Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định
TCCS - Ngày 5-2-2023, tại tỉnh Bình Định, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Cùng dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương; về phía tỉnh Bình Định có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hồ Quốc Dũng; Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Kim Toàn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Anh Tuấn; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, địa phương…
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, sau khi Đại hội XIII của Đảng thành công tốt đẹp, Đảng bộ tỉnh đã triển khai, quán triệt nghị quyết đại hội tới cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn (98,6% cán bộ, đảng viên tham gia); đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng 8 chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX. Bên cạnh đó, năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 11 nghị quyết, 24 chỉ thị, 18 kế hoạch, 1 đề án, 43 kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn. Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua quy hoạch tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và giao Ủy ban nhân dân tỉnh hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kinh tế của tỉnh Bình Định tiếp tục tăng trưởng và đạt được những kết quả tích cực. Đặc biệt, năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 8,57%, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay và cao hơn mức tăng 8,02% GDP của cả nước; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,26%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,55%, dịch vụ tăng 12,61%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6%. GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 70,7 triệu đồng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, tiềm năng và lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống lịch sử - văn hóa, nguồn lực con người của tỉnh Bình Định để phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn. Đây là vùng “đất võ trời văn”, sinh ra nhiều danh nhân văn hóa lớn của đất nước, nơi giao thoa văn hóa các dân tộc với nhiều lễ hội văn hóa truyền thống, ẩm thực phong phú. Cho nên, tỉnh Bình Định cần đẩy mạnh, phát huy hơn nữa tinh thần tự lực tự cường để phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, bền vững. Thủ tướng ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định khi 19/19 chỉ số kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 đều đạt và vượt, đặc biệt về GRDP, cơ cấu chuyển dịch kinh tế, kim ngạch xuất khẩu, tổng thu ngân sách… có mức tăng trưởng khá. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tỉnh quan tâm.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ một số tồn tại, hạn chế của địa phương hiện nay, như tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; tỉnh chưa tự cân đối được chi thường xuyên; sản xuất nông nghiệp theo chuỗi còn hạn chế, quy mô nhỏ. Phát triển du lịch, dịch vụ chưa tương xứng với lợi thế, chất lượng chưa cao. Kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; giải phóng mặt bằng, triển khai một số công trình trọng điểm còn chậm…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, dứt khoát không chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; tỉnh phải lấy con người là trung tâm và là chủ thể, mục tiêu, động lực phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải mạnh dạn, kiên trì, quyết tâm thực hiện những phương án tốt nhất có thể, vì cái chung. Ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, chống biến đổi khí hậu; chú trọng công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị; bộ máy chính trị phải trong sạch, trung thực, phải tránh sách nhiễu, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, tận tụy với công việc.
Chú trọng công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, chiến lược, vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh, vừa khắc phục hạn chế, thách thức; sớm hoàn thành lập quy hoạch tỉnh và tổ chức, quản lý tốt các quy hoạch bảo đảm tích hợp, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia. Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, nhất là các ngành kinh tế biển; phát triển nông nghiệp là trụ đỡ; khai thác lợi thế so sánh, nâng cao sức cạnh tranh; thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển xanh, bền vững, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao.
Đẩy mạnh liên kết vùng để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, tạo không gian và nguồn lực cho phát triển. Phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế then chốt, khuyến khích công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, công nghiệp, đô thị ven biển... Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối và nâng cao hiệu quả hoạt động Khu Kinh tế Nhơn Hội, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nông, lâm, thủy sản địa phương. Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao; xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh các sản phẩm OCOP với thương hiệu, vùng nguyên liệu, sự hỗ trợ của ngân hàng, phát triển thị trường và ứng dụng khoa học - công nghệ; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại thế mạnh (vận tải biển, logistics, kho bãi, tài chính, ngân hàng, bưu chính, viễn thông...). Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, dịch vụ; phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên; hình thành các tuyến, cụm du lịch. Huy động mọi nguồn lực cho phát triển, gồm nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội, nguồn vốn vay…
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương đã trả lời các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Bình Định; đồng thời, Thủ tướng giao các bộ, ngành trung ương khẩn trương xử lý, giải quyết, hướng dẫn triển khai các thủ tục theo thẩm quyền và đúng quy định, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định với tinh thần là “có đầu ra” cho các vướng mắc./.
Chính phủ triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị  (06/02/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra tình hình triển khai các công trình, dự án trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long  (01/02/2023)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Bước vào năm mới với năng lượng mới, khí thế mới  (28/01/2023)
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra dự án xây dựng đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội  (28/01/2023)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển