Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7-2024
TCCS - Ngày 24-7-2024, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7-2024 để thảo luận, xem xét cho ý kiến đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi); dự án Luật Việc làm; đề nghị xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp; đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) và Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ cho biết, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; được Chính phủ xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, được triển khai quyết liệt, đồng bộ, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 27 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua hơn 60 luật, nghị quyết; ban hành hơn 380 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành gần 90 quyết định quy phạm. Riêng trong năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 5 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua 26 đề nghị xây dựng luật, nghị quyết, dự án luật. Đặc biệt, đã thành lập ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Mục tiêu là xây dựng, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 xem xét, thông qua một luật sửa các luật để xử lý ngay các bất cập, vướng mắc pháp lý phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển, qua đó khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý, nội dung các quy định pháp luật phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, thiết kế công cụ giám sát, kiểm tra và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật; giảm thủ tục hành chính, chấm dứt cơ chế xin - cho, giảm phiềm hà, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn; huy động được mọi nguồn lực trong xã hội cho phát triển đất nước.
Tại phiên họp chuyên đề về xây pháp luật tháng 7-2024, Chính phủ xem xét, cho ý kiến, thông qua 5 nội dung quan trọng, gồm 2 đề nghị xây dựng luật: Tình trạng khẩn cấp, Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); 2 dự án luật: Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi). Đây đều là những nội dung khó và quan trọng cần tập trung nghiên cứu. Đặc biệt, Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với Đề án về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, một đề án lớn từng được đề cập từ nhiều năm trước, Bộ Chính trị đã có kết luận, cần sớm cụ thể hóa. Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung trí tuệ, tiếp tục tinh thần đổi mới; trình bày báo cáo, phát biểu ý kiến ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào vấn đề; tập trung trao đổi về những vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ; bảo đảm tiến độ, chất lượng của phiên họp. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý phân công công việc phải “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả” để dễ kiểm tra, giám sát, đôn đốc, thi đua, khen thưởng.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các bộ, ngành đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị, trình cũng như các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn, hàm lượng chuyên môn cao, có chất lượng của các thành viên Chính phủ; yêu cầu các bộ tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật, dự án luật, đề án.
Thời gian tới, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung nguồn lực cho hoàn thiện các dự án luật theo đúng quy định; tập trung rà soát, xử lý các vướng mắc có tính chất cấp bách tại một số luật nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, sự chồng chéo; tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, thiết kế công cụ giám sát, kiểm tra và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; xóa bỏ cơ chế xin - cho; chống phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, góp phần để hệ thống pháp luật minh bạch, khách quan, không chồng chéo, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám làm, bệnh trì trệ trong một bộ phận cán bộ, công chức; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; có cơ chế thông thoáng, huy động tối đa các nguồn lực; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Đối với Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí với ý kiến các thành viên Chính phủ, lập Đề án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dài khoảng hơn 1.500km, có công nghệ hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới; thực hiện trong 10 năm từ năm 2025 đến năm 2035, với tổng kinh phí khoảng hơn 60 tỷ USD. Dự án cần có cơ chế, chính sách huy động tối đa các nguồn lực. Đặc biệt, phải đánh giá tình hình, tác động của dự án tới nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài để bảo đảm an toàn trong huy động vốn, yên tâm triển khai dự án. Yêu cầu việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải bảo đảm đồng bộ, liên thông, tận dụng, kết hợp và phát huy được hiệu quả của hệ thống và phương thức giao thông hiện có; đồng thời thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quản lý, khai thác dự án và xây dựng ngành công nghiệp đường sắt... Cần nghiên cứu nâng cấp tuyến đường sắt hiện có, tập trung cho vận tải hàng hóa, du lịch, nhất là 3 dự án kết nối với Trung Quốc, đặc biệt là tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; tiếp đó là các tuyến đường sắt Vũng Áng - Viêng Chăn; Campuchia, Lào, Việt Nam kết nối với Trung Quốc đi châu Âu.
Cùng với việc xây dựng luật, cần khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội trong việc trình, thẩm tra, báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Quốc hội, đại biểu Quốc hội./.
Hà Phương (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024  (24/07/2024)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9  (23/07/2024)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển đất nước  (18/07/2024)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ tám, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ  (16/07/2024)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam