Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2021
TCCS - Ngày 6-9-2021, dưới sự chủ trì, điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8-2021 để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8-2021 và 8 tháng năm 2021; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2021, dự kiến Kế hoạch đầu tư công năm 2022; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 và các vấn đề quan trọng khác.
Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ; các bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ; các ủy ban của Quốc hội.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, phiên họp thường kỳ tháng 8-2021 diễn ra sau khi cả nước tổ chức kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9; vừa tổ chức khai giảng năm học mới 2021 - 2022. Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân và ảnh hưởng tới sản xuất công nghiệp, dịch vụ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục được tập trung. Trong đó, tại 23 địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, ưu tiên phòng, chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu. 40 địa phương còn lại tùy tình hình linh hoạt giữa phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch. Đặc biệt, Chính phủ chỉ đạo chuyển hướng trong phòng, chống dịch theo hướng kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân cấp. Trong đó, tập trung chỉ đạo chuyên sâu và phân cấp thực hiện, với phương châm “mỗi xã, phường, thị trấn là một pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ; người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng trong phòng, chống dịch, nhất là các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tổng hợp các đề xuất của các ngành, địa phương về kinh phí phục vụ phòng, chống dịch. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu bổ sung chính sách cho lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Bộ Giao thông Vận tải xem xét quy định thống nhất, bảo đảm lưu thông hàng hóa, di chuyển con người cần có chỉ đạo thống nhất. Bộ Ngoại giao tiếp tục thúc đẩy chiến dịch ngoại giao vaccine để có vaccine nhiều nhất, sớm nhất tiêm phòng cho người dân...
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế vĩ mô 8 tháng năm 2021 cơ bản ổn định. Thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì trong bối cảnh chịu tác động mạnh từ dịch bệnh, an ninh lương thực được bảo đảm. Dịch vụ công nghệ, dịch vụ trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử có bước phát triển tích cực. Hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh được đẩy mạnh. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, đặc biệt tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Hợp tác quốc tế trong tiếp cận vaccine và thúc đẩy chuyển giao công nghệ vaccine COVID-19 được tăng cường.
Mặc dù vậy, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 năm 2021 tiếp tục cho thấy những khó khăn, thách thức không nhỏ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng bị ảnh hưởng nặng nề, giảm 33,7% so với cùng kỳ. Nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương có khu công nghiệp lớn, phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng, chống dịch COVID-19 nên không có đủ lực lượng lao động hoặc phải chịu chi phí sản xuất cao để thực hiện các công đoạn cung ứng nguyên vật liệu, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp không có đủ nguyên vật liệu để sản xuất nên không đáp ứng đơn hàng đúng hạn, phải giãn hoặc hủy bỏ hợp đồng đã ký, trong đó có nhiều đơn hàng xuất khẩu. Số doanh nghiệp được thành lập mới trong tháng giảm 57% so với cùng kỳ năm trước. Đời sống xã hội ở các địa bàn có dịch gặp nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đáng kể đến kết quả chung của toàn nền kinh tế.
Tại phiên họp, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, đánh giá tình hình; phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; dự báo tình hình trong thời gian tới; việc phân tích, đánh giá tình hình trong nước cần đặt trong bối cảnh tình hình thế giới; trên cơ sở đó đưa ra mục tiêu, giải pháp để thực hiện trong tháng 9-2021 có kết quả cao hơn, trên tinh thần "biến nguy thành cơ", làm tiền đề để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã giao.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, trong bối cảnh rất khó khăn do tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện “mục tiêu kép”; cùng cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt khó và đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh, các cấp, các ngành chú trọng bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.
Đến nay đã có khoảng 15 triệu lao động được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP với tổng số tiền 8,4 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ 1,2 triệu lao động tự do với số tiền trên 2,1 nghìn tỷ đồng; có 37 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh được nhận hỗ trợ. Chính phủ đã cho xuất cấp 134 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh; triển khai trên 2 triệu túi an sinh xã hội. Các địa phương đã ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Mặt trận Tổ quốc tại tất cả 63 tỉnh, thành phố đã vận động tổ chức, cá nhân ủng hộ 6,6 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, thách thức, như: Nhiều địa phương phải kéo dài thời gian giãn cách, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, làm gián đoạn nhiều hoạt động kinh tế - xã hội và sản xuất, kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp. Các lĩnh vực kinh tế có xu hướng giảm, đặc biệt là các khu vực công nghiệp và dịch vụ. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, đến nay mới đạt 40,6% kế hoạch, trong đó vốn ngoài nước đạt 7,94%. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Tình hình sản xuất, kinh doanh nhiều lĩnh vực bị ngưng trệ; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm mạnh trong tháng 8-2021; có trên 85 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm 2021, tăng 24,2% so với cùng kỳ. Tình hình an ninh, trật tự trên một số địa bàn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp...
Trên cơ sở phân tích, nhận định tình hình cả ở trong nước, khu vực và quốc tế; ý kiến thảo luận của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số nhiệm vụ, giải pháp để phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021.
Thứ nhất, cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh, đồng thời từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ. Đặc biệt cần nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học để có biện pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh; thiết lập cơ chế an toàn gồm “di chuyển an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn, ý thức an toàn”.
Thứ hai, các bộ trưởng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo ngành dọc thực hiện với quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh trong tháng 9-2021. Thủ tướng Chính phủ cho rằng đây là việc làm hết sức quan trọng và chúng ta phải đạt mục tiêu là khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội thì phải kiểm soát được dịch bệnh, đưa đất nước trở về trạng thái bình thường mới. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm khác, như: Xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vaccine bao phủ diện rộng; điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác, giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh xã hội và chuỗi cung ứng không bị đứt gãy; khẩn trương xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, trước hết chọn 1-2 tổ chức để làm trước, rút kinh nghiệm.
Thứ ba, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị triệt để tiết kiệm chi hơn nữa để tập trung nguồn cho phòng, chống dịch; có phương án điều hành ngân sách nhà nước phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng các nhu cầu cấp bách; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Công khai tình hình giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, cơ quan, địa phương; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ; phấn đấu giải ngân năm 2021 đạt trên 95%; có biện pháp phù hợp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu; phát triển mạnh thị trường trong nước; thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; theo dõi sát diễn biến giá cả, nhất là nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hóa thiết yếu; kịp thời có biện pháp điều hành, bình ổn phù hợp; đồng thời tăng cường quản lý thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm.
Thứ tư, khẩn trương triển khai thực hiện nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong bối cảnh dịch bệnh; tập trung đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Các cấp, các ngành cần chủ động tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là trong lưu thông hàng hóa, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu. Các bộ, ngành phối hợp xây dựng tiêu chí về vùng an toàn; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức lại, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn” để không làm đứt gãy chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất cung ứng.
Thứ năm, các ngành, địa phương liên quan nghiên cứu thí điểm thu hút khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc từ nay đến cuối năm; đẩy mạnh triển khai các dự án trọng điểm quốc gia; đẩy nhanh xử lý các dự án thua lỗ yếu kém; tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, không để ứ đọng nông sản; triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả khuyến nghị của EC để gỡ “thẻ vàng” (IUU) và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững.
Thứ sáu, các cấp, các ngành phải bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở, không được hỗ trợ về y tế. Cần đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg hiệu quả, thiết thực; triển khai, tổ chức năm học mới thích ứng với tình hình dịch bệnh, bảo đảm an toàn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền hình gắn với nâng cao chất lượng dạy và học. Sớm nghiên cứu việc miễn giảm học phí; có biện pháp ngăn chặn tình trạng thu gộp, thu cao hơn quy định, lạm thu gây bức xúc trong nhân dân, nhất là ở thời gian đầu năm học.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng quan tâm việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách, tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở sản xuất; tăng cường quản lý, kiểm soát, bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng; tăng cường quản lý; kịp thời đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu độc, xử lý nghiêm các vi phạm... Trong bối cảnh mùa mưa bão, Thủ tướng yêu cầu chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan, nguy hiểm phục vụ phòng, chống, khắc phục và giảm nhẹ thiên tai.
Đối với tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2021, dự kiến Kế hoạch đầu tư công năm 2022; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025..., Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp thu, tổng hợp ý kiến của các thành viên Chính phủ, các nhà khoa học, quản lý để hoàn thiện, trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch COVID-19  (05/09/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Doanh nghiệp Hoa Kỳ góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ  (04/09/2021)
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh thương mại dịch vụ toàn cầu 2021  (03/09/2021)
Lễ kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam  (01/09/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển