Đồng chí Phạm Văn Đồng: Nhà ngoại giao xuất sắc của Đảng, Nhà nước và cách mạng Việt Nam
TCCS - Đồng chí Phạm Văn Đồng sinh ngày 1-3-1906, trong một gia đình trí thức ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi và có tên gọi thân mật là Tô (đây cũng từng là bí danh của ông(1)). Đồng chí Phạm Văn Đồng là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chịu ảnh hưởng sâu sắc của Người về tư tưởng, đạo đức, tác phong, về tư duy chính trị và văn hóa. Với bề dày công tác(2), đồng chí Phạm Văn Đồng không những là một nhà lãnh đạo tài năng, uy tín, một nhà văn hóa lớn của đất nước, mà còn là một nhà ngoại giao xuất sắc của Đảng, Nhà nước và cách mạng Việt Nam, được bạn bè quốc tế trân trọng, nể phục.
Trí tuệ ngoại giao Phạm Văn Đồng trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954)
Trong giai đoạn từ năm 1946 đến năm 1954, dấu ấn ngoại giao của đồng chí Phạm Văn Đồng được thể hiện mạnh mẽ và rõ nét khi đồng chí bắt đầu nhận nhiệm vụ làm Trưởng đoàn đàm phán của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang tham dự Hội nghị Fontainebleau (Pháp) vào ngày 31-5-1946(3), nhằm tiếp tục đàm phán về các điều khoản đề ra theo Hiệp định sơ bộ Pháp - Việt được ký kết vào chiều ngày 6-3-1946 giữa Pháp và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kể từ đây, đồng chí Phạm Văn Đồng chính thức đảm trách nhiệm vụ của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, là người thay mặt Đảng và Chính phủ Việt Nam tham dự nhiều hội nghị quốc tế quan trọng và ký kết nhiều văn bản ngoại giao lịch sử.
Tại Hội nghị Fontainebleau, Trưởng phái đoàn Pháp Max André đã đọc diễn văn khai mạc. Với cương vị là Trưởng phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí Phạm Văn Đồng đã nỗ lực bảo vệ lợi ích tối đa của nhà nước cộng hòa non trẻ(4). Trong lời đáp, đồng chí Phạm Văn Đồng nêu rõ: “Chính từ sự phiền lòng sâu sắc mà chúng tôi phải nói với các ngài rằng, một số điều khoản đình chiến của Hiệp định đã không được thực hiện là do các nhà chức trách Pháp ở Việt Nam không thi hành”. Lời phát biểu của Trưởng phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng về sự thật tình hình Việt Nam lúc ấy đã gây chấn động lớn ở Thủ đô Paris và trên toàn nước Pháp.
Đối với ta, vấn đề bức thiết là phải đình chiến ở Nam Bộ, tổ chức trưng cầu ý dân. Từ nguyên tắc “bất di bất dịch” ấy, các thành viên đoàn đại biểu ta đã nỗ lực làm việc, khéo léo, kiên trì đấu tranh, tranh thủ sự đồng tình của dư luận nhân dân tiến bộ Pháp, bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự hợp pháp của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Song, trong suốt hơn hai tháng (từ ngày 6-7 đến 10-9-1946), mọi cố gắng của đoàn đại biểu ta tại Hội nghị Fontainebleau vẫn không đem lại kết quả do hai bên bế tắc ở hai điểm bất đồng then chốt: 1- Thống nhất Nam Kỳ vào nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (bao gồm Bắc Kỳ và Trung Kỳ); 2- Độc lập chính trị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa(5). Mặc dù hội nghị đã không thành công do Pháp chần chừ không trả lời dứt khoát thời hạn để thực hiện cuộc trưng cầu ý dân ở Nam Kỳ nên đoàn Việt Nam rời hội nghị trở về nước vào ngày 13-9-1946(6), nhưng là cơ sở để Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể ký kết được Tạm ước Pháp - Việt Nam với Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Marius Moutet vào ngày 14-9-1946. Hình ảnh vị Trưởng phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gầy gò, đi lại nhiều lần, suy nghĩ đắn đo tìm giải pháp đàm phán tại hội nghị, được ghi lại trong một đoạn phim tài liệu “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người” vẫn luôn khiến người xem xúc động.
Bước vào đầu những năm 50 của thế kỷ XX, tình hình quốc tế có chuyển biến quan trọng, các nước lớn đều đi vào xu thế hòa hoãn, nhất là sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên (năm 1953), với mong muốn chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Sau khi trở lại cướp nước ta một lần nữa, quân đội viễn chinh Pháp đã bị thất bại trên nhiều chiến trường ở Đông Dương trong những năm 1952 - 1953. Theo đề nghị của Liên Xô, năm nước lớn gồm Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc đã đồng ý cùng các bên liên quan bắt đầu đàm phán tại Hội nghị Genève (Thụy Sỹ) để giải quyết vấn đề Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên và tìm giải pháp kết thúc chiến tranh ở Đông Dương vào ngày 26-4-1954. Tuy nhiên, Hội nghị Genève lúc đầu không bàn ngay về vấn đề Đông Dương mà chỉ bàn đến vấn đề CHDCND Triều Tiên. Chỉ từ sau thất bại của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ, từ ngày 8-5-1954, hội nghị mới đàm phán về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Với cương vị là Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Văn Đồng được Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam cử làm Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị Genève về lập lại hòa bình ở Đông Dương và Việt Nam. Phái đoàn Việt Nam bước vào hội nghị với tư thế của một dân tộc chiến thắng. Những đóng góp của đoàn ta, đứng đầu là đồng chí Phạm Văn Đồng, đã tạo ra những đột phá đưa hội nghị tới thành công, ký kết các hiệp định đình chiến ở Đông Dương.
Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp hết sức căng thẳng và phức tạp, với tinh thần chủ động và nỗ lực của phái đoàn Việt Nam, ngày 20-7-1954, bản Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Campuchia và Lào đã được ký kết, thừa nhận và tôn trọng độc lập, chủ quyền của ba nước Đông Dương. Thời điểm đó, quan hệ quốc tế vô cùng phức tạp. Đoàn đại biểu Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, không có thông tin… Đoàn đàm phán Việt Nam do đồng chí Phạm Văn Đồng đứng đầu đã khắc phục khó khăn, có những đóng góp quan trọng, kiên trì tìm biện pháp bảo đảm lợi ích của đất nước, của cách mạng Đông Dương, của hai chính phủ kháng chiến Pathet Lào và Khmer Issarak. Hình ảnh về nhà ngoại giao Phạm Văn Đồng với đôi mắt sáng, vầng trán cao và nhất là những phát biểu đanh thép, những cuộc trả lời phỏng vấn sắc sảo tại Hội nghị Genève đến nay vẫn luôn được bạn bè quốc tế nhắc đến, là niềm tự hào, là tấm gương không chỉ đối với ngành ngoại giao Việt Nam mà còn của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Với thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam, của đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đã biết đến Việt Nam, tin tưởng vào chính sách ngoại giao hòa bình và hữu nghị của Việt Nam, coi đó là một thành công rực rỡ của đường lối dùng đàm phán hòa bình để giải quyết tranh chấp quốc tế, kể cả những cuộc xung đột nghiêm trọng. Bởi vậy, thành công của Hội nghị Genève năm 1954 đã được nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhất là nhân dân các nước Đông Nam Á, nhiệt liệt hoan nghênh và coi đó như thắng lợi của chính mình.
Trí tuệ ngoại giao Phạm Văn Đồng trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam (1954 - 1975)
Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cương vị Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và có giai đoạn trực tiếp lãnh đạo ngành ngoại giao (từ tháng 4-1954 đến tháng 2-1961), đồng chí Phạm Văn Đồng đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc lãnh đạo Chính phủ thực hiện hai chiến lược cách mạng hai miền: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam.
Để thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng chí Phạm Văn Đồng đã có những chuyến thăm hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và các nước bạn trên thế giới, tiến hành đàm phán, đề nghị viện trợ, nhất là từ Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa. Chính nhờ có nguồn viện trợ quý giá và kịp thời của các nước anh em, Việt Nam đã nhanh chóng khôi phục kinh tế và bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Mặt khác, chúng ta đã xác lập được mối quan hệ hữu nghị mật thiết với các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, các nước láng giềng, khu vực và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã dành nhiều thời gian, công sức cho công tác xây dựng ngành, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cơ cấu lại bộ máy của Bộ Ngoại giao và mạng lưới hoạt động đối ngoại cho phù hợp với nhiệm vụ đấu tranh thống nhất nước nhà và khôi phục, phát triển đất nước. Những hoạt động ngoại giao của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, làm giàu thêm bản sắc ngoại giao Việt Nam. Nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao Việt Nam đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng dìu dắt trưởng thành và trở thành những cán bộ chủ chốt của ngành ngoại giao.
Để thực hiện nhiệm vụ đấu tranh giải phóng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Phạm Văn Đồng đã xác định vai trò đặc biệt quan trọng của mặt trận ngoại giao. Bởi vậy, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Văn Đồng vừa trực tiếp đảm trách nhiệm vụ đại diện của Chính phủ Việt Nam trong các hội nghị quốc tế quan trọng, đồng thời có những đóng góp lớn trong việc hoạch định chính sách ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta. Có thể nói, đồng chí Phạm Văn Đồng đã vận dụng một cách triệt để và hiệu quả tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với bất cứ chính phủ nước nào tôn trọng quyền bình đẳng, độc lập, tự chủ của Việt Nam”(7).
Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Đồng cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã từng bước hoạch định và hoàn thiện đường lối chiến lược, sách lược ngoại giao của Đảng phù hợp với thế và lực của Việt Nam, động viên, thu hút được sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới đứng về phía nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Các ý kiến của đồng chí Phạm Văn Đồng thể hiện quan điểm đúng đắn, phù hợp với nguyên tắc trong quan hệ quốc tế và phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc; khẳng định quan điểm ngoại giao độc lập, tự chủ, đồng thời đưa ra những giải pháp đấu tranh ngoại giao ở từng thời điểm với Mỹ. Trên cơ sở đó, hoạt động ngoại giao trở thành một mặt trận hiệu quả, góp phần đánh bại bộ máy tuyên truyền khổng lồ của đế quốc Mỹ.
Ngay từ tháng 4-1955, đồng chí Phạm Văn Đồng được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao các nước Á - Phi ở thành phố Bandung (Indonesia). Với tài năng và những hoạt động tích cực tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Đồng đã thu hút sự chú ý của các nước thuộc thế giới thứ ba, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các nước đối với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội của nhân dân Việt Nam. Đây là vấn đề có ý nghĩa sâu sắc, đặt nền tảng cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước ta với các nước trong Phong trào Không liên kết trên những nguyên tắc quan hệ quốc tế mới. Kể từ đây, cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của phong trào các nước không liên kết, nhất là các nước Á - Phi và Mỹ Latin.
Bước sang năm 1965, chiến lược “chiến tranh đặc biệt của Mỹ” bị phá sản. Ngụy quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, khiến Mỹ leo thang chiến tranh, đưa quân viễn chinh Mỹ vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam, dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc với mục tiêu “bẻ gãy xương sống của Việt cộng” và “đánh sụp ý chí của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”; đồng thời, Mỹ ráo riết đòi “thương lượng không điều kiện”. Bởi vậy, ngày 8-4-1965, một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson tuyên bố sẵn sàng “thương lượng không điều kiện”(8), Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố về lập trường bốn điểm của Chính phủ Việt Nam trước thế giới. Đây chính là văn bản pháp lý vô cùng quan trọng, không những đặt cơ sở cho một giải pháp chính trị thỏa đáng về Việt Nam, mà còn trở thành vũ khí sắc bén của Việt Nam trong việc tấn công, làm tiêu tan mưu đồ của Mỹ về cái gọi là “thương lượng có điều kiện”. Lập trường bốn điểm đã tạo ra thế có lợi và chủ động cho mặt trận ngoại giao tấn công và đánh bại các chiến dịch tuyên truyền giả danh “hòa bình” của Mỹ; từng bước buộc Mỹ phải chấp nhận xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam tại Hội nghị Paris vào năm 1973, đưa cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn. Lập trường này như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đó là biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề chiến tranh ở Việt Nam,... Không có giải pháp nào khác”(9).
Là người có tầm nhìn sâu rộng, đồng chí Phạm Văn Đồng có những nhận định sắc sảo về tình hình quốc tế, phát hiện rất sớm ý đồ của Mỹ hòng quốc tế hóa cuộc chiến tranh Việt Nam, âm mưu chia rẽ Việt Nam với Liên Xô, Trung Quốc, lợi dụng sự mâu thuẫn trong phong trào cộng sản, mâu thuẫn trong phe xã hội chủ nghĩa để chia rẽ, phá hoại phong trào cách mạng, cô lập Việt Nam. Trên cơ sở đó, đồng chí Phạm Văn Đồng đề ra các giải pháp, chỉ đạo hoạt động ngoại giao làm thất bại âm mưu của Mỹ. Trước tình hình phức tạp của các mối quan hệ quốc tế đan xen về lợi ích, đồng thời trước thực tế đang tồn tại tư tưởng sợ Mỹ, ngại va chạm với Mỹ của nhiều quốc gia trên thế giới, đồng chí Phạm Văn Đồng đã kêu gọi nhân dân các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới bày tỏ quan điểm của mình ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam(10). Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, dư luận thế giới, chính phủ và nhân dân tiến bộ ở các nước đã biểu thị lập trường của mình đứng về phía Việt Nam.
Trong việc tập hợp lực lượng tiến bộ trên thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ, mặt trận ngoại giao đóng vai trò hết sức quan trọng, trong đó có công sức, trí tuệ của đồng chí Phạm Văn Đồng - người đã góp phần tạo nên thế trận ngoại giao nhân dân nhiều tầng, nhiều lớp, trên cơ sở đó tạo ra những phong trào đấu tranh chống Mỹ trên khắp thế giới và ngay trong lòng nước Mỹ; làm thất bại từng bước ý đồ chiến lược của chúng, gây cho chúng tâm lý hoang mang, lúng túng, cuối cùng phải từ bỏ dã tâm xâm lược(11).
Tóm lại, từ Hội nghị Fontainebleau (năm 1946) đến Hội nghị Genève (năm 1954) và sau này là các cuộc tiếp xúc, đàm phán bí mật trước Hội nghị Paris (trong các năm 1965 - 1967) với các nhà đàm phán trung gian của Chính phủ Mỹ, đồng chí Phạm Văn Đồng đã tỏ rõ là một nhà ngoại giao xuất sắc, có bản lĩnh, vừa giữ vững nguyên tắc không khoan nhượng về mục tiêu đã đề ra, vừa linh hoạt, uyển chuyển trong hình thức, mềm dẻo trong phương pháp, kiên trì, khôn khéo đấu tranh từng bước, buộc đối phương phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào đàm phán và cơ bản phải thực thi những yêu cầu do ta đưa ra.
Trí tuệ ngoại giao Phạm Văn Đồng trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (1975 - 1987)
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam đi thăm và cảm ơn nhân dân các nước anh em và bạn bè trên thế giới, bao gồm Liên Xô (năm 1978); Cuba (năm 1979) và các nước xã hội chủ nghĩa; các nước láng giềng, bao gồm Lào (năm 1977), Campuchia (năm 1979); các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines (năm 1978); đồng thời, thăm các nước tư bản chủ nghĩa, như Pháp, Phần Lan và Đan Mạch (năm 1977) để mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại. Các chuyến thăm cùng với phong cách ứng xử ngoại giao chân tình, gần gũi của đồng chí Phạm Văn Đồng đã gây được ấn tượng mạnh đối với bạn bè khắp nơi, giúp củng cố tình đoàn kết, hữu nghị của Chính phủ và nhân dân Việt Nam với chính phủ và nhân dân các nước, thể hiện tinh thần đoàn kết, hữu nghị, trước sau như một của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Trong thời gian từ năm 1975 đến Đại hội V của Đảng (năm 1982), đồng chí Phạm Văn Đồng đã cùng Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại đúng đắn nhằm “ra sức tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi để nhanh chóng hàn gắn những vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, khoa học, kỹ thuật, củng cố quốc phòng…; đồng thời tiếp tục kề vai sát cánh với các nước xã hội chủ nghĩa anh em và tất cả các dân tộc trên thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”(12). Theo đó, Việt Nam đã gia nhập Liên hợp quốc vào ngày 20-9-1977 và gia nhập Hội đồng Tương trợ kinh tế (SEV) vào ngày 27-6-1978.
Để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó có đồng chí Phạm Văn Đồng, khẳng định nhiệm vụ của đối ngoại: “Trong thời gian tới, công tác đối ngoại phải ra sức tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi, tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế to lớn và nhiều mặt cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước… Đặc biệt công tác đối ngoại phải trở thành một mặt trận chủ động, tích cực”(13). Đây là cơ sở để Bộ Chính trị khóa V ban hành Nghị quyết số 32/BCT (tháng 7-1986) “Về việc mở ra cục diện đấu tranh mới, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, tạo thế ổn định để tập trung phát triển kinh tế” với chủ trương chuyển từ đối đầu sang đối thoại, đấu tranh cùng tồn tại hòa bình và Bộ Chính trị khóa VI ban hành Nghị quyết số 13/BCT (tháng 5-1988) “Về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới” xác định rõ ngoại giao phải ưu tiên giữ vững hòa bình để phát triển kinh tế đất nước.
Sau khi nghỉ hưu từ năm 1987, với vai trò cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Phạm Văn Đồng vẫn có những đóng góp tích cực và quý báu cho ngành ngoại giao, nhất là trong công tác tổng kết và dự báo, thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy ngoại giao sắc bén. Bạn bè quốc tế đánh giá cao tài ngoại giao của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như một nhà ngoại giao xuất sắc của thời đại Hồ Chí Minh. Với 94 năm cuộc đời, 75 năm hoạt động cách mạng, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Di sản của ông không chỉ là cuộc đời cách mạng vinh quang, tự hào mà còn là cốt cách một con người đáng kính, suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh. Trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của mình, những hoạt động ngoại giao của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trở thành một phần quan trọng làm nên tên tuổi của ông và ngược lại, tên tuổi của ông cũng đã góp phần làm nên truyền thống vẻ vang, rất đỗi tự hào của ngành ngoại giao Việt Nam./.
------------------------
(1) Nguyễn Đình Thi - Đoàn Minh Tuấn: “Anh Tô - Người tôn trọng hiền tài”, Báo Nhân dân, ngày 23-8-2011
(2) Đồng chí Phạm Văn Đồng đã có 35 năm liên tục là Ủy viên Bộ Chính trị (1951 - 1986), 32 năm là Thủ tướng Chính phủ (1955 - 1987), 10 năm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1987 - 1997)
(3) Cuộc đàm phán chính thức giữa hai phái đoàn Việt Nam và Pháp bắt đầu vào ngày 6-7-1946 tại lâu đài Fontainebleau cách Thủy đô Paris 60km
(4) Đỗ Khánh Toàn: “Phạm Văn Đồng - nhà Cách mạng, nhà Ngoại giao tài ba”, Báo Công an nhân dân, số Tết, năm 2011
(5) Quan điểm của Pháp bác bỏ độc lập mà chỉ xét tự trị hay độc lập trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp. Chính phủ Pháp đã đơn phương cho phép thành lập Nam Kỳ quốc theo tinh thần Tuyên bố ngày 24-3-1945 của tướng De Gaulle, tách rời khu vực này khỏi những phong trào độc lập ở hai miền Bắc và Trung. Thậm chí, ngày 27-5-1945, Cao ủy Đông Dương Georges D'Argenlieu còn thông qua việc thành lập Xứ Thượng Nam Đông Dương, chia cắt Việt Nam thành nhiều mảnh
(6) Tạm ước Pháp - Việt đã kéo dài thời gian hòa hoãn tạm thời giữa Việt Nam và Pháp để ta có thời gian quý báu xây dựng lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài cũng như có điều kiện tuyên truyền về tính chính nghĩa của ta cho nhân dân Pháp và thế giới biết, gây chấn động lớn ở Paris và trên toàn nước Pháp. Một điều quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Việt Nam đấu tranh kiên quyết đòi ghi vào văn bản là: “Pháp phải cam kết thi hành quyền tự do dân chủ ở Nam Bộ, đình chỉ mọi hoạt động bằng vũ lực”
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 14, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 763
(8) Ngay từ năm 1965, trong khi vừa gia tăng các hành động xâm lược tại hai miền Nam Bắc - Việt Nam, Mỹ vừa rêu rao sẵn sàng “nói chuyện” với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, lập trường của Mỹ là đàm phán không điều kiện, đàm phán trên thế mạnh. Đối chọi với lập trường ngoại giao của Mỹ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đưa ra lập trường bốn điểm của mình. Xem thêm: Phạm Bình Minh: “Vai trò của mặt trận ngoại giao trong cuộc tổng tấn công nổi dậy Mậu Thân 1968”, Trang tin điện tử Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30-12-2017
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 14, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 532 - 533
(10) Phạm Văn Đồng: “Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, Báo Nhân dân, ngày 1-9-1965
(11) Trần Minh Trưởng, Hoàng Diệu Thúy: “Những cống hiến của đồng chí Phạm Văn Đồng trên mặt trận ngoại giao”, Tạp chí Lý luận Chính trị, số tháng 3-2016
(12) Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1977, tr. 178
(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, t. 1, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1982, tr. 143
Đối ngoại Việt Nam năm 2020: Tự tin vững bước trên con đường phát triển  (12/02/2021)
Ngày Bác Hồ trở về nước (28-1-1941) - Thời khắc lịch sử vô cùng trọng đại đối với tiến trình lịch sử vẻ vang của dân tộc - Sau 80 năm nhìn lại  (28/01/2021)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên