Bình Phước: 2 năm thực hiện “Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”
TCCSĐT - Quán triệt Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 09-01-2015, của Thủ tướng Chính phủ về “Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” (Chỉ thị), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bình Phước, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã nghiêm túc, nhanh chóng triển khai, thực hiện Chỉ thị và sau 2 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong thời gian tới, tỉnh Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị bằng những giải pháp sát hợp hơn với thực tế.
Kết quả sau 2 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị
Tỉnh Bình Phước có 260,433 km đường biên giới trải dài 3 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập và được tiếp giáp với 3 tỉnh của Vương quốc Campuchia là TaPong Khmum, Kratea và Munđunkiri. Toàn tuyến biên giới của tỉnh có 28 cột mốc, 83 cọc dấu, có 1 cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư, 2 cửa khẩu chính Hoàng Diệu - Lộc Ninh và những cửa khẩu phụ, lối mở... Là vị trí đặc biệt quan trọng trong phòng thủ bảo vệ Tổ quốc, là cửa ngõ thông thương, giao lưu văn hóa giữa các tỉnh Đông Nam Bộ với các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia. Trên địa bàn 3 huyện biên giới hiện có 15 xã với 124 thôn, ấp có 28.921 hộ dân sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 8.264 hộ, chiếm 27,85% dân số của các huyện biên giới.
Sau khi Chỉ thị ban hành, Ủy ban Nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị cấp tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch làm trưởng ban. Căn cứ vào nội dung Chỉ thị, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng về thực hiện Chỉ thị, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động triển khai và hằng năm các địa phương đều tiến hành sơ kết đánh giá tiến độ, nhiệm vụ đã thực hiện. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh đã tổng kết 10 năm thực hiện Kế hoạch liên tịch về “Vận động toàn dân tham gia giữ gìn bảo vệ an ninh biên giới; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị; thực hiện xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” giai đoạn 2004 - 2014, tiếp tục ký kết Chương trình phối hợp số 05/CTrPH-MTTQ-BCHBP về “Vận động toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trong tình hình mới giai đoạn 2015 - 2020”...
Công tác tuyên truyền, quán triệt nội dung Chỉ thị tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân các dân tộc trên địa bàn luôn được chú trọng. Bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đồn Biên phòng ở huyện Bù Đốp, Lộc Ninh, Bù Gia Mập đã tổ chức tuyên truyền được 591 buổi cho 21.965 lượt người nghe, kết hợp tuyên truyền trên cụm loa truyền thanh của các xã biên giới được 1.134 giờ có các nội dung liên quan đến bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an, Quân sự tỉnh đã phát hành đến khu dân cư vùng biên 6.000 bản tin về “Phong trào Toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới”; 2.000 cuốn tài liệu có các nội dung liên quan đến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại và Pháp luật Biên giới quốc gia; 28.000 tờ rơi hỏi đáp xử lý vi phạm hành chính về vi phạm Luật Biên giới Quốc gia…
Thông qua thực hiện Chương trình phối hợp số 05/CTrPH-MTTQ-BCHBP, các phong trào thi đua yêu nước qua xây dựng khu dân cư văn hóa, thực hiện an sinh xã hội... trên vùng biên giới được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đẩy mạnh thực hiện ngày càng đạt hiệu quả cao, hằng năm, các xã biên giới của huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập luôn có đến 70% khu dân cư đạt chuẩn văn hóa; trong đó có nhiều khu dân cư đạt chuẩn văn hóa 3 năm liên tục. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng vận động được 720 triệu đồng mua 36 con bò giống hỗ trợ cho hộ nghèo; phối hợp với Hội chữ Thập đỏ, đoàn thầy thuốc tình nguyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 36.156 lượt người trị giá 1,385 tỷ đồng, tặng 3.400 phần quà cho hộ nghèo và gia đình chính sách… tổng giá trị lên đến 4 tỷ đồng. Thực hiện chương trình“Tiếp bước cho trẻ em đến trường”, Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận đỡ đầu cho 65 em học sinh trên địa bàn biên giới có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hằng tháng hỗ trợ cho mỗi em 500.000 đồng; Tổ chức dạy xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học 21 lớp cho 704 học sinh được đến lớp học; Tổ chức lao động được 3.537 ngày công lao động giúp cho các hộ nghèo như cấy lúa nước, làm đường giao thông, làm nhà… Các cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, vận động Quỹ “Vì người nghèo” xây nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở vùng biên giới được phối hợp triển khai thường xuyên, đến nay Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc các huyện biên giới cùng với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã vận động xây được 262 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở, trị giá trên 10 tỷ đồng; ngoài ra, Bộ đội Biên phòng tỉnh còn vận động xây 25 căn nhà “Nghĩa tình đồng đội ” trị giá 1,56 tỷ đồng tặng cho các gia đình quân nhân, cựu quân nhân biên phòng.
Các hoạt động vận động nhân dân đăng ký thực hiện: “Gia đình không có người vi phạm pháp luật, không có người phạm tội, không có người tàng trữ, mua bán và sử dụng chất ma túy…”; thực hiện khu dân cư “An toàn, lành mạnh”; “tự quản đường biên, cột mốc - Giữ gìn an ninh trật tự thôn ấp” gắn với các mô hình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội được Bộ đội Biên phòng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công an các cấp phối hợp đẩy mạnh triển khai thực hiện. Phong trào “Tự quản đường biên cột mốc” được các xã biên giới đồng lòng tham gia với 14.451 hộ gia đình, 22 đơn vị kinh tế đứng chân trên địa bàn ký kết bảo vệ 114,934 km đường biên giới. Qua tổ chức thực hiện phong trào, các mô hình tự quản đường biên cột mốc, các câu lạc bộ... đã phát huy được hiệu quả, động viên nhân dân tham gia bảo vệ, đấu tranh với các loại tội phạm trên vùng biên giới.
Nhằm góp phần xây dựng, củng cố cơ sở chính trị địa phương vùng biên giới vững mạnh, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, các lực lượng vũ trang ở địa bàn biên giới. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tăng cường 11 đồng chí sỹ quan tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc của các xã biên giới; cử 96 đồng chí cán bộ, đảng viên của các đơn vị cơ sở tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, ấp. Cùng với hoạt động trên, hằng năm, các huyện biên giới đều tổ chức họp mặt già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhân dịp lễ, Tết cổ truyền, các cấp ủy Đảng, chính quyền và Bộ đội Biên phòng đều tổ chức thăm hỏi, động viên Hội đồng già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng và đưa già làng, người có uy tín đi tham quan học tập kinh nghiệm trong, ngoài tỉnh. Qua đó, đã phát huy vai trò của 15 Hội đồng già làng, 122 già làng, 64 người có uy tín ở khu vực biên giới trong việc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh vùng biên giới.
Trong hoạt động đối ngoại, trên cơ sở bản ghi nhớ Chương trình Hợp tác giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tập trung hướng dẫn cho các huyện, xã có chung đường biên giới với các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia cùng tổ chức hoạt động giao lưu, củng cố tình đoàn kết hữu nghị. Vào các ngày lễ lớn, Tết cổ truyền của 2 nước Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng với Ủy ban Nhân dân tỉnh và các ngành có liên quan tổ chức thăm, chúc mừng các tỉnh nước bạn có chung đường biên giới và tặng quà cho bà con Việt kiều có hoàn cảnh khó khăn đang làm ăn, sinh sống tại Vương quốc Campuchia. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng phối hợp với các cơ quan, nhà tài trợ ở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới các tỉnh Campuchia cho 2.290 lượt người, trị giá 0,877 tỷ đồng. Thông qua các hoạt động đối ngoại của Bộ đội Biên phòng tỉnh đã góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị, đoàn kết giữa quân và dân hai nước nói chung và các tỉnh có chung đường biên giới với Bình Phước nói riêng.
Còn những hạn chế nhất định
Thứ nhất, sự phối hợp giữa các cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, chính quyền các huyện biên giới với Bộ đội Biên phòng chưa được thường xuyên; công tác sơ kết, trao đổi thông tin, đánh giá việc thực hiện Chương trình phối hợp chưa kịp thời. Do đó, chưa nhân rộng được các mô hình điển hình tiên tiến để tạo được động lực thúc đẩy phong trào, lôi cuốn các tầng lớp nhân dân tham gia.
Thứ hai, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể ở một số ít huyện, xã biên giới chưa thực sự quan tâm đúng mức đến thực hiện Chỉ thị, cho nên trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị trong thực tiễn vẫn còn hời hợt.
Thứ ba, một số địa phương tuyến sau, cơ quan, ban ngành của tỉnh chưa thấy hết được trách nhiệm của tổ chức, cơ quan, đơn vị để có những hoạt động cụ thể, thiết thực hướng về biên giới. Những đơn vị này mới chỉ dừng lại trong việc thăm hỏi động viên nhân dịp lễ, Tết chưa nhiệt tình giúp đỡ, tạo điều kiện cho các đồn biên phòng, nhân dân khu vực biên giới phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần.
Thứ tư, đối với công tác tổ chức triển khai chỉ đạo điểm thực hiện Chỉ thị ở một vài khu dân cư còn lúng túng, nhất là công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn. Việc bám sát địa bàn hướng dẫn, kiểm tra chưa được thường xuyên, còn khoán trắng cho cơ sở. Kinh phí hoạt động chưa đáp ứng được công tác tổ chức thực hiện, nhất là các huyện và các xã biên giới chưa được hỗ trợ nguồn kinh phí.
Tăng cường thực hiện Chỉ thị có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới
Từ nhận định thực tế, trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục còn có những diễn biến phức tạp. Nhằm khắc phục những hạn chế, ứng phó với dự báo tình hình, nhiệm vụ cấp thiết đặt ra cho cả hệ thống chính trị tỉnh Bình Phước cần triển khai thực hiện Chỉ thị hiệu quả hơn:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc giữ gìn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia tới các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và đặc biệt hơn tại các địa phương vùng biên giới. Nhất là tuyên truyền Luật Biên giới Quốc gia, Nghị định 34/2014/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện “Quy chế khu vực biên giới”, các Hiệp định về phân giới, cắm mốc; Hiệp định biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia; các chương trình, Nghị quyết của Chính phủ về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy…
Hai là, đẩy mạnh công tác vận động nhân dân trên địa bàn biên giới không vi phạm các quy chế biên giới, tuân thủ các quy định của Nhà nước về qua lại biên giới khi buôn bán, trao đổi hàng hóa, thăm người thân giữa hai bên. Tuân thủ luật pháp, phong tục tập quán, giữ gìn tình đoàn kết hữu nghị với người dân Campuchia vùng biên giới. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, “Ngày biên phòng toàn dân”; củng cố hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng lực lượng “nòng cốt” trong đồng bào dân tộc, tôn giáo và các lực lượng cơ sở.
Ba là, phối hợp cụ thể hóa các quy định về quy chế biên giới đưa vào nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” vận động nhân dân đăng ký thực hiện “Điểm sáng về chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư”; khu dân cư “An toàn, lành mạnh”, khu dân cư “Tự quản đường biên, cột mốc” gắn với “Khu dân cư văn hóa” và thực hiện “Gia đình văn hóa” ở các địa phương vùng biên giới. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của Đảng, Nhà nước ở các địa phương vùng biên giới; Chú trọng, đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia “Giảm nghèo bền vững”; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” từ tỉnh đến địa phương, tập trung hỗ trợ vận động xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho người nghèo khó khăn về nhà ở trên vùng biên giới, hỗ trợ cây, con giống cho hộ nghèo sản xuất, nâng cao đời sống; hỗ trợ học bổng, phương tiện cho con em hộ nghèo vùng biên giới đến trường.
Bốn là, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân. Trong đó, triển khai, thực hiện tốt nội dung của bản ghi nhớ về Chương trình hợp tác giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia; Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch số 37-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân”; tập trung duy trì, tăng số lần giao lưu trao đổi, thăm hỏi giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh với các tổ chức Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia và các hội, đoàn thể của các tỉnh biên giới thuộc Vương quốc Campuchia tiếp giáp với Bình Phước.
Năm là, nhanh chóng khắc phục khó khăn, đồng thời nhân rộng mô hình khu dân cư điểm “Tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới” ra 121 khu dân cư còn lại của 3 huyện biên giới; có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các xã, khu dân cư biên giới tổ chức thực hiện Chỉ thị./.
Vietcombank được đánh giá cao nhất trong nhóm các ngân hàng trên thị trường Việt Nam  (28/11/2017)
Hợp tác phát triển giữa các địa phương Việt Nam và Trung Quốc  (27/11/2017)
Đắk Lắk gắn việc học tập, quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng với nhiệm vụ chính trị địa phương  (27/11/2017)
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên