Ngành dầu khí Việt Nam phát huy truyền thống thế hệ “những người đi tìm lửa”, trở thành ngành kinh tế trụ cột của đất nước
TCCS - Ngày 23-7-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn xa trông rộng đã định hướng Việt Nam sẽ xây dựng ngành công nghiệp dầu khí. Người mong muốn, sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung và Adecbaigian nói riêng phải giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh. Trải qua 60 năm, mặc dù có những thời điểm đầy khó khăn, trở ngại, ngành dầu khí Việt Nam đã vươn lên, trở thành ngành kinh tế lớn mạnh, hiện đại, đồng bộ, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước cũng như công cuộc xây dựng đất nước.
Tầm nhìn chiến lược và những bước phát triển
Đầu thế kỷ XIX, các nhà địa chất Pháp phát hiện một số vết lộ dầu ở Đồng Ho (huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh); núi Lịch (tỉnh Yên Bái); Nậm Ún và Sài Lương (tỉnh Sơn La); đầm Thị Nại (tỉnh Bình Định)…, nhưng không có ý kiến gì về triển vọng dầu khí ở Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám thành công đưa Việt Nam trở thành một nước độc lập. Ngành địa chất và khai thác mỏ nhanh chóng được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức lại hoạt động. Riêng trong lĩnh vực dầu khí, từ năm 1945 đến năm 1954 chưa có nhiều nghiên cứu. Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (năm 1954), toàn Đảng, toàn dân ta tập trung vào công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Trong chuyến thăm Liên Xô năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Khu Công nghiệp dầu khí Ba-cu của nước Cộng hòa Adecbaigian. Người bày tỏ ước muốn, sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung và Adecbaigian nói riêng phải giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh. Đáp lại đề nghị của Bác, năm 1959, Chính phủ Liên Xô cử chuyên gia địa chất dầu khí S.K. Kitovani sang giúp Việt Nam tiến hành điều tra địa chất dầu khí. Trong 2 năm 1959 - 1961, khảo sát trên 11 tuyến với 25.000km lộ trình, ông cùng các đồng nghiệp Việt Nam hoàn thành báo cáo tổng hợp đầu tiên ở nước ta: "Địa chất và triển vọng dầu khí ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Ngày 9-10-1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 159/CP, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Tổng cục Địa chất. Ngày 27-11-1961, Tổng cục Địa chất ra Quy định số 271-ĐC thành lập Đoàn Thăm dò dầu lửa số 36 (Đoàn Địa chất 36) - tổ chức đầu tiên của Việt Nam có nhiệm vụ nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò dầu khí tại Việt Nam. Ngày 9-10-1969, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 203/CP, thành lập Liên đoàn Địa chất 36 với nhiệm vụ xây dựng, quy hoạch, kế hoạch nghiên cứu, tìm kiếm và thăm dò dầu mỏ và khí đốt ở trong nước. Sau khi Liên đoàn Địa chất 36 hoàn thành giếng khoan 100 tại huyện Tiên Hưng (tỉnh Thái Bình), Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng trực tiếp nghe báo cáo của lãnh đạo Tổng Cục Địa chất, Liên đoàn Địa chất 36 và đoàn chuyên gia Liên Xô tại Phủ Chủ tịch (năm 1972). Thủ tướng đến tận giếng khoan 61 và 63 tại huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) để động viên, khích lệ cán bộ và công nhân khi phát hiện dòng khí công nghiệp và dầu.
Trong lúc cả miền Bắc tập trung mọi sức lực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, Chính phủ vẫn dành sự quan tâm cho dầu khí, thể hiện bằng quyết định thành lập Ban Điều tra dầu mỏ và khí đốt ở Vịnh Bắc Bộ (Quyết định số 48-TTg ngày 13-3-1974), có nhiệm vụ nghiên cứu chính sách, luật lệ cơ bản, xây dựng điều lệ và hợp tác điều tra, khai thác dầu mỏ và khí đốt ở Vịnh Bắc Bộ, cũng như tổ chức đàm phán, ký kết và kiểm tra việc thực hiện các hợp đồng về điều tra sơ bộ dầu mỏ và khí đốt ở Vịnh Bắc Bộ. Mặc dù mới có những kết quả ban đầu về phát hiện khí ở đồng bằng sông Hồng và các thông tin hết sức sơ bộ về kết quả khoan, thăm dò dầu khí của các công ty Mỹ ở thềm lục địa ở phía Nam Việt Nam, chỉ 3 tháng sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ngày 9-8-1975, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết số 244-NQ/TW, về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước, trong đó nhấn mạnh: “Chúng ta phải nhanh chóng tìm và khai thác dầu khí, dầu hỏa trở thành một vấn đề kinh tế, chính trị có ý nghĩa chiến lược cần được Nhà nước coi là một trọng điểm ưu tiên trong kế hoạch kinh tế tài chính và khoa học kỹ thuật…”.
Có thể nói, tầm nhìn chiến lược của Đảng theo Nghị quyết số 224 là “sợi chỉ hồng” xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển của ngành dầu khí Việt Nam. Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP, ngày 3-9-1975, về việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam trên cơ sở Liên đoàn Địa chất 36 và một bộ phận thuộc Tổng cục Hóa chất. Ngày 25-7-1976, ngành dầu khí đã phát hiện dòng khí thiên nhiên đầu tiên tại giếng khoan số 61 ở xã Đông Cơ (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình).
Vào những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, Việt Nam gặp nhiều khó khăn do chiến tranh biên giới, chính sách cấm vận của Mỹ, khủng hoảng kinh tế - xã hội… Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ Việt Nam đã ký với Chính phủ Liên Xô “Hiệp định hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam”. Trong giai đoạn 1977 - 1986, nhiều hoạt động nghiên cứu thăm dò được tiến hành với các đối tác của Liên Xô và châu Âu trong lĩnh vực dầu mỏ. Sau 5 năm kể từ khi phát hiện khí, dòng khí công nghiệp ở mỏ khí Tiền Hải đã được khai thác để đưa vào phục vụ cho phát điện và công nghiệp địa phương tỉnh Thái Bình. Ngày 19-6-1981, Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt-Xô (Vietsovpetro) được thành lập, trở thành đơn vị chủ lực của ngành dầu khí Việt Nam.
Những nghiên cứu và khảo sát tìm kiếm vào tháng 5-1984 cho thấy, có thể có khả năng khai thác dầu thương mại trên các cấu tạo Bạch Hổ, Rồng. Ngày 6-11-1984, chân đế giàn khoan dầu khí đầu tiên của Việt Nam (MSP-1) tại mỏ Bạch Hổ được hạ thủy. Ngày 26-6-1986 đi vào lịch sử khai thác dầu khí Việt Nam khi Vietsovpetro khai thác tấn dầu đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ từ giàn MSP-1 và đã có tên trong danh sách các nước khai thác và xuất khẩu dầu thô trên thế giới, khẳng định một tương lai phát triển đầy hứa hẹn của ngành công nghiệp dầu khí đất nước. Tháng 12-1970, Hội đồng Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Tổng cục Hóa chất chuẩn bị công tác chế biến dầu khí và hóa dầu. Ngày 27-9-1971, Tổng cục trình Chính phủ “Nhiệm vụ xây dựng, phát triển ngành dầu mỏ và khí đốt” với một trong 6 nội dung chính là xin phép thành lập Ban Nghiên cứu dầu mỏ và khí đốt trực thuộc Tổng cục Hóa chất. Ngày 03-3-1972, Tổng cục Hóa chất quyết định thành lập Ban Dầu mỏ và Khí đốt với nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, quy hoạch, phương hướng, biện pháp và chính sách xây dựng, phát triển ngành dầu mỏ và khí đốt trên cả nước.
Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP, ngày 3-9-1975, về việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam; Quyết định số 251/CP, ngày 9-9-1977, về thành lập Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, gọi tắt là Petrovietnam trực thuộc Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam; Quyết định số 250/HĐBT, ngày 6-7-1990, về việc thành lập Tổng Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam trực thuộc Bộ Công nghiệp nặng. Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 125-HĐBT, ngày 14-4-1992, về việc đặt Tổng Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Chính phủ ban hành Nghị định số 37-CP, ngày 29-5-1995, về tổ chức Tổng Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam và Quyết định số 330/TTg về việc thành lập Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam có tên giao dịch quốc tế là Vietnam Oil and Gas Corporation, viết tắt là Petrovietnam.
Tập trung thực hiện những giải pháp phát triển phù hợp
Thực tế hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra yêu cầu Việt Nam cần có những tập đoàn mạnh, có tầm vóc để tạo ra sức mạnh tập trung nhằm giải quyết những vấn đề lớn và tham gia các dự án quốc tế, tăng cường sự hiện diện trên thế giới… Đối với ngành dầu khí, đòi hỏi cấp bách lúc này được thể hiện trong Quyết định số 386/QĐ-TTg, ngày 3-9-2006, phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025. Nhằm tạo cơ sở pháp lý, mô hình tổ chức và cơ chế quản lý phù hợp, thuận lợi cho việc phát triển ngành dầu khí Việt Nam giai đoạn trên, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 198/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hình thành Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Quyết định số 199/2006/QĐ-TTg, ngày 29-8-2006, về việc thành lập công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Theo đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (sau đây gọi là Tập đoàn) là tổ hợp doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, bao gồm: Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên, các cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo. Ngày 14-3-2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Với quyết định trên, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam trở thành tập đoàn kinh tế nhà nước và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Các đơn vị thành viên của Tập đoàn là các đơn vị hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và được hình thành trên cơ sở sắp xếp, chuyển đổi từ các đơn vị thành viên Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên đều là các pháp nhân độc lập, mối quan hệ giữa Tập đoàn và các đơn vị thành viên được chuyển từ mệnh lệnh hành chính trước kia sang chủ yếu dựa trên hợp đồng kinh tế. Tập đoàn Dầu khí chi phối các hoạt động của các đơn vị thành viên với tư cách là chủ sở hữu/cổ đông; và thông qua người đại diện của mình tại các đơn vị thành viên. Năm 2010, Tập đoàn tiếp tục nhận các đơn vị thành viên mới khác, trong đó có Công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư PETEC. Ngày 18-6-2010, Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ cấu lại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), trong đó có việc chuyển giao 12 công ty con của Vinashin về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)…
Sau 60 năm thực hiện ý nguyện của Bác Hồ, ngành dầu khí Việt Nam trưởng thành, lớn mạnh, trở thành ngành kinh tế năng lượng quan trọng của đất nước, tham gia sâu rộng vào quá trình hội nhập quốc tế. Hiện nay, hơn 60.000 người lao động của ngành dầu khí hăng say, miệt mài làm việc trên các công trình trọng điểm của quốc gia, của ngành, trải rộng trong các lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.
Ở lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí: từ đầu năm 2001 đến nay, Petrovietnam đã ký hơn 30 hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí trong nước với nhiều công ty dầu khí nước ngoài, như Petronas, PVEP và Pertamina (Lô 10 và 11-1); KNOC (Lô 11-2),... tại bể trầm tích Nam Côn Sơn; Gazprom (Lô 112, 113), Petronas (Lô 103, 107),... tại bể trầm tích sông Hồng; Quad (Lô MHVN-2); Arrow Global (Lô MVHN-01KT) tại miền võng Hà Nội...; khảo sát hàng trăm nghìn ki-lô-mét địa chấn 2D, hàng chục nghìn ki-lô-mét địa chấn 3D, khoan hàng trăm giếng thăm dò, thẩm lượng và khai thác; có nhiều phát hiện dầu khí, như Cá Ngừ Vàng, Sư Tử Trắng, Đông Đô, Phương Đông, Báo Vàng, Tê Giác Trắng, Hải Sư Đen...; đưa vào khai thác các mỏ dầu khí mới, như Sư Tử Đen, Lan Tây, Rồng Đôi - Rồng Đôi Tây, Phương Đông,... thuộc khu vực PM3-CAA, Sư Tử Vàng, Sông Đốc.
Lĩnh vực công nghiệp khí, điện, đạm: năm 2006, Vietsopetro nhận thầu xây dựng đường ống dẫn khí từ các mỏ khu vực PM3-CAA về Khu Công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau dài 289km trên biển, 43km trên bờ, công suất thiết kế 2 tỷ mét khối/năm. Ngày 11-5-2007 đường ống này được vận hành, cung cấp khí cho Nhà máy Điện Cà Mau 1, đến tháng 03-2008 cấp khí cho Nhà máy Điện Cà Mau 2. Đường ống dẫn khí từ Phú Mỹ đến Nhơn Trạch với công suất thiết kế 2 tỷ mét khối/năm bắt đầu cung cấp khí cho Nhà máy Điện Nhơn Trạch 1 và Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2... Ngoài việc cung cấp khí cho các nhà máy điện, Tổng Công ty khí Việt Nam (PV GAS) còn sản xuất và cung cấp khí hóa lỏng cho sinh hoạt và công nghiệp; condensat cho nhà máy chế biến condensat thành xăng, khí cho Nhà máy Đạm Phú Mỹ và Cà Mau…
Nhà máy Điện Cà Mau 1, Cà Mau 2 và đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau (xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) thuộc tổ hợp Dự án Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, được khởi công vào năm 2005, với mức tổng đầu tư trên 860 triệu USD, tổng công suất 1.500MW. Nhà máy Điện Nhơn Trạch 1 khánh thành từ năm 2009, sử dụng nhiên liệu chính là khí tự nhiên, nguồn khí cung cấp từ các mỏ thuộc bể Cửu Long và bể Nam Côn Sơn, nhiên liệu dự phòng là dầu DO. Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng là dự án nhà máy nhiệt điện lớn nhất hiện nay ở khu vực Đông Nam Á, và là một trong 4 nhà máy của Trung tâm Nhiệt điện Vũng Áng tại Khu Kinh tế Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh)... Với việc hoàn thành và đưa vào vận hành Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp 1/3 nhu cầu tiêu thụ và bình ổn giá phân đạm của cả nước. Bên cạnh đó, Tổ hợp Khí - Điện - Đạm Cà Mau được xây dựng góp phần giải quyết sự thiếu hụt nghiêm trọng về điện, bổ sung nguồn phân đạm cho đất nước.
Lĩnh vực công nghiệp lọc - hóa dầu: các công trình lọc hóa dầu được Petrovietnam triển khai, tiêu biểu như Công trình lọc dầu Dung Quất, với công suất thiết kế nhà máy lọc dầu lên đến 6,5 triệu tấn/năm, được đặt tại Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 19-3-2008, Petrovietnam ký thỏa thuận thành lập Liên doanh và Điều lệ Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn với tổ hợp gồm Công ty Hóa chất thuộc Tập đoàn Siam Cement, Công ty Hóa dầu Thái Lan và Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam...
Về dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao: Cảng dịch vụ Dầu khí PTSC tại Vũng Tàu với tổng diện tích 81,5ha là trung tâm dịch vụ logistics chuyên nghiệp, phục vụ hoạt động dầu khí tại Việt Nam và khu vực ASEAN; cung cấp những dịch vụ tốt nhất đáp ứng yêu cầu cho tất cả các nhà thầu khoan, thăm dò, khoan khai thác, phát triển mỏ... Ngoài ra, PTSC còn thực hiện các dịch vụ khác, như tiếp nhận hàng thương mại, tổ chức đưa đón khách du lịch bằng đường biển nhằm phát huy mọi tiềm năng khai thác cảng, tăng doanh thu, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Về hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài: kể từ năm 1997, Petrovietnam bắt đầu tìm kiếm cơ hội và triển khai các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài, khởi đầu là tham gia Dự án Tamsaq (Mông Cổ) năm 1999.
Có thể thấy, sau 60 năm thực hiện ý nguyện của Bác Hồ, ngành dầu khí Việt Nam nói chung, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nói riêng đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ, từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp khí, điện và dịch vụ dầu khí; hoàn chỉnh hoạt động theo mô hình tập đoàn, thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp, tập trung vào các hoạt động cốt lõi. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn đạt hiệu quả, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Tổng doanh thu đạt trên 374 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước trên 105 tỷ USD. Chỉ tính riêng từ khi bắt đầu hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế vào năm 2006, tổng tài sản của Tập đoàn ước đạt gần 147.000 tỷ đồng, đến năm 2018, con số này là gần 825.000 tỷ đồng. Tập đoàn ngày càng khẳng định vai trò là tập đoàn tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế, góp phần tích cực đưa hình ảnh đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Tập đoàn đã tích cực phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, trở thành nòng cốt, hạt nhân trong việc hình thành các khu công nghiệp tập trung tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai - Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất - Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Vũng Áng - Hà Tĩnh, Nghi Sơn - Thanh Hóa; đồng thời tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, ý thức trách nhiệm cao trong hoạt động chia sẻ với cộng đồng./.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh  (19/07/2019)
Hội thảo khoa học: Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia - Vai trò của ngành dầu khí  (19/07/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển