Mô hình kinh tế di sản: Từ khái niệm đến thực tiễn và trường hợp Hạ Long “Khi trí tuệ con người muốn, không có gì là không thể làm được” (Leonardo da Vinci)
Điều gì kết nối những Chiếc Rìu thời kỳ đồ đá với các thế hệ AI? Theo chúng tôi, đó chính là cốt lõi của Kinh tế di sản - một hình thái kinh tế dựa trên sự truyền thừa và không ngừng sáng tạo giá trị qua thời gian.
Xét về bản chất, kinh tế di sản hiện diện rộng khắp trong tất cả các lĩnh vực của đời sống con người, được phát triển trên nền tảng giá trị bền vững đến từ quá khứ, hiện tại và tương lai; hiện diện liên tục từ thời kỳ đồ đá tới thời kỳ AI. Tuy thế, việc khai thác di sản để phát triển kinh tế vẫn còn nhiều tranh cãi từ học thuật và đạo đức. Trong khi các Học giả còn đang tranh luận về khái niệm, thực tiễn đã cho thấy nhiều mô hình thành công trong việc kết hợp bảo tồn di sản với phát triển kinh tế.
Trong khuôn khổ diễn đàn này, chúng tôi muốn Kinh tế di sản được biết đến với một góc nhìn khác, góc nhìn của các hành giả đã đúc kết từ thực tiễn sôi động và đặt ra những bổ đề để chúng ta cùng nghĩ suy và tìm cách giải đáp.
Tổng quan về kinh tế di sản trên thế giới
Một cách phổ quát, kinh tế di sản có một chặng đường dài như chính sự phát triển của nhân loại. Trong lịch sử, Con đường tơ lụa là một minh chứng rõ nét cho sức mạnh kinh tế của di sản. Những món hàng thông thường, khi đi qua con đường huyền thoại, đã được thổi hồn bởi những câu chuyện về các vương triều phương Đông xa xôi. Chính sự giao thoa văn hóa đã biến chúng thành những “di sản” có giá trị gấp hàng trăm lần chi phí sản xuất và vận chuyển, được giới quý tộc châu Âu săn lùng bất chấp giá cao. Trước đó, thời đồ đá, những chiếc rìu đã là hiện thân của di sản - kết tinh tri thức và kỹ thuật lao động được truyền thừa - mang lại của cải vật chất trong công xã nguyên thủy. Vạn năm sau, những di sản này vẫn không ngừng tạo ra giá trị mới: từ hiện vật bảo tàng đến đề tài nghiên cứu, từ nguồn cảm hứng sáng tạo đến dữ liệu cho trí tuệ nhân tạo.
Dù hoạt động kinh tế từ di sản đã tồn tại hàng thiên niên kỷ, việc nghiên cứu và định danh lại là câu chuyện của thời hiện đại. Vào thập niên 1960, khi xã hội ngày càng nhận thức rõ vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế, ngành Kinh tế Văn hóa (Cultural Economics) đã ra đời như một điều tất yếu. Các nhà kinh tế bắt đầu áp dụng công cụ phân tích kinh tế vào những lĩnh vực vốn được xem là phi thương mại: từ đấu giá nghệ thuật đến bản quyền sáng tạo, từ hiện tượng ngôi sao đến kinh tế phúc lợi trong văn hóa. Sự ra đời của Hiệp hội kinh tế văn hóa quốc tế (the Association for Cultural Economics International - ACEI) năm 1973, Tạp chí Kinh tế Văn hóa (Journal of Cultural Economics) năm 1977 hoạt động liên tục đến nay cùng nhiều đầu sách trong lĩnh vực này đã thể hiện nền tảng vững chắc cho việc nghiên cứu mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa.
Khi các đô thị và quốc gia ngày càng nhận ra tiềm năng to lớn của di sản trong phát triển bền vững, một nhánh mới của Kinh tế Văn hóa đã dần hình thành. Khái niệm Kinh tế Di sản (Heritage Economics) được phát triển trong những năm 2010 đã mở rộng tầm nhìn từ việc nghiên cứu các hoạt động văn hóa - nghệ thuật đơn lẻ sang nghiên cứu tổng thể về vai trò của di sản trong phát triển. Năm 2012, Ngân hàng Thế giới (World Bank) xuất bản cuốn “The Economics of Uniqueness: Investing in Historic City Cores and Cultural Heritage Assets for Sustainable Development” (Kinh tế của Sự độc đáo: Đầu tư vào các Khu lõi Đô thị Lịch sử và Di sản Văn hóa cho Phát triển Bền vững), tập hợp nghiên cứu từ nhiều học giả hàng đầu, trong đó có học giả người Úc David Throsby - người đã phát triển khung lý thuyết về “Kinh tế Di sản” (Heritage Economics). Tầm quan trọng của công trình này đối với ngành Di sản đã được khẳng định khi được ICOMOS - Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế - chính thức lưu trữ trong kho tài liệu mở của họ.
Khác với kinh tế văn hóa truyền thống, kinh tế di sản đã nâng tầm nghiên cứu lên một bình diện mới, tập trung vào tiềm năng của di sản như một động lực phát triển bền vững cho đô thị và cộng đồng. Đây là một xu hướng tất yếu khi các quốc gia ngày càng tìm kiếm những mô hình phát triển dựa trên bản sắc và giá trị độc đáo riêng.
Tuy vậy, “Trong nhiều năm, giá trị kinh tế bị xem là quá thô thiển và hạ thấp tầm quan trọng cốt lõi của các di sản lịch sử, nên không đáng được thảo luận nghiêm túc. Ngay cả ngày nay, vẫn có những người có quan điểm thuần túy về bảo tồn di sản bài xích việc đánh giá và đề xuất công tác bảo tồn dựa trên lý do kinh tế. Họ cho rằng điều đó làm giảm giá trị và xúc phạm đến những phẩm chất siêu hình, không thể đong đếm được và tầm quan trọng của di sản được nhân loại kiến tạo.”(1).
Ngược xuôi hành trình từ thực tiễn đến lý thuyết đang tiếp tục tiến triển không ngừng, đã trở thành một trong những câu chuyện thú vị nhất đang diễn ra: có lẽ đây là một ngành kinh tế hiếm hoi mà Việt Nam gia nhập với tư cách khởi xướng xu hướng phát triển.
Kinh tế di sản tại Việt Nam
Có thể nói người khai sáng trong lĩnh vực này tại Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong phần cuối của bản thảo cuốn Nhật ký trong tù, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc. 1. Xây dựng tâm lý: Tinh thần độc lập tự cường. 2. Xây dựng luân lý: Biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. 3. Xây dựng xã hội: Mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội. 4. Xây dựng chính trị: Dân quyền. 5. Xây dựng kinh tế”(2).
Trong khi phương Tây còn đang miệt mài với những tranh luận học thuật về “Heritage Economics”, xứ Nghệ - vùng đất của tư tưởng “cách mạng”, quê hương của Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chính thức đưa khái niệm (nền) Kinh tế di sản “Heritage Economy” vào cuộc sống. Trên thực tế, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu lĩnh vực này từ những năm 2000 và khởi động khái niệm Kinh tế di sản tại Nghệ An từ năm 2013. Cuối năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định 6103/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch hệ thống di tích tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050, đánh dấu lần đầu tiên khái niệm này xuất hiện trong một văn bản chính thức của Việt Nam. Ngày 8/5/2019, Hội thảo Khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế di sản tỉnh Nghệ An” do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức, mời nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đến hiến kế, trong đó có chủ đề “Kinh tế di sản - Một động lực tăng trưởng mới”(3). Tiếc rằng, Nghệ An là nơi chấp nhận tư duy khởi xướng nhưng chưa có đủ điều kiện hiện thực hóa những ý tưởng này.
Việt Nam đang có cơ hội trở thành quốc gia tiên phong trong việc biến lý thuyết thành thực tiễn sinh động về phát triển kinh tế di sản. Và trong những ngày tới đây, hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - Góc nhìn từ thực tiễn phát triến kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh” là một sự kiện quan trọng thúc đẩy tiến trình này.
Để hiểu rõ hơn về tiềm năng chuyển hóa “Heritage Economics” – khái niệm học thuật thành “Heritage Economy” - kết quả thực tiễn, chúng ta có thể bắt đầu từ hệ thống Thông luật.
Khi nghiên cứu về mối quan hệ giữa di sản và sự thịnh vượng, Thông luật (Common Law) hiện ra như một trường hợp đầy ấn tượng. Không chỉ là một hệ thống pháp luật, Thông luật thực chất là một di sản sống, được hình thành từ trí tuệ tập thể của một cộng đồng qua hàng trăm năm(4). Đó là sự tích lũy của những kinh nghiệm xử lý các vấn đề xã hội, được chưng cất thành những án lệ và không ngừng được làm giàu thêm qua thời gian.
Trên thế giới hiện nay, Thông luật được áp dụng tại Anh, Mỹ, Australia, Canada, Singapore và nhiều quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung. Các quốc gia trong hệ thống Thông luật đã chứng minh rằng di sản không phải là gánh nặng của quá khứ. Thông luật góp phần tạo nên môi trường pháp lý thân thiện với kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đồng thời vẫn duy trì được tính ổn định và tin cậy trong cộng đồng - những yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững. Đây chính là bài học quan trọng cho việc phát triển kinh tế di sản: di sản không chỉ là thứ để bảo tồn và chiêm ngưỡng, mà còn có thể là công cụ để tạo ra giá trị kinh tế khi được khai thác một cách thông minh và linh hoạt.
“Bán tượng Nữ thần Tự do! Chỉ với 100.000 đô la!” Lời rao của George C. Parker, kẻ lừa đảo khét tiếng đầu thế kỷ 20, đã nhiều lần thành công “bán” các biểu tượng của New York cho những người nhập cư giàu có ngây thơ mà không cần dịch chuyển một viên gạch. Dù đây là một trò lừa đảo đáng lên án, nhưng nó vô tình phản ánh một đặc điểm thú vị: giá trị kinh tế của di sản có thể được tạo ra và khai thác từ những yếu tố vô hình và nhân bản không giới hạn.
Steve Jobs và Elon Musk đã chứng minh điều này qua việc xây dựng thương hiệu thành di sản. Jobs với “Think Different” đã biến Apple từ công ty công nghệ thành biểu tượng phong cách sống, xây dựng cộng đồng “tín đồ” thay vì khách hàng thông thường. Trong khi, Musk từ một thương nhân đã trở thành một siêu sao đích thực, một Picasso công nghệ, biến Tesla thành biểu tượng tương lai của hành tinh xanh và SpaceX thành hiện thân của giấc mơ chinh phục không gian vũ trụ.
Arnault Bernard đã đưa triết lý này lên tầm cao mới khi xây dựng đế chế LVMH thành biểu tượng xa xỉ toàn cầu. Bằng cách mua lại và tái sinh các thương hiệu lâu đời như Louis Vuitton, Dior, Tiffany, ông không chỉ bán sản phẩm mà còn bán “giấc mơ Pháp” và đẳng cấp xã hội. Tương tự, Jensen Huang đã biến Nvidia từ công ty card đồ họa thành biểu tượng của kỷ nguyên AI, xây dựng di sản thương hiệu không chỉ bằng công nghệ mà còn bằng niềm tin vào một tương lai được định hình bởi trí tuệ nhân tạo, đưa công ty đạt giá trị vốn hóa hơn 3 nghìn tỷ USD trong thời gian ngắn; điều cũng được tái lập bởi Lisa Su, người vực dậy AMD bên bờ vực sụp đổ để đưa công ty này thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất với chính Nvidia.
Từ những câu chuyện này, chúng ta thấy rằng di sản có thể được chủ động xây dựng trong hiện tại, nơi thương hiệu và đức tin tạo ra giá trị vô hình nhưng có tác động mạnh mẽ đến giá trị kinh tế thực. Đây chính là cơ sở để các đô thị phát kiến với Chiến lược Ngôi sao - biến công trình hiện tại thành di sản của tương lai.
Cũng như cách các doanh nhân xây dựng di sản thương hiệu cá nhân, các thành phố hiện đại đang tạo ra di sản của riêng mình thông qua Chiến lược “Ngôi sao”. Cincinnati là một ví dụ tiên phong khi Michael Graves khởi xướng chiến lược này vào thập niên 90, mời các kiến trúc sư ngôi sao (Starchitect) như Eisenman, Charles Gwathmey, Thom Mayne, Frank Gehry, Zaha Hadid(5) xây dựng các công trình mang tính biểu tượng, biến thành phố từ nơi buồn tẻ thành điểm đến kiến trúc của nước Mỹ.
Thành công nổi bật nhất là Bảo tàng Guggenheim Bilbao do Frank Gehry thiết kế (1997), đã biến một thành phố công nghiệp suy tàn thành điểm đến văn hóa - nghệ thuật hàng đầu, thu hút hơn 1 triệu khách/năm và tạo ra “Hiệu ứng Bilbao”, truyền cảm hứng cho nhiều thành phố trên thế giới. Trong khi các đô thị nổi tiếng lâu đời như Paris hay Milan vẫn giữ vững vị thế nhờ những biểu tượng lịch sử, các thành phố mới nổi đang chứng minh rằng di sản cũng có thể được chủ động xây dựng thông qua kiến trúc đương đại.
Las Vegas hay Abu Dhabi cũng lớn lên từ di sản, hơn thế nữa, trưởng thành thông qua các di sản phái sinh từ những giấc mơ và ký ức về nơi chốn, tập hợp những Phiên bản Kỳ quan hay những “Kỳ quan của người khác”. Trung Quốc đã học tập và thực thi rất nhanh chiến lược này(6).
Nếu Tokyo nổi tiếng với những khu phố không ngủ như Shibuya-Shinjuku, thì đó chỉ là một phần nhỏ trong chiến lược “nhu đạo” - chinh phục thế giới bằng văn hóa của Nhật Bản. Sau thất bại trong Thế chiến II, quốc gia này đã thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận: chuyển từ sức mạnh quân sự sang sức mạnh văn hóa. Với những yếu tố cốt lõi như samurai, ninja, geisha, thiền, họ đã xây dựng một hệ sinh thái văn hóa - giải trí phong phú, manga, anime, game và merchandising là những công cụ truyền bá mạnh mẽ nhất. One Piece, với doanh thu hơn 21 tỷ USD đã trở thành hiện tượng văn hóa toàn cầu. Pokemon thậm chí còn ấn tượng hơn khi trở thành franchise giá trị nhất thế giới, vượt qua mốc 100 tỷ USD.
Ảnh hưởng của văn hóa Nhật Bản lan tỏa sâu rộng đến mức tác động cả nền công nghiệp giải trí phương Tây. Trong hội họa, các bậc thầy như Van Gogh đã học tập, nghiên cứu và mô phỏng phong cách ukiyo-e của Nhật, đặc biệt là các tác phẩm của Hokusai với “Đợt sóng lớn ngoài khơi Kanagawa” và loạt tranh phong cảnh của Hiroshige như “100 Danh sở Edo”. Trong lĩnh vực điện ảnh, Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao), một trong những thương hiệu văn hóa lớn nhất thế giới, được George Lucas thừa nhận lấy cảm hứng trực tiếp từ các samurai với hình tượng Jedi. Điều này chứng tỏ sức mạnh của phương pháp Nhu Đạo là dùng sức Bên Ngoài, của Người Khác trong việc phát triển giá trị, truyền bá văn hóa song trùng với kinh tế. Thay vì áp đặt, Nhật Bản đã khéo léo để văn hóa của họ thẩm thấu vào đời sống toàn cầu. Bài học về cách tạo giá trị gia tăng từ di sản này đang được nhiều quốc gia và tổ chức áp dụng trong kỷ nguyên số.
Kinh tế di sản là một hình thái kinh tế phát triển dựa trên nền tảng giá trị bền vững, với đặc tính cốt lõi là sự truyền thừa và không ngừng sáng tạo giá trị mới. Trong kỷ nguyên số, AI nổi lên như một công cụ mạnh mẽ để khai thác tiềm năng này. Với khả năng kế thừa nền tảng dữ liệu và tính chất cá thể hóa, AI đang trở thành tác nhân quan trọng làm tăng giá trị di sản từ quá khứ đến tương lai.
Kỷ nguyên số đang viết lại định nghĩa về di sản. Những gì được coi là “đồng nát số” - dữ liệu cũ, thông tin tưởng chừng vô giá trị - đang trở thành nguồn tài nguyên quý giá cho tương lai. Google Books số hóa hàng triệu cuốn sách cũ, OpenAI biến dữ liệu internet thành nền tảng cho ChatGPT, cho thấy trong thời đại của Big Data và AI, mọi dấu vết kỹ thuật số đều có tiềm năng trở thành di sản.
“Di sản trí tuệ cá nhân” cũng đang được định hình lại. MrBeast xây dựng đế chế YouTube trị giá hơn 1 tỷ USD không chỉ từ nội dung giải trí, mà từ cả một di sản số về cách kể chuyện trong thời đại mới. Coursera biến những bài giảng đại học - vốn chỉ tồn tại trong không gian lớp học - thành tài sản tri thức có thể tiếp cận toàn cầu. Meta đầu tư 10 tỷ USD vào metaverse và thị trường NFT đạt 40 tỷ USD, báo hiệu một kỷ nguyên nơi di sản không còn bị giới hạn bởi tồn tại vật lý.
Trong thế giới mới này, ranh giới giữa quá khứ và tương lai, giữa vật thể và phi vật thể đang dần tan biến. Giống như cách các thành phố mượn di sản từ nhau để phát triển, không gian số đang tạo ra những hình thái di sản hoàn toàn mới từ những giá trị đã có. Đó chính là bản chất của Kinh tế di sản - khả năng tạo sinh, tái sinh giá trị cũ trong những hình hài mới với sức mạnh của Thần Đèn, một xu hướng không thể ngăn cản.
Nếu không gian số cho phép chúng ta tái định nghĩa di sản, thì bảo tàng Louvre Abu Dhabi là một minh chứng xuất sắc cho nghệ thuật “mượn” di sản văn hóa - một mô hình đôi bên cùng có lợi. Pháp chứng minh rằng có thể khai thác giá trị thương mại từ di sản mà không làm tổn hại đến di sản gốc: chỉ việc cho phép sử dụng tên “Louvre” trong 30 năm đã mang về 525 triệu USD, trong tổng thỏa thuận 1,3 tỷ USD. Với UAE, khoản đầu tư này nhanh chóng sinh lời khi bảo tàng do “Starchitect” Jean Nouvel thiết kế thu hút hơn 2 triệu lượt khách ngay năm đầu tiên, biến Abu Dhabi thành trung tâm văn hóa mới của Trung Đông.
Thành công này đã truyền cảm hứng cho toàn khu vực. Các quốc gia vùng Vịnh đua nhau mời các Starchitect thiết kế công trình biểu tượng: Zaha Hadid với Performing Arts Center, Frank Gehry với Guggenheim Abu Dhabi, Norman Foster với Masdar City. Chiến lược này cho thấy cách các quốc gia giàu có nhưng thiếu chiều sâu văn hóa có thể xây dựng di sản thông qua đầu tư và hợp tác quốc tế, trong khi các quốc gia giàu di sản có thể khai thác giá trị thương mại mà không làm tổn hại đến di sản gốc. Tuy nhiên, không phải mọi giá trị di sản đều có thể được định giá bằng tiền.
Cũng giống như nền tảng kinh tế khác, kinh tế di sản cũng có thị trường riêng biệt và có thể tạo sinh cùng các thị trường khác(7).
Câu chuyện Louvre Abu Dhabi cho thấy di sản có thể được “cho mượn” nhưng không thể “bán đứt”. Đây chính là đặc thù của kinh tế di sản - một hình thái kinh tế đặc biệt. Về tài chính, di sản chỉ có thể khai thác thông qua cho thuê quyền sử dụng thương hiệu, vé tham quan, và dịch vụ phụ trợ. Các sản phẩm phái sinh được phát triển qua đồ lưu niệm, licensing và trải nghiệm văn hóa, trong khi khía cạnh lao động đòi hỏi chuyên gia bảo tồn và nghệ nhân có tay nghề cao.
Di sản có tiềm năng phát triển thông qua việc mở rộng chuỗi giá trị, kết hợp công nghệ số và phát triển du lịch văn hóa. Tuy nhiên, giá trị cốt lõi nằm ở tính xác thực không thể sao chép và ý nghĩa văn hóa - lịch sử không thể thay thế. Đặc biệt, khi di sản hoặc “chủ thể” (cộng đồng sở hữu) bị mất đi, toàn bộ giá trị kinh tế cũng biến mất - không thể “tái sản xuất” như hàng hóa thông thường. Để phát triển bền vững, kinh tế di sản đòi hỏi sự cân bằng tinh tế giữa khai thác và bảo tồn, giữa lợi ích kinh tế và giá trị văn hóa. Đây chính là lúc chúng ta cần tìm hiểu về các nguồn thu có thể có từ một địa điểm di sản.
10. Những kinh nghiệm phát triển Kinh tế di sản. Làm tăng giá trị di sản bằng du lịch văn hóa và nguồn thu tối thiểu từ một địa điểm di sản
Kinh nghiệm cũng cho thấy chìa khóa thành công nằm ở hành động thực tiễn và nhấn mạnh sáng kiến cộng đồng, cùng tham gia, gắn với trách nhiệm và quyền lợi. Cụ thể: (1) Tạo ra các tác nhân làm biến đổi vùng; (2) Cộng đồng cùng tham gia; (3) Thuyết phục các cấp chính quyền ủng hộ; (4) Triển khai dự án với sự hỗ trợ của các chuyên gia; (5) Mỗi di sản “một” quần cư, mỗi quần cư “một” sản phẩm; (6) Tích hợp chức năng, tích hợp giá trị; (7) Mỗi di sản “một” phong cách, mỗi sản phẩm “một” chuyên gia; (8) Chương trình hoạt động phải liên tục như dòng chảy; (9) Giá trị gia tăng đến từ môi trường, thẩm mỹ; (10) Thay đổi và thích ứng không ngừng (tùy duyên và bất biến); (11) Xã hội quyết định thành công; (12) Đầu tiên là văn hóa và cuối cùng là con người.
Công nghệ làm tăng giá trị di sản bằng du lịch văn hóa: Làm biết cho đến; Làm cho đến; Làm cho tiêu thụ; Làm tăng giá trị (sản phẩm); Làm cho quay lại (cùng những người khác); và Mở rộng thị trường (phát triển thương hiệu).
Theo đó, một địa điểm di sản cần phát triển đồng bộ ít nhất mười nguồn thu: (1) Vé tham quan, (2) Quản lý thương hiệu, (3) Đồ lưu niệm, (4) Dịch vụ bảo tàng, (5) Các sự kiện và hoạt động biểu diễn, (6) Công ăn việc làm từ bảo tồn bảo trì, (7) Đầu tư xây dựng mới, (8) Thu nhập từ duy trì cảnh quan, (9) Dịch vụ du lịch phụ trợ, và (10) Nghiên cứu khoa học.
Nghiên cứu của Harvard và Mastercard cho thấy thực tế hấp dẫn: tính trung bình các điểm du lịch trên toàn cầu, các dịch vụ lưu trú và ẩm thực chiếm 30%, mua sắm và hàng hóa chiếm 40%, 30% còn lại là các chi phí khác, trong đó vé tham quan nằm trong nhóm nghệ thuật - giải trí, mà cả nhóm chỉ chiếm 3,3% tổng chi tiêu của du khách. Paris là minh chứng sinh động. Dù Louvre thu về 150 triệu USD/năm từ vé, đây chỉ là phần rất nhỏ trong tổng chi tiêu du khách tại thành phố này. Milan và Naples cho thấy hai cách tiếp cận khác nhau để tối ưu các nguồn thu: Milan thu hút du khách chi tiêu cho thời trang và mua sắm, trong khi Naples nổi tiếng với ẩm thực đặc sắc. Các trải nghiệm văn hóa như trà đạo ở Kyoto (50-100 USD/người) hay tour cưỡi lạc đà kết hợp ẩm thực Bedouin tại Petra đem lại nguồn thu lớn mà không gây áp lực lên di sản.
Dữ liệu này cho thấy tiềm năng to lớn của di sản Vịnh Hạ Long về kinh tế thương hiệu, khi chỉ tính riêng vé tham quan vịnh hàng năm khoảng 1.000 tỷ VNĐ. Theo tiến trình “Bội số Ba” với công thức 1/3/9/27/81 nếu hoạt động theo đúng cách, nguồn thu từ điểm đến này có thể tăng theo cấp số nhân, từ 3.000/ 9.000/ 27.000/ 81.000 tỷ VNĐ là hoàn toàn khả thi và có thể.
Quản lý thương hiệu cũng là một hướng đi thông minh. Các hoạt động bảo tồn, nghiên cứu và dịch vụ chuyên môn không chỉ tạo việc làm mà còn nâng tầm giá trị di sản. Yếu tố then chốt là đảm bảo chất lượng dịch vụ, tính xác thực của trải nghiệm và sự tham gia của cộng đồng địa phương. Khi thực hiện đúng, di sản sẽ được bảo tồn bền vững trong chính dòng chảy phát triển kinh tế của nó.
“Sáu cửa vào động Thiếu Thất” nguyên là tên một tác phẩm lớn của thiền phái Trung Hoa - Thiếu Thất Lục Môn, ghi lại những giáo lý căn bản của Thiền tông. Sáu cửa ở đây chính là sáu pháp môn, sáu con đường dẫn vào chân lý, từ Tâm Kinh Tụng đến Huyết Mạch Luận. Tương tự như vậy, con đường bảo tồn di sản cũng có nhiều lối đi khác nhau, nhưng tất cả đều hướng đến một cái đích giữ gìn những giá trị (tự nhiên và văn hóa) cho muôn đời sau.
Đó là các pháp môn: (1) Đạo đức, (2) Tập quán; (3) Luật pháp; (4) Tình cảm; (5) Cạnh tranh; và (6) Kinh tế.
Đạo đức kêu gọi, thúc ép chúng ta bảo vệ di sản vì trách nhiệm với tiền nhân. Tập quán truyền đời khiến việc bảo tồn trở thành thói quen tự nhiên qua các thế hệ. Luật pháp buộc chúng ta phải tuân thủ những quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di sản. Tình cảm về nơi chốn, ký ức với di vật, những giá trị văn hóa thôi thúc ta nâng niu, gìn giữ. Cạnh tranh giữa các cộng đồng và địa phương tạo động lực nhận diện và phát huy giá trị di sản. Và cuối cùng, Kinh tế thúc đẩy việc bảo tồn, khai thác di sản một cách có hiệu quả.
Tuy nhiên, mỗi pháp môn, động lực trên đều có thể bị lung lay. Đạo đức có thể phai nhạt theo thời gian. Tập quán có thể đứt gãy khi thế hệ trẻ rời bỏ quê hương. Luật pháp dù có nghiêm ngặt đến đâu cũng khó bảo đảm tính thực thi lâu dài. Tình cảm đơn thuần khó trụ vững trước áp lực mưu sinh để “có chung, có thủy”. Cạnh tranh có thể dẫn đến những méo mó, ngụy tạo. Trong bối cảnh đó, Kinh tế di sản nổi lên như một giải pháp phát triển căn cơ.
Với pháp môn kinh tế, con đường bảo tồn bền vững di sản không đòi hỏi sự hy sinh, chỉ cần thông minh. Chính hiệu quả kinh tế được tạo ra từ di sản mới tạo thành tác nhân giác ngộ cộng đồng. Đây chính đặc tính truyền thừa, là con đường để di sản thực sự sống cùng cộng đồng và trong cộng đồng.
Từ kinh nghiệm thế giới, có thể thấy cách thức bảo tồn bền vững các khu vực di sản truyền thống là Mô hình Cộng sinh di sản, tạo ra các trung tâm mới đảm bảo các nhu cầu về phát triển và việc làm, giảm áp lực lên các khu vực di sản. Mô hình Cộng sinh di sản cũng đồng thời chính là tiền đề để tạo ra các di sản mới. Dù là cấp độ di sản rất lớn (đô thị di sản có phạm vi ảnh hưởng toàn vùng) cho đến di sản tương đối nhỏ (các di sản tại địa phương), mô hình Cộng sinh di sản, bảo tồn bền vững di sản đều có thể được áp dụng, bao gồm:
CHD/CH/H: Khu vực bảo tồn toàn vẹn giá trị, sự vô nhiễm cho khu vực di sản/ Khu vực có sức tải/ việc làm giới hạn.
CTD/CT/T: Khu vực công nghệ/du lịch tạo thu nhập, việc làm, sinh kế thụ động/ Khu vực chuyển tiếp, khai thác thương hiệu di sản, có sức tải, việc làm thích ứng.
CBD/CB/B: Khu vực động lực, nhu cầu, việc làm, sinh kế, thu nhập chủ động/ Khu vực sáng tạo di sản mới, tạo hấp lực thay đổi, làm tăng giá trị di sản, có sức tải, việc làm không giới hạn.
CHP: Công viên di sản thiên nhiên, lịch sử trung tâm.
Với mô hình này, Vịnh Hạ Long sẽ trở thành hạt nhân phát triển với sức mạnh khôn cùng của địa phương và quốc gia. Kinh nghiệm từ các thành phố di sản UNESCO cho thấy khi quy hoạch rõ ràng, các hoạt động kinh tế sôi động hoàn toàn có thể cộng sinh với việc bảo tồn di sản một cách bền vững.
Hãy tạo nên Vịnh kỳ quan nhân tạo (Cửa Lục) bên Vịnh kỳ quan thiên nhiên (Hạ Long). Đây là cơ hội để Quảng Ninh tiên phong áp dụng những kinh nghiệm phát triển Kinh tế di sản toàn cầu vào thực tiễn địa phương. Song để có thể phát triển nhanh và bền vững cần có chiến lược phát triển “đối ngẫu” bao gồm các loại hình (đối ngẫu phụ tùy, đối ngẫu nội tại, đối ngẫu tạo sinh, đối ngẫu song sinh và đối ngẫu tương tác) một cách linh hoạt theo các giai đoạn. Trong đó, việc phối hợp, liên kết phát triển trong không gian vùng, quốc gia và quốc tế cần được coi là trọng tâm của “Nhu Đạo”.
Kinh tế di sản phát triển dựa trên năng lực nhận diện giá trị, hấp lực truyền thừa, chuyển hóa và làm tăng giá trị. Những kinh nghiệm thực tiễn cho thấy triển vọng phát triển Kinh tế di sản gắn với AI là không có giới hạn. Trên nền tảng này, chúng tôi đề xuất 6 ý tưởng dành cho Quảng Ninh:
1) Thực hành chiến lược ngôi sao, tạo nên những vịnh kỳ quan nhân tạo bên vịnh kỳ quan thiên nhiên. (2) Phát triển kinh tế di sản và AI một cách bài bản, có chiến lược, có hiệu quả để trở thành một trung tâm phát kiến toàn cầu. (3) Áp dụng mô hình đô thị di sản trên diện rộng với trung tâm là thành phố Hạ Long. (4) Phát triển thương hiệu Hạ Long tạo ưu thế cạnh tranh trong công nghiệp Dữ liệu và AI. (5) Thực hành chiến lược đối ngẫu, liên kết phát triển ở tầm vóc, quy mô quốc gia và toàn cầu. (6) Luôn tự vươn mình trở thành một “Ngôi Sao” đang lên trong Thiên hà các Vì tinh tú của Nhân loại.
Và chúng tôi khẳng định rằng: Kinh tế di sản cùng với AI sẽ là tiền đề cho Việt Nam bước vào con đường “sánh vai với các cường quốc năm châu”. AI và kinh tế di sản là một cặp đối ngẫu tạo sinh, liên kết khoa học, công nghệ, chính trị, kinh tế, văn hóa, lịch sử, là nghệ thuật biến giấc mơ thành hiện thực.
Quảng Ninh đã đi đầu và thực hiện tốt các chiến lược nền tảng, giờ là lúc đi đầu thực hiện chiến lược đỉnh cao. Kinh tế di sản và Chiến lược ngôi sao nằm trong số đó.
Johann Wolfgang von Goethe đã nói: “Tất cả những gì chúng ta có thể làm được là làm sao cho củi thật khô. Đến giờ nó cháy chính chúng ta sẽ ngạc nhiên”.
Hơn ai hết, Quảng Ninh, hãy dũng cảm đi tiên phong trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Hãy cháy lên, làm cháy lên những ngọn đuốc dẫn đường phát triển kinh tế di sản, cùng quốc gia vững bước!
---------------------------------
(1) Heritage Conservation and the Local Economy/ tác giả Donovan D. Rypkema trên tạp chí Global Urban Development Magazine.
(2) https://www.globalurban.org/GUDMag08Vol4Iss1/Rypkema.htm
(3) Hồ Chí Minh toàn tập/ Tập 3, tr 458, Nxb Chính trị quốc gia 2011.
(4) Hồ Chí Minh toàn tập/ Tập 3, tr 458, Nxb Chính trị quốc gia 2011.
(5) Đề tài của Nhóm nghiên cứu người Việt tại University of Cincinnati (tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ) thuộc Liên danh MQL và Các đối tác đang triển khai áp dụng tại Nghệ An, Hà Tiên, Huế và Ninh Bình và một số địa phương của Việt Nam và kỳ vọng tạo nên những ảnh hưởng với tư cách một phát kiến trên phạm vi toàn cầu. Nguồn: https://nhandan.vn/kinh-te-di-san-mot-dong-luc-tang-truong-moi-post358224.html/ dẫn lại Heritage economy - a new growth engine (https://vietnamtourism.gov.vn/en/) và http://vanhoanghean.com.vn/
(6) Thông luật được xây dựng chủ yếu từ các phán quyết của tòa án trước đó được hoàn thiện theo một quá trình thương lượng, truyền thừa của một cộng đồng, trong khi Dân luật dựa vào bộ luật được soạn thảo bởi một cơ quan lập pháp được thiết lập mang tính tức thời và tư biện.
(7) Phần lớn những kiến trúc sư đều đã được trao giải Pritzker (được coi như giải Nobel trong ngành kiến trúc) trước hoặc sau khi hiện diện ở đây.
(8) “Tôi đã rất ấn tượng khi đến thăm Ủy ban Quy hoạch đô thị Bắc Kinh khoảng một năm trước, khi nghe về kế hoạch thu hút các tài năng hàng đầu thế giới của họ. Những nhà tổ chức đô thị đã tập hợp một danh sách các doanh nhân lớn, các học giả xuất sắc và các nghệ sĩ độc đáo bậc nhất thế giới. Viện nghiên cứu này khẳng định, Bắc Kinh hiện đã trở thành nhà của 108 người trong danh sách trên. Họ nuôi tham vọng con số này sẽ lên tới 200 người vào năm 2030”. Martin Rama là Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, hiện ông sống là làm việc tại Washington DC, Mỹ. Nguồn: https://vnexpress.net/
(9) Với thị trường Tài chính cho thuê; thị trường Hàng hóa phái sinh; thị trường Lao đông tinh hoa; đặc biệt về thị trường thương hiệu, mua bán sáp nhập mà điển hình là trường hợp Elon Musk với Tesla và Twitter.
(10) Nguồn: Liên danh MQL và Các đối tác.
(11) Chính trị, Kinh tế là nghệ thuật của cái Có thể. Văn chương, Nghệ thuật là ảo thuật của cái Không thể; Khoa học, Công nghệ là nghệ thuật biến cái Không thể thành Có thể.
Xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh  (05/12/2024)
Truyền thông thương hiệu - Trợ lực cho phát triển kinh tế di sản  (05/12/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay