứng sau hai vụ tấn công tàu chở dầu vừa qua. Trước đó, Mỹ công bố đoạn băng cho thấy tàu tuần tra của Iran đang gỡ mìn buộc chưa phát nổ từ một trong hai tàu chở dầu. Dựa trên nội dung đoạn băng này, Tổng thống Trump nhận định Iran là "thủ phạm". Bên cạnh đó, ông cũng bác bỏ nguy cơ Iran đóng cửa eo biển Hormuz, đồng thời nhấn mạnh kể cả khi điều này xảy ra, nó cũng không thể kéo dài.
Tuy nhiên, Iran cũng đã một lần nữa bác bỏ tuyên bố của Mỹ và khẳng định đây đều là những tuyên bố "vô căn cứ". Trên trang mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nhấn mạnh việc Mỹ ngay lập tức đưa ra cáo buộc chống Iran mà không có bằng chứng thực tế và chi tiết chỉ cho thấy "Washington đang hướng đến kế hoạch B là ngoại giao phá hoại" và nhằm "che đậy chiến dịch khủng bố kinh tế chống Iran".
Phái bộ của Iran tại Liên hợp quốc đã ra tuyên bố nêu rõ: "Iran kiên quyết bác bỏ tuyên bố vô căn cứ của Mỹ liên quan tới các sự cố tàu chở dầu ngày 13-6". Tuyên bố cũng chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ và hoạt động xây dựng quân sự tại Vịnh Oman mới là mối đe dọa lớn nhất đối với nền hòa bình và an ninh trong khu vực, đồng thời kêu gọi Washington và các đồng minh "phải chấm dứt các hành động gây chiến".
Ngày 14-6, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ liên quan đến vụ hai tàu chở dầu bị tấn công tại vịnh Oman, đồng thời cho rằng Washington đã lập tức đưa ra những cáo buộc đối với Tehran mà không có bằng chứng rõ ràng nào.
Ngoại trưởng Zarif cáo buộc Washington tìm cách phá hoại nỗ lực ngoại giao trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới thăm Iran để làm trung gian hòa giải cho căng thẳng hiện nay tại khu vực Trung Đông.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải diễn ra tại thủ đô Bishkek của Kyrgystan, Tổng thống Iran Rouhani nói: "Chính phủ Mỹ trong hai năm qua đang vi phạm toàn bộ các quy định và cơ cấu quốc tế, sử dụng các nguồn lực kinh tế, tài chính và quân sự, theo đuổi cách tiếp cận hiếu chiến và đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho sự ổn định trong khu vực và trên thế giới".
Tổng thống Rouhani cũng lên tiếng chỉ trích Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức), cho rằng chính quyền Mỹ đang gây áp lực đối với các bên và các nước khác, vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về bình thường hóa các tiếp xúc thương mại với Tehran. Nhà lãnh đạo Iran kêu gọi các bên khác tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran "thực hiện càng sớm càng tốt trách nhiệm của mình" để Tehran có thể phát triển các lợi ích kinh tế của mình trong khuôn khổ của thỏa thuận.
Phản ứng quốc tế
Trước vụ việc trên, Quốc vụ khanh về đối ngoại của Saudi Arabia Adel al-Jubeir nhất trí với Mỹ rằng Iran đứng sau các sự cố nghi là tấn công nói trên. Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falid kêu gọi cộng đồng quốc tế chia sẻ trách nhiệm và bảo vệ các hải trình quốc tế, đồng thời khẳng định Riyadh sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ các cảng và vùng biển của mình. Người đứng đầu ngành năng lượng của Saudi Arabia cho biết Riyadh và tập đoàn dầu mỏ nhà nước Aramco đã sẵn sàng các phương án đối phó với các vụ tấn công, và cam kết sẽ đảm bảo nguồn cung dầu đáng tin cậy cho thị trường thế giới.
Nước Anh cũng tuyên bố những vụ tấn công nhằm vào các tàu dân sự là hoàn toàn không thể chấp nhận và Anh sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ cuộc điều tra nào đối với vụ việc này. Một nguồn tin Văn phòng Đối ngoại Anh cho biết London đồng ý với nhận định của Mỹ đổi lỗi cho Iran thực hiện các vụ tấn công tại Vịnh Oman.
Trong khi đó nhận định về sự việc trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng hiện còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về vụ việc do còn thiếu nhiều thông tin. Ông nêu rõ: "Không ai biết rõ điều gì đằng sau vụ tấn công này".
Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, cựu Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak cho rằng quyết định của Mỹ điều tàu khu trục mang tên lửa đến Vịnh Oman, sau vụ việc nêu trên, ẩn chứa nhiều hậu quả tiêu cực nghiêm trọng.
Ông Kislyak nhận định bước đi này giống như bất kỳ động thái gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực và khiến Nga lo ngại. Ông nhấn mạnh quyết định như vậy tiềm ẩn nhiều hậu quả tiêu cực to lớn và lâu dài, đồng thời cho rằng tình hình ở Vịnh Oman có thể được các bên liên quan đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Theo ông, trong tình huống này, cộng đồng quốc tế cần bình tĩnh và phân xử một cách khách quan về những gì đã xảy ra, thay vì phản ứng vội vàng trước những hình ảnh không rõ nguồn gốc.
Trung Quốc đã kêu gọi "đối thoại" sau khi Mỹ cáo buộc Iran đứng sau các vụ tấn công nhằm vào 2 tàu chở dầu trên Vịnh Oman.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nêu rõ: "Chúng tôi hy vọng tất cả các bên liên quan có thể giải quyết một cách thích đáng những mâu thuẫn của họ và giải quyết xung đột thông qua đối thoại và các cuộc tham vấn. Điều này phù hợp với những lợi ích của các nước khu vực cũng như với những lợi ích của cộng đồng quốc tế".
Bộ Ngoại giao Iraq đã ra tuyên bố lên án vụ tấn công, và kêu gọi đối thoại đảm bảo ổn định tại Trung Đông. Bộ trên cho biết thêm rằng Iraq phản đối chính sách "bóp nghẹt" người dân, ám chỉ các lệnh trừng phạt chống Iran, cũng như gây nguy hại đến an ninh của nước này, sự can thiệp vào công việc nội bộ của họ và dùng vũ lực để giải quyết các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông. Bộ trên kết luận cần "nối lại đối thoại nhằm đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực".
Qatar thì kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về các vụ tấn công nhằm vào hai tàu chở dầu ở Vịnh Oman trước đó cùng ngày cũng như giảm leo thang căng thẳng tại khu vực. Hãng thông tấn nhà nước QNA dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Qatar cho biết bộ này lên án cái gọi là hành động phá hoại "bất chấp kẻ đứng sau vụ việc là ai", đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và chấm dứt leo thang. Doha cũng cảnh báo việc làm xáo trộn an ninh của vùng Vịnh cũng như khu vực rộng lớn hơn.
Bộ Ngoại giao Ai Cập lên án mọi hành động gây nguy hại đến an toàn của các vùng biển tại vùng Vịnh. Bộ trên cho biết Ai Cập rất quan ngại và đang theo dõi tin tức về vụ việc.
Liên minh châu Âu (EU) cũng kêu gọi "kiềm chế tối đa" sau khi có thông tin về sự cố có thể là "tấn công" nhằm vào hai tàu thương mại tại Vịnh Oman, gần bờ biển Iran. Maja Kocijancic, người phát ngôn của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini cho biết: "Khu vực này không cần thêm các yếu tố gây bất ổn và căng thẳng, vì vậy bà Mogherini kêu gọi tiếp tục kiềm chế tối đa và tránh mọi khiêu khích".
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, người vừa trở về nước từ chuyến đi tới Iran, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du Trung Đông gồm Iraq, Jordan và các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng cho rằng thông tin về các vụ tấn công tại Vịnh Oman là rất đáng lo ngại và đe dọa gây leo thang căng thẳng trong khu vực.
Về phía Liên hợp quốc, ngày 13-6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cực lực lên án vụ tấn công trên, đồng thời cảnh báo rằng thế giới không thể để xảy ra một cuộc đối đầu lớn tại vùng Vịnh.
Cũng ngay trong chiều 13-6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức họp kín để nghe quyền Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Jonathan Cohen trình bày những lập luận của Washington đối với cáo buộc Iran đứng sau sự việc. Tuy nhiên, các ủy viên Hội đồng Bảo an khác cho rằng không có bằng chứng rõ ràng cho thấy Iran liên quan tới các vụ tấn công.
Đại sứ Kuwait tại Liên hợp quốc Mansour al-Otaibi cho biết nhiều ủy viên Hội đồng Bảo an đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra nhằm làm rõ sự thật.
Còn Tổng thư ký Liên đoàn Arab cho rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần có hành động sau vụ tấn công hai tàu chở dầu của Na Uy và Nhật Bản tại Vịnh Oman, đồng thời thông báo một số nước trong khu vực đang điều tra làm rõ các vụ tấn công này.
Nguy cơ gia tăng xung đột
Trên thực tế, eo biển Hormuz án ngữ trên tuyến đường vận chuyển dầu lửa và khí đốt quan trọng của thế giới, chia tách các nước vùng Vịnh và Iran. Nơi đây đã trở thành tâm điểm chú ý trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015, áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran, trong đó có việc cấm các nước mua dầu thô của nước này. Cùng với những tuyên bố cứng rắn, Mỹ đã cho triển khai lực lượng quân sự đến khu vực xung quanh Iran, để ứng phó “những dấu hiệu đáng lo ngại”.
Đáp lại, Iran đe dọa sẽ phong tỏa Eo biển Hormuz, con đường quan trọng tiếp cận Vịnh Ba Tư, đồng thời tuyên bố có thể giảm cam kết thực hiện thỏa thuận hạt nhân. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo và nhiều tên lửa cũng đang được cho là điều động đến khu vực bờ biển hướng ra eo biển Hormuz.
Theo trang Axios, Israel cung cấp thông tin tình báo cho biết Iran “đang âm mưu tấn công” nhắm vào lực lượng Mỹ và đồng minh tại vùng Vịnh. Tờ Washington Post cũng đưa tin, Iran dường như đang di chuyển các tên lửa đạn đạo lên tàu quân sự ở Vùng Vịnh và sẵn sàng cho các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Mỹ và đồng minh ở Saudi Arabia, Bahrain và Qatar. Mỹ cũng không loại trừ khả năng Iran sẽ tấn công các vị trí của quân đội Mỹ ở Iraq và Syria.
Trong khi đó, chuyên gia Saudi Arabia, ông Hezam al-Hezam cáo buộc Cơ quan Tình báo Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thực hiện các vụ tấn công nhằm vào 2 tàu chở dầu ở Vịnh Oman nhằm kích động cuộc chiến chống Iran. Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter, ông Hezam đã mô tả các cuộc tấn công này là một âm mưu của UAE nhằm chống lại Tehran. Chuyên gia trên nhấn mạnh Iran không “ngây thơ” đe dọa hoạt động vận tải biển trong khu vực theo cách thức như vậy mà không cân nhắc kỹ lưỡng tới các lệnh trừng phạt kinh tế đang nhằm vào mình.
Chính vì vậy, việc Mỹ cáo buộc Iran đứng sau các vụ tấn công 2 tàu chở dầu ở Vịnh Oman trong khi Iran phủ nhận cáo buộc này, có thể khiến sự việc vượt tầm kiểm soát của cả Mỹ và Iran, bởi hai bên không chỉ đe dọa lẫn nhau mà còn có những động thái nguy hiểm là động binh nhằm vào khu vực eo biển Hormuz.
Giới phân tích nhận định các diễn biến mới này có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự, thậm chí xung đột vũ trang tại khu vực. Vì thế, cộng đồng quốc tế cần sớm có các quyết sách nhằm hóa giải nguy cơ có thể xảy ra cuộc chiến tại khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh toàn cầu./.Hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam  (16/06/2019)
Hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam  (16/06/2019)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri Hải Phòng  (16/06/2019)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 10 đến ngày 16-6-2019  (16/06/2019)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 10 đến 16-6-2019)  (16/06/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên