Nâng cao vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
TCCS - Thực tiễn hơn 30 năm đổi mới của đất nước đã khẳng định: Để nền kinh tế thị trường giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, cần có vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Cơ sở lý luận và thực tiễn về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), với nhiều hình thức sở hữu, nhiều khu vực và thành phần kinh tế là sự kế thừa những ưu việt của kinh tế thị trường, phù hợp với đặc điểm và điều kiện cụ thể của Việt Nam. Động lực chung để phát triển mô hình kinh tế này là sự kết hợp hài hòa các lợi ích của cá nhân, tập thể và xã hội. Trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, những yếu tố, phương tiện và công cụ của kinh tế thị trường đã được khai thác sử dụng, phát triển sáng tạo cho phù hợp với mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Tính chất xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ngày càng được hình thành rõ nét hơn trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Một trong những công cụ để Nhà nước điều tiết là kinh tế nhà nước với vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.
Vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước thể hiện trên những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước không chỉ biểu hiện ở số lượng doanh nghiệp nhà nước, tỷ trọng đóng góp giá trị sản lượng trong GDP, mà trước hết là ở trình độ quản lý, điều tiết năng lực cạnh tranh và hiệu quả phát triển, chất lượng sản phẩm. Đầu tư vào những dự án lớn, đòi hỏi vốn lớn mà thời gian thu hồi vốn lại chậm…
Thứ hai, trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, kinh tế nhà nước phải là trụ cột để đẩy lùi các nguy cơ chệch hướng XHCN, tụt hậu xa hơn về kinh tế, đồng thời phải là cơ sở vững chắc để khắc phục những hạn chế, khuyết tật của cơ chế thị trường.
Thứ ba, kinh tế nhà nước phải đi đầu trong việc kết hợp với quốc phòng, an ninh để bảo đảm hài hòa theo quan điểm phát triển và ổn định của Đảng trong mọi hoàn cảnh, điều kiện. Đây là vai trò độc quyền, chủ đạo, kéo theo sự tham gia của các thành phần kinh tế khác.
Thứ tư, kinh tế nhà nước là yếu tố bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững, cạnh tranh lành mạnh, có trách nhiệm điều phối hoạt động của các thành phần kinh tế khác theo đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng. Đặc biệt trong các lĩnh vực chủ chốt, vĩ mô của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, như xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, dịch vụ công, tạo điều kiện kích thích các thành phần kinh tế khác cùng phát triển.
Ở nước ta hiện nay, việc xác lập vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là sự khác biệt có tính chất bản chất giữa kinh tế thị trường định hướng XHCN với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Tính định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường ở nước ta đã quyết định kinh tế nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế nhiều thành phần. Do đó, kinh tế nhà nước cần và có thể giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân vì những lý do sau:
Trong cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là đòi hỏi cấp thiết của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, là chế độ sở hữu phù hợp với xu hướng xã hội hóa của lực lượng sản xuất, bảo đảm cho nền kinh tế tránh được nguy cơ chệch hướng.
Mục tiêu vận động của nền kinh tế nước ta là đi lên chủ nghĩa xã hội, vì vậy, vai trò của các thành phần kinh tế trong tiến trình vận động là không thể ngang bằng nhau. Kinh tế nhà nước nắm giữ những vị trí then chốt, yết hầu, xương sống của nền kinh tế, do đó nó có khả năng, có điều kiện chi phối hoạt động của các thành phần kinh tế khác, quyết định phương hướng vận động phát triển của toàn bộ nền kinh tế.
Kinh tế nhà nước là lực lượng bảo đảm cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế; vừa là công cụ kinh tế quan trọng nhất để củng cố và xây dựng nhà nước XHCN ngày càng vững mạnh, từng bước hình thành trật tự kinh tế, văn hóa xã hội theo định hướng XHCN.
Kinh tế nhà nước có thể tác động tới các thành phần kinh tế khác không chỉ bằng các công cụ và đòn bẩy kinh tế, mà còn bằng con đường gián tiếp, thông qua những thiết chế và hoạt động của kiến trúc thượng tầng xã hội chủ nghĩa.
Kinh tế nhà nước là lực lượng nòng cốt hình thành các trung tâm kinh tế, đô thị mới; là lực lượng có khả năng đầu tư vào những lĩnh vực có vị trí quan trọng, vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng.
Về mặt thực tiễn, quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta những năm qua đã khẳng định rõ Đảng và Nhà nước ta thực hiện nhất quán chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhờ đó huy động được nhiều nguồn lực của mọi thành phần kinh tế vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, làm cho tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư trên GDP đều tăng nhanh. Nền kinh tế nước ta là nền kinh tế nhiều thành phần, các thành phần kinh tế không tồn tại biệt lập, mỗi thành phần kinh tế là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế quốc dân thống nhất, nhưng lại dựa trên một hình thức sở hữu nhất định về tư liệu sản xuất. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bình đẳng trước pháp luật, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, cùng phát triển lâu dài. Trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển; phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa; nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài được thu hút mạnh; kinh tế cổ phần ngày càng phát triển, trở thành hình thức tổ chức kinh tế phổ biến, thúc đẩy xã hội hóa sản xuất và đầu tư. Trong những năm qua, mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước có giảm đi, nhưng vẫn góp phần quan trọng để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và nhu cầu quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình hình thành và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta nói chung, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước nói riêng vẫn còn một số hạn chế nhất định, như: Trong các doanh nghiệp nhà nước, vấn đề quản lý, phân phối chưa được giải quyết tốt, còn có sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế; các loại thị trường được hình thành và phát triển chậm, thiếu đồng bộ; các nguồn lực kinh tế được phân bổ chưa đồng đều… Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên là do: Việc nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN còn nhiều hạn chế, công tác lý luận chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn. Nền kinh tế vẫn còn trong tình trạng kém phát triển, sự chênh lệch giữa các tầng lớp dân cư, các vùng miền và các thành phần kinh tế còn cao.
Ở góc độ quản lý, năng lực quản lý, tổ chức thực hiện của Nhà nước còn chậm. Vai trò tham gia hoạch định chính sách, thực hiện chính sách và giám sát của các chủ thể còn yếu. Kinh tế nhà nước chưa có cơ sở kinh tế vững chắc để phát triển, hiệu quả còn rất thấp. Ngay tại thời điểm này, không ít doanh nghiệp nhà nước vẫn hoạt động không hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Do đó, nếu tỷ trọng của kinh tế nhà nước càng lớn thì hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế càng thấp. Về nguyên tắc, những doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả cần được xem xét để chuyển sang các hình thức tổ chức sản xuất khác. Bộ máy nhà nước còn chưa ngang tầm với yêu cầu công việc, cán bộ còn chưa đồng đều, năng lực chưa cao, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của kinh tế nhà nước như là thành phần kinh tế chủ đạo. Kinh tế nhà nước lại lạm dụng các lợi thế của mình về vốn, thị trường, các mối quan hệ kinh tế và phi kinh tế làm ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng và hợp pháp của các thành phần kinh tế khác sẽ có xu hướng giảm thiểu động lực hoạt động, dẫn đến những cạnh tranh không lành mạnh hoặc kéo theo sự trì trệ trong sản xuất và làm chậm quá trình phát triển của đất nước.
Chính vai trò lợi thế chủ đạo của kinh tế nhà nước đang hoạt động ở nước ta đã bị những kẻ chống phá, thù địch lợi dụng, suy diễn, xuyên tạc bản chất, bóp méo sự thật về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trước tình hình trên đòi hỏi chúng ta cần đẩy mạnh việc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực kinh tế, không để các thế lực thù địch, tác động, chuyển hóa kinh tế, từ kinh tế chuyển hóa về chính trị; khắc phục đẩy lùi các nguy cơ chệch hướng, tụt hậu. Nhà nước cần có những quyết sách để giữ vững phát triển kinh tế theo bản chất định hướng XHCN mà Đảng đã chỉ đạo.
Những nhiệm vụ đặt ra và giải pháp bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Để thực hiện tốt vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, giữ vững định hướng XHCN, phòng , chống nguy cơ chệch hướng trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay cần giải quyết tốt các nhiệm vụ cơ bản sau:
Một là, tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách để kinh tế nhà nước thực sự vận hành theo cơ chế thị trường, giữ vững vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.
Nhìn tổng thể thì nhà nước đang dần tạo một sân chơi bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế. Nhưng trên thực tế kinh tế nhà nước vẫn có nhiều lợi thế hơn so với các thành phần kinh tế khác đang cùng tồn tại. Có nhiều nguyên nhân, song có thể thấy một nguyên nhân rất quan trọng là nền kinh tế của Việt Nam phát triển theo định hướng XHCN, mà trong đó kinh tế nhà nước là nền tảng, giữ vai trò chủ đạo. Với quan điểm đó, kinh tế nhà nước luôn được chú ý đặc biệt trong hầu hết các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực chủ yếu, then chốt của nền kinh tế. Do đó, có thể tồn tại và phát triển, các thành phần kinh tế khác sẽ phải tìm cách để hạn chế và khắc phục sự bất cập so với kinh tế nhà nước do cơ chế đem lại cho kinh tế nhà nước. Vì vậy cần có cơ chế đa dạng hóa các hình thức sở hữu trong từng doanh nghiệp để có thể huy động tốt nhất các nguồn lực trong và ngoài nước. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, nhưng tùy từng hoàn cảnh cụ thể, không nên máy móc, câu nệ về tỷ lệ giữa các loại hình sở hữu. Sự đan xen các hình thức sở hữu ở các doanh nghiệp, các ngành, các vùng có thể khác nhau, miễn sao phát triển được lực lượng sản xuất và cải thiện được đời sống của nhân dân. Chủ trương đổi mới chế độ sở hữu gắn với tính định hướng XHCN là chủ trương coi kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Nhưng việc thực hiện chủ trương đó phải luôn luôn xuất phát từ yêu cầu thực tế của sản xuất và đời sống, phải coi các bộ phận kinh tế khác là những bộ phận cấu thành quan trọng không thể thiếu của nền kinh tế quốc dân, đều tham gia công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hai là, nâng cao vai trò, hiệu lực quản lý nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Đây là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài. Nhà nước với tư cách là người điều hành, quản lý kinh tế vĩ mô, Nhà nước định hướng, điều tiết đầu tư của các chủ thể kinh tế vào phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của mình. Phải đưa các doanh nghiệp nhà nước vào hoạt động trong môi trường liên kết, cạnh tranh, bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Các doanh nghiệp phải công khai, minh bạch thông tin về hoạt động kinh tế (trừ các thông tin về bí mật quốc gia, bí quyết công nghệ kinh doanh của doanh nghiệp).
Đổi mới cơ chế thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu của nhà nước và cơ chế giám sát hoạt động các doanh nghiệp nhà nước, nhằm hướng tới thiết lập trật tự kỷ cương trong hoạt động kinh tế. Đây là điều kiện tốt nhất cần thiết để bảo toàn và phát triển vốn thuộc sở hữu nhà nước; bảo đảm vốn của Nhà nước hướng vào các mục tiêu ưu tiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cần tách bạch chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước ra khỏi chức năng quản lý nhà nước, không để tình trạng cán bộ vừa là chủ sở hữu, vừa ban hành chính sách, vừa kiểm soát thị trường dẫn đến xung đột lợi ích khi điều hành hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế thực hiện mối quan hệ giữa chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu trong các tập đoàn kinh tế. Để quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, nhà nước cần chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; gắn kiểm tra, giám sát bên ngoài doanh nghiệp với kiểm tra, giám sát nội bộ doanh nghiệp một cách thực tế và hiệu lực cao.
Ba là, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Khu vực kinh tế nhà nước chỉ có thể giữ được vai trò chủ đạo, chi phối khi hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đóng vai trò then chốt trong việc ứng dụng, phát triển khoa học - kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, liên kết được các thành phần kinh tế khác trong sự phát triển, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Thực chất của việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là chuyển đổi sở hữu tài sản của Nhà nước cho các cổ đông sở hữu. Đó là một trong các hình thức đa dạng hóa sở hữu các doanh nghiệp nhà nước, nhằm xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, phát triển theo định hướng XHCN.
Ngoài ra, các hình thức khác, như khoán, cho thuê tài sản, cửa hàng, sát nhập và liên doanh cũng là những hình thức được sử dụng khá phổ biến và làm cho mức đa dạng hóa các sở hữu doanh nghiệp nhà nước thêm phong phú và mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển của nền sản xuất xã hội. Đặc biệt là trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp và dịch vụ. Kiên trì nguyên tắc: “Nhà nước chỉ làm những gì mà tư nhân không muốn làm hoặc không thể làm được, khi đã tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ từ phía Nhà nước”. Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, kể cả các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, tập trung tháo gỡ tình trạng cổ phần hóa mang tính khép kín, khắc phục những vướng mắc, tiêu cực khi tính giá thương hiệu, quyền sử dụng đất, tài sản doanh nghiệp và lợi ích nhóm trong quá trình cổ phần hóa. Ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể để thực hiện việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước theo ngành, lĩnh vực kinh doanh không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Tiếp tục nghiên cứu mô hình tổ chức thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước bảo đảm phù hợp, hiệu quả.
Bốn là, phát triển kinh tế nhà nước đi đôi với tăng cường sức mạnh an ninh - quốc phòng.
Một đất nước ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh sẽ là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngoài nhiệm vụ kinh tế cần tham gia nhiệm vụ an ninh, quốc phòng và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Không chỉ chú trọng vào nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần nâng cao vai trò trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, vừa là nhân tố trọng yếu để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững ở nước ta hiện nay. Phát triển kinh tế nhà nước là cơ sở tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng môi trường kinh tế ổn định, xây dựng kết cấu hạ tầng bền vững, phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, quan hệ sản xuất phù hợp. Bảo vệ Tổ quốc không còn bó hẹp trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, an ninh mà được mở rộng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội... theo quan điểm của Đảng ta là kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh; quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội. Tăng cường quốc phòng, an ninh phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên hàng đầu, phải tạo được một môi trường hòa bình, ổn định, trật tự và an toàn xã hội, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển, mọi công dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, lấy đó làm điểm tương đồng trong nhận thức và hành động bảo vệ Tổ quốc của mọi giai cấp, tầng lớp, trong đó nâng cao vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước./.
Nhiều dấu ấn quan trọng tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV  (20/11/2018)
Quốc hội hoàn thành Kỳ họp thứ 6 với nhiều nội dung quan trọng  (20/11/2018)
Lễ đón Tổng thống Ấn Độ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam  (20/11/2018)
Toàn văn Bài phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 6 của Chủ tịch Quốc hội  (20/11/2018)
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên