TCCSĐT - Sáng 11-6-2019, tại Trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã tiếp thân mật đồng chí Vojtech Filip, Phó Chủ tịch Hạ viện Séc, Chủ tịch Đảng Cộng sản Séc - Morava. Tiếp đó, Đoàn Hạ viện Cộng hòa Séc đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhân dịp thăm và làm việc tại Việt Nam.
* Tại buổi làm việc với Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, đồng chí Vojtech Filip bày tỏ vui mừng được trở lại thăm Việt Nam; thông báo một số nét về tình hình Séc, tình hình và hoạt động của Đảng Cộng sản Séc - Morava; chúc mừng Việt Nam vừa được bầu vào Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc với số phiếu tín nhiệm cao; thông báo với đồng chí Trần Quốc Vượng về kết quả tốt đẹp trong các cuộc hội đàm, hội kiến với Lãnh đạo Quốc hội, các cuộc làm việc với các bộ, ngành của Việt Nam; khẳng định Hạ viện Séc và Đảng cộng sản Séc - Morava luôn coi trọng và ủng hộ chủ trương của lãnh đạo Séc trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam và thời gian tới sẽ nỗ lực hơn nữa nhằm thúc đẩy quan hệ hợp giữa hai Đảng, hai nước ngày càng gắn bó và tin cậy hơn; trân trọng mời đồng chí Trần Quốc Vượng sớm sang thăm Cộng hòa Séc.
Đồng chí Trần Quốc Vượng hoan nghênh đồng chí Vojtech Filip và Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Séc- Morava trở lại thăm Việt Nam; khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng việc phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp với Cộng hòa Séc; bày tỏ trân trọng cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ của Nhà nước và nhân dân Tiệp Khắc trước đây, cũng như Đảng Cộng sản Séc - Morava, nhà nước và nhân dân Cộng hòa Séc ngày nay dành cho Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước trước đây cũng như công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay của nhân dân Việt Nam.
Đồng chí Trần Quốc Vượng đánh giá cao quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Séc cũng như quan hệ giữa Đảng ta và Đảng Cộng sản Séc - Morava; bày tỏ mong muốn các cơ quan lập pháp hai nước và hai Đảng tiếp tục trao đổi đoàn, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác lập pháp và công tác xây dựng Đảng nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác truyền thống giữa hai Đảng, góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt coi trọng việc tăng cường hợp tác trên lĩnh vực kinh tế cho tương xứng với tiềm năng của hai nước. Đồng chí Trần Quốc Vượng chân thành cảm ơn và khẳng định sẽ sớm thu xếp sang thăm Cộng hòa Séc theo lời mời của đồng chí Vojtech Filip.
** Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, hai bên bày tỏ vui mừng về mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam - Séc được lãnh đạo, nhân dân hai nước không ngừng vun đắp qua nhiều thế hệ, đã và đang phát triển mạnh mẽ.
Chuyến thăm Séc vào trung tuần tháng 4 vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực: giáo dục - đào tạo, lao động, nông nghiệp, khoa học công nghệ, môi trường, văn hóa - du lịch. Đặc biệt, từ đầu tháng 6-2019, Cộng hòa Séc đã chính thức mở lại việc cấp visa dài hạn cho người lao động Việt Nam, dự kiến sẽ mở đường bay trở lại từ Việt Nam sang Séc. Đây là việc làm có ý nghĩa và là hoạt động hợp tác xuất phát từ lợi ích của hai quốc gia, qua đó sẽ phát huy được tiềm năng của cả hai bên.
Phó Chủ tịch Hạ viện Séc Vojtech Filip cho biết, chuyến thăm và làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lần này nhằm trao đổi, triển khai cụ thể hóa mục đích mà Thủ tướng Chính phủ hai nước đã đề ra. Thời gian tới, Cộng hòa Séc mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo điều dưỡng viên, y, bác sĩ, đồng thời thành lập một cơ sở đào tạo về lĩnh vực này tại Việt Nam. Sau khi hoàn thành việc đào tạo chuyên môn và ngôn ngữ tại Việt Nam, phía Séc sẽ cấp visa để các công ty trực tiếp ký hợp đồng với các học viên, đảm bảo cho các điều dưỡng khi sang Séc làm việc sẽ có cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn của mình, để sau khi kết thúc hợp đồng có thể trở về phục vụ tại các cơ sở y tế trong nước.
Theo Phó Chủ tịch Hạ viện Séc Vojtech Filip, trong quá trình toàn cầu hóa, nhiều nước phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến bệnh tật. Hiện châu Âu đang phải ứng phó với làn sóng người dân di cư bất hợp pháp, do đó, Cộng hòa Séc rất quan tâm tới vấn đề y tế, điều dưỡng viên. Về quy mô, dự kiến, Cộng hòa Séc có khả năng tiếp nhận khoảng 3.000 - 4.000 điều dưỡng viên Việt Nam sang học tập và làm việc.
Khẳng định tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số và luôn xác định trách nhiệm cùng các quốc gia khắc phục tình trạng này. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sẽ thảo luận về Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để đảm bảo đến năm 2039, Việt Nam khắc phục được tình trạng già hóa dân số như một số quốc gia khác. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được Chính phủ giao quản lý 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 48 trường cao đẳng, trung cấp có chức năng đào tạo chuyên ngành về lĩnh vực y tế. Trung bình mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 145.000 lao động, chủ yếu tập trung ở các nước và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Malaysia.
Việt Nam là nước có kinh nghiệm trong việc tổ chức tuyển chọn, đào tạo và đưa công dân đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có điều dưỡng viên, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản, Đức. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Cộng hòa Séc trong việc tuyển chọn, đào tạo đưa người lao động Việt Nam đi làm điều dưỡng, hộ lý tại quốc gia này. Bên cạnh đó, Việt Nam mong muốn Séc hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng nghề đối với những lĩnh vực mà nước này có thế mạnh như luyện kim, sản xuất máy móc, thiết bị điện tử, phương tiện giao thông, dệt may, dược phẩm, chế biến lương thực thực phẩm..., Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị hai bên giao cho các cơ quan liên quan trao đổi, đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác và tổ chức thực hiện. Ngoài cung ứng và tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý đi làm việc tại Cộng hòa Séc, tiếp tục nghiên cứu để mở rộng lĩnh vực ngành nghề, tiếp nhận lao động Việt Nam ở tất cả các nghề mà Séc có nhu cầu, phù hợp với luật pháp của hai nước.
*** Tại buổi tiếp Phó Chủ tịch Hạ viện Séc, Chủ tịch Đảng Cộng sản Séc - Morava, Ngài Vojtech Filip, Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, từ khi ký kết Bản Ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng năm 2012, Bộ Quốc phòng hai nước đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm phát triển quan hệ quốc phòng như: Trao đổi đoàn, đào tạo nguồn nhân lực, công nghiệp quốc phòng và đảm bảo kỹ thuật, góp phần thúc đẩy quan hệ quốc phòng của hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất.
Về phương hướng thời gian tới, Thượng tướng Phan Văn Giang đề nghị hai bên tiếp tục đẩy mạnh trao đổi đoàn các cấp, nhất là các đoàn cấp cao; huấn luyện đào tạo quân nhân theo hướng đa dạng hóa các loại hình; hợp tác nghiên cứu khoa học, công nghệ mô phỏng và vô tuyến điện tử chuyên dụng… Cùng với đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quốc phòng hai nước tiếp tục tìm kiếm khả năng hợp tác trong lĩnh vực thương mại quân sự, công nghiệp quốc phòng; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Ngài Vojtech Filip nhất trí với đề xuất của Thượng tướng Phan Văn Giang; khẳng định Cộng hòa Séc luôn coi trọng phát triển mối quan hệ hợp tác toàn diện, truyền thống giữa hai nước, trong đó có hợp tác về lĩnh vực quốc phòng. Trên cương vị là một thành viên của Liên minh châu Âu (EU), Cộng hòa Séc luôn tích cực ủng hộ các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và EU trong lĩnh vực quốc phòng và trong đàm phán, tiến tới ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU./.Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện quyền và trách nhiệm của mình theo quy định của Hiến pháp năm 2013  (11/06/2019)
Khai trương Hệ thống thông tin điện tử tuyên giáo  (11/06/2019)
Cơ cấu lại doanh nghiệp lâm nghiệp ở Tây Nguyên - Vấn đề và giải pháp  (11/06/2019)
Nhận diện và đấu tranh với âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề “xã hội dân sự” để chống phá Đảng, Nhà nước, hòng chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam  (11/06/2019)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên