Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh với tinh thần “6 tiên phong”
TCCS - Ngày 10-8-2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Chỉ đạo) chủ trì Hội nghị về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và việc thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành Ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên.
Hội nghị đánh giá, qua gần 1 năm triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15, nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo, cùng với sự vào cuộc khẩn trương, toàn diện, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, cơ quan trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Nghị quyết số 98/2023/QH15 được xem là đòn bẩy hết sức hiệu quả để Thành phố tận dụng cơ hội phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung tại nghị quyết chưa được Thành phố triển khai hoặc triển khai còn chậm, như các dự án theo các mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng TOD, phát triển nhà ở và cải tạo môi trường, công trình thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội, khắc phục tình trạng quá tải về trường học, bệnh viện, thiếu cơ sở vật chất dành cho thể thao.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh các báo cáo và ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, sát thực tiễn về tình hình kinh tế- xã hội 7 tháng của năm 2024 và 1 năm triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15, đã chỉ rõ các hạn chế, vướng mắc, xác định nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời đề xuất phương hướng, cách làm phù hợp cho thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp thu ý kiến, hoàn thiện và trình ban hành thông báo kết luận của hội nghị để thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp triển khai hiệu quả Nghị quyết số 98/2023/QH15 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thành phố những tháng cuối năm 2024.
Điểm lại tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ biểu dương, ghi nhận, sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân đã đạt nhiều kết quả quan trọng rất đáng trân trọng, góp phần vào thành tựu chung của cả nước trong 7 tháng năm 2024, nhất là trong tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, thu hút FDI, du lịch… Đồng thời chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong việc chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; giải ngân vốn đầu tư công chậm. Sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Cải cách thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu; hạ tầng y tế, giáo dục, nhà ở, hệ thống phúc lợi xã hội chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, phát huy các cơ chế, chính sách đặc thù hiệu quả hơn với tinh thần “6 tiên phong”. Trong đó, tiên phong trong đổi mới tư duy, phát triển đồng bộ, toàn diện, bao trùm, tổng thể, hiệu quả bền vững, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; tiên phong trong chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm; tiên phong trong phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, lập nghiệp; tiên phong trong phát triển các ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao. Cùng với đó là tiên phong trong phát triển nhân lực chất lượng cao, chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực trọng tâm; tiên phong trong thực hiện chính sách xã hội, an sinh xã hội, công bằng tiến bộ xã hội, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thành phố Hồ Chí Minh quán triệt, cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về phát triển vùng Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 7,5 - 8%. Thành phố thành lập Tổ chuyên trách nhằm tháo gỡ ngay những vấn đề, vướng mắc phát sinh; phát huy mạnh mẽ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước; triển khai đồng bộ các giải pháp kích thích kinh tế, kích cầu đầu tư, tiêu dùng; kiểm soát giá cả, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Thành phố phải nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh; quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trong đó, chú trọng đối thoại với doanh nghiệp, nắm bắt và giải quyết ngay bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền; tăng cường thông tin truyền thông để người dân, doanh nghiệp biết, hiểu, đồng tình, hưởng ứng và cùng làm, cùng hưởng.
Thành phố Hồ Chí Minh phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền trong xử lý công việc; nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng đô thị thông minh; phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; tập trung hình thành các trung tâm giáo dục, đào tạo hàng đầu trong nước, khu vực và quốc tế.
Thành phố dành nguồn lực thích đáng, nhanh chóng phát triển quỹ nhà ở cho người lao động, công nhân; tập trung hoàn thành mục tiêu xây dựng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội đã đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, triển khai dứt điểm dự án chống ngập, không để dây dưa, kéo dài. Thành phố tiếp tục tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội; coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Đồng thời xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thủ tướng Chính phủ mong muốn và tin tưởng, với sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, khơi thông nguồn lực, khai phá tiềm năng, tăng tốc, bứt phá, không ngừng phát triển.
* Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ (Hội đồng) chủ trì Hội nghị lần thứ tư của Hội đồng để rà soát việc thực hiện các nội dung đề ra tại Hội nghị lần thứ ba và triển khai Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050./.
Trung Duy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ  (07/08/2024)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ  (01/08/2024)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay