Cải cách giáo dục đại học và xây dựng trường đại học theo hướng tiếp cận “đẳng cấp quốc tế” hiện đang là mục tiêu phấn đấu của nền giáo dục đại học Việt Nam. Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu của một trường đại học được đánh giá tiếp cận với đẳng cấp quốc tế là có đội ngũ giảng viên đạt trình độ quốc tế. Những giảng viên này phải đạt được các yêu cầu cơ bản theo ba chức năng: đào tạo, nghiên cứu khoa học và đóng góp phục vụ xã hội.

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới hạn trình bày một số ý kiến về một chức năng mà nhiều ý kiến đều thống nhất đánh giá là nó có vai trò trung tâm, vai trò nền tảng cơ bản của một giảng viên đại học, đó là khả năng nghiên cứu khoa học. Từ kết quả nghiên cứu khoa học sẽ tạo nên uy tín của người làm công tác đào tạo trong đồng nghiệp, trong sinh viên và trong giới khoa học; đồng thời, vị thế của những trường đại học có những nhà giáo - nhà khoa học uy tín cũng được nâng cao. Mặt khác, các nghiên cứu khoa học, đương nhiên là xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn đời sống xã hội, vì vậy nó sẽ đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Hướng tiếp cận đến các trường đại học có đẳng cấp quốc tế

Để có thể nhận biết một trường đại học đạt được đẳng cấp cao hay thấp, người ta dựa vào các thông số đánh giá đại học đẳng cấp quốc tế. Chẳng hạn ở Mỹ, hằng năm việc xếp hạng các trường đại học được dựa trên 8 thông số sau đây: 1.Tổng kinh phí mà nhà trường dành cho nghiên cứu và triển khai; 2. Kinh phí dành cho nghiên cứu và triển khai do Chính phủ Liên bang trợ cấp; 3. Số cán bộ là thành viên các viện hàn lâm quốc gia có uy tín; 4. Số giải thưởng khoa học có uy tín mà các cán bộ nhận được; 5. Số luận án tiến sĩ bảo vệ hàng năm tại trường; 6. Số cán bộ tu nghiệp sau tiến sĩ làm việc tại trường; 7. Nguồn vốn lâu dài; 8. Quỹ tài trợ hằng năm.

Số liệu của hai trường: trường xếp thứ 1 là đại học Harvard, được nhiều nước đánh giá là trường đại học danh tiếng nhất thế giới; và trường xếp thứ 25 là trường Northwestern - được xếp vào loại trưòng đại học trung bình của nước Mỹ trong bảng xếp hạng năm 2004 như sau:

Trường thứ 1/25

Nghiên cứu

Ủng hộ từ xã hội

Nhân lực

Đào tạo
cấp cao

Tên trường

Tổng kinh phí nghiên cứu

(2002)

x 1000$

Kinh phí nghiên cứu

của chính phủ liên bang

(2002)

x 1000$

Nguồn vồn lâu dài

(2003)

x 1000$

Quỹ tài trợ hằng năm

(2003)

x 1000$

Số thành viên viện hàn lâm

(2003)

Số giải thưởng của cán bộ

(2003)

Số luận án tiến sĩ bảo vệ

(2003)

Số post- docs

(2003)

1- Đại học Harvard

401.367

336.607

18.849.491

555.639

264

54

546

3698

25- Đại học Northwestern

282.154

178.607

3.051.167

176.111

37

30

370

156

Qua bảng phân tích trên, có thể thấy, đối với một đại học đẳng cấp cao, thứ tự các vấn đề sau đây được coi là quan trọng nhất: a) Nghiên cứu khoa học; b) Đào tạo cấp cao (đào tạo tiến sĩ, postdoc); c) Thu hút và xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao; d) Xây dựng thương hiệu nhà trường nhằm đạt được sự tín nhiệm của xã hội, nhờ đó mà thu hút sự tài trợ của xã hội (như các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các cá nhân).

Về nghiên cứu khoa học, để đánh giá cần phải sử dụng các tiêu chí quen thuộc của thế giới, đó là: số công trình khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế và số các bài báo khoa học được trích dẫn

Theo tác giả Đặng Mộng Lân, ở Phi-lip-pin, trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ, nghiên cứu sinh cần phải có ít nhất một công trình công bố ở tạp chí quốc tế theo danh mục lựa chọn của Viện Thông tin khoa học (ISI) rất có uy tín trên thế giới. Rõ ràng, yêu cầu này là cao hơn rất nhiều so với yêu cầu đối với nghiên cứu sinh của Việt Nam.

Như vậy, để chứng minh tiềm lực nghiên cứu khoa học trên bình diện quốc tế, chúng ta phải đặt mục tiêu tăng số lượng các công trình đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế. Các đề tài khoa học, các luận án tiến sĩ khi có các công trình được công bố ở nước ngoài phải được đánh giá cao hơn so với các đề tài, luận án khác.

Nếu gọi số lượng các công trình đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế là đầu ra thì đầu vào sẽ được cấu thành là tổ hợp của ba thông số chính sau: cơ chế, chính sách trong quản lý khoa học; cơ sở trang thiết bị, phòng thực hành (LAB), và đội ngũ cán bộ khoa học.

Trong phạm vi một trường đại học thì cơ chế, chính sách trong quản lý khoa học do lãnh đạo của nhà trường quyết định. Một cơ chế quản lý, điều hành thông thoáng, thay đổi một cách mềm dẻo sẽ luôn phù hợp với cơ chế thị trường. Chẳng hạn, chế độ ưu đãi lương và phụ cấp phù hợp sẽ là động lực thúc đẩy lao động của các nhà khoa học tạo ra các công trình khoa học tầm cỡ quốc tế.

Trong xu thế hội nhập, các trường đại học khối khoa học tự nhiên và kỹ thuật không thể không thường xuyên cập nhập công nghệ mới nhất của thế giới. Các công trình nghiên cứu khoa học tự nhiên đạt tầm cỡ quốc tế chỉ có thể thực hiện trong các phòng thí nghiệm được trang bị hiện đại tương xứng. Vì vậy, việc ưu tiên nguồn tài chính dành cho mua sắm trang thiết bị để hiện đại hoá các phòng thí nghiệm ở các trường đại học là một yêu cầu bức thiết.

Về đội ngũ cán bộ khoa học, con người là yếu tố quyết định các hoạt động xã hội nói chung, hoạt động khoa học, công nghệ, nói riêng. Đây là thách thức lớn trong quá trình hội nhập; đồng thời, cũng là một nhiệm vụ nặng nề đặt lên vai các trường đại học. Các công trình nghiên cứu khoa học có tầm cỡ quốc tế, các đề tài nghiên cứu do các nhà khoa học có uy tín tham gia, các ứng dụng nổi bật, chất lượng đào tạo sinh viên chuyên ngành, trình độ ngoại ngữ... là những đòi hỏi cấp thiết trong quá trình xây dựng một nền đại học có đẳng cấp quốc tế.

Có một thực tế là, trong thời gian qua, số lượng các trường đại học Việt Nam tăng lên một cách “chóng mặt”. Mặc dù các trường đại học mang những tên gọi khác nhau, song, hầu như trường nào cũng đều có các khoa “thời thượng” như: công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, quản trị kinh doanh, kinh tế đối ngoại...Từ tình trạng này, chắc chắn số lượng sinh viên học các chuyên ngành này ở nước ta sẽ tăng đột biến, với chất lượng không đồng đều. Và, trong một tương lai gần sẽ tạo nên áp lực cạnh tranh mới không mấy lành mạnh. Trước sức ép đó, để tồn tại và vững bước đi lên, các trường đại học phải nâng cao chất lượng đào tạo và xây dựng uy tín thương hiệu cho mình.
 
Muốn có chất lượng đào tạo tốt, phải có những giảng viên giỏi thể hiện qua các công trình khoa học được quốc tế công nhận. Như vậy, nghiên cứu khoa học ở đại học trong giai đoạn hội nhập không chỉ có ý nghĩa quốc gia, ý nghĩa thực tiễn, mà thông qua đó còn để nâng cao vị thế của từng trường. Thế giới chỉ có thể nhận biết tầm mức và vị thế những trường đại học của Việt Nam thông qua các công trình khoa học của giảng viên công bố trên các tạp chí uy tín của thế giới hay qua các tham luận được trình bày tại các hội thảo khoa học quốc tế. Như vậy, hợp tác quốc tế trong đào tạo giữa các trường đại học hiện nay đồng nghĩa với hợp tác trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

Về quan điểm đánh giá đề tài khoa học trong nghiên cứu khoa học, nhất thiết phải hướng vào các mục đích là: nghiên cứu vấn đề cụ thể gắn với định hướng phát triển của ngành, mục tiêu đào tạo của trường đại học; đề tài nghiên cứu phải mới, phải mang tính học thuật đẳng cấp quốc tế. Kết quả nghiên cứu khoa học phải là tìm ra cái mới, với yêu cầu là giải quyết cụ thể một công việc, mang lại lợi ích cho xã hội, thì có thể chưa cần đến bài báo khoa học cũng vẫn được đánh giá cao về hàm lượng khoa học và sự cống hiến. Còn nếu như kết quả nghiên cứu chưa được ứng dụng vào thực tiễn do cần phải thực hiện nó thông qua một quy trình kỹ thuật cụ thể thì nhất thiết phải có bài báo khoa học cấp quốc tế, quốc gia hoặc đăng trên tạp chí chuyên ngành (trong trường hợp này, coi như là đã được giám định bởi giới nghiên cứu) mới được đánh giá đó là đề tài khoa học thực sự.

Việc công bố kết quả nghiên cứu khoa học ở những “kênh” khác nhau được ví như là những cuộc thi bơi được tổ chức ở những nơi khác nhau: bơi ở hồ, bơi ở sông lớn và bơi trên biển. Ở mỗi một “kênh”, chất lượng các đề tài khoa học cũng sẽ được đánh giá theo tầm mức khác nhau. Đó chính là sự công bằng trong khoa học. Việc Việt Nam gia nhập WTO được ví như cả nước đang bước ra biển lớn. Mỗi giảng viên của các trường đại học cũng cần phải nhanh chóng để bước từ ao làng ra hồ, ra sông, ... rồi vươn ra biển lớn nhằm khẳng định năng lực của bản thân mình trước xu thế hội nhập.

Thay đổi quan điểm đầu tư kinh phí cho nghiên cứu khoa học

Đầu tư cho nghiên cứu khoa học là phải nhằm tạo ra kết quả nghiên cứu mới ở những mức độ khác nhau. Chúng ta không thể chấp nhận sự đánh giá thành tích nghiên cứu khoa học của giảng viên dựa trên số các đề tài đã được nghiệm thu như không ít trường đại học đã làm và đã bị dư luận xã hội phản biện, mà phải đánh giá qua sự đóng góp từ các sản phẩm nghiên cứu cụ thể. Đây là cách “nói không với bệnh thành tích trong khoa học”.
 
Thực tế cho thấy, những đề tài khoa học không hiệu quả là sự bớt xén khẩu phần của các nhà khoa học chân chính và nghiêm túc; là việc làm nghèo đất nước. Vì vậy, tiêu chí đánh giá là không nên căn cứ vào việc đề tài đã được nghiệm thu ở cấp nào, mà chủ yếu là xem công trình khoa học ấy có tiếp cận với đẳng cấp quốc tế và hiệu quả xã hội, kết quả ứng dụng cụ thể vào thực tiễn như thế nào để bình xét, xếp loại đẳng cấp của công trình. Từ đó, việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học phải hướng tới các mục đích:

- Tạo ra các sản phẩm khoa học bao gồm các bài báo khoa học công bố trên các tạp chí có uy tín và các sáng chế được ứng dụng trong thực tiễn mang lại lợi ích cho xã hội

- Tạo ra môi trường và điều kiện hoạt động khoa học để mọi giảng viên được tham gia rèn luyện từ thấp đến cao; từ chỗ “tập bơi ở ao làng” trước khi vươn ra biển lớn.

Đổi mới công tác quản lý khoa học

Đổi mới công tác quản lý khoa học là thực hiện việc giải phóng những người làm khoa học khỏi cơ chế cũ, nếp nghĩ cũ, tạo điều kiện và cơ hội để họ phát huy tối đa sức sáng tạo theo hướng chuyên gia, chuyên sâu. Thông thường, chỉ có những chuyên gia từng lĩnh vực mới am hiểu và có kinh nghiệm nghiên cứu trong lĩnh vực ấy, và chính họ mới là những người biết nên nghiên cứu đề tài gì và cần phương tiện gì để đạt được mục đích đã đặt ra.

Trong điều kiện vận hành của cơ chế thị trường như hiện nay, nên chăng làm thí điểm quản lý khoa học theo cơ chế “khoán 10 trong nông nghiệp”, nghĩa là, các trường đại học tự xây dựng cơ chế khoán kinh phí khoa học tới các khoa và từng giảng viên. Từ đó, khoán toàn bộ phần kinh phí cho các khoa tự chịu trách nhiệm đối với kết quả nghiên cứu. Phòng quản lý khoa học của trường sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động nghiên cứu và đánh giá hiệu quả đạt được của sản phẩm nghiên cứu theo các yêu cầu đặt ra đối với một sản phẩm khoa học. Và qua đó, sẽ tiết kiệm thời gian thanh, quyết toán như hiện nay và cũng tránh được việc khắc phục tình thế trong quyết toán tài chính của đề tài nghiên cứu, một nội dung mang nặng tính hành chính và không gắn với mục tiêu của công tác nghiên cứu khoa học.

Cùng với việc đổi mới quy chế quản lý là thực hiện đổi mới cơ chế khen thưởng và kỷ luật trong nghiên cứu khoa học ở các trường đại học. Coi công tác nghiên cứu khoa học - đó là quá trình tự đào tạo của giảng viên đại học. Khuyến khích hướng lựa chọn và triển khai đề tài theo phương cách mới; đồng thời, thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, các cuộc thông báo khoa học để cập nhật thông tin về học thuật và tăng cường giao lưu trong nước và quốc tế, làm cho mỗi nhà trường đại học thực sự là một trung tâm nghiên cứu khoa học là cách làm cho trường đại học nhanh chóng tiếp cận với đẳng cấp đào tạo quốc tế.

Một trường đại học tiên tiến thì sản phẩm đầu ra của nó phải là những công trình nghiên cứu khoa học công nghệ ngang tầm quốc tế do chính đội ngũ giảng viên cùng với sinh viên của trường tạo ra trong quá trình học tập; là thước đo về nguồn nhân lực có chất lượng cao được đánh giá theo chuẩn mực quốc tế. Hai mục tiêu này gắn kết chặt chẽ với nhau, trên con đường xây dựng một đại học tiên tiến, nghĩa là: kết hợp đào tạo tiên tiến với xây dựng và phát triển nghiên cứu khoa học tiên tiến. Nghiên cứu khoa học cũng chính là việc nâng cao chất lượng đào tạo, phải được coi là vấn đề sống còn của một trường đại học tiên tiến tiếp cận đẳng cấp quốc tế.
 
Sự tham gia vào các đề tài nghiên cứu của giảng viên, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh sẽ tạo ra môi trường đào tạo lý tưởng, giúp mọi người được thực hiện một phần việc của đề tài, nghiên cứu những vấn đề khoa học hiện đại, được rèn luyện phương pháp nghiên cứu khoa học từ phân tích, mổ xẻ, tìm hiểu sâu sắc bản chất và tính lô-gic của các nội dung cho đến cách nhớ và vận dụng vào thực tiễn./.