Góp thêm ý kiến chung quanh “Hậu hội thảo” về Nhà Nguyễn
TCCS - Ngay bây giờ mà nói: “Nhà Nguyễn có đến ba phần công và chỉ có một phần tội” là hơi vội. Nói “Nhà Nguyễn đã để lại di sản lớn lao nhất là một giang sơn đất nước trải rộng trên lãnh thổ thống nhất từ Bắc chí Nam, gần như tương ứng với lãnh thổ Việt Nam hiện nay” cũng là vội. Nói: “Chỉnh sửa lại ngay sách giáo khoa phổ thông được biên soạn đã quá lỗi thời và biên soạn theo quan điểm cũ” lại càng nóng vội.
Trước tiên cần chia Nhà Nguyễn thành hai giai đoạn phân biệt, bởi ảnh hưởng của Nhà Nguyễn ở mỗi giai đoạn rất khác nhau. Giai đoạn 1558 - 1802 từ Đoan quận công Nguyễn Hoàng đến chúa Nguyễn Phúc Dương gọi là giai đoạn chúa Nguyễn (Thực ra 5 vị trước vẫn nhận quan tước của Nhà Lê. Mãi đến Nguyễn Phúc Chu năm 1702 mới xưng chúa, nhưng quy ước gọi như thế cho tiện). Giai đoạn triều Nguyễn bắt đầu từ năm 1802 khi chúa Nguyễn Phúc ánh lên ngôi vua đầu tiên (hiệu Gia Long) đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi Bảo Đại thoái vị, chấm dứt triều Nguyễn. Vậy tại sao các nhà tổ chức Hội thảo chỉ dừng triều Nguyễn ở thế kỷ XIX, trong khi triều đại này tồn tại đến giữa thế kỷ XX?
Nói về công của Nhà Nguyễn ở giai đoạn chúa Nguyễn có lẽ chủ yếu là nói đến việc mở rộng đất đai về phía Nam (tạm gác lại chuyện chia cắt đất nước, gây ra cuộc chiến tranh Trịnh- Nguyễn kéo dài 50 năm đã tàn phá, làm chết hàng chục vạn người). Sự thể bắt đầu từ việc đại tướng Trịnh Kiểm nhà Lê giết Nguyễn Uông, anh trai của Nguyễn Hoàng. Lo sợ bị hại tiếp, Nguyễn Hoàng xin Vua Lê cho đi trấn thủ đất Thuận Hóa (năm 1558), một mặt, vẫn thần phục Nhà Lê; mặt khác, mưu đồ thành lập giang sơn riêng. Đất đai của Nhà Lê hồi đó về phía Nam đến giáp Phan Rang (đất Chiêm Thành). Các chúa Nguyễn thôn tính Chiêm Thành, rồi tiếp tục thôn tính Thủy Chân Lạp, đưa nông dân nghèo miền Trung và tù binh cùng dân chúng miền Bắc bị bắt trong cuộc chiến tranh với Lê - Trịnh vào khai khẩn vỡ hoang, trồng lúa, phát triển dân cư, lập thành các trang ấp củng cố hậu phương, tăng cường tiềm lực. Ngoài ra, các chúa Nguyễn còn thu nạp đám tàn quân Minh không chịu theo Nhà Thanh trốn sang, cho khai khẩn vùng đất cực Nam vốn là của Thủy Chân Lạp. Việc kinh dinh đất Thủy Chân Lạp đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu thì hoàn thành, vào năm 1759 hoặc sau đó một chút.
Hành động bành trướng của các chúa Nguyễn âu cũng là cái nghiệp chung của nhiều vua chúa phong kiến thời trung cổ, có tính chất phổ biến trên thế giới, được xem là thời kỳ tiến tới định hình các quốc gia. Tuy nhiên, có thể nói công mở mang đất đai của các chúa Nguyễn đã trở thành “công dã tràng”, do con cháu các ngài đem đất ấy nhường đứt cho nước Pháp từ năm 1874. Khác nào như một nhà kia, đời ông phá rậm được một tràn ruộng, đời cha đem bán cho người ta, thì đời con trắng tay chứ làm sao dám nhận tràn ruộng ấy vẫn là của mình.
Nói về công của Nhà Nguyễn ở giai đoạn triều Nguyễn thực không đơn giản. Bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng biết Nguyễn ánh, ông vua lập ra triều Nguyễn đồng thời cũng là người đã cầu viện quân Xiêm và quân Pháp chống lại nhà Tây Sơn - một triều đại đã lập công hiển hách đánh đuổi 20 vạn quân Thanh giành độc lập thống nhất đất nước, mở ra một viễn cảnh huy hoàng cho dân tộc khiến chính nhà Thanh cũng phải nể vì.
Giữa năm 1784, Nguyễn ánh sang cầu viện vua Xiêm. Tháng 7 năm 1784 vua Xiêm cho 3 vạn bộ binh và 2 vạn thủy binh cùng 300 chiến thuyền sang chiếm Rạch Giá, Mỹ Tho, Sa Đéc, và Gia Định. Đầu năm 1785, vua Tây Sơn lúc đó là Nguyễn Nhạc cử em là Nguyễn Huệ chỉ huy quân Tây Sơn chống Xiêm. Nguyễn Huệ nhử quân Xiêm đến Rạch Gầm - Xoài Mút tiêu diệt gần hết 5 vạn cả thủy binh lẫn bộ binh của giặc, giành lại toàn bộ đất đai.
Nguyễn Ánh biết không thể chỉ trông cậy vào Xiêm mà xong, nên đã cầu viện nước Pháp. Mùa đông năm 1784, Nguyễn ánh cho con trai là hoàng tử Cảnh đi cùng giáo sĩ Bá Đa Lộc cầm quốc thư sang Pháp cầu viện và ủy nhiệm Bá Đa Lộc ký Giao ước với Thượng thư ngoại giao Pháp, bá tước Đờ Mông Mô-rin ngày 28-11-1787. Điều II Giao ước hứa nhường cho nước Pháp cảng Hội An và đảo Côn Lôn. Nhưng vì vua Lu-i XVI đang bận việc trong nước chưa xuất quân được. Bá Đa Lộc tự mộ quân và mua sắm khí giới chiến thuyền sang giúp Nguyễn ánh đánh Tây Sơn. Ông Phô-rơ, nhà chép sử người Pháp viết về chuyện này như sau: “Ví bằng lúc bấy giờ Chính phủ nước Pháp mà sẵn lòng giúp ông Bá Đa Lộc, thì có lẽ ông ấy đã lập nên cho nước Pháp thành cuộc bảo hộ ở An Nam ngay từ hồi thập bát thế kỷ (thế kỷ XVIII), khiến cho về sau khỏi phải dùng đến sự chiến tranh mới xong việc” (Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược). Cũng bởi sự dính líu với nước Pháp mà 70 năm sau, đến đời vua Lu-i XVII vẫn vin vào bản Giao ước, lấy đó làm cái cớ đánh vào cửa biển Đà Nẵng năm 1858, mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Cho nên người ta mới nói Nguyễn ánh “cõng rắn cắn gà nhà”, quy kết cho Ngài tội bán nước là có lý.
Sau khi vua Quang Trung mất, triều đình nhà Tây Sơn tôn con trai Ngài là Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi. Nguyễn ánh sau khi đánh thắng Quang Toản, lên làm vua năm 1802 hiệu Gia Long, lập tức báo thù. “Năm 1802 trước khi hành hình Nguyễn Quang Toản, Gia Long đã bắt ông phải xem lính đào mộ Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ cùng vợ chính, lấy hài cốt giã nhỏ bỏ vào một cái bồ lớn, rồi đái vào, xương đầu thì bỏ vào ngục tối giam lâu dài. Đến lượt mình, Quang Toản bị voi xé xác, chặt làm 5 khúc bêu ở chợ. Các em của Quang Toản đều bị voi giày. Trần Quang Diệu bị chém làm trăm mảnh, vợ là Bùi Thị Xuân cũng bị voi giày cùng con gái...” (Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh: Đại cương lịch sử Việt Nam). Trong lịch sử Việt Nam đây là sự trả thù đối phương man rợ nhất. Việc Nguyễn ánh hủy hoại thô bỉ hài cốt vua Quang Trung, vị anh hùng dân tộc, đã để lại nỗi đau xót đời đời.
Các vua triều Nguyễn nếu tính từng mặt riêng lẻ của một số vị tiêu biểu, có những mặt đáng khen bên cạnh những mặt đáng chê.
Đáng khen nhất là vua Hàm Nghi tuổi nhỏ chí cao, khởi xướng phong trào Cần Vương, sẵn sàng dấn thân vào con đường gian khổ chông gai, đi cùng dân tộc chống xâm lược Pháp (khi hạ chiếu Cần Vương, Ngài mới 13 tuổi. Lúc bị Pháp bắt, Ngài 18 tuổi). Sự nghiệp bất thành, Ngài phải chịu thiệt thòi cả cuộc đời.
Vua Minh Mệnh, một ông vua thông tuệ chuyên cần, có tài tổ chức bộ máy chính quyền quản lý đất nước, để lại nhiều kinh nghiệm hay. Nhưng ông là người khá tàn nhẫn, bị nhân dân chống đối nhiều nhất. Ông không những truy tìm, bắt giết họ hàng thân thích của vua Quang Trung, mà còn “bới lông tìm vết”, giết hại các công thần của chính mình.
Vua Tự Đức, một ông vua hay chữ, đã để lại nhiều sách vở về lịch sử, địa lý, bảo vệ văn hóa dân tộc tích cực nhất. Song, đáng tiếc là ông đã bỏ lỡ cơ hội dựa vào chiến tranh nhân dân chống Pháp, mà làn sóng yêu nước đấu tranh võ trang với địch do tầng lớp văn thân và hàng ngũ thổ hào địa phương lãnh đạo, đang lan tỏa sâu rộng trong cả nước. Thời gian đầu vua Tự Đức cũng cho xây dựng một số sơn phòng chuẩn bị chống Pháp và thực sự quân triều đình có chiến đấu từ năm 1858 đến năm 1862. Nhưng sau đó Tự Đức nhượng bộ dần, và bản thân ông sinh ra sợ giặc quá đáng. Trước mưu mô cướp nước của thực dân Pháp, ông chỉ nghĩ đến thương lượng, ký Hòa ước. Đáng tiếc nhất là trong chiến dịch tháng 4-1882 - 5-1883 tên đại tá Ri-vi-e đã bị quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc giết ở Cầu Giấy cùng với 300 lính Pháp. Chúng chỉ còn 20 tên chạy về co cụm ở Đồn Thủy nơm nớp lo sợ bị tiêu diệt. Thế mà vua Tự Đức hạ lệnh để thương lượng, không cho quân ta đánh tiếp, cho dù vòng vây đã xiết chặt sắp thành công. Ông ra chiếu dụ rằng: “Bàn hòa là người có công, bàn chiến là kẻ có tội...”, (sách Truyền thống giữ nước của nhân dân vùng Đất Tổ). Vì vậy, triều nhà Nguyễn bỏ rơi phong trào Cần Vương, quay sang hợp tác với kẻ thù, đàn áp các cuộc khởi nghĩa chống Pháp liên tục diễn ra từ sau điều ước Pa-tơ-nốt (1884) đến năm 1930. Người ta quy trách nhiệm để mất nước cho Ngài là có lý.
Ông vua cuối cùng của Nhà Nguyễn là Bảo Đại thì trước sau một lòng theo Pháp, chống lại sự nghiệp giải phóng đất nước giành độc lập của dân tộc ta. Được sự khoan dung của Chính quyền cách mạng, tháng 8-1945 ông đã tuyên bố: “Trẫm thà làm dân một nước tự do, còn hơn là vua một nước nô lệ”. Nhưng sau ông lại theo Pháp lập chính phủ bù nhìn tổ chức quân đội Bảo Hoàng chống lại kháng chiến. Pháp thất bại năm 1954, ông liền vào Nam theo Mỹ.
Triều đình Nhà Nguyễn chỉ có 4 vị vua (Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức) là giữ được quyền tự chủ truyền ngôi kế vị theo thông lệ. Sau khi vua Tự Đức mất (1883) triều đình lâm vào cảnh đổ nát, lập vua mới là do các quyền thần, từ điều ước Pa-tơ-nốt (1884) trở về sau là do viên Khâm sứ Pháp tại Huế quyết định. Vua Dục Đức lên ngôi được 3 ngày thì bị phế. Vua Hiệp Hòa lên ngôi được 4 tháng thì bị giết. Vua Kiến Phúc lên ngôi được 6 tháng thì cũng bị giết một cách mờ ám. Sau khi vua Kiến Phúc mất tháng 7-1884, triều đình tôn Hàm Nghi lên ngôi. Lập tức viên khâm sứ Pháp Rhcinart gửi công hàm cho triều đình Huế rằng: “Nam triều có lập ai lên làm vua, thì phải xin phép nước Pháp mới được”. Triều đình viết giấy xin phép bằng chữ Nôm, viên khâm sứ bắt phải viết lại bằng chữ Nho. Sau đó y mới vào cung điện làm lễ phong vương cho vua Hàm Nghi (Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược). Tiếp theo các vua Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại đều do Pháp đặt lên ngai vàng. Trong số này có các vị vua nuôi chí chống Pháp, như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân đã bị chúng bắt đầy sang châu Phi. Còn Đồng Khánh, Khải Định, Bảo Đại thì cúc cung thờ Pháp. Trước những sự tích đáng buồn như vậy, mà nói đến công lao của triều Nguyễn thì e khó thuyết phục.
Riêng đối với nhận định “Nhà Nguyễn đã để lại di sản lớn lao nhất là một giang sơn đất nước trải rộng trên lãnh thổ thống nhất từ Bắc chí Nam, gần như tương ứng với lãnh thổ Việt Nam hiện nay”, rất cần phải bàn thêm. Nếu chiếu theo dòng lịch sử, thì giai đoạn chúa Nguyễn (1558 - 1802) có mở mang được đất đai từ Phú Yên đến đồng bằng sông Cửu Long, và sau đó vua Minh Mệnh lập bản đồ chia làm 9 tỉnh. Nhưng triều đình nhà Nguyễn đã đem 6 tỉnh màu mỡ nhất là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, An Giang, Vĩnh Long, Hà Tiên hiến cho Pháp làm thuộc địa từ giữa thế kỷ XIX, chứ đâu có để lại cho nhân dân Việt Nam.
Tại Hòa ước ký ngày 9-5-1862, khoản II quy định “Nước Nam phải nhường đứt cho nước Pháp tỉnh Biên Hòa, tỉnh Gia Định và tỉnh Định Tường và phải để cho chiến thuyền của Pháp được ra vào tự do ở sông Mê Kông”. Thay mặt vua Tự Đức ký Hòa ước là ông Phan Thanh Giản và ông Lâm Duy Hiệp. Đại diện chính phủ Pháp ký Hòa ước là thiếu tướng Bô-nat.
Cuối năm 1867 quân Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Thượng thư Phan Thanh Giản biết không giữ nổi nên dâng thành trì cho Pháp, rồi uống thuốc độc tự tử. Triều đình chịu bó tay.
Ngày 27 tháng giêng năm Giáp Tuất (1874), Nhà Nguyễn ký Hòa ước chính thức bàn giao 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ cho Pháp. Khoản V của Hòa ước ghi “Vua nước Nam phải thuận nhường đứt 6 tỉnh Nam Kỳ cho nước Pháp”. Thay mặt vua Tự Đức ký Hòa ước là ông Lê Tuấn và ông Nguyễn Văn Tường. Thay mặt chính phủ Pháp ký Hòa ước là thiếu tướng Đuy-prê.
Vậy là 6 tỉnh Nam Kỳ do các chúa Nguyễn kinh dinh được từ đất Thủy Chân Lạp, đến triều Nguyễn đã dâng hết cho Pháp.
Giao xong Nam Kỳ cho Pháp để họ lập thành thuộc địa, ngày 6-6-1884, triều Nguyễn ký tiếp Hòa ước nhận sự bảo hộ của Pháp đối với Trung Kỳ là đất bản bộ của họ, và nhận đặt Bắc Kỳ dưới chế độ vừa bảo hộ vừa trực tiếp cai trị của Pháp. Đại diện triều đình Huế ký Hòa ước là các ông Phạm Thận Duật, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Phan. Đại diện chính phủ Pháp ký Hòa ước là công sứ Pa-tơ-nốt. Điều ước Pa-tơ-nốt đánh dấu thời điểm vua quan triều Nguyễn giao phó toàn bộ nước ta cho thực dân Pháp. Còn họ thì “ung dung” hưởng lạc ở kinh đô Huế, quanh năm nhã nhạc xướng ca, xây đắp cung điện, lâu đài, lăng tẩm, xa xỉ hơn hẳn các triều đại trước.
Theo Điều ước Pa-tơ-nốt, Trung Kỳ là sứ bảo hộ nên chủ quyền quản lý hành chính vẫn thuộc vua Nguyễn, nhưng mọi việc phải thông qua viên Khâm sứ Pháp có hành dinh đóng tại Huế. Lập vua mới phải do khâm sứ chọn, xem mặt người được dự kiến rồi mới quyết định. Bắc Kỳ là xứ Pháp vừa bảo hộ vừa trực tiếp cai trị nên có 2 bộ máy chính quyền Pháp - Nam cùng làm việc từ cấp kỳ đến cấp tỉnh. Người Pháp nắm toàn quyền về chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, luật lệ. Người Việt Nam từ vua quan đến dân đen đều dưới quyền người Pháp.
Trong suốt 80 năm mất nước, nhân dân ta luôn trỗi dậy đấu tranh, hàng vạn nghĩa sĩ “xương trắng đầy đồng”, hàng nghìn nhà yêu nước bị lao tù xiềng xích, nhưng kẻ trước ngã xuống người sau đứng lên, đến Cách mạng Tháng Tám 1945 mới lấy lại được cả 3 kỳ Bắc - Trung - Nam từ tay Pháp, Nhật. Rồi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Nhân dân ta lại phải tiến hành cuộc kháng chiến 9 năm mới đánh đuổi được quân Pháp giải phóng miền Bắc năm 1954, và lại phải tiếp tục đánh Mỹ, kẻ xâm lược thay chân Pháp, trong 20 năm nữa mới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Trong 2 cuộc kháng chiến đó, cả dân tộc lao vào cuộc trường chinh gian nan cực khổ, đã hy sinh mất mấy triệu người, khánh kiệt gia tài, mới giành được giang sơn bờ cõi ngày nay. Đây đâu có phải là “gói lộc thơm thảo” mà Nhà Nguyễn để lại cho nhân dân ta được thụ hưởng sẵn. Thái độ của nhiều thế hệ nhân dân ta đối với triều đại Nhà Nguyễn vẫn còn đó trên giấy trắng mực đen.
Vậy là còn phải phát huy dân chủ trong khoa học, tìm tòi nghiên cứu bàn luận rất nhiều cho sáng tỏ, chứ chưa nên vội vàng thực hiện các việc gọi là “Hậu hội thảo” để có thể nhanh chóng đánh giá công của Nhà Nguyễn, từ đó biên soạn lại lịch sử Việt Nam, chỉnh sửa sách giáo khoa phổ thông môn lịch sử. Các nhà sử học có thể đưa ra những chứng cứ lịch sử và phân tích nhận định bằng lý luận chuyên môn. Còn quyền phán quyết cuối cùng nhân vật lịch sử ấy, triều đại ấy, phải đợi sự suy ngẫm chín chắn của toàn xã hội. Mọi thành viên xã hội cùng suy ngẫm, cân nhắc rồi bầy tỏ thái độ qua dư luận, trên báo chí, tại các diễn đàn thảo luận... thì mới tổng kết được vấn đề nêu ra./.
Thông tin truyền thông và việc đẩy mạnh ngoại giao văn hóa  (23/03/2009)
Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh - Nền tảng lý luận xuất phát của chủ thuyết phát triển của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh  (23/03/2009)
Thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm phát triển toàn diện, bền vững vùng dân tộc thiểu số  (23/03/2009)
Điều hãi hùng nhất của chiến tranh là những gì để lại sau cuộc chiến!  (23/03/2009)
Sự trở lại của nước Pháp: NATO thêm luồng sinh khí  (23/03/2009)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên