Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022
TCCS - Ngày 24-12-2021, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu trung ương được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội) và các điểm cầu tại các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
Các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo.
Hội nghị có sự tham dự của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí; cơ quan báo chí trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy, ban tuyên giáo, sở thông tin và truyền thông, hội nhà báo các tỉnh, thành phố…
Hội nghị đã nghe Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2021, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022; Báo cáo kết quả 3 năm triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Các báo cáo thống nhất đánh giá, năm 2021, lĩnh vực báo chí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực: Công tác chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả, thuyết phục, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm; việc chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí được tăng cường, tập trung vào những sai phạm liên quan đến việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc; tình trạng các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội “núp bóng” hoạt động như cơ quan báo chí đã từng bước được khắc phục.
Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 tiếp tục được triển khai; phát triển báo chí theo định hướng của Đại hội XIII của Đảng là “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”; đồng thời, chú trọng, tăng cường bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, nhà báo; thực hiện tốt quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam.
Các cơ quan báo chí chủ động đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, tính chuyên sâu của các chương trình, tin, bài, đặc biệt là các tuyến tin, bài thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ quyền biển, đảo; truyền thông công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội...
Tuy nhiên, công tác báo chí năm 2021 cũng còn một số hạn chế, như sự phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý với cơ quan chủ quản trong quản lý báo chí có lúc, có nơi còn chưa chủ động, kịp thời; một số trường hợp, thông tin trên báo chí còn chậm, chưa kịp thời định hướng dư luận xã hội, nhất là các vụ việc phức tạp, nhạy cảm; vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích; tình trạng phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên vi phạm bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự, có dấu hiệu gia tăng...
Với tinh thần dân chủ, nghiêm túc, trách nhiệm, hội nghị cũng dành thời gian nghe đại biểu tham luận, trao đổi, chia sẻ về các vấn đề cần quan tâm trong công tác báo chí hiện nay cũng như đời sống báo chí, truyền thông; nhận diện xu hướng, thách thức và từ đó, xác định những nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2022 và trong giai đoạn tới.
Trong tham luận: “Đổi mới, sáng tạo trong tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước”, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chính vì vậy, tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp là nhiệm vụ quan trọng của báo chí cả nước. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, thường xuyên, lâu dài, đặc trưng của báo Đảng. Trong tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Báo Nhân dân - với chức năng, nhiệm vụ của mình - đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bám sát thực tiễn cuộc sống để thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, bảo đảm sự định hướng dư luận xã hội; đồng thời, chủ động đổi mới, sáng tạo để tăng hiệu quả công tác tuyên truyền. Là đơn vị có nhiều loại hình báo chí, gồm báo in, báo điện tử, truyền hình và mỗi loại hình lại có nhiều ấn phẩm, Báo Nhân dân tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức và cách thức tổ chức tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với phương châm tuyên truyền đúng, trúng, hấp dẫn, đưa thông tin đến bạn đọc nhanh, chính xác, trung thực, đa chiều và khách quan.
Với tham luận: “Làm thế nào để nâng cao chất lượng tuyên truyền hoạt động của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp để báo chí thực sự là cầu nối giữa cử tri và cơ quan quyền lực nhà nước các cấp?”, đồng chí Lê Quang Minh, Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam, cho rằng, trong bối cảnh xã hội đang bị thừa thông tin với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, các nền tảng truyền thông và ai cũng có thể trở thành một nguồn phát hành, độc giả sẽ có xu hướng tìm về những nội dung mình quan tâm và nền tảng mình tin tưởng. Cả hai yếu tố này đều là những thách thức vô cùng lớn với bất kỳ tờ báo nào. Từ góc độ sản xuất nội dung, có thể coi việc phản ánh các hoạt động của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp là việc chọn thị trường ngách, nơi có một lượng khán giả nhất định quan tâm, theo dõi, nên càng cần nâng cao chất lượng, tính hấp dẫn, xây dựng niềm tin với công chúng báo chí. Thực tế đã chứng minh, có nhiều tờ báo phải mất cả chục năm mới đạt được số lượng người đọc như kỳ vọng.
Trong tham luận “Đổi mới mô hình tổ chức, sắp xếp lại cơ quan báo chí hoạt động hiệu quả hơn - Kinh nghiệm từ Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước”, đồng chí Nguyễn Thị Minh Nhâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, thừa nhận, hợp nhất báo và đài là nhiệm vụ khó khăn, nhưng Bình Phước đã mạnh dạn đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và bước đầu có hiệu quả. Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước đã làm tốt vài trò truyền thông chủ động, định hướng những chủ trương, chính sách, định hướng của tỉnh trên mặt trận tư tưởng, xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh,… Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh lần thứ tư, 100% chương trình, thông tin trên 4 loại hình báo chí và các hạ tầng số đều tập trung tuyên truyền về phòng, chống dịch, ưu tiên tin tức và khoa giáo, trung bình mỗi tuần có khoảng 3.000 tin, bài. Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước đã thực hiện đúng chủ trương: Không phải hợp nhất cơ học, cộng dồn các cơ quan báo chí, mà hòa trộn tất cả các nhiệm vụ chính trị, cách thức hoạt động của các loại hình báo chí và công tác tổ chức cán bộ. Hợp nhất để tổng hợp sức mạnh, tạo ra mô hình mới, cách làm mới, đem lại hiệu quả truyền thông, chứ không đơn thuần chỉ là việc tinh gọn bộ máy tổ chức. Việc hợp nhất đã tiết kiệm được chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và con người, nâng cao được hiệu quả đầu tư, tận dụng tối đa nguồn nhân lực và tài nguyên thông tin.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cảm ơn báo chí cả nước đã đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong những thời khắc khó khăn trong phòng, chống đại dịch COVID-19. Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao hiệu quả của các cơ quan báo chí trong cổ vũ, động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch, định hướng tư tưởng, hành động của Đảng, Nhà nước và nhân dân tạo thành sức mạnh để vượt qua khó khăn do dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đi vào chiều sâu Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; làm tốt việc đặt hàng báo chí; đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí…
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh, năm 2022 là năm có ý nghĩa nền tảng, bản lề trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đòi hỏi các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo và các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần phát huy kết quả năm 2021, nhận diện đầy đủ, nghiêm túc, nhanh chóng khắc phục những bất cập, hạn chế để tiếp tục nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao hơn nữa để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Trong đó, cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự phối hợp với Hội Nhà báo và cơ quan chủ quản nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí; thông tin đầy đủ, kịp thời và sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...; phản ánh đậm nét những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước; thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cần đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí; bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ của người làm báo; thúc đẩy chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ đo lường hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, quản lý báo chí; tăng cường các biện pháp hỗ trợ cơ quan báo chí phát triển hạ tầng công nghệ, kỹ thuật theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; quản lý tốt các nền tảng xuyên biên giới, nhất là nền tảng mạng xã hội, nền tảng quảng cáo số, bảo vệ quyền lợi của báo chí trên các nền tảng xuyên biên giới.
Tại hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đã trao tặng bằng khen cho các cơ quan, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2021./.
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ được tổ chức vào cuối tháng 12-2021  (23/12/2021)
Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XV, năm 2020  (25/10/2021)
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, gắn với chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong đầu tư công  (29/09/2021)
Kinh tế Việt Nam sáu tháng đầu năm và triển vọng năm 2021  (20/07/2021)
Kinh tế Việt Nam sáu tháng đầu năm và triển vọng năm 2021  (20/07/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên