Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm chính thức Nhật Bản
TCCS - Theo lời mời của Nhà nước Nhật Bản, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 27-11 đến ngày 30-11-2023. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 27-11-2023, tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân đã dự lễ đón chính thức, hội đàm, phát biểu báo chí chung và dự chiêu đãi trọng thể của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Phu nhân.
* Ngay sau lễ đón chính thức, hai nhà lãnh đạo tiến hành hội đàm. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu, thân tình và chu đáo của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản; cảm ơn và đánh giá cao sự quan tâm, tình cảm đặc biệt và những đóng góp quan trọng của Thủ tướng Kishida Fumio cho sự phát triển của quan hệ hai nước trên nhiều cương vị khác nhau. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chuyển lời chào, lời thăm hỏi và lời mời sớm thăm Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Nhà Vua và Hoàng hậu, Thủ tướng Kishida Fumio và các nhà lãnh đạo Nhật Bản.
Thủ tướng Kishida Fumio nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Nhật Bản trong năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Trong bầu không khí hữu nghị, thân tình và tin cậy, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida Fumio điểm lại quan hệ hai nước trong 50 năm qua và bày tỏ hài lòng về sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực của quan hệ hai nước với sự tin cậy chính trị cao, sự gắn kết chặt chẽ trên các lĩnh vực kinh tế, nguồn nhân lực, hợp tác địa phương. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là hình mẫu tiêu biểu cho sự hợp tác hiệu quả, chân thành, với tiềm năng và triển vọng hết sức rộng mở. Trên cơ sở đó, hai nhà lãnh đạo nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”.
Trên cơ sở khuôn khổ quan hệ mới, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi ý kiến sâu rộng về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời nhất trí về phương hướng lớn và các biện pháp nhằm làm sâu sắc hợp tác hai nước, mở ra thời kỳ phát triển mới mạnh mẽ và sâu rộng hơn, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chung của cả hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường giao lưu, tiếp xúc cấp cao hằng năm bằng nhiều hình thức linh hoạt, trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế đối thoại hợp tác đã có giữa các bộ, ngành hai nước và thúc đẩy thiết lập các cơ chế hợp tác mới; tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng trên cơ sở Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản.
Về hợp tác kinh tế, hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường liên kết kinh tế giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác để bảo đảm an ninh kinh tế và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng với mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045. Nhấn mạnh việc doanh nghiệp Nhật Bản coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng trong hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng và điểm đến đầu tư triển vọng nhất trong các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Thủ tướng Kishida Fumio đề nghị hai bên phối hợp nâng cao hiệu quả, tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hợp tác sử dụng viện trợ phát triển chính thức (ODA) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản tại Việt Nam.
Đánh giá cao đóng góp của nguồn vốn ODA của Nhật Bản vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị Nhật Bản tích cực xem xét cung cấp cho Việt Nam các khoản vay ODA thế hệ mới tập trung vào các dự án phát triển hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam (đường bộ, đường sắt, năng lượng…), chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế; thúc đẩy doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư quy mô lớn vào Việt Nam và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ; tăng cường hợp tác nông nghiệp chất lượng cao, tạo điều kiện thuận lợi để thủy sản và hoa quả của Việt Nam vào Nhật Bản, trong đó sớm mở cửa thị trường cho quả bưởi da xanh và tiếp theo là quả chanh leo của Việt Nam.
Để tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa người dân hai nước, góp phần vào sự phát triển bền vững, lâu dài của quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường kết nối nguồn nhân lực, hợp tác địa phương, du lịch, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị xem xét tổ chức “Diễn đàn hợp tác địa phương” thường niên luân phiên tại các địa phương hai nước; mong Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nới lỏng các thủ tục nhập cảnh, sớm cấp thị thực điện tử, thị thực nhiều lần cho công dân Việt Nam vào Nhật Bản với mục đích cá nhân và tiến tới miễn thị thực cho công dân Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và thế giới; ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, tổ chức quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ASEAN, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định ủng hộ Việt Nam đăng cai Năm APEC 2027, ủng hộ Việt Nam và các nước châu Á đến năm 2050 thực hiện mục tiêu trung hòa carbon. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định Việt Nam sẽ tích cực hợp tác, đóng góp vào thành công của Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản vào tháng 12 -2023.
Sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo cùng ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên đối tác chiến lược toàn diện vì hoà bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới; cùng chứng kiến việc ký kết các văn bản hợp tác giữa bộ, ngành hai nước như Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Nhật Bản, Công hàm trao đổi dự án nâng cao năng lực bảo quản, phục hồi di sản văn hóa Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam, Công hàm trao đổi dự án nâng cao năng lực phục hồi y tế và bảo đảm an ninh y tế trong và sau đại dịch COVID-19 tại Việt Nam, Phi dự án Cung cấp trang thiết bị cho Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cảnh sát biển, Thỏa thuận thực hiện giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Cơ quan vũ trụ Nhật Bản (JAXA) về hỗ trợ vận hành Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và khai thác hiệu quả vệ tinh LOTUSat-1giai đoạn 2024 - 2029. Nhân dịp này, Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) của Nhật Bản đã gửi lên hai nhà lãnh đạo báo cáo Tư vấn chính sách “Việt Nam 2045”.
* Trước đó, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã thăm Đại sứ quán và gặp gỡ đại diện các thế hệ người Việt Nam tại Nhật Bản; tiếp Liên minh nghị sĩ Hữu nghị Nhật - Việt./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC lần thứ 30  (18/11/2023)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Kiên trì đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn  (14/11/2023)
Lãnh đạo Đảng, Chính phủ tiếp Đại tướng Tea Seiha, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia  (14/11/2023)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại tỉnh Phú Yên  (12/11/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển