Trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong xã hội hóa giáo dục
TCCSĐT - Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Chủ trương đó đã được thực hiện trong thời gian dài trong thời kỳ đổi mới, nhưng cho đến nay, quan niệm về xã hội hóa giáo dục vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Khi thực hiện xã hội hóa giáo dục thì trách nhiệm của xã hội trong giáo dục tăng lên, nhưng Nhà nước vẫn phải đảm nhiệm vai trò nòng cốt. Nhà nước cần bảo đảm cho mọi công dân quyền học văn hóa và học nghề bằng nhiều hình thức; đầu tư các nguồn lực để phát triển giáo dục; hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức và nhân viên hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; tạo môi trường phát triển cạnh tranh lành mạnh, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục
Trong giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới đất nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo gặp nhiều khó khăn về tài chính do ngân sách nhà nước không đủ bảo đảm yêu cầu phát triển giáo dục. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện xã hội hóa giáo dục. Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 được thông qua tại Đại hội VII của Đảng xác định: “Khai thác mọi tiềm năng của toàn xã hội tham gia giáo dục và đào tạo” (1), “đa dạng hóa các hình thức đào tạo” , “Nhà nước và nhân dân cùng làm” (2). Chủ trương xã hội hóa giáo dục được Đảng ta tiếp tục làm rõ hơn tại Đại hội VIII, đó là: “Các vấn đề chính sách xã hội được giải quyết theo tinh thần xã hội hóa, Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, đồng thời động viên mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, các tổ chức trong xã hội, các cá nhân và các tổ chức nước ngoài cùng tham gia giải quyết những vấn đề xã hội” (3), “động viên đúng mức sự đóng góp của mỗi nhà, mỗi người, đồng thời thu hút nguồn đầu tư từ các cộng đồng, các giới trong và ngoài nước cho giáo dục và đào tạo”(4). Tại Đại hội IX, Đảng ta chủ trương: “Các chính sách xã hội được tiến hành theo tinh thần xã hội hóa, đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, huy động các nguồn lực trong nhân dân và sự tham gia của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội”(5). Đại hội X của Đảng khẳng định: “Phát huy tiềm năng, trí tuệ và các nguồn lực vật chất trong nhân dân, của toàn xã hội để cùng Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội và chăm lo phát triển dịch vụ công cộng”(6), “huy động nguồn lực vật chất và trí tuệ của xã hội tham gia sự nghiệp giáo dục. Phối hợp chặt chẽ ngành giáo dục với các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp… để mở mang giáo dục, tạo điều kiện học tập cho mọi thành viên trong xã hội”(7). Văn kiện Đại hội XI của Đảng tiếp tục hoàn thiện chủ trương xã hội hóa giáo dục: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách xã hội hóa giáo dục, đào tạo trên cả ba phương diện, động viên các nguồn lực trong xã hội; phát huy vai trò của cộng đồng; khuyến khích các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tạo mọi điều kiện để người dân học tập suốt đời”(8). Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”, “đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách giá dịch vụ giáo dục - đào tạo. Đẩy mạnh xã hội hóa, trước hết đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”(9).
Như vậy, một trong những nội dung quan trọng của công cuộc đổi mới của Đảng ta là thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục. Chủ trương này ngày càng được thể hiện rõ hơn trong các văn kiện đại hội Đảng thời kỳ đổi mới. Vậy, khi thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, Nhà nước và xã hội có trách nhiệm gì trong xã hội hóa giáo dục? Vấn đề này tuy đã được đề cập trong nhiều công trình nghiên cứu nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Trách nhiệm của Nhà nước trong xã hội hóa giáo dục
Thuật ngữ “xã hội hóa” hiện được sử dụng khá phổ biến trong sách báo ở nước ta. Thuật ngữ này được hiểu theo hai nghĩa chính sau: Thứ nhất, “xã hội hóa” là “biến tư liệu sản xuất và trao đổi thành của công” (10); thứ hai, “xã hội hóa” là tăng cường sự tham gia rộng rãi của xã hội (các cá nhân, nhóm, tổ chức, cộng đồng…) vào một số hoạt động mà trước đó chỉ Nhà nước thực hiện. Theo đó, xã hội hóa không chỉ là sự đóng góp của người dân với tư cách là người được hưởng dịch vụ mà là một cơ chế điều phối nguồn lực xã hội; xã hội hóa là một hình thức phi công lập hóa tức là có sự tham gia của các đối tác khác bên ngoài Nhà nước. Như vậy, trong cụm từ xã hội hóa giáo dục, từ xã hội hóa được hiểu theo nghĩa thứ hai ở trên. Từ đó, khái niệm xã hội hóa giáo dục trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước có nghĩa là quá trình huy động sự tham gia dưới các hình thức khác nhau của các chủ thể và cộng đồng xã hội đối với giáo dục nhằm nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ và mở rộng đối tượng hưởng thụ, bảo đảm công bằng xã hội trong đóng góp và hưởng thụ các dịch vụ giáo dục. Khi thực hiện xã hội hóa giáo dục theo nghĩa trên, Nhà nước vẫn có trách nhiệm lớn trong giáo dục. Trách nhiệm của Nhà nước trong xã hội hóa giáo dục thể hiện qua các nội dung sau:
Một là, Nhà nước bảo đảm cho mọi công dân được hưởng “quyền học văn hóa và học nghề bằng nhiều hình thức” (đã được ghi trong Hiến pháp Việt Nam); xác lập khung khổ pháp lý để phát triển giáo dục; tạo điều kiện để toàn xã hội được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ giáo dục theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển; thể chế hóa quyền và trách nhiệm tham gia cung ứng các dịch vụ giáo dục của các cá nhân, tổ chức, cộng đồng xã hội cũng như quyền được hưởng thụ các dịch vụ đó của người dân. Theo đó, “xã hội hóa giáo dục không có nghĩa là Nhà nước chuyển giao hay phó thác nhiệm vụ hiến định của mình cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, mà là tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia vào giáo dục sao cho đáp ứng tốt nhất nhu cầu của mọi thành viên trong xã hội, sao cho ai cũng được đến trường, ai cũng có điều kiện hưởng cơ hội vào đời như nhau”(11).
Trong thế giới hiện đại, ngay cả ở những quốc gia thực hiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực giáo dục, thì nhà nước vẫn có vai trò đặc biệt quan trọng trong điều chỉnh vĩ mô thông qua nhiều biện pháp, trong đó có chính sách, cơ chế hỗ trợ đặc thù, cung cấp tín dụng, kinh phí nghiên cứu khoa học, quyết định mức học phí. Không chỉ hỗ trợ, nhà nước còn trực tiếp cung ứng cho người dân các dịch vụ giáo dục cơ bản. Mục tiêu hỗ trợ hoặc trực tiếp bảo đảm việc cung ứng các dịch vụ giáo dục của nhà nước là bảo đảm quyền tiếp cận các cơ hội học tập cơ bản với mọi đối tượng. Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, nhà nước miễn học phí hoặc thu mức thu học phí thấp đối với tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Sự hỗ trợ của nhà nước không những không làm yếu đi tính năng động của thị trường giáo dục mà còn hướng tới hiệu quả hoạt động cụ thể của các cơ sở dịch vụ giáo dục trong xã hội. Sự hỗ trợ của nhà nước ở nhiều nước không phân biệt theo sở hữu (cơ sở giáo dục công hay tư), mà căn cứ vào vai trò, mục tiêu và hiệu quả hoạt động cụ thể của các cơ sở giáo dục.
Hai là, Nhà nước đầu tư các nguồn lực (tài chính, đất đai…) để phát triển giáo dục. Mặc dù xã hội hóa giáo dục đã huy động được nhiều nguồn lực trong nhân dân, nhưng nguồn đầu tư của Nhà nước vẫn rất quan trọng, đặc biệt đầu tư cho các vùng sâu, vùng xa, nơi đó các nhà đầu tư tư nhân không đủ sức mạnh, không tìm kiếm được lợi nhuận, nơi nhân dân nghèo không có khả năng chi trả những dịch vụ giáo dục cơ bản. Trong trường hợp này, chỉ có Nhà nước mới có đủ sức mạnh đầu tư. Sự đầu tư đó của Nhà nước cũng là sự thể hiện bản chất ưu việt của chế độ ta đối với việc thực hiện công bằng trong lĩnh vực giáo dục, bảo đảm quyền được học của người dân.
Ba là, Nhà nước tạo lập cơ chế, chính sách và trực tiếp hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức và nhân viên hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Đây chính là lực lượng nòng cốt có vai trò rất quan trọng trong phát triển giáo dục nói chung và xã hội hóa giáo dục nói riêng. Trách nhiệm hàng đầu của các cơ quan nhà nước là xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tiền lương, kỷ luật, tôn vinh, khen thưởng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong lĩnh vực giáo dục. Hệ thống cơ chế, chính sách hợp lý của Nhà nước không chỉ tạo điều kiện xây dựng đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên giáo dục đầy đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, mà còn phát huy vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp có hiệu quả của lực lượng này cho xã hội. Từ đó, xã hội thêm tin tưởng, trọng dụng, tôn vinh và tham gia xây dựng đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên giáo dục ngày càng trong sạch, vững mạnh. Chỉ khi đó, hiệu quả xã hội hóa giáo dục mới đạt kết quả như mong muốn. Ngược lại, sự bất cập về cơ chế, chính sách đối với giáo viên là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên những hạn chế yếu kém, tệ nạn trong ngành giáo dục.
Bốn là, Nhà nước tập hợp, huy động xã hội hóa phát triển giáo dục, tạo môi trường phát triển cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực giáo dục. Nhà nước là “nhạc trưởng” chỉ huy dàn nhạc xã hội hóa các hoạt động giáo dục. Chính việc thực hiện tốt vai trò tạo lập khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách, tổ chức đào tạo, sử dụng tốt đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên giáo dục…sẽ tạo được môi trường phát triển cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực giáo dục.
Năm là, Nhà nước giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục. Đây là nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước mà không ai có thể thay thế. Xã hội hóa các hoạt động giáo dục thu hút nhiều chủ thể, nhiều lực lượng, nhiều nguồn lực xã hội tham gia, trong đó không loại trừ một số cá nhân, tổ chức thông qua đầu tư vào lĩnh vực giáo dục để tìm kiếm lợi ích, lợi nhuận bất chấp luật pháp. Vì thế, Nhà nước cần thực hiện tốt vai trò giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật.
Như vậy, khi thực hiện xã hội hóa giáo dục, Nhà nước không phó thác nhiệm vụ của mình cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, mà tạo điều kiện để xã hội cùng tham gia vào các hoạt động giáo dục, bảo đảm nhu cầu của mọi thành viên trong xã hội được học tập trong môi trường xã hội lành mạnh.
Trách nhiệm của xã hội trong xã hội hóa giáo dục
Ở bất cứ quốc gia nào, ngay cả những nước phát triển, nhà nước cũng không thể “ôm” hết mọi việc, mà phải có sự chia sẻ với các cá nhân, nhóm, các tổ chức cộng đồng xã hội. Trách nhiệm của xã hội trong cung ứng dịch vụ giáo dục được thể hiện qua những nội dung cụ thể sau:
Một là, tất cả tầng lớp nhân dân và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp và từng người dân tham gia đóng góp nguồn lực vật chất và tinh thần, tham gia ý kiến đối với Nhà nước về các chính sách, pháp luật liên quan đến giáo dục nhằm tạo môi trường kinh tế - xã hội thuận lợi để phát triển sự nghiệp giáo dục. Lĩnh vực giáo dục cần nhiều lực lượng tham gia, các lực lượng đó là cơ quan nhà nước, nhà trường, gia đình, xã hội, giáo viên, gia đình, người thân, bạn bè. Giáo dục không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà của cả gia đình và xã hội. Nhà trường, gia đình và xã hội cần liên kết, hỗ trợ mạnh mẽ lẫn nhau để trang bị kiến thức, hình thành và phát triển nhân cách, định hướng ngành, nghề cho người học.
Hai là, các thành phần kinh tế, các đoàn thể nhân dân và mỗi người dân tùy vào khả năng và điều kiện của mình tham gia cung ứng các dịch vụ giáo dục theo quy định của pháp luật và có quyền hưởng thụ lợi ích từ dịch vụ đó. Hiện nay, chưa kể đến khối giáo dục mầm non, phổ thông trung học, phổ thông cơ sở, cả nước ta đã có hơn 80 trường đại học và cao đẳng dân lập. Điều đó nói lên tiềm lực, nguồn vốn trong dân và nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân. Các trường học tư đã góp phần đáp ứng nhu cầu học tập, góp phần làm giảm sức ép, sự quá tải đối với các cơ sở giáo dục công lập, nhất là khối mầm non, tiểu học, trung học; góp phần tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi hơn trong việc cung cấp các dịch vụ giáo dục cho nhân dân. Khi người dân chi tiền cho các dịch vụ tư nhân thì họ đã góp phần thêm nguồn lực tài chính để phát triển dịch vụ giáo dục.
Ba là, các tổ chức xã hội giám sát, kiểm tra, phản biện đối với các hoạt động giáo dục, góp phần khắc phục các hạn chế, tiêu cực, tạo nên sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh trong các hoạt động giáo dục. Các tổ chức xã hội, cá nhân, nhân dân vì là người cung ứng và hưởng thụ các dịch vụ giáo dục nên cần hiểu rõ những kết quả, hạn chế, tiêu cực trong các hoạt động giáo dục. Đây là lực lượng quan trọng để giám sát, kiểm tra, phản biện đối với các hoạt động giáo dục. Để phát huy vai trò đó của họ, Nhà nước cần có cơ chế để các lực lượng này tiếp cận được thông tin, bày tỏ được chính kiến, đề đạt được nguyện vọng của mình.
Hoạt động xã hội hóa giáo dục không chỉ là công việc của ngành giáo dục, mà còn là sự nghiệp của toàn dân, của mọi tổ chức kinh tế, xã hội. Cùng với Nhà nước, các tổ chức xã hội, nhân dân có trách nhiệm quan trọng trong phát triển giáo dục. Xã hội hóa giáo dục không phải là giải pháp ngắn hạn, mà là một giải pháp lâu dài, mang tính chiến lược. Bởi vì khi các tổ chức xã hội và cá nhân làm tốt dịch vụ giáo dục thì điều đó càng san sẻ trách nhiệm đối với Nhà nước. Nhưng ngay cả khi các tổ chức xã hội và cá nhân làm tốt dịch vụ giáo dục thì Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm lớn đối với giáo dục./.
--------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 38
(2) http://Vietnamnet.vn/vn/Nhung-ki-di-dang-sau-cum-tu-xa-hoi-hoa-giao-duc2272007.html
(3), (4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 110, 114
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 108
(6), (7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 97, 104
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 218
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 117
(10) Xem: Nguyễn Trọng Phúc (chủ biên), Các Đại hội đại biểu toàn quốc và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1930 - 2006), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006
(11) Xem: Nguyễn Minh Phương (chủ biên), Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, y tế ở Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012
Xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân vững vàng về bản lĩnh chính trị  (05/10/2017)
Dấu mốc mới, động lực mới  (05/10/2017)
Thái Nguyên: Điểm đến của cơ hội, tiềm năng đầu tư và phát triển  (05/10/2017)
Thái Nguyên: Điểm đến của cơ hội, tiềm năng đầu tư và phát triển  (05/10/2017)
Một số chính sách mới của Chính phủ, có hiệu lực từ tháng 10-2017  (05/10/2017)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên