Nhận diện, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
TCCS - Ngày 24-12-2023, tại Học viện Chính trị khu vực 2, Cơ quan Thường trực tại miền Nam của Tạp chí Cộng sản và Học viện Chính trị khu vực 2, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học: "Nhận diện, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Tham dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí: PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập, phụ trách Tạp chí Cộng sản; GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II và TS Phùng Ngọc Bảo, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan Thường trực tại miền Nam, Tạp chí Cộng sản. Cùng tham dự hội thảo còn có gần 80 đại biểu là nhà khoa học, nghiên cứu, quản lý.
Phát biểu chào mừng hội thảo, PGS, TS Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, một trong những nội dung cơ bản, hệ trọng và rất cần thiết của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là phải tiến hành xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, đặc biệt là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Do đó, cần có những nghiên cứu để khẳng định một cách khoa học, khách quan về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi khẳng định, tại Việt Nam, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một quá trình vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của đất nước. Nhìn lại quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho thấy đã có những bước phát triển về chất, tiếp cận đầy đủ hơn những nguyên tắc của nhà nước pháp quyền hiện đại, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, với mưu đồ chống phá, nhiều đối tượng xấu đã xuyên tạc, công kích, đưa ra các luận điệu làm sai lệch bản chất, khi cho rằng: Nhà nước pháp quyền là giá trị của các nước tư bản, việc Việt Nam đặt lại vấn đề xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền là có hướng đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, chỉ có nhà nước pháp quyền tư sản, không có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (?!)... Từ đó, họ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và cho rằng chế độ dân chủ tư sản như nó đang tồn tại ở phương Tây là chế độ dân chủ cao nhất, là “thiên đường vĩnh hằng” và “không có đa nguyên, đa đảng thì không bao giờ có dân chủ” (?!)...
Theo GS, TS Lê Văn Lợi, mưu đồ chính của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị là xuyên tạc, phủ nhận sự tồn tại và bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; đó là âm mưu rất thâm độc, hòng chống phá những vấn đề căn cốt của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Chính vì thế, việc nhận diện, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một đòi hỏi tất yếu khách quan, rất quan trọng. Theo đó, GS, TS Lê Văn Lợi đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ các nội dung: 1- Cơ sở lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhận diện, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 2- Đánh giá thực trạng, chỉ rõ những vấn đề nổi cộm, cấp thiết đang đặt ra đối với việc nhận diện, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 3- Phân tích, nhận diện rõ những quan điểm sai trái, thù địch mới xuất hiện và phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch về vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 4- Làm rõ bối cảnh mới tác động đến việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch liên quan đến vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 5- Gợi mở, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả trong nhận diện, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hội thảo nhận được sự quan tâm và nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết, sâu sắc, giá trị của các nhà khoa học, trong đó tập trung khẳng định: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang xây dựng thể hiện rất rõ nét các đặc trưng cơ bản là: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, thực sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, luôn thống nhất, được tổ chức khoa học, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm, bảo vệ tốt quyền con người, quyền công dân. Cơ quan lập pháp hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả; hoạt động của cơ quan hành pháp công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, hành động, kiến tạo phát triển, phục vụ tốt; cơ quan tư pháp nghiêm minh, liêm chính. Hệ thống pháp luật dân chủ, văn minh, tiến bộ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán. Văn hóa pháp lý, văn hóa pháp quyền luôn được coi trọng và phát huy sâu rộng. Nhà nước thực hiện tốt các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập trên cơ sở bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, pháp luật quốc tế.
Mặc dù vậy, với âm mưu “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị luôn tìm mọi thủ đoạn để tán phát các luận điệu sai trái, thù địch với mục đích nhằm xóa bỏ nền tảng tư tưởng và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống phá Đảng và Nhà nước ta, làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào Nhà nước pháp quyền, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Theo PGS, TS Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó giám đốc Học viện khu vực II; TS Nguyễn Đình Phúc, Phó trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện khu vực II; Thiếu tá, TS Nguyễn Đức Hải, Trường Đại học an ninh nhân dân và Thạc sĩ Nguyễn Thanh Trí, Trường Sĩ quan Lục quân 2: Các thế lực thù địch từ trước đến nay vẫn và sẽ không thay đổi âm mưu truyền bá các luận điệu sai trái nhằm xóa bỏ nền tảng tư tưởng và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống phá Đảng và Nhà nước ta, hòng gây bất ổn chính trị - xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, làm mất lòng tin của nhân dân vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Các đại biểu cho rằng, một trong những phương thức, thủ đoạn rất nguy hiểm là luôn tìm cách tấn công vào nền tảng tư tưởng, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta; dùng xảo biện, xuyên tạc, với những thủ đoạn nham hiểm để làm giảm sút niềm tin của nhân dân, thậm chí của cán bộ, đảng viên đối với việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhìn nhận ở khía cạnh về vấn đề về sở hữu đất đai, PGS, TS Nguyễn Tấn Vinh, Phó Giám đốc Học việc Chính trị khu vực 2, cho rằng: Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động đã và đang ra sức xuyên tạc, thổi phồng các vụ, việc tiêu cực liên quan đến đất đai, những vi phạm, bất cập, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về đất đai; quy chụp, suy diễn các vụ việc tiêu cực đó liên quan đến sai phạm của một số cán bộ, đảng viên để kích động mâu thuẫn trong xã hội; qua đó làm giảm vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, phủ nhận những thành tựu đạt được trong quản lý đất đai ở nước ta. PGS, TS Nguyễn Quốc Dũng khẳng định giá trị của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời khẳng định những thành tựu phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt chặng đường lịch sử với sứ mệnh cầm quyền đã đưa dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, để giờ đây vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc không ngừng được khẳng định chính là minh chứng sống động và thuyết phục nhất để chúng ta phản bác đanh thép và bẻ gãy những luận điệu xuyên tạc, sai trái...
Đồng tình với các ý kiến trên, chia sẻ ở góc độ thực tiễn, các đồng chí Nguyễn Tấn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai; Châu Quốc Hùng, Văn phòng Tỉnh ủy An Giang cho biết, nhiều năm qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị triệt để lợi dụng, khai thác các vấn đề nhạy cảm liên quan đến những hạn chế, thiếu sót, trong thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; những bức xúc liên quan đến quyền lợi của người dân; vấn đề dân tộc, tôn giáo… để xuyên tạc, kích động gây mâu thuẫn nội bộ, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các cấp ủy và chính quyền địa phương đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các thông tin xấu, độc, xuyên tạc, phá hoại an ninh, trật tự trên địa bàn, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, khẳng định thành quả đạt được trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước.
Tại hội thảo, các đại biểu còn tập trung phân tích, chỉ rõ thêm những mặt được, chưa được trong việc nhận diện, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đối với quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời gian qua. Đồng thời, gợi mở, đề xuất giải pháp để Đảng và Nhà nước ta tiếp tục xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn Việt Nam sẽ phát huy tối đa các nguồn lực của đất nước phục vụ yêu cầu xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Phát biểu kết luận hội thảo, PGS, TS Phạm Minh Tuấn khẳng định, với hơn 100 tham luận được chuẩn bị công phu từ trước và gần 15 ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và các nhà lãnh đạo, quản lý phát biểu trực tiếp đã tiếp tục góp phần làm rõ thêm về nội hàm, đặc trưng và định hướng quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bởi thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã khẳng định, những thành tựu to lớn của đất nước gần 40 năm đổi mới chính là sự phản ánh của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do vậy, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là chủ trương lớn, hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, với xu thế thời đại. PGS, TS Phạm Minh Tuấn nhấn mạnh, đấu tranh làm thất bại những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của các thế lực thù địch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách hiện nay.
Do đó, kết quả thu được từ hội thảo có giá trị quan trọng, gợi mở nhiều giải pháp căn cơ để nhận diện, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; góp phần vào việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị, “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9-11-2022, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”./.
Giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội: Nhìn từ quản trị vùng và địa phương  (22/12/2023)
Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc tại Cộng hòa Argentina và Cộng hòa Ðông Uruguay  (07/12/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển