Vietcombank đã sẵn sàng đáp ứng ở mức độ cao nhất trong mở rộng thanh toán trực tuyến các dịch vụ công
TCCS - Sáng 11-6-2019, tại Thành phố Hồ Chí Minh, dưới sự chỉ đạo nội dung của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Thanh Toán (NHNN) tổ chức Hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam”.
Trong bối cảnh NHNN cùng các bộ, ngành đang tập trung triển khai các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 02/2019 của Chính phủ, Hội thảo với chủ đề “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam” trong khuôn khổ Chương trình Ngày không tiền mặt (16-6) có ý nghĩa rất lớn khi nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành (NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ) và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, tham dự Hội thảo có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số vụ, cục thuộc NHNN, một số đơn vị cung ứng dịch vụ công, ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức trung gian thanh toán, các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan báo chí.
Là đơn vị đồng hành tổ chức Hội thảo, về phía Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc đã tham dự và tham gia phiên thảo luận trong khuôn khổ sự kiện.
Hội thảo gồm có 2 phiên. Phiên 1 về “Thanh toán không tiền mặt với dịch công” với các bài tham luận về đẩy mạnh TTKDTM đối với dịch vụ công, về công nghệ thanh toán, những kết quả trong TTKDTM đối với dịch công; phần thảo luận về các giải pháp và chính sách thúc đẩy thanh toán không tiền mặt có sự tham gia của các diễn giả đến từ NHNN, Hiệp hội thẻ, một số NHTM, đại diện cơ quan Hải quan. Phiên 2 có chủ đề “Giải pháp và cơ hội cho người dùng trong xã hội không tiền mặt”. Chủ đề thảo luận phiên 2 là: Kinh nghiệm trong chuyển dịch thanh toán không tiền mặt & sự bùng nổ của Mobile Payment/Digital Payment trên thế giới và những lợi ích cho người tiêu dùng khi thanh toán không tiền mặt.
Thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra tác động kép vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ ngân hàng - tài chính.
Để đẩy mạnh TTKDTM, thời gian qua, bên cạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đồng thời chỉ đạo các TCTD tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng thanh toán; tăng cường công tác an ninh, bảo mật, bảo đảm quyền lợi của khách hàng; cũng như triển khai ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 trong cung ứng dịch vụ thanh toán. Bên cạnh đó, NHNN cũng đẩy mạnh truyền thông phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho người dân, khuyến khích sử dụng các phương thức TTKDTM.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phù Vương Đình Huệ đánh giá cao sáng kiến của báo Tuổi Trẻ về việc chọn ngày 16-6 là Ngày không tiền mặt và cho rằng Hội thảo là một trong những sự kiện quan trọng, sự có mặt của nhiều lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành, chính quyền TP.HCM đã cho thấy quan tâm, mong muốn của Chính phủ trong đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt. Phó Thủ tướng hy vọng với những kết quả đạt được tại hội thảo, thanh toán không tiền mặt của Việt Nam sẽ có sự phát triển vượt bậc.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã có kết quả đáng ghi nhận trong năm 2018. Cụ thể, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn với giá trị 73 triệu tỉ đồng (gấp 13 lần GDP, xử lý khoảng 13 tỉ USD/ngày), tăng trưởng 25% so với năm 2017. Giá trị thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng 169,5% so với năm 2017. Khảo sát của PwC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán di động ở Việt Nam đã tăng từ 37% lên 61%.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, với phương châm chủ đạo lấy khách hàng làm trọng tâm, ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0 làm nhân tố quyết định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam định hướng xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số.
Bên cạnh đó, nội dung quan trọng là phải xây dựng thành công hạ tầng thanh toán quốc gia, xử lý thanh toán theo thời gian thực, vận hành liên tục 24x7, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong nền kinh tế số, đặc biệt có khả năng kết nối, tích hợp và xử lý thanh toán cho tất cả các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành ngân hàng, tăng cường hợp tác ngân hàng - Fintech để tạo sự phát triển năng động, bứt phá trong hoạt động ngân hàng, gia tăng lợi ích và sự hài lòng của khách hàng. Cùng với đó, vì khách hàng là trọng tâm nên việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ phải bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống trong ngành ngân hàng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
“Tôi hy vọng kết quả từ Hội thảo này sẽ truyền đi thông điệp tích cực về lợi ích của thanh toán điện tử đối với người dân và xã hội”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh.
Các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán như việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS,... hiện được các ngân hàng nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng, đặc biệt là việc thanh toán bằng QR Code gắn với đẩy mạnh thanh toán qua điện thoại di động hợp với xu thế phát triển trên thế giới và hành vi người tiêu dùng.
Ngoài ra, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng cũng được đẩy mạnh. Hiện có khoảng 50 ngân hàng đã thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với ngành thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước. 95% số thu hải quan thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử.
Về hạ tầng, để đáp ứng thanh toán các dịch vụ công, thời gian qua, Vietcombank đã tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước đẩy mạnh triển khai với việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ cao nhất (mức độ 4), tạo thuận lợi tối đa cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ, ở góc độ ngân hàng thương mại, Vietcombank đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện để sẵn sàng đáp ứng cho việc mở rộng thanh toán các dịch vụ công, từ các kênh thanh toán truyền thống đến hiện đại, như QR Code, thanh toán không tiếp xúc…Thời gian qua, Vietcombank đã luôn đi đầu trong ứng dụng công nghệ, tập trung nguồn lực cho ứng dụng công nghệ thanh toán cho tất cả khách hàng, dịch vụ công. Điển hình như phối hợp thu thuế nội địa và thuế xuất nhập khẩu, bao gồm tại quầy, ATM, mobile banking, internet banking tại toàn bộ chi nhánh của Vietcombank.
Vừa qua, Vietcombank đã phối hợp triển khai thanh toán dịch vụ hành chính công cho tỉnh Quảng Ninh với hơn 1.300 dịch vụ công trực tuyến và hàng nghìn loại thuế phí, dán mã QR Code tại các cơ quan hành chính tại Quảng Ninh để người dân, doanh nghiệp có thể thanh toán các loại thuế, phí qua internet banking, mobile banking…; Vietcombank cũng đang phối hợp với các tỉnh, thành khác trên toàn quốc để mở rộng mô hình này.
Tại Hội thảo, bà Phùng Nguyễn Hải Yến cũng đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả trong cung ứng thanh toán dịch vụ công. Cụ thể, đối với các đơn vị hành chính công, cần có sự vào cuộc tích cực và trách nhiệm của các địa phương trong việc sẵn sàng về cơ sở dữ liệu và hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống thanh toán của ngân hàng; cũng như xây dựng lộ trình rõ ràng đưa danh mục dữ liệu lên mức độ 3 và 4 để tiến tới việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân hiểu các tiện ích của dịch vụ, yên tâm về tính an toàn của dịch vụ, cũng như nắm bắt được rõ ràng quy trình thực hiện, từ đó khuyến khích người dân có thói quen sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, về phía các cơ quan quản lý nhà nước, Vietcombank cũng đề xuất các bộ ngành liên quan cần ưu tiên rà soát và ban hành các văn bản liên quan để hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc thanh toán dịch vụ công trực tuyến qua các ngân hàng như định danh khách hàng, chứng từ hóa đơn điện tử…
Với sự tham gia trình bày của nhiều diễn giả, hội thảo cho thấy một bức tranh toàn cảnh về TTKDTM tại Việt Nam với các giải pháp, định hướng được đề xuất phù hợp với mục tiêu hướng đến xã hội không dùng tiền mặt. Kết quả từ hội thảo cũng sẽ truyền đi thông điệp tích cực về lợi ích của thanh toán điện tử đối với người dân và xã hội, thúc đẩy TTKDTM.
Phối hợp cùng Ban tổ chức, Vietcombank đã tham gia công tác hỗ trợ nhiều hoạt động trong khuôn khổ hội thảo, bố trí gian hàng trưng bày giới thiệu SPDV mới, hiện đại của Vietcombank cũng như thông tin, tư vấn cho các đại biểu quan tâm đến các lĩnh vực hoạt động và nhu cầu tìm hiểu, sử dụng SPDV của Vietcombank, góp phần tạo nên thành công chung của hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam”./.
Lan tỏa yêu thương từ “Giọt hồng miền non nước”  (18/07/2019)
Xây dựng phong cách của cán bộ lãnh đạo trong Công an nhân dân hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh  (18/07/2019)
Bế mạc Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (17/07/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên