Thành tựu đối ngoại đa phương: Khẳng định vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế

Đỗ Thùy Dương ThS, Ban Đối ngoại Trung ương
21:37, ngày 08-03-2017

TCCS - Trải qua 30 năm đổi mới, đối ngoại đa phương trở thành một bộ phận quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Các hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam được mở rộng và đi vào chiều sâu ở tất cả các kênh đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại quốc hội và đối ngoại nhân dân; tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hỗ trợ phát triển và tạo vị thế mới của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương; giúp Việt Nam hội nhập ngày càng chủ động, tích cực, sâu rộng và khẳng định là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Sự tham gia của Đảng Cộng sản Việt Nam tại các diễn đàn đa phương chính đảng

Trải qua 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, đặc biệt là những năm vừa qua, công tác đối ngoại đảng của Việt Nam, trong đó có đối ngoại đảng tại các diễn đàn đa phương, đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Bên cạnh việc tăng cường và mở rộng quan hệ song phương với các chính đảng trên thế giới(1), Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng và chủ trương chủ động, tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn đa phương chính đảng, tham gia thảo luận việc giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao uy tín của Đảng và Nhà nước ta, làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về Việt Nam.

Là cơ chế đa phương do Đảng Lao động Bỉ (PTB) khởi xướng tổ chức thường niên từ năm 1992, Hội thảo quốc tế các đảng cộng sản (ICS) với sự tham gia của nhiều đảng cộng sản trên thế giới tập trung thảo luận về tư tưởng, đường lối đấu tranh và khả năng phối hợp hành động của các đảng cộng sản, công nhân và phong trào cánh tả trên thế giới. Năm 2008, Đảng ta lần đầu tiên cử đoàn đại biểu tham dự ICS lần thứ 17. Tại mỗi kỳ tham dự, các thông tin từ Đoàn Việt Nam, nhất là các tham luận, ý kiến đóng góp xây dựng cho phong trào, cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và về Đảng Cộng sản Việt Nam luôn được Hội thảo đặc biệt quan tâm. Năm 2010, tại ICS lần thứ 19, Đảng Lao động Bỉ đã mời Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức tham gia Ban Cố vấn của ICS. Đây là sự ghi nhận, đánh giá cao của ICS đối với tinh thần quốc tế và sự tham gia rất trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Diễn đàn Xao Pao-lô (SPF) được Đảng Lao động Bra-xin thành lập tại thành phố Xao Pao-lô (Bra-xin) từ năm 1990. Đây là diễn đàn của các đảng, lực lượng cánh tả và tiến bộ khu vực Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê được tổ chức thường niên theo cơ chế luân phiên. Mục đích của SPF là nhằm đoàn kết lực lượng của các đảng và các phong trào cánh tả, thảo luận, phân tích tình hình quốc tế và khu vực, tìm ra các biện pháp, hình thức đấu tranh phù hợp, đồng thời tăng cường khối đoàn kết trong khu vực và trên thế giới. Đảng ta cử đoàn đại biểu tham dự SPF lần đầu tiên vào năm 1992. Sự tham gia SPF của Việt Nam được coi là nguồn cổ vũ, khích lệ đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Mỹ La-tinh, góp phần vào thành công chung của các cuộc gặp cũng như vào thắng lợi của các đảng cánh tả, tiến bộ khu vực trong những năm qua.

Nhằm mục tiêu tăng cường sự hiểu biết, tin cậy giữa các chính đảng ở châu Á; tạo nhận thức chính trị chung giữa các đảng về những vấn đề khu vực thông qua vai trò đặc biệt của các chính đảng(2) trên chính trường các nước; tạo môi trường hòa bình và thịnh vượng chung trong khu vực, Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP) được hình thành vào tháng 9-2000. ICAPP có 2 diễn đàn chính thức là: Hội nghị toàn thể (với sự tham gia của tất cả các thành viên) và Cuộc họp Ủy ban Thường trực (với sự tham gia của đại diện các chính đảng thành viên của Ủy ban Thường trực). Đến hết năm 2016, ICAPP đã tổ chức 9 hội nghị toàn thể và 27 cuộc họp Ủy ban Thường trực.

Đảng ta tham gia ICAPP ngay từ khi Hội nghị này được thành lập và tham dự tất cả các hội nghị toàn thể, có nhiều sáng kiến, cũng như đóng góp thiết thực vào việc thực hiện những mục tiêu, dự án ưu tiên của ICAPP. Với uy tín, vị thế và sự tham gia ngày càng tích cực trên trường quốc tế và trong khuôn khổ của ICAPP, Việt Nam được bầu làm Ủy viên Ban Thường trực ICAPP (tháng 9-2004) và liên tục được bầu lại trong các nhiệm kỳ tiếp theo. Tháng 4-2013, Đảng ta lần đầu tiên đăng cai tổ chức thành công Cuộc họp lần thứ 19 của Ủy ban Thường trực ICAPP - một hoạt động chính thức trong khuôn khổ ICAPP. Điều đó thể hiện sự tham gia tích cực, đóng góp hiệu quả và trách nhiệm của Đảng ta đối với công việc chung của hội nghị quốc tế dành cho các đảng chính trị trong khu vực.

Được hình thành từ năm 1998, Cuộc gặp quốc tế các đảng cộng sản và công nhân (IMCWP) cho đến nay đã thu hút được sự tham gia của hơn 120 đảng cộng sản và công nhân từ 85 nước trên thế giới, trở thành diễn đàn quan trọng để các đảng cộng sản và công nhân trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác, phối hợp hành động vì sự nghiệp đấu tranh chung. Tháng 10-2016, Đảng ta đăng cai tổ chức IMCWP lần thứ 18, thể hiện sự đóng góp tích cực trong hoạt động của phong trào cộng sản và công nhân trên thế giới. IMCWP 18 đề ra mục tiêu đổi mới các cơ chế phối hợp và hành động chung giữa các đảng và đã đạt được đồng thuận cao để thông qua văn kiện chung, góp phần quan trọng vào sự đoàn kết, thống nhất của các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới trong tình hình hiện nay. IMCWP-18 cũng là dịp để các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới tìm hiểu về công cuộc đổi mới ở Việt Nam, tăng cường quan hệ giữa Đảng ta với các đảng cộng sản và công nhân các nước, góp phần tăng cường đoàn kết, thống nhất của phong trào cộng sản và công nhân trên thế giới.

Có thể thấy, việc Đảng ta chủ động thông tin, tăng cường tiếp xúc, đối thoại tại các diễn đàn đa phương chính đảng nêu trên, cũng như tại các hội thảo quốc tế do các đảng cộng sản, công nhân và cánh tả tổ chức, đã làm cho các chính đảng trên thế giới hiểu đúng và sâu sắc hơn về tình hình và công cuộc đổi mới của nước ta; hiểu rõ và kịp thời hơn về quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam trên những vấn đề được dư luận quốc tế quan tâm theo dõi, nhất là về đường lối đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề liên quan đến biên giới, lãnh thổ, dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền...; hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hệ thống chính trị Việt Nam, cũng như về con đường mà dân tộc Việt Nam đã lựa chọn - con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đem lại hạnh phúc và no ấm cho mọi người dân.

Ngoại giao nhà nước tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực

Hoạt động đối ngoại đa phương trên kênh ngoại giao nhà nước đã thu được những thành tựu nổi bật và có sự chuyển biến về chất. Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả và đảm nhiệm thành công nhiều vai trò chủ chốt tại các diễn đàn đa phương trên mọi cấp độ và lĩnh vực.

Tại Liên hợp quốc - tổ chức đa phương toàn cầu lớn nhất, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu nổi bật, đánh dấu sự trưởng thành của ngoại giao đa phương, mở đầu bằng sự kiện Việt Nam được quốc tế tín nhiệm bầu với số phiếu rất cao và đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2008 - 2009. Tiếp đó, Việt Nam liên tục được các nước tín nhiệm bầu làm thành viên những cơ quan quan trọng, như Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014 - 2016), Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC, nhiệm kỳ 2016 - 2018), Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA, nhiệm kỳ 2013 - 2015), Chủ tịch Hội đồng Thống đốc IAEA (năm 2013 - 2014); Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO, nhiệm kỳ 2015 - 2019).

Trong suốt gần 40 năm là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc trên cả ba trụ cột hòa bình - an ninh, phát triển và quyền con người, Việt Nam luôn kiên định bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, đề cao tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế, phấn đấu cho một thế giới hòa bình, trong đó các nước bình đẳng với nhau về mọi mặt. Việt Nam cũng được coi là hình mẫu thực hiện thành công các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), áp dụng thành công Mô hình thống nhất hành động giữa Liên hợp quốc và Việt Nam, có nhiều sáng kiến, nhiều nỗ lực về đóng góp vào các hoạt động của Liên hợp quốc với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Quan hệ giữa Liên hợp quốc và Việt Nam cũng ngày càng được thắt chặt, thể hiện rất rõ qua hai chuyến thăm Việt Nam trong hai nhiệm kỳ của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun, các chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo cấp cao của nước ta tại Liên hợp quốc,...

Ở phạm vi khu vực, sau hơn 20 năm gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam đã khẳng định được vai trò hạt nhân tích cực và quan trọng của tổ chức này. Trong năm 2010 - năm đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đề xuất trọng tâm hợp tác trong ASEAN là “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: từ Tầm nhìn đến Hành động”, nhằm tạo chuyển biến trong liên kết khu vực, cùng hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng vào năm 2015. Việt Nam luôn tích cực cùng ASEAN xây dựng, thúc đẩy và phát huy các công cụ và cơ chế hợp tác chính trị - an ninh ở khu vực, góp phần xây dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại, hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác vì phát triển, như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)... Ngoài ra, Việt Nam cũng đẩy mạnh và tham gia ngày càng thực chất, hiệu quả tại các tổ chức, diễn đàn hợp tác liên khu vực và khu vực, như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ La-tinh (FEALAC), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mê Công,...

Trong lĩnh vực kinh tế, việc trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO, năm 2007) là dấu mốc khẳng định sự thành công của công cuộc đổi mới và phát triển, hội nhập ở mức độ toàn cầu của kinh tế Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán, kết thúc đàm phán nhiều hiệp định tự do thương mại, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Ngân hàng Đầu tư kết cấu hạ tầng châu Á (AIIB),... Việt Nam đã và đang là nước ASEAN đi đầu trong việc hoàn tất các hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng với các trung tâm kinh tế, chính trị hàng đầu thế giới. Dự báo đến năm 2020, với các FTA được triển khai và hoàn tất, Việt Nam sẽ trở thành tâm điểm của các FTA ở khu vực với mạng lưới gồm 58 đối tác, trong đó có toàn bộ 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Bên cạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, hoạt động ngoại giao văn hóa của Việt Nam cũng có những bước phát triển mới, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Trong diễn đàn văn hóa đa phương rộng lớn, như UNESCO, ngoại giao văn hóa của Việt Nam đã phát huy vai trò tích cực, đạt những thành tựu đáng ghi nhận, nổi bật là việc trở thành thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015 - 2019 với số phiếu cao nhất từ trước đến nay. Hình ảnh đất nước cũng được đẩy mạnh quảng bá thông qua việc đã có 24 di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Sự tham gia của Quốc hội Việt Nam tại các diễn đàn ngoại giao liên nghị viện

Với phương châm tích cực và chủ động trong các hoạt động đối ngoại, Quốc hội Việt Nam đã tham gia nhiều diễn đàn nghị viện đa phương khu vực và quốc tế quan trọng.

Là thành viên của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) trong suốt hơn 35 năm qua, Quốc hội Việt Nam luôn tham gia tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng vào các hoạt động của diễn đàn đàm phán chính trị đa phương và trung tâm đối thoại ngoại giao nghị viện toàn cầu này. Sự kiện Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức thành công kỳ họp lần thứ 132 Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-132) tại Hà Nội (tháng 3-2015) vào dịp kỷ niệm 36 năm Quốc hội Việt Nam gia nhập IPU (1979 - 2015) và kỷ niệm 126 năm ngày thành lập IPU (1889 - 2015) là một sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử - ngoại giao hết sức to lớn, thể hiện tinh thần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng của Quốc hội Việt Nam, một thành viên có trách nhiệm trong tổ chức liên nghị viện toàn cầu.

Quốc hội Việt Nam tham gia Hội đồng Liên minh nghị viện ASEAN (AIPA) ngay từ khi là thành viên của ASEAN(3) và có những đóng góp chủ động và tích cực trong các cuộc họp Đại hội đồng AIPA. Những nội dung đóng góp của đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam trong các kỳ họp AIPA đã thể hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững lập trường, nguyên tắc của Việt Nam, đồng thời linh hoạt, hài hòa với lợi ích chung của khu vực, nhờ đó đã đạt được sự ủng hộ cao của các nước. Đoàn Việt Nam đã thành công trong việc đưa các nội dung, quan điểm của ta về vấn đề thúc đẩy hợp tác khu vực, phát huy đầy đủ các công cụ hiện có của ASEAN... vào các nghị quyết của AIPA. Là diễn đàn nghị viện quan trọng của khu vực, Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) hỗ trợ trực tiếp cho APEC và thu hút được sự tham gia của các nước lớn trong khu vực, như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam luôn tích cực tham gia mọi hoạt động tại APPF, nhất là trong quá trình soạn thảo và thông qua các văn kiện. Phát biểu, tham luận của Đoàn Việt Nam được chuẩn bị kỹ về nội dung và toàn diện về nhiều chủ đề mang tính thời sự của khu vực và thế giới liên quan đến tình hình an ninh - chính trị, kinh tế thương mại và hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nêu rõ quan điểm và kiến nghị của Việt Nam về các nội dung nghị sự, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước tham dự và sự đánh giá cao của bạn bè quốc tế.

Bên cạnh các diễn đàn quốc tế đa phương kể trên, Quốc hội Việt Nam còn tham dự nhiều sự kiện nghị viện khu vực và quốc tế khác, như Đại hội đồng Liên minh nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF), Diễn đàn Đối tác nghị viện Á - Âu (ASEP), Đại hội đồng Diễn đàn Nghị sĩ về giáo dục và phát triển (FASPPED),... và nhiều hội nghị liên nghị viện khác.

Đối ngoại nhân dân tại các diễn đàn nhân dân đa phương

Trong điều kiện mới hiện nay, đối ngoại nhân dân tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, phục vụ đắc lực quá trình đổi mới.

Trong hoạt động chính trị đối ngoại, các đoàn thể và tổ chức nhân dân của ta đã xuất hiện ngày càng nhiều trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, trong các hoạt động đối ngoại nhân dân đa phương, như Hội nghị Phụ nữ thế giới, Diễn đàn Xã hội thế giới, Diễn đàn Nhân dân Á - Âu, Diễn đàn Đoàn kết châu Á - Thái Bình Dương với Mỹ La-tinh... Các đoàn thể và tổ chức nhân dân đăng cai thành công nhiều hoạt động quốc tế và khu vực ở Việt Nam trong những năm qua, như Hội nghị Tiểu ban Hòa bình và giải trừ quân bị của Tổ chức Phật giáo châu Á vì hòa bình, Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hội đồng Hoà bình thế giới;...

Tại các diễn đàn nhân dân đa phương, các đoàn thể và tổ chức nhân dân Việt Nam cũng tham gia rất tích cực vào nhiều hoạt động bảo vệ chủ quyền đất nước và chế độ chính trị, chống các thế lực thù địch ở bên ngoài nhân danh “dân chủ”, “nhân quyền”, lợi dụng các vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” hòng xuyên tạc, phá hoại công cuộc xây dựng và phát triển của Việt Nam. Các đại biểu của các đoàn thể và tổ chức nhân dân mềm dẻo, linh hoạt tiếp xúc hành lang để vừa giải thích, vận động, vừa kiên quyết đấu tranh có lý, có tình trên những diễn đàn, như Hội nghị Nhân quyền khu vực và thế giới; Hội nghị Phụ nữ thế giới; các diễn đàn phi chính phủ Mỹ - Đông Dương; Diễn đàn Nhân dân ASEM; Diễn đàn Xã hội thế giới...

Hoạt động và sự tham gia của các đoàn thể và tổ chức nhân dân Việt Nam tại các diễn đàn đã góp phần giới thiệu chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, truyền thống lịch sử và những thành tựu toàn diện của đất nước Việt Nam đến với thế giới; xây dựng và tăng cường tình hữu nghị của nhân dân các nước với nhân dân ta, vận động các nguồn lực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ rộng rãi của bạn bè quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Có thể thấy, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng bị bao vây, cấm vận, trở thành thành viên của hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế; có quan hệ với hơn 500 tổ chức phi chính phủ. Những thành tựu trên tất cả các kênh đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại quốc hội và đối ngoại nhân dân, hoạt động đối ngoại đa phương góp phần vô cùng quan trọng vào việc khẳng định vị thế mới của nước ta trên trường quốc tế; tranh thủ nguồn lực quốc tế, tăng cường tiềm lực đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; chuyển tới bạn bè năm châu về hình ảnh một dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đổi mới, năng động, tích cực phấn đấu vì hòa bình, tiến bộ xã hội và những giá trị chung của nhân loại./.

------------------------------------------

(1) Đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ ở các mức độ khác nhau với 228 chính đảng tại 112 nước trên khắp các châu lục, trong đó có 59 đảng cầm quyền và 38 đảng tham chính

(2) Thành viên của ICAPP là các đảng lớn hoặc cầm quyền của các nước

(3) Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO) được thành lập năm 1977, từ năm 2006 chính thức đổi tên là Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA)