Phát triển bền vững kinh tế biển ở các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và phía Nam dựa trên lợi thế so sánh
TCCS - Ngày 13-9-2019, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Thuận, Tỉnh ủy Bình Thuận phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học: “Phát triển bền vững kinh tế biển ở các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và phía Nam dựa trên lợi thế so sánh”.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận; PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS, TS. Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có gần 200 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, Quân khu 7, lãnh đạo các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và phía Nam; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và hàng trăm đại biểu tại các điểm cầu trực tuyến ở các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận giới thiệu những lợi thế, tiềm năng, một số thành tựu cùng những hạn chế, bất cập trong phát triển kinh tế biển của vùng duyên hải miền Trung và phía Nam, trong đó có tỉnh Bình Thuận. Đồng chí nhấn mạnh, việc tổ chức hội thảo lần này nhằm phân tích những điểm mạnh, những cơ hội cũng như những điểm yếu, những hạn chế, thách thức trong phát triển kinh tế biển. Hội thảo đi sâu thảo luận về cơ chế, chính sách để tăng cường liên kết vùng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng, phân công lao động, tối ưu hóa sản xuất để tháo gỡ các “điểm nghẽn” tạo điều kiện cho kinh tế biển của vùng duyên hải miền Trung và phía Nam phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.
Báo cáo đề dẫn do PGS, TS. Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, trình bày tại hội thảo nêu rõ, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” (Nghị quyết số 09-NQ/TW), các địa phương duyên hải miền Trung và phía Nam, trên cơ sở quán triệt Nghị quyết và tận dụng lợi thế so sánh của mình về nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú, khai thác những tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu,… đã huy động được nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế biển hướng tới bền vững, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Đảng ta đã thẳng thắn nhìn nhận việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trong phát triển bền vững kinh tế biển. Trước thực trạng trên, Hội nghị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 36-NQ/TW) hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển…
Hội thảo góp phần tổng kết thực tiễn quá trình phát triển kinh tế biển của các địa phương trong thời gian qua, rút ra những bài học kinh nghiệm, đồng thời quán triệt, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Với tinh thần đó, PGS, TS. Vũ Văn Hà đề nghị các đại biểu dự hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận một số vấn đề trọng tâm: Thứ nhất, khái quát thực trạng phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững dựa trên lợi thế so sánh của nước ta nói chung, đối với các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và phía Nam nói riêng trong thời gian qua; thứ hai, nhận diện, phân tích, làm rõ những tồn tại, bất cập và nguyên nhân của những tồn tại, bất cập đó trong quá trình thực hiện chiến lược biển, phát triển kinh tế biển, đồng thời nêu rõ những vấn đề đặt ra cần sớm khắc phục; thứ ba, nêu lên những mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong quá trình phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững từ các địa phương duyên hải miền Trung và phía Nam và rút ra những bài học kinh nghiệm, góp phần bổ sung những vấn đề về mặt lý luận vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thứ tư, đề xuất và kiến nghị với Đảng và Nhà nước những giải pháp cơ bản thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển dựa trên lợi thế so sánh.
Với 99 tham luận gửi đến hội thảo đã tập trung nêu lên nhiều vấn đề từ những góc nhìn mới, đa dạng trong phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, dựa trên những lợi thế so sánh gắn với việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW và Nghị quyết số 36-NQ/TW. Trong đó, các vấn đề được đề cập trong nhiều tham luận như: Phát triển kinh tế biển - Quan điểm của Đảng và những vấn đề mới trong Nghị quyết số 36-NQ/TW; phát triển kinh tế biển với bảo đảm an ninh - quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tiềm năng và thách thức, chủ trương và giải pháp để phát triển kinh tế biển Việt Nam theo hướng bền vững; liên kết theo ngành, theo vùng để phát triển kinh tế biển bền vững; thực trạng và những vấn đề đặt ra trong phát triển ngành thủy sản; phát triển du lịch biển, đảo; phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao; chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn trong phát triển kinh tế biển; phát triển kinh tế biển xanh; bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế biển; tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường biển và giải pháp ứng phó; ứng dụng công nghệ sinh học, tăng cường dịch vụ logistics thúc đẩy kinh tế biển phát triển bền vững; phát triển kinh tế biển bền vững và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; vai trò và sự tham gia của người dân địa phương trong quản lý tài nguyên khu bảo tồn biển; sự tương tác giữa phát triển kinh tế biển, đảo với đô thị hóa vùng duyên hải; điện hải lưu - nguồn năng lượng chính của Việt Nam trong tương lai…
Phát biểu tại hội thảo, GS, TS. Đoàn Thị Hồng Vân, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, liên kết là một yếu tố rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững. Để bảo đảm sự liên kết phát triển kinh tế biển bền vững, không chỉ tăng cường liên kết mà còn cần mở rộng khái niệm liên kết, không chỉ giới hạn ở liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương mà còn liên kết từ trong nhận thức, từ chủ trương, chính sách, liên kết giữa các vùng, địa phương, ngành cho đến mọi người dân. Không thể có một chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển nếu không tính đến chiến lược phát triển bền vững các ngành dầu khí, thủy hải sản, logistics, du lịch… và ngược lại.
Để tạo bước đột phá để phát triển bền vững kinh tế biển vùng duyên hải miền Trung và phía Nam trong bối cảnh hiện nay, ThS. Hoàng Nhất Thống, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cho rằng, cần phải đẩy mạnh xây dựng thể chế chính sách, pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho những đột phá trong phát triển kinh tế biển; huy động tối đa các nguồn lực phát triển kinh tế biển thông qua việc lựa chọn một số khâu, một số lĩnh vực có thể đột phá trên cơ sở áp dụng những thành tựu của nền kinh tế tri thức, của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0); đổi mới phương thức thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững kinh tế biển.
Đề cập vấn đề thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển với bảo đảm an ninh - quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, PGS, TS. Trương Minh Dục, Học viện Chính trị khu vực III, cho rằng, cần đầu tư phát triển mạnh vùng ven biển, tạo động lực lan tỏa hỗ trợ phát triển vùng trung du, miền núi, đồng thời tạo cơ sở cho phát triển một nền kinh tế biển vững chắc và lâu dài mang tầm chiến lược. Vùng ven biển là “bàn đạp” tiến ra biển, là hậu phương hỗ trợ các hoạt động trên biển thông qua các trung tâm kinh tế hải đảo. Cho nên, dọc ven biển phải kiến tạo các cực phát triển mạnh có bán kính ảnh hưởng rộng ra biển, có khả năng đối trọng với các cực phát triển lớn trong khu vực Biển Đông; các hành lang kinh tế ven biển, lôi kéo không chỉ nội vùng và lân cận, mà còn vào sâu nội địa và lan ra xa ngoài biển.
Trình bày tham luận với chủ đề “Ninh Thuận tập trung đầu tư để kinh tế biển trở thành động lực cho phát triển”, TS. Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, cho biết, với lợi thế của một tỉnh ven biển, Ninh Thuận đang phấn đấu trở thành tỉnh có kinh tế biển phát triển bền vững, đồng bộ, có năng lực cạnh tranh cao, là trung tâm năng lượng sạch, là một khu vực trọng điểm du lịch quốc gia và là trung tâm sản xuất giống thủy sản của cả nước. Để đạt mục tiêu đó, tỉnh xác định trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển các ngành kinh tế biển có tính đột phá là: năng lượng và các ngành kinh tế biển mới; du lịch, dịch vụ gắn với hình thành đô thị ven biển; công nghiệp ven biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; kinh tế hàng hải; khai thác các tài nguyên, khoáng sản biển khác.
Trao đổi về vấn đề làm thế nào để phát triển kinh tế biển bền vững trước thách thức của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, TS. Lâm Văn Mẫn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng, cho rằng phải chú trọng khai thác tốt các tiềm năng từ biển và lồng ghép các chương trình, dự án thích nghi, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào các quy hoạch phát triển kinh tế biển; đồng thời, phải nâng cao nhận thức từ chính quyền các cấp, các ngành đến người dân về vai trò, vị trí của biển; về việc tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng để phát triển kinh tế. Góp ý thêm về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Mến, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre, nhấn mạnh, phát triển bền vững kinh tế biển không những tạo động lực về phát triển kinh tế mà còn giúp các địa phương thực hiện tốt các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên, sinh thái, ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Trước mắt, cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực kinh tế có tính đột phá, như phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời); du lịch biển; đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng; phát triển công nghiệp, đô thị ven biển; nguồn nhân lực biển...
|
Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền trong phát triển bền vững kinh tế biển, TS. Hồ Trung Phước, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận, khuyến nghị, trong công tác tuyên truyền, cần chú trọng xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và địa phương để nắm bắt dư luận xã hội, định hướng kịp thời những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân; góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, vị trí, vai trò của biển và hải đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao trách nhiệm công dân trong các hành vi ứng xử với biển, ý thức khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo… Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thương hiệu các sản phẩm, sản vật biển, đảo đặc sắc của địa phương đến với người dân trong nước và quốc tế.
Qua trao đổi, thảo luận, các đại biểu dự hội thảo thống nhất đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển bền vững kinh tế biển trong thời gian tới. Một là, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, nâng cao chất lượng quy hoạch không gian phát triển kinh tế biển ở các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và phía Nam theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm phù hợp thực tiễn, quy hoạch của vùng và cả nước. Hai là, cần phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh, thành phố trong vùng với các vùng lân cận và các bộ, ngành Trung ương trong phát triển kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ba là, đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững. Bốn là, huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ phát triển kinh tế vùng ven biển, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, theo hướng hiện đại, tạo cơ sở để phát triển các loại hình kinh tế biển, đảo. Năm là, phát triển khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế biển theo mô hình kinh tế xanh, sạch. Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế về biển; có cơ chế, chính sách hợp lý để huy động nhiều nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư cho phát triển bền vững kinh tế biển. Bảy là, phát triển kinh tế biển phải gắn kết chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quốc gia; bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư, người lao động và các hoạt động kinh tế khu vực biển.
Phát biểu kết luận hội thảo, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nhấn mạnh, các tham luận gửi đến và các ý kiến trình bày trực tiếp tại hội thảo đã thể hiện được những tư duy mới, cách nhìn mới trong phát triển kinh tế biển; đã đề cập rất tập trung vào lợi thế so sánh của các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và phía Nam trong phát triển kinh tế biển, cụ thể trên các lĩnh vực, như du lịch biển, đảo, công nghiệp diện tái tạo, khai thác các chế phẩm, các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật từ biển, các nguồn năng lượng mới từ biển,... Nhiều ý kiến đã bàn sâu về các mâu thuẫn để khai thác các lợi thế so sánh, biến tiềm năng thành động năng để phát triển kinh tế biển.
Trên cơ sở đó, hội thảo đã có nhiều đề xuất, kiến nghị có giá trị cao trong phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững. Trước hết là các đề xuất xoay quanh vấn đề về nhận thức, trách nhiệm từ hệ thống chính trị đến toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của biển, kinh tế biển với tư cách là không gian sinh tồn. Kế đến là nhóm giải pháp về bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam để phát triển kinh tế biển trong bối cảnh hiện nay. Nhiều ý kiến đã đề cập sâu về vai trò của quy hoạch, của liên kết vùng, liên kết ngành, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, hạ tầng thông tin ở vùng ven biển; vai trò của khoa học - công nghệ, của thể chế, của doanh nghiệp, của các hiệp hội, của người dân… để phát huy cao độ những lợi thế so sánh trong phát triển kinh tế biển.
Sau hội thảo, Tạp chí Cộng sản sẽ chọn lọc đăng một số bài viết trên các ấn phẩm của Tạp chí; chắt lọc những ý kiến góp ý, đề xuất góp phần vào việc xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách nhằm phát triển bền vững kinh tế biển trong cả nước nói chung, ở các tỉnh, thành vùng duyên hải miền Trung và phía Nam nói riêng.
Tại hội thảo, trong không khí những ngày đầu năm học mới 2019 - 2020, thay mặt Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và PGS, TS. Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, đã trao tặng 200 triệu đồng do Tạp chí Cộng sản và Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood tài trợ để giúp Trường Trung học phổ thông huyện Tánh Linh và Trường Trung học phổ thông Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) xây dựng thư viện điện tử./.
“Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”  (13/09/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam