Tác động của tăng trưởng kinh tế đến phát triển văn hóa ở Việt Nam hiện nay
TCCSĐT - Mục tiêu cuối cùng của phát triển bền vững, đó là phát triển con người, tăng trưởng kinh tế cũng là để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về vật chất và tinh thần của từng cá nhân cũng như cả cộng đồng. Hiểu theo nghĩa này, phát triển văn hóa chính là mục tiêu của tăng trưởng kinh tế, đồng thời cũng là một trụ cột của phát triển bền vững.
Tăng trưởng kinh tế tạo ra nền tảng vật chất để phát triển văn hóa, góp phần hình thành nên những giá trị mới cho cá nhân và cộng đồng trong quá trình thúc đẩy các quan hệ kinh tế. Văn hóa trở thành nền tảng tinh thần và tạo ra những động lực mới đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế. Vì thế, việc tách biệt một cách rạch ròi hai chiều tác động qua lại giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa là điều không khả thi. Tuy nhiên, nhận diện những kênh tác động chính từ tăng trưởng kinh tế đến phát triển văn hóa và ngược lại để từ đó có những đề xuất chính sách cụ thể hơn nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ nói trên lại là cần thiết.
Văn hóa có vị trí quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia. Đã có rất nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa, trong đó định nghĩa của UNESCO là một trong những cách hiểu nhận được sự đồng thuận cao trong giới học thuật và quản lý văn hóa. Theo đó, “văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội, và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin”. Tóm lại, phát triển văn hóa theo cách hiểu của tác giả bài viết này là sự phát triển theo chiều hướng tiến bộ của yếu tố “cứng” trong văn hóa, bao gồm các thiết chế văn hóa và hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ văn hóa (hay còn gọi là ngành công nghiệp văn hóa) và yếu tố “mềm” của văn hóa (hệ giá trị, chuẩn mực, niềm tin… của cá nhân và cộng đồng). Phát triển phần “mềm” của văn hóa là phát triển các năng lực và phẩm chất của con người, của cộng đồng, kết tinh vào nhân cách, cốt cách, bản lĩnh của mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung đề cập đến việc hình thành và phát triển hệ giá trị văn hóa của cá nhân và cộng đồng.
Bối cảnh mới của mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa ở Việt Nam
Nền kinh tế nước ta đang đứng trước những tác động rất lớn của bối cảnh quốc tế. Xét về tác động đến văn hóa, có thể thấy toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0 sẽ có ảnh hưởng rõ nét nhất.
Thứ nhất là toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Toàn cầu hóa đang tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho sự phát triển kinh tế ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đến lượt mình, những cơ hội và thách thức này lại tạo ra những tác động hai chiều (tích cực và tiêu cực) đến phát triển văn hóa ở nước ta.
Về mặt tích cực, toàn cầu hóa có thể giúp các quốc gia đạt mục tiêu phát triển văn hóa nhanh hơn. Các quốc gia tham gia sớm và sâu vào quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sẽ có nhiều cơ hội tranh thủ được nguồn vốn, khoa học - công nghệ, thị trường, hệ thống phân công lao động quốc tế… từ các quốc gia khác, từ đó thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của lực lượng sản xuất trong nước. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn, các quốc gia sẽ nhanh chóng tạo dựng và tích lũy được một cơ sở vật chất lớn mạnh hơn để đầu tư vào các mục tiêu phát triển văn hóa. Ngoài ra, toàn cầu hóa và xu thế hội nhập mạnh mẽ sẽ mở ra nhiều cơ hội giao lưu văn hóa giữa các quốc gia. Văn hóa và di sản của Việt Nam sẽ được giới thiệu đến với đông đảo bạn bè quốc tế hơn và ngược lại, Việt Nam cũng có thể tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa thế giới một cách nhanh chóng và có chọn lọc hơn. Chính nhờ sự so sánh, học hỏi từ các nền kinh tế tiên tiến mà chúng ta có thể hoàn thiện được văn hóa của mình, bảo đảm hội nhập thành công về văn hóa với thế giới nhưng cũng không làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc đã hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử.
Về mặt tiêu cực, toàn cầu hóa có thể kéo theo sự phân phối cơ hội và lợi ích kinh tế không đồng đều giữa các quốc gia, trong đó các nền kinh tế có tiềm lực nhỏ bé như Việt Nam có thể sẽ gặp nhiều bất lợi. Điều này có thể khiến những quốc gia tiếp nhận nhiều nguồn lực từ bên ngoài trở nên phụ thuộc nhiều hơn về kinh tế, và từ đó kéo theo sự lệ thuộc về chính trị và văn hóa. Trong bối cảnh thể chế kém phát triển, các “hàng rào” ngăn chặn tác động tiêu cực về văn hóa chưa đầy đủ và kém hiệu lực, toàn cầu hóa sẽ dẫn đến nguy cơ du nhập ồ ạt văn hóa ngoại lai, lối sống thực dụng và các tư tưởng phản động, đi ngược lại các giá trị chân thiện mỹ đã được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Hệ lụy của việc mất đi bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc, đến lượt nó, sẽ gây bất ổn chính trị xã hội và trở thành yếu tố phản phát triển.
Thứ hai là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi triệt để cách sống, làm việc và quan hệ giữa các cá nhân trong xã hội loài người, có nghĩa là sẽ làm thay đổi trực tiếp đến văn hóa. Trong bối cảnh này, tính đổi mới sáng tạo từ con người và ứng dụng tính đổi mới sáng tạo đó vào đời sống sẽ được đề cao. Vì thế, về mặt tích cực, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi mỗi quốc gia phải xây dựng được một hệ thống đổi mới sáng tạo để chuyển đổi nền công nghiệp hiện hành lên một vị thế cao hơn, giá trị hơn, cùng với đó là hình thành một nền văn hóa năng động, sáng tạo và năng suất cao hơn.
Mặt khác, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư luôn tạo ra những cái mới, sản phẩm mới, hấp dẫn, lôi cuốn và rất dễ dẫn đến tình trạng “sùng ngoại” không chỉ ở phương diện văn minh, mà còn ở lĩnh vực văn hóa, lối sống, cách giao tiếp, ứng xử... Nhiều thói quen trong nhận thức rất dễ bị thay đổi. Những chuẩn mực, giá trị văn hóa, đạo đức được tôn thờ qua nhiều thế hệ cũng có những nguy cơ bị mai một. Con người trong cộng đồng, xã hội dần mất đi nét đẹp trong giao tiếp của “tình làng, nghĩa xóm”, thay vào đó là quan hệ công việc đơn thuần. Sự giao tiếp rộng, nhưng hạn chế chiều sâu, tầm cao tạo ra những quan hệ “ảo”. Quá trình tận dụng cơ hội, tiếp nhận thành tựu văn minh, tinh hoa của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để làm giàu tri thức và tiến lên phía trước là tất yếu, cần thiết, nhưng làm thế nào để giữ vững cốt cách, tâm hồn, phẩm giá, khí phách con người Việt Nam trong xây dựng nền văn hóa dân tộc sẽ là một bài toán hóc búa.
Tác động của tăng trưởng kinh tế đến phát triển văn hóa ở Việt Nam thời gian qua
Một là, tác động đến phát triển lĩnh vực văn hóa
Chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực văn hóa chưa có sự đột phá ưu tiên
Hình 1 phản ánh tỉ lệ chi một số sự nghiệp liên quan, bao gồm sự nghiệp văn hóa - thông tin, phát thanh, truyền hình, thông tấn và thể dục - thể thao (gọi chung là lĩnh vực văn hóa), sự nghiệp giáo dục - đào tạo, sự nghiệp khoa học - công nghệ và sự nghiệp kinh tế và môi trường so với GDP (trục tung bên trái) và tổng chi thường xuyên của ngân sách trung ương (trục tung bên phải). Hình 1 cho thấy, chi cho văn hóa chỉ chiếm trung bình 1,16% tổng chi thường xuyên của ngân sách trung ương và bằng khoảng 0,1% GDP trong cả giai đoạn 2010 - 2017, tức là bằng khoảng 1/5 - 1/6 mức chi cho sự nghiệp kinh tế và bảo vệ môi trường. Điểm đáng lưu ý là cơ cấu này gần như không thay đổi kể từ năm 2013 trở lại đây, cho thấy trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, Việt Nam mới chỉ cố gắng bảo đảm mức chi để duy trì hoạt động “ổn định” của lĩnh vực này, chứ chưa thực sự có sự đột phá ưu tiên. Nếu so với mức chi của hai lĩnh vực liên quan trực tiếp đến phát triển con người là giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ thì chi cho lĩnh vực văn hóa đều thấp hơn.
Sự phát triển các thiết chế văn hóa góp phần xây dựng đời sống văn hóa phong phú, môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, phát triển con người toàn diện, hài hòa.
Báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cơ quan thường trực Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cho thấy, với số liệu tổng hợp từ 58/63 tỉnh, thành phố, đến năm 2017 cả nước hiện nay có hơn 24 triệu hộ; 19,7 triệu hộ đăng ký gia đình văn hóa; 17,8 triệu hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 80.849 làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố đăng ký đạt chuẩn văn hóa; 57.727 làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố đã được công nhận, bằng 71,40%. Công tác chỉ đạo xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa được quan tâm thực hiện, nhằm mục tiêu xây dựng con người văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa. 68.269 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký đạt chuẩn văn hóa; 57.800 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã được công nhận (84,67%).
Các thiết chế văn hóa đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm trong bố trí quy hoạch sử dụng quỹ đất, nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa bảo đảm nhu cầu sinh hoạt về văn hóa, thể thao của nhân dân. Toàn quốc hiện có 69 thiết chế văn hóa cấp tỉnh (trung tâm văn hóa, nhà triển lãm...); 613/713 quận, huyện có trung tâm văn hóa - thể thao hoặc nhà văn hóa huyện, đạt khoảng 86%. Cả nước có 5.996/10.230 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao (đạt 58,5%); 66.513/109.727 thôn, buôn, bản có nhà văn hóa, đạt 60,6%...
Sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa tạo ra những tác động đa chiều
Thuật ngữ “công nghiệp văn hóa” chỉ mới đối với Việt Nam còn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới thì không xa lạ gì. Thực tế cho thấy, ở nhiều nước, công nghiệp văn hóa đã trở thành ngành trụ cột trong phát triển kinh tế. Đơn cử như các ngành công nghiệp văn hóa ở Anh đã tạo ra thu nhập khoảng 112,5 tỷ bảng/năm, đóng góp 5% GDP, chiếm 10% - 15% thị phần công nghiệp văn hóa thế giới. 85% thu nhập quốc dân của Hồng Công (Trung Quốc) có được từ nguồn thu dịch vụ giải trí, truyền hình. Ở Hàn Quốc, ngành công nghiệp điện ảnh, âm nhạc phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng tới toàn cầu.
Ở nước ta, một số ngành, như điện ảnh, sân khấu, xuất bản... đã thực hiện hạch toán thu chi để sử dụng hiệu quả vốn đầu tư. Tuy nhiên, hiệu quả hạch toán không cao. Ví dụ như trong ngành điện ảnh, mỗi năm sản xuất khoảng 10 phim nhựa, nhưng chỉ có 1/10 số phim này được người xem tiếp nhận ngoài thị trường. Cả nước có hơn 129 đơn vị biểu diễn nghệ thuật, trong đó có 12 đơn vị trực tiếp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Chỉ tính riêng 12 đơn vị này, mỗi năm, Nhà nước đầu tư trung bình 100 tỷ đồng, nhưng trực tiếp vào vở diễn chỉ chừng 10 tỷ đồng, còn phần lớn dành cho bảo trì cơ sở làm việc, lương, chính sách... Trong bức tranh “bán công nghiệp” của Việt Nam, có thể thấy các loại hình công nghiệp văn hóa, như báo chí, phát thanh và truyền hình, điện ảnh, xuất bản, sản xuất băng đĩa, sản xuất đồ chơi, đầu tư trang thiết bị cho các rạp hát, thư viện, khu vui chơi giải trí đã có những bước tiến bộ đáng kể trong công nghệ sản xuất, kinh doanh. Những tiến bộ đó đang đặt nền móng bước đầu cho phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong tương lai, nhưng nhìn chung, sự vận động này còn chậm. Chưa có lĩnh vực nào phát triển hoàn chỉnh với tư cách là một ngành công nghiệp văn hóa.
Sự đổi mới trong quản lý nhà nước đối với văn hóa, đặc biệt là đối với các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa, như truyền thông đại chúng, âm nhạc, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, dịch vụ vui chơi, giải trí đã cho phép có sự tự do cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Việc chủ trương chuyển các đơn vị sản xuất, kinh doanh dịch vụ văn hóa sang hoạt động theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã được thực hiện nhất quán và tạo ra được sự phát triển năng động, sáng tạo của các cơ sở này, tăng thêm nguồn thu đáng kể. Chính sách kinh tế trong văn hóa và văn hóa trong kinh tế đã phần nào tạo điều kiện mở rộng quyền tự chủ cho các đơn vị trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa văn hóa.
Có thể thấy, Việt Nam hiện mới bước đầu xuất hiện dạng “bán công nghiệp văn hóa” và có sự đan xen giữa các loại hình nhưng đã có sự phân hóa về công chúng. Quá trình phát triển, đô thị hóa là cơ sở cho sự hình thành một tầng lớp công chúng ở đô thị có thu nhập khá, có khả năng chi trả cao cho nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa - nghệ thuật. Điều này đã và đang tạo ra sự phân khúc thị trường giữa thành thị và nông thôn, giữa các loại sản phẩm hàng hóa văn hóa gắn với nhu cầu của người tiêu dùng. Ngành sản xuất, kinh doanh các sản phẩm văn hóa nước ta hiện nay mới chủ yếu là các cơ sở sản xuất, kinh doanh với quy mô nhỏ, vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân trong lĩnh vực này còn mờ nhạt, chưa xuất hiện các tập đoàn lớn, các tổ hợp đa chức năng. Về cơ bản, hiện quá trình sản xuất - phân phối và phổ biến các sản phẩm văn hóa vẫn chủ yếu do các đơn vị Nhà nước đảm nhiệm, các đơn vị tư nhân chủ yếu tham gia nhiều ở khâu lưu thông trên thị trường, tất cả vẫn đang manh mún, tự phát, chưa chuyên nghiệp. Nếu xét theo nghĩa chuẩn về nền công nghiệp văn hóa các nước phát triển, thì các hoạt động đang diễn ra ở một số lĩnh vực này của chúng ta còn một khoảng cách khá xa.
Hai là, tác động đến sự thay đổi hệ giá trị phát triển
Sự phát triển văn hóa được thể hiện ở nhiều phương diện khác nhau, nhưng thể hiện tập trung nhất ở hệ giá trị phát triển. Đây cũng là bộ phận cốt lõi của “phần mềm” trong phát triển văn hóa. Mỗi quốc gia đều có hệ giá trị chung do tất cả các chủ thể, tạo nên đặc trưng của nền văn hóa quốc gia, dân tộc. Nhưng trong đó, mỗi chủ thể xã hội lại có những giá trị đặc trưng riêng của mình, trong đó có những giá trị phù hợp với hệ giá trị văn hóa chung của quốc gia, dân tộc, nhưng cũng có những khác biệt, thậm chí là mâu thuẫn hoặc xung đột. Vai trò của nhà nước chính là xác định hệ giá trị chung của quốc gia và tôn trọng sự khác biệt, giá trị văn hóa của từng cá nhân, nhóm người nếu những giá trị đó không đi ngược lại hệ giá trị của quốc gia. Quá trình đổi mới kinh tế ở Việt Nam cũng là quá trình đổi mới căn bản hệ giá trị phát triển của quốc gia, bao hàm việc tiếp nhận có chọn lọc, định hình và phát triển các giá trị của mô hình và thể chế phát triển mới của đất nước theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong một cuộc điều tra 686 học sinh lớp 12 và 1.585 sinh viên năm thứ 2 và năm cuối của 13 trường phổ thông trung học và 13 trường đại học ở Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh về lòng yêu nước, tự hào về truyền thống dân tộc (Trần Thị Minh, 2012) cho thấy, có 89,4% - 91% học sinh và 89,7% - 94,9% sinh viên cho rằng “tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc là những giá trị đạo đức quan trọng”; 90% - 95% học sinh, sinh viên xem tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc là những giá trị tư tưởng quan trọng và 75% - 85% học sinh, sinh viên khao khát muốn đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước và có lý tưởng, hoài bão lập thân, lập nghiệp. Gần đây hơn, khi Chính phủ phát động phong trào khởi nghiệp (quốc gia khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp….) đã tạo thêm luồng gió mới thúc đẩy tinh thần dấn thân, đổi mới sáng tạo của thế hệ trẻ. Theo một nghiên cứu về tinh thần khởi nghiệp của sinh viên ngành công nghệ - thông tin, trong số 430 sinh viên được điều tra bằng hình thức khảo sát trực tiếp (376 người) và trực tuyến (54 người), có đến gần 80% số sinh viên có ý định khởi nghiệp. Đây là một kết quả rất đáng khích lệ, phần nào phản ánh niềm tin và mong muốn tự khẳng định cá nhân của tầng lớp thanh niên ở Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế không chỉ củng cố hệ tư tưởng mà còn góp phần xây dựng lối sống tích cực, tiến bộ của con người Việt Nam. Những giá trị bền vững, tinh hoa của quốc gia, như lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức gắn kết cá nhân, cộng đồng… vẫn tiếp tục được kế thừa và phát huy. Các phong trào từ thiện, tương thân tương ái, phong trào Mùa hè xanh của sinh viên tình nguyện… nở rộ ở nhiều địa phương, đơn vị. Tính dân chủ, minh bạch, công khai, vốn là đòi hỏi của thể chế kinh tế thị trường, đã điều chỉnh hành vi, suy nghĩ của các cá nhân để có ý thức kỷ luật, trách nhiệm giải trình cao hơn trong công việc và sinh hoạt. Đó là những mảng sáng trong tác động của tăng trưởng kinh tế đến phát triển văn hóa.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế cũng đang tác động rất mạnh đến văn hóa ở khía cạnh tiêu cực, mà trong đó sự lệch lạc về hệ giá trị là vấn đề lo ngại nhất. Hệ giá trị hiện nay đang bị xếp sai một số vị trí thành ngụy giá trị. Thói vụ lợi và thực dụng, qua sự phóng đại của mặt trái nền kinh tế thị trường, đã làm cho nhiều người coi tiền bạc và địa vị là những giá trị đỉnh cao của đời sống, và do đó đã không từ thủ đoạn để đạt bằng được những mục tiêu lệch lạc đó. Biểu hiện bề ngoài của hệ giá trị méo mó chính là hiện tượng xuống cấp về đạo đức, tha hóa con người, bất cập của ngành giáo dục - đào tạo và y tế với thói quen chạy theo bằng cấp, thành tích và thị trường hóa quan hệ giáo viên - học sinh, thầy thuốc - bệnh nhân, sự ấu trĩ, lạc hậu ngay trong các chính sách về văn hóa, chênh lệch về đời sống văn hóa và xuyên tạc giá trị truyền thống. Đó còn là sự phân hóa về cơ hội và điều kiện sáng tạo, sản xuất, truyền bá các giá trị văn hóa thông qua phương tiện chuyển tải của nó. Sự xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn hóa chất lượng thấp tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của xã hội, ảnh hưởng xấu đến thị hiếu thẩm mỹ của một bộ phận dân chúng, đe dọa việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các giá trị đạo đức truyền thống, thẩm mỹ, nghệ thuật của dân tộc.
Nhận thức sâu sắc những mặt tác động tích cực và tiêu cực của kinh tế thị trường đối với văn hóa, giải quyết tốt quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là điều kiện tiên quyết để thực hiện phát triển bền vững, vì con người ở nước ta. Đó là quá trình phát triển văn hóa để tạo ra sức mạnh nội sinh và môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế và đồng thời kinh tế phát triển là điều kiện cho sự phát triển văn hóa. Vì vậy, cần phải gắn kết chặt chẽ giữa chính sách văn hóa trong kinh tế và chính sách kinh tế trong văn hóa để tạo nên sự phát triển hài hòa giữa văn hóa với kinh tế./.
------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Báo cáo chính trị của BCHTW Đảng khoá XI, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Hoàng Tuyết (2012), Công nghiệp văn hoá ở Việt Nam: Là gì? Ai làm, bài đăng trên báo Tin tức điện tử số ra ngày 01-9-2012, truy cập ngày 12-5-2018 tại https://baotintuc.vn/van-hoa/cong-nghiep-van-hoa-o-viet-nam-la-gi-ai-lam-20120831125644984.htm
3. Hồ Sĩ Quý (2017), Vấn đề lớn nhất của văn hóa Việt Nam hiện nay là sự lệch lạc về giá trị: Giả dối được coi là bình thường, đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Văn hóa \và phát triển: Những vấn đề của Việt Nam và kinh nghiệm của thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội đồng Lý luận Trung ương, 2017.
4. Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương (2012), Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
5. Nguyễn Phú Trọng (2011), Về các mối quan hệ lớn cần giải quyết tốt trong quá trình đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
6. Nguyễn Trọng Hoài (2017), Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và bối cảnh Việt Nam: Khung phân tích, hiện trạng và các gợi ý chính sách, đăng trong Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia Hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại áp dụng cho Việt Nam trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, Nxb. Đại học Kinh tế quốc dân.
7. Phạm Duy Đức (2017), Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa trong xây dựng và phát triển đất nước, đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Văn hóa và phát triển: Những vấn đề của Việt Nam và kinh nghiệm của thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội đồng Lý luận Trung ương, 2017.
8. Phạm Văn Thuỷ (2015), Phát triển công nghiệp và dịch vụ văn hóa Việt Nam trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế: quan điểm - định hướng - giải pháp, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.
9. Schwab, K. (2016), The Fourth Industrial Revolution, World Economic Forum.
10. Trần Quốc Toản (2017), Vị trí và vai trò của văn hóa trong đổi mới - phát triển: Thực tiễn và những vấn đề đặt ra, đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Văn hóa và phát triển: Những vấn đề của Việt Nam và kinh nghiệm của thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội đồng Lý luận Trung ương, 2017.
11. Trần Quốc Vượng và cộng sự (2015), Văn hóa Việt Nam: Những hướng tiếp cận liên ngành, Nxb. Văn học.
12. Trần Thị Minh (2012), Phát triển văn hóa với tư cách là nền tảng tinh thần của xã hội trong điều kiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Triết học, Đại học quốc gia, Hà Nội.
13. UNESCO (2012), Tuyên bố chung về tính đa dạng của văn hóa, http://www.unesco.org/education/imld_2002/unversal_decla.shtml)
14. Ủy ban quốc gia về Thế giới phát triển văn hóa (1992), Thập kỷ phát triển văn hóa, Nxb. Văn hóa, Hà Nội.
NATO liệu có vượt qua thách thức?  (12/06/2019)
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2019  (11/06/2019)
Quốc hội thông qua 02 nghị quyết và thảo luận về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Thư viện  (11/06/2019)
Tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống hai nước Việt Nam - Séc  (11/06/2019)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên