Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Cải cách hành chính góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
TCCS - Ngày 9-3-2022, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì họp Phiên thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Đảng, Nhà nước đã xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ đột phá nhằm xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển của đất nước. Công tác cải cách hành chính phải bám sát chủ đề điều hành của Chính phủ là “Đoàn kết, kỷ cương; chủ động thích ứng; an toàn, hiệu quả; phục hồi, phát triển” và bám sát thực tiễn nhằm xây dựng bộ máy hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, tránh phiền hà, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Báo cáo tại phiên họp, các đại biểu cho biết, năm 2021, với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả của Ban Chỉ đạo và các thành viên, công tác cải cách hành chính đạt nhiều kết quả nổi bật. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được đặc biệt quan tâm, có nhiều đổi mới. Trong năm, hai hội nghị toàn quốc về xây dựng, hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đã được tổ chức. Chính phủ họp 3 phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật; trình Quốc hội thông qua 2 luật và xem xét, cho ý kiến 6 dự án luật; xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 23 đề nghị xây dựng luật; ban hành 200 nghị quyết, 139 nghị định. Thủ tướng Chính phủ ban hành 41 quyết định quy phạm pháp luật; 36 chỉ thị. Các bộ, ngành ban hành gần 800 thông tư…
Cải cách thủ tục hành chính được thúc đẩy mạnh mẽ dù trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Trong năm, cả nước cắt giảm, đơn giản hóa 1.101 quy định kinh doanh; phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 924 quy định và sửa đổi, bổ sung 166 văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 7 bộ. Chỉ số về cải thiện chất lượng các quy định pháp luật năm 2021 trong bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đánh giá tăng 6 bậc. Việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại bộ phận một cửa các cấp ngày càng được cải thiện theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, dân chủ và hiện đại.
Cơ cấu tổ chức, bộ máy tại các bộ, ngành giữ nguyên nhưng được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện. Giảm 7 tổ chức cấp sở; giảm 1.648 tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn cấp sở; đơn vị sự nghiệp công lập giảm 12,35% so với năm 2015. Chế độ công vụ có nhiều đổi mới tích cực. Theo đó, tăng cường phân cấp; cải cách thủ tục hành chính; đổi mới chính sách tuyển dụng; giảm biên chế đạt mục tiêu đề ra, đã giảm 10,01% biên chế công chức, giảm 11,67% biên chế sự nghiệp… Riêng Bộ Nội vụ có nhiều đổi mới, cải cách, như việc phân cấp tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và bỏ quy định bắt buộc về các chứng chỉ.
Đáng chú ý, công tác chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đạt nhiều bước tiến. Trong đó, đã hoàn thành đưa vào vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử phục vụ hiệu quả công tác quản lý xã hội, nhất là phục vụ bầu cử và phòng, chống dịch COVID-19. Trục liên thông văn bản quốc gia, cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều được quan tâm, tổ chức vận hành tốt, phát huy hiệu quả tích cực.
Tại phiên họp, cùng với việc tập trung đánh giá công tác cải cách hành chính năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2022; tình hình tổ chức, hoạt động của bộ phận một cửa tại các bộ, ngành, địa phương, Ban Chỉ đạo đã thảo luận về kế hoạch hoạt động, quy chế hoạt động năm 2022 của Ban Chỉ đạo.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, kế thừa kết quả của những năm trước và sự nỗ lực, cố gắng trong 2021, công tác cải cách hành chính đạt nhiều kết quả nổi bật. Công tác xây dựng thể chế cải cách hành chính được đẩy mạnh. Nhiều quy trình, thủ tục về mặt hành chính được cắt giảm để đơn giản, gọn nhẹ, thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp. Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ vào các hoạt động hành chính... Nhờ đó, công tác cải cách hành chính được người dân, cộng đồng doanh nghiệp và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đồng hành cùng Chính phủ của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo đối với công tác cải cách hành chính và những kết quả đã đạt được trong cải cách hành chính năm 2021 vừa qua. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục trong công tác cải cách thủ tục hành chính, như: Công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới; chưa đáp ứng được mong muốn của người dân, doanh nghiệp; thủ tục hành chính chưa gọn nhẹ, còn nhiều giấy phép con, thủ tục không nhất quán, thiếu tập trung; đầu tư cho cải cách hành chính có nơi, có lúc còn hạn chế, thiếu sự quan tâm...
Về nhiệm vụ của năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan người dân, doanh nghiệp, để khơi dậy, huy động mọi nguồn lực vào phát triển đất nước và nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, với quan điểm “đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho sự phát triển; đầu tư cho cải cách hành chính phải tập trung, không dàn trải; làm việc nào dứt điểm việc đó” và phương châm “đã nói là phải làm; lấy hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, hiệu quả điều hành làm thước đo”. Trên cơ sở đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện cải cách hành chính.
Cải cách hành chính tập trung vào các nhiệm vụ: Xây dựng thể chế về cải cách hành chính; rà soát lại các thủ tục hành chính cần cắt giảm, bổ sung; đầu tư nguồn lực về tài chính, con người cho cải cách hành chính. “Phải lắng nghe ý kiến của các cơ quan, đơn vị, người dân, doanh nghiệp, cầu thị tiếp thu, sửa chữa các thủ tục hành chính còn gây phiền hà, không phù hợp...”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
Đối với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, phân bổ nguồn lực hợp lý; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đi đôi với kiểm tra, giám sát. Tổ chức nhất quán thực hiện các quy định từ Trung ương đến địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh rà soát và hoàn thiện thể chế về cải cách hành chính. Vấn đề thuộc chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan, ngành, cấp nào thì cơ quan, ngành, cấp đó phải chủ động xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, nếu vượt thẩm quyền thì trình, xin ý kiến cấp có thẩm quyền xem xét.
Trên cơ sở thực tiễn của Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các bộ, ngành xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính để tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho sự phát triển; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, quản trị quốc gia nói chung và các bộ, ngành, địa phương nói riêng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục rà soát, xây dựng lại quy trình, tiêu chuẩn, tiêu chí về thủ tục hành chính đối với từng đối tượng, tổ chức, doanh nghiệp, người dân và phối hợp điều hành của các bộ, ngành, cơ quan. Đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, phục vụ chuyển đổi số, nhất là nâng cao hiệu quả các mô hình trực tuyến, trong đó ưu tiên cho 25 dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục rà soát lại chức năng, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW nhằm tinh giản bộ máy, nhưng nâng cao năng lực, hiệu quả điều hành; trách chồng chéo; giảm khâu trung gian.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo phải hoạt động thực chất, hiệu quả, không hình thức; hằng tháng, hằng quý, định kỳ và đột xuất có sơ kết, đánh giá, phát hiện những vấn đề mới xuất phát từ thực tiễn để có giải pháp kịp thời. Thủ tướng Chính phủ đề nghị người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện việc cải cách hành chính bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, hiệu quả cao./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 5  (08/03/2022)
Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2022  (04/03/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng quy hoạch tổng thể quốc gia và ứng dụng dữ liệu dân cư  (03/03/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên