Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các hợp tác xã phải chủ động chuyển đổi số để tồn tại và phát triển
TCCS - Ngày 23-9-2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022, với chủ đề “Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16-6-2022”. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ, kết hợp trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự diễn đàn tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học; đặc biệt là các tổ chức kinh tế hợp tác, doanh nghiệp liên kết.
Tại diễn đàn, các đại biểu nghe, phân tích, thảo luận về tình hình hoàn thiện thể chế chính sách phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4; quá trình, kết quả chuyển đổi số tại tổ chức kinh tế hợp tác; giới thiệu các mô hình hợp tác xã chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, mang lại hiệu quả cao; cơ hội, thách thức, khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các tổ chức kinh tế hợp tác trong chuyển đổi số.
Theo đó, nhiều hợp tác xã đã tiếp cận chuyển đổi số, ứng dụng các nền tảng công nghệ vào sản xuất và tổ chức hoạt động của hợp tác xã; kết nối sản xuất, tiêu thụ, thích ứng với nhu cầu thị trường... Qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tổ chức hoạt động của hợp tác xã.
Trong đó có mô hình chuyển đổi số của Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Nông trường Mộc Châu, Sơn La; mô hình chuyển đổi số của hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ, tỉnh Quảng Ngãi; mô hình của hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến, tỉnh Đắk Nông; Ứng dụng công nghệ eGap - Thực hành điện tử nông nghiệp tốt và cổng thông tin quản lý, giám sát, truy xuất minh bạch và kết nối thị trường nông sản Việt Nam...
Tuy nhiên, các đại biểu cũng thừa nhận, quá trình chuyển đổi số trong kinh tế hợp tác, hợp tác xã còn chậm; hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị phục vụ công tác chuyển đổi số còn hạn chế; số hóa dữ liệu còn khó khăn; nhiều cán bộ, hội viên, thành viên, người lao động trong các hợp tác xã tiếp cận chuyển đổi số chậm...
Cũng tại diễn đàn, đại diện các tổ chức quốc tế và chuyên gia giới thiệu kinh nghiệm chuyển đổi số hợp tác xã tại các nước như: Vai trò của hợp tác xã trong nền kinh tế Canada; hợp tác xã và chuyển đổi số - kinh nghiệm từ Cộng hòa liên bang Đức; chuyển đổi số tại Hoa Kỳ trong nông nghiệp và kinh nghiệm cho Việt Nam; mô hình đối tác thành công trong triển khai hiệu quả các giải pháp công nghệ cho cộng đồng.
Đáng chú ý, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng, địa phương trao đổi, chia sẻ và giải đáp các đề xuất thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã với tinh thần chân thành, thẳng thắn, cầu thị, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, hợp tác xã và người dân.
Trong đó, lãnh đạo các bộ, ngành đề xuất các hợp tác xã tham gia xây dựng và sử dụng nền tảng số quản trị dùng chung; sử dụng nền tảng mua bán nông sản dùng chung; hệ tri thức dùng chung và Marketing online...
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, diễn đàn đã đánh giá một cách căn bản, khách quan, toàn diện, sâu sắc những xu hướng chuyển đổi số, môi trường chuyển đổi số quốc gia, những đòi hỏi khách quan cần đổi mới của mô hình kinh tế này; những kết quả đạt được, nhận diện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và chỉ ra nguyên nhân cũng như đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới. Đặc biệt diễn đàn đề xuất các giải pháp đưa ra gắn với quyết tâm chuyển đổi số để thay đổi phương thức quản lý, vận hành của mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Qua đó, đã thay đổi nhận thức và tư duy, thậm chí cần tư duy lại một số vấn đề khi thực hiện chuyển đổi số và đưa ra những giải pháp hành động với thước đo gia tăng giá trị, tối đa hóa nguồn lực, động lực, khai thông tiềm lực, tiết kiệm chi phí, vận hành thông minh để nâng cao hiệu quả hoạt động một cách đột phá của mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thường xuyên theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với tinh thần là chuyển đổi số một cách toàn diện, với sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình thích hợp.
Thời gian qua, chuyển đổi số tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận: Nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số tiếp tục chuyển biến tích cực; công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực; hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển.
Bên cạnh đó, các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai; dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng; nhân lực cho chuyển đổi số được chú trọng phát triển; an toàn, an ninh thông tin tiếp tục được quan tâm; tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP ngày càng tăng.
Thủ tướng cho biết, tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, Trung ương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 45 nghìn hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1,7 nghìn hợp tác xã thành viên, trong đó có trên 5 nghìn hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến năm 2045, các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Bên cạnh biểu dương, đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã, nhất là trong quá trình chuyển đổi số. “Kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển chưa tương xứng tiềm năng, tốc độ phát triển của khu vực này chỉ bằng 1/2 tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả nước, tỷ trọng của khu vực kinh tế kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong tổng giá trị sản phẩm (GDP) của đất nước đang có xu hướng giảm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ cũng phân tích tình hình, xu thế phát triển của thế giới, định hướng, quan điểm xây dựng đất nước, trong đó có phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã; đồng thời, lưu ý một số quan điểm chính để khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã chuyển đổi số thực sự mạnh mẽ, hiệu quả, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thực sự phát huy vai trò của mình trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thủ tướng yêu cầu quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII để “Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng...; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức”.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ban chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số; các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 10-KH/TW, ngày 23-8-2022, của Ban Chấp hành Trung ương nhằm sớm cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Thủ tướng đề nghị xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, có tầm nhìn dài hạn để kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển nhanh và bền vững; có chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, mở rộng thị trường cho khu vực kinh tế tập thể, bảo đảm thống nhất, đồng bộ như xây dựng các chương trình, đề án, dự án chuyển đổi số để hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính và đội ngũ tư vấn giúp các hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đặc biệt nội dung chuyển đổi số phải là một nội dung cốt lõi, làm nền tảng; thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW về nội dung chính sách đặc thù cho khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong bối cảnh nền kinh tế số. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách, các quy định cho việc thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản bằng công nghệ số để bảo vệ nhà đầu tư chân chính và sức khỏe người tiêu dùng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hướng dẫn các tổ chức kinh tế tập thể có dự án ứng dụng, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được vay vốn trung, dài hạn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và của các bộ, ngành, địa phương.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, đề ra định hướng, triển khai cơ chế chính sách tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển tại địa phương; xây dựng các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, phù hợp, tiết giảm chi phí, tối ưu hóa nguồn lực; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy chuyển đổi số. Các địa phương lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và ba chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện ở địa phương để thúc đẩy chuyển đổi số hợp tác xã một cách hiệu quả nhất.
Thủ tướng cho rằng, với tư cách là các tổ chức kinh tế tự chủ, các hợp tác xã phải chủ động thực hiện điều chỉnh phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh, chuyển đổi số mạnh mẽ để tồn tại và phát triển, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, gắn với tăng cường năng lực quản trị hợp tác xã theo hướng công khai, minh bạch, chủ động, thích ứng bối cảnh, xu hướng phát triển mới; nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số phù hợp; tăng cường học hỏi kinh nghiệm quý, bài học hay, mô hình chuyển đổi số hiệu quả.
Đáng chú ý, Thủ tướng đề nghị hệ thống liên minh hợp tác xã tiếp tục đổi mới hoạt động, thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với khu vực kinh tế tập thể; bám sát tình hình, nắm rõ những khó khăn, nhu cầu của hợp tác xã để phản ánh đến các cấp có thẩm quyền; thúc đẩy chuyển đổi số trong các hợp tác xã, liên minh hợp tác xã một cách sâu sắc hơn; tăng cường công tác truyền thông chính sách, trong đó có nội dung về chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
Thủ tướng truyền tải thông điệp với tinh thần chuyển đổi số mạnh mẽ, đổi mới, sáng tạo; mong muốn và tin tưởng rằng, mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ để hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần xây dựng Việt Nam thành quốc gia số, phát triển hùng cường và thịnh vượng; đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường  (19/09/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tiếp tục quyết liệt xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển  (19/09/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp FDI đầu tư thành công và bền vững  (17/09/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Hướng tới thực hiện các dịch vụ công theo phương thức “3 không”  (15/09/2022)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam