TCCS - Ngày 15-1-2024, tại Hà Nội, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể, để xem xét quyết định 4 nội dung quan trọng, nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, các tổ chức tín dụng, kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự phiên khai mạc.
Dự phiên khai mạc kỳ họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Về phía Quốc hội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Thượng tướng Trần Quang Phương; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trưởng đoàn, phó trưởng đoàn, các vị đại biểu Quốc hội thuộc 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV để xem xét, quyết định 4 nội dung quan trọng: 1- Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); 2- Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); 3- Về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện Nghị quyết về giám sát chuyên đề tại Kỳ họp thứ 6; 4- Xem xét, cho ý kiến và quyết định một số nội dung quan trọng, cấp thiết về tài chính, ngân sách. Trong đó, Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời cũng là dự án luật rất khó và phức tạp. Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng có nhiều nội dung chuyên sâu, có tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng hai lần tại phiên họp thứ 29 (tháng 1-2024).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra trong những ngày đầu năm mới 2024 - năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và hướng tới Đại hội XIV của Đảng. Những nội dung được Quốc hội quyết định tại kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ, mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng để kỳ họp hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình với sự thống nhất, đồng thuận cao. Đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phối hợp chặt chẽ, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết đạt chất lượng cao nhất để Quốc hội xem xét, quyết định. Cụ thể:
- Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Đây là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời cũng là dự án luật rất khó và phức tạp. Dự án luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức liên quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; đã được thảo luận, cho ý kiến tại ba kỳ họp Quốc hội, hai hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáu phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và trên 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân. Sau Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại hai phiên họp (tháng 12-2023 và tháng 1-2024). Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều (bỏ 5 điều, chỉnh lý 250 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6). Đến nay, dự thảo luật đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa các quan điểm, nội dung của Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp này. Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm cao, tiếp tục cho ý kiến về dự án luật, tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng theo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm chất lượng cao nhất và xem xét, biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.
- Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, bám sát yêu cầu cơ cấu lại, nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống tổ chức tín dụng theo đúng chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội. Cơ quan chủ trì thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến xử lý tình trạng sở hữu chéo, hạn chế việc chi phối, thao túng tổ chức tín dụng; quy định minh bạch về cơ chế tài chính, hạch toán, quản trị các tổ chức tín dụng; vấn đề can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, chuyển giao bắt buộc, phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu; tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động tổ chức tín dụng; điều khoản chuyển tiếp; tính đồng bộ của hệ thống pháp luật... Dự thảo luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng hai lần tại phiên họp thứ 29 (tháng 1-2024), sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều (tăng 7 điều, chỉnh lý rất nhiều điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6), đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định. Dự án luật có nhiều nội dung chuyên sâu, có tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu thận trọng, toàn diện, góp ý, hoàn thiện và xem xét, biểu quyết thông qua dự thảo luật đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, minh bạch, ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, phát triển theo đúng nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thông lệ, chuẩn mực quốc tế phổ biến, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp tục phát huy vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.
- Về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện Nghị quyết về giám sát chuyên đề tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định áp dụng một số chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung vào các nội dung chủ yếu: 1- Phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm; 2- Điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm; 3- Sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất; 4- Quy định cụ thể về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; 5- Địa bàn, phạm vi áp dụng quy định về ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội; 6- Quy định cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các chương trình... Trên cơ sở kết quả giám sát của Quốc hội và thực tiễn phong phú tại bộ, ngành, địa phương, đơn vị mình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về nội dung và tính khả thi của từng quy định cụ thể trong dự thảo để hoàn thiện, xem xét thông qua Nghị quyết tại kỳ họp này.
- Về việc xem xét, cho ý kiến và quyết định một số nội dung quan trọng, cấp thiết về tài chính, ngân sách, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến về : Việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công; và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn để thực hiện dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm quốc phòng - an ninh, chủ quyền biển, đảo quốc gia, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri, nhân dân huyện đảo và cả nước.
Sau phiên khai mạc, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)./.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp, hội đàm với Tổng thống nước Cộng hòa Indonesia Joko Widodo thăm cấp nhà nước tới Việt Nam  (13/01/2024)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc  (12/01/2024)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam