Nỗ lực phục hồi nghề gốm cổ Bồ Bát
TCCS - Gốm sứ là nghề cổ truyền của người dân Bồ Bát, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Khi Lý Công Uẩn dời đô lên kinh thành Thăng Long, các nghệ nhân ở đây cùng theo vua lên kinh đô và lập nghiệp ở làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Kể từ đó, nghề gốm ở Bồ Bát mai một, thất truyền. Gần đây, các thế hệ con cháu của các nghệ nhân làng Bồ Bát thuở xưa đang cố gắng, nỗ lực phục hồi nghề gốm một thời hưng thịnh ở cố đô Hoa Lư.
Nghề gốm truyền thống ở cố đô Hoa Lư
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những quốc gia có nghề gốm xuất hiện khá sớm. Từ thời kỳ văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn, nghề gốm đã xuất hiện ở nước ta. Vào những thế kỷ đầu Công nguyên, nghề gốm bắt đầu phát triển ở Tam Thọ (Thanh Hóa), Đồng Đậu (Vĩnh Phúc), Luy Lâu (Bắc Ninh)… Một số tài liệu lịch sử cho thấy, tỉnh Ninh Bình là vùng đất có nghề gốm xuất hiện khá sớm. Theo các hiện vật khảo cổ được phát hiện tại Mán Bạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, nghề gốm đã phát triển ở khu vực này cách đây khoảng 3.000 - 4.000 năm trước. Vào thời nhà Đinh, nhiều loại hình vật liệu kiến trúc đặc trưng bằng gốm được các nghệ nhân Bồ Bát chế tác phục vụ cho việc xây dựng cố đô Hoa Lư.
Thời nhà Đinh, Bồ Bát là làng nghề gốm rất mực nổi tiếng ở cố đô Hoa Lư. Ngày xưa, Bồ Bát gồm 2 địa danh Bồ Xuyên và Bạch Bát thuộc tổng Bạch Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên. Ngày nay, địa danh Bồ Xuyên và Bạch Bát thuộc làng Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Những người thợ cần cù, tài hoa của làng nghề đã sáng tạo ra những sản phẩm cao cấp để tiến vua như: gạch đất nung để xây thành quách, đồ thờ cúng, bát đĩa, ấm chén tinh xảo, đẹp mắt, ưa nhìn. Nghệ nhân Phạm Văn Vang, Giám đốc Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát - cho biết: “xưa kia Bồ Bát là làng gốm danh tiếng ở cố đô Hoa Lư. Với nhiều sản phẩm độc đáo, tinh xảo, được quan lại nhà Đinh chọn làm vật phẩm để cống nạp triều đình Trung Hoa nên thời xưa Bồ Bát còn được gọi là làng Cống Bát”.
Khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, các nghệ nhân thuộc 5 dòng họ Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm làm nghề gốm của làng Bồ Bát cùng dời quê lên kinh thành Thăng Long tìm đất lập nghiệp. Đến Thăng Long, những nghệ nhân xứ Bồ Bát tìm đất định cư, lập xưởng, làm gốm, sản xuất nhiều loại vật liệu gốm sứ để xây dựng kinh đô mới ở vùng đất ven sông Hồng. Đây là nơi có nguồn đất sét trắng, mịn, đẹp để sản xuất gốm sứ. Vì vậy, nghề gốm nổi tiếng bấy lâu nay ở Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội có gốc tích từ làng gốm cổ Bồ Bát của cố đô Hoa Lư thuở xưa. Sau khi nhiều dòng họ, nghệ nhân cùng dời quê đến kinh thành Thăng Long tìm đất lập nghiệp, số người làm nghề gốm truyền thống ở Bồ Bát ngày một ít dần. Nhiều người chuyển sang làm việc ruộng đồng, cấy lúa, trồng ngô sinh sống. Do vậy, người dân ở đây không còn lưu giữ được nghề gốm cổ truyền. Qua thời gian, nghề gốm một thời hưng thịnh ở Bồ Bát xưa kia dần mai một và sau đó thất truyền.
Phục hồi và phát triển nghề gốm Bồ Bát
Sau thời gian quãng trên dưới cả nghìn năm mai một, thất truyền, những năm gần đây nghề gốm làng Bồ Bát vang danh cố đô Hoa Lưu thuở xưa đang được các thế hệ con cháu và chính quyền chung tay, góp sức phục hồi và phát triển. Với tấm lòng yêu nghề và khát vọng phục hồi nghề truyền thống, làm sống lại giá trị nghề gốm Bồ Bát của cha ông, nghệ nhân Phạm Văn Vang quyết chí theo nghề khi tuổi đời còn rất trẻ. Từ những đam mê, khát vọng đó, thanh niên Phạm Văn Vang quyết định tìm đến làng Bát Tràng để tìm hiểu, học hỏi những kỹ thuật, bí quyết của nghề gốm cổ được các nghệ nhân của làng Bồ Bát năm xưa dời đô theo vua Lý Công Uẩn mang đến đây. Trong thời gian 3 năm “tu nghiệp” ở Bát Tràng, với niềm đam mê, yêu nghề, ý chí quyết tâm, tinh thần học hỏi, Phạm Văn Vang cố gắng tìm hiểu, lĩnh hội những kỹ thuật, bí quyết của nghề gốm cổ Bồ Bát. Từ những kiến thức, kỹ thuật và bí quyết của nghề gốm cổ truyền có được sau những năm tháng học nghề ở Bát Tràng, nghệ nhân trẻ Phạm Văn Vang trở về quê hương khởi nghiệp, thực hiện ước mơ phục dựng, phát triển nghề gốm cổ truyền của cha ông. Với ý thức, tinh thần lao động chăm chỉ, cần mẫn và khả năng sáng tạo vốn có, không lâu sau khi khởi nghiệp, nghệ nhân Phạm Văn Vang đạt được nhiều danh hiệu, thành tích đáng khen ngợi. Năm 2016, Phạm Văn Vang được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Từ chủ trương, chính sách hỗ trợ về quỹ đất xây dựng nhà xưởng, vốn vay sản xuất,… của chính quyền tỉnh Ninh Bình, nghệ nhân Phạm Văn Vang thành lập Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát. Hoạt động của công ty không chỉ đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động, mà còn có ý nghĩa trong việc khôi phục, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa của nghề gốm cổ Bồ Bát vang danh cố đô Hoa Lư thuở xưa. Với lòng đam mê, ý thức giữ gìn, bảo tồn nghề truyền thống của làng quê, cha ông, nhiều thanh niên ở đây theo nghệ nhân Phạm Văn Vang học nghề và sau đó trở thành những nghệ nhân, thợ thủ công lành nghề. Hiện nay, nhiều nghệ nhân người sinh quán ở địa phương đang làm việc ở Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát.
Bằng nhiệt huyết, tinh thần cố gắng, nỗ lực lao động, sáng tạo của các nghệ nhân, Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát đã nhận được nhiều giải thưởng, bằng khen của các cấp, các ngành tỉnh Ninh Bình. Năm 2017, với sản phẩm “Bình gốm tráng men trắng cổ vẽ non nước Ninh Bình”, nghệ nhân Phạm Văn Vang đoạt giải A Cuộc thi mẫu sản phẩm thủ công, mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình. Năm 2023, “Bộ đồ thờ gốm sen vàng men bạch ngọc” của Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cấp giấy chứng nhận OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) đạt hạng sản phẩm 4 sao. Sản phẩm “Bảo Bình” của công ty được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình chứng nhận: Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh - năm 20203…
Những sản phẩm sứ vẽ vàng, mạ vàng của Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát không chỉ kế thừa những kỹ thuật tinh xảo, độc đáo, cổ truyền của nghề gốm Bồ Bát và Bát Tràng, mà còn được đầu tư, sản xuất bằng máy móc, kỹ thuật chuyên dùng tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu, sở thích, thị hiếu của khách hàng ở trong và ngoài nước. Nghệ nhân Phạm Văn Vang cho biết: “nhiều sản phẩm gốm sứ của công ty có giá cao trên thị trường trong nước. Một số sản phẩm cao cấp xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Singapore và một số quốc gia ở khu vực Trung Đông được du khách quốc tế ưa chuộng”./.
Tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh xây dựng sản phẩm quà tặng du lịch đặc sắc trên cơ sở phát triển các làng nghề truyền thống (13/08/2024)
Tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh xây dựng sản phẩm quà tặng du lịch đặc sắc trên cơ sở phát triển các làng nghề truyền thống (13/08/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển