Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
TCCS - Ngày 11-1-2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cùng dự hội nghị có các đồng chí: Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương.
Năm 2023, với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược của Đảng và Nhà nước, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịp thời nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình, để từ đó tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các kịch bản phát triển phù hợp cũng như những giải pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu các tác động tiêu cực và đạt được mục tiêu kép trong phát triển kinh tế - xã hội. Các giải pháp được bộ đưa ra nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, liên kết vùng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững gắn với tiến trình phục hồi xanh toàn cầu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm tốt công tác tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách phát huy mô hình kinh tế mới và các yêu cầu phát triển bền vững sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Cùng với đó, kịp thời tham mưu các giải pháp, cơ chế, chính sách góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tranh thủ tận dụng tối đa thời cơ để phục hồi và phát triển nền kinh tế.
Trong Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là bộ có số lượng đề án được giao nhiều nhất; bộ đã hoàn thành 100% các đề án, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 2 luật, 8 nghị quyết của Quốc hội, 5 nghị định của Chính phủ, 13 thông tư, 17 nghị quyết của Chính phủ, 5 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực hoặc giữ vai trò chủ trì, đầu mối tổng hợp của 6 tổ công tác đôn đốc giải ngân, 26 đoàn công tác của thành viên Chính phủ về tình hình sản xuất - kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất - nhập khẩu tại các địa phương, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương, 7 hội đồng điều phối vùng và nhiều ban chỉ đạo khác. Đáng chú ý, bộ đảm nhiệm vai trò thường trực hội đồng thẩm định và đã tổ chức thẩm định 5 quy hoạch vùng, 59 quy hoạch tỉnh, 1 chương trình mục tiêu quốc gia, 4 dự án quan trọng quốc gia, 41 chương trình, dự án lớn thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền nhiều đề án, báo cáo lớn; ban hành gần 13.000 văn bản liên quan đến các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của bộ.
Năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục khẳng định, nâng cao vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, vai trò tiên phong trong xây dựng tầm nhìn phát triển của đất nước, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để bảo đảm thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược, triển khai nhiều cải cách, đột phá. Trong đó, ngành kế hoạch và đầu tư tiếp tục tham mưu thực hiện mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết loại bỏ tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; đẩy nhanh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược. Ngành tiếp tục tham mưu cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; nghiên cứu, tham mưu triển khai các mô hình kinh tế mới; thúc đẩy đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo; tham mưu giải quyết các khó khăn, rào cản đối với hoạt động của các tổ chức kinh tế; triển khai thực hiện liên kết vùng, các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh, tình hình mới, toàn ngành ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê bám sát tình hình, diễn biến mới, tập trung đánh giá kết quả, rút ra bài học kinh nghiệm để chuẩn bị xây dựng nghị quyết đại hội đảng các cấp trong giai đoạn tới, làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước và các địa phương trong giai đoạn phát triển tới, phấn đấu đạt mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2023 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế - xã hội cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; chỉ rõ một số hạn chế mà bộ cần khắc phục trong công tác nắm bắt, dự báo tình hình, phản ứng chính sách, nghiên cứu chiến lược. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng và ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê nói chung bám sát các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2024 với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” với tinh thần “Năm quyết tâm”.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần thực hiện “5 luôn”: Luôn có tư duy sắc bén, đổi mới, nắm bắt nhanh nhạy các vấn đề nổi lên của thế giới, đất nước và có tầm nhìn xa, tham mưu các quyết sách lớn về kinh tế - xã hội cho Đảng, Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; luôn coi trọng và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tổ chức thực hiện; luôn xung kích, tiên phong trong thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển các mô hình kinh tế mới, ngành nghề mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo với tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên, góp phần thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, cùng với đó, luôn đi đầu trong chuyển đổi số, tạo động lực mạnh mẽ phát triển các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, trở thành công cụ quan trọng trong xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập ngày càng sâu rộng; luôn đẩy mạnh hiệu lực, hiệu quả của công tác thống kê nhà nước, hiện đại hóa theo hướng khoa học, phản ánh kịp thời, chính xác, đầy đủ, phục vụ ngày càng tốt hơn sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nỗ lực hơn nữa trong công tác điều hành kế hoạch và điều phối kinh tế vĩ mô; chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024 và thời gian tới; tích cực xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hướng tới mục tiêu có 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn; sớm tăng thêm 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao nói chung cho phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ phải phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nghiên cứu, tham mưu triển khai các mô hình kinh tế mới; thí điểm, thử nghiệm một số mô hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ mới để tạo điều kiện phát triển đột phá một số ngành nghề, lĩnh vực mới nổi như sản xuất chíp bán dẫn, hydrogen... và tiềm năng lớn như du lịch, dịch vụ, vận tải, logistics... Bộ cần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường công khai, minh bạch. Cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Đồng thời, làm tốt công tác hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài và các nguồn lực từ bên ngoài; làm tốt nhiệm vụ Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội để xây dựng Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030 trình Đại hội XIV của Đảng.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ trao các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và Chính phủ tặng các tập thể, cá nhân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư./.
Hà Phương (tổng hợp)
Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam  (08/01/2024)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đồng chủ trì Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào  (07/01/2024)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone thăm chính thức Việt Nam  (06/01/2024)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương  (06/01/2024)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam