Tổng thống Nga V. Putin và những thách thức mới

Nguyễn Đăng Phát Tổng Biên tập Tạp chí Bạch Dương
23:47, ngày 19-04-2018

TCCSĐT - Hai ngày sau khi được Ủy ban bầu cử Trung ương Nga chính thức xác nhận tái đắc cử, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lập tức thực hiện chuyến công du ngoài kế hoạch đến thành phố công nghiệp Kemerovo ở Siberia để chỉ đạo xử lý vụ hỏa hoạn thảm khốc khiến 64 người thiệt mạng. Liền sau đó, nhà lãnh đạo Nga cũng chuẩn y những biện pháp của Bộ Ngoại giao Nga đáp trả quyết liệt với Anh, Mỹ và nhiều nước phương Tây trong “cuộc chiến ngoại giao” căng thẳng chưa từng thấy. Dư luận nhận định, dường như đó là những tín hiệu báo trước một nhiệm kỳ mới đầy khó khăn, thách thức đối với Tổng thống Nga V. Putin cả về đối nội và đối ngoại.



“Kỷ lục gia”

Vượt xa 07 đối thủ khác trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 2018, ông V. Putin đã lập được loạt kỷ lục “vô tiền khoáng hậu”. Làm chủ Điện Kremlin nhiệm kỳ thứ tư, xen ở giữa là một nhiệm kỳ làm chủ “Nhà Trắng” - trụ sở Chính phủ Nga. Đây được coi là thành tích chưa từng có và trong tương lai khó ai có thể lập được ở xứ sở Bạch Dương. Giành 76,69% số phiếu bầu, ông V. Putin vượt lên chính mình trong ba lần tranh cử trước đây: năm 2000, giành được 52,94% số phiếu, năm 2004: 71,31%, năm 2012: 60,63%. Và kết quả này cũng cao hơn con số 70,28% phiếu bầu mà ứng cử viên Dmitry Medvedev đạt được trong cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2008 - năm ông V. Putin không thể ra tranh cử vì Hiến pháp Nga quy định một người không được giữ chức tổng thống quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Điều gì đã giúp Tổng thống Nga V. Putin giành được sự ủng hộ cao rất ổn định của người dân Nga như vậy? Trong bài phát biểu với quốc dân Nga vào ngày 23-3-2018, ông V. Putin cho rằng sự tín nhiệm mà cử tri Nga dành cho ông là “sự đánh giá tốt đẹp về những gì đã làm được, về những kết quả tích cực có được trong những năm qua” và cũng thể hiện “niềm hy vọng của người dân Nga về những chuyển biến tốt hơn nữa trong tương lai”.

Tin vào “thuyền trưởng”

Suốt 18 năm qua, ông V. Putin luôn được người dân Nga tin tưởng giao phó trọng trách “thuyền trưởng”, “chèo lái con thuyền” nước Nga vượt qua nhiều thác ghềnh, vươn tới những dấu mốc quan trọng.

Tháng 8-1999, Giám đốc Cơ quan an ninh Liên bang Nga - 46 tuổi - V. Putin bất ngờ được cử làm Thủ tướng Nga. Tháng 12-1999, ông V. Putin trở thành quyền Tổng thống Nga sau khi Tổng thống Nga Boris Yeltsin từ chức. Cuộc bầu cử Tổng thống Nga trước thời hạn (ngày 26-3-2000) đã đưa ông V. Putin chính thức trở thành “ông chủ” Điện Kremlin giữa lúc nước Nga rơi vào vòng xoáy khủng hoảng toàn diện. Những quyết sách đầu tiên của vị tổng thống trẻ tuổi đã nhanh chóng mang lại những thay đổi tích cực ở nước Nga: chặn đứng nguy cơ tan rã thể chế liên bang, hệ thống chính quyền chiều dọc được củng cố. “Điểm nóng” của Liên bang Nga thời điểm đó là vùng Chechnya đòi ly khai và khủng bố hoành hành, được hóa giải. Trên lĩnh vực kinh tế, nước Nga chế ngự được hậu quả của chính sách tư nhân hóa sai lầm dưới thời Tổng thống Nga B. Yeltsin. Nhà nước Nga lại nắm giữ vai trò then chốt trong khu vực dầu khí và những ngành mũi nhọn khác. Được hưởng lợi từ thị trường dầu khí tăng giá, song song với việc tăng chi cho mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân, Chính phủ Nga còn tập trung đầu tư cho phát triển, xây dựng một số quỹ dự phòng, nỗ lực thanh toán gánh nợ nước ngoài đọng lại từ giai đoạn trước (giữa những năm 90 của thế kỷ XX, Nga chỉ có 12 tỷ USD dự trữ ngoại hối, nợ nước ngoài lên đến 165 tỷ USD; năm 1998, Nga tuyên bố hoãn trả nợ, nhưng đến năm 2007 Nga đã có gần 500 tỷ USD dự trữ ngoại hối và thanh toán hết nợ nước ngoài).

Sau nhiệm kỳ Tổng thống Nga đầu tiên của ông V. Putin, tình hình Liên bang Nga đã khác hẳn so với những năm 1998 - 1999. Năm 2004, ông V. Putin tái đắc cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ hai, tiếp tục thực hiện đường lối củng cố sự thống nhất, ổn định trong nước. Sau hơn 05 năm thực hiện “chính sách ổn định và tích lũy”, từ năm 2006, Nga chuyển sang thực hiện “chính sách phát triển”, bước vào thời kỳ mới. Từ đây, với sự ổn định chính trị - xã hội và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, các nguồn lực của quốc gia được tăng cường, Liên bang Nga đã củng cố vị thế quốc tế, thực hiện chính sách đối ngoại đa phương, đề cao vai trò của Liên hợp quốc, đối thoại và hợp tác, phản đối trật tự thế giới đơn cực, kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia, hòa bình và an ninh trong khu vực cũng như trên thế giới. Ở giai đoạn ông V. Putin làm Thủ tướng, “bộ đôi lãnh đạo D. Medvedev - V. Putin” kết hợp ăn ý, vượt qua những thách thức lớn, như tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu (2008 - 2009), cuộc xung đột với Gruzia… Kinh tế vĩ mô và tình hình chính trị - xã hội của nước Nga thời kỳ này vẫn giữ được ổn định.

Một nhiệm kỳ “đặc biệt”

Nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của ông V. Putin (2012 - 2018) là một giai đoạn đặc biệt của nước Nga. Có những sự kiện gây nhiều “chấn động”, như việc sáp nhập Krym (tháng 3-2014), trực tiếp can dự vào cuộc chiến chống khủng bố giúp đỡ Chính phủ Syria (từ tháng 9-2015). Quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây nhiều căng thẳng. Kinh tế Nga khủng hoảng nghiêm trọng do giá dầu giảm mạnh và sự cấm vận của phương Tây cũng như một số lý do nội tại, đời sống nhân dân khó khăn hơn... Nhưng từ năm 2016, kinh tế Nga đã phục hồi và tăng trưởng nhẹ.

Một “điểm sáng” của nước Nga trong “kỷ nguyên V. Putin” là quân đội được hiện đại hóa, trang bị vũ khí tối tân. Tổ hợp công nghiệp quân sự phát triển mạnh, không chỉ đáp ứng nhu cầu quốc phòng mà còn gia tăng xuất khẩu vũ khí Nga ra thị trường thế giới.

Mặc dù bị Mỹ và phương Tây tìm cách kiềm chế, bao vây, cấm vận nhưng Nga luôn đẩy mạnh mở rộng quan hệ với các đối tác trên thế giới, đặc biệt ở phía Đông. Chính trong những năm ông V. Putin lãnh đạo, toàn dân Nga tăng cường khối đoàn kết, thống nhất và phát huy mạnh mẽ tinh thần tự cường, tự hào dân tộc. Điều này đặc biệt thể hiện rõ trong nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của ông V. Putin, khi “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” xã hội Nga là chủ nghĩa yêu nước. Trước áp lực từ bên ngoài và đối mặt những khó khăn thì đa số người dân Nga đồng lòng sát cánh cùng tổng thống và chính phủ.

Chương trình nghị sự mới

Trong bản Thông điệp liên bang (ngày 01-3-2018) và trong các bài phát biểu sau khi tái đắc cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ tư, Tổng thống Nga V. Putin đã nhấn mạnh chương trình nghị sự trong nhiệm kỳ mới là ưu tiên các vấn đề đối nội. Đó là cải cách, tự do hóa kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, tạo ra những bước đột phá về công nghệ. Ông V. Putin nhấn mạnh “tụt hậu là nguy cơ lớn nhất, là kẻ thù chính của nước Nga”.

Lực lượng xã hội sẽ gánh vác sứ mệnh đưa nước Nga hướng tới những mục tiêu cao hơn chính là thế hệ trẻ. Vì lẽ đó, Tổng thống Nga V. Putin và Nhà nước Nga luôn quan tâm bảo đảm điều kiện cho thế hệ trẻ Nga học tập, hoạt động, làm việc, cống hiến. Theo phó giáo sư, tiến sĩ khoa học chính trị tại Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga Gevorg Mirzayan, “nước Nga muốn vươn lên, giành thế thắng trong cuộc đọ sức với phương Tây, không những phải có những hệ thống vũ khí mới mà trước hết phải nhờ vào khả năng kinh tế của quốc gia”. Chuyên gia G. Mirzayan cũng cho rằng, “giới trẻ chính là khối cử tri có thái độ phản kháng mạnh nhất. Năm 2024 sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Nga tiếp theo, khi đó giới trẻ hiện nay sẽ là bộ phận cử tri có vai trò quyết định. Do đó, phải tạo mọi điều kiện cho những người trẻ hòa nhập vào mọi tiến trình của đất nước”.

Trước và sau cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2018, Tổng thống Nga V. Putin nhấn mạnh đường lối đối ngoại nhất quán của Nga là sẵn sàng hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước, trong đó có Mỹ và phương Tây; phối hợp với cộng đồng quốc tế xây dựng thế giới đa cực, đa trung tâm, trong đó Nga là một trong những trung tâm có lợi ích quốc gia phải được các đối tác khác tôn trọng...

Sau cuộc bầu cử tổng thống Nga, trong những ngày qua dư luận đang dõi theo sự gia tăng căng thẳng ngoại giao giữa Nga với Anh và Mỹ cùng nhiều nước phương Tây khác. Theo chuyên gia G. Mirzayan, “06 năm tới, tức là trong nhiệm kỳ mới của ông V. Putin, phương Tây sẽ tiếp tục gây sức ép với Nga” vì “ông V. Putin luôn có chính kiến riêng, mạnh mẽ bảo vệ lợi ích quốc gia, chủ quyền đất nước”.

Tổng thống tái đắc cử V. Putin chưa chính thức nhậm chức nhiệm kỳ thứ tư nhưng dư luận Nga và thế giới đã quan tâm đến một vấn đề “mới mà cũ”, đó là: liệu 06 năm nữa ai sẽ là người kế nhiệm ông V. Putin? Đề cập về vấn đề này, chuyên gia G. Mirzayan cho biết, “đã thấy thấp thoáng một số nhân vật - đó là các thống đốc trẻ”. “Những năm gần đây, ông V. Putin tích cực trẻ hóa nhân sự nhà nước, bản thân ông V. Putin chưa xác định ai sẽ là người kế nhiệm mình; vẫn còn nhiều thời gian để xem những người trẻ được đưa vào các vị trí quan trọng thể hiện mình như thế nào, đạt được những thành tích gì; phía trước còn 06 năm, có đủ thời gian để đánh giá, thử thách và lựa chọn”./.