Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thị sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Hà Nội
TCCS - Ngày 31-8-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kiểm tra, động viên lực lượng xây dựng và vận hành Bệnh viện Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) trước khi bệnh viện này chính thức đi vào hoạt động; đồng thời thị sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) - nơi đang là “điểm nóng” về dịch của Thủ đô.
Tại Bệnh viện Điều trị bệnh nhân COVID-19 có quy mô 500 giường bệnh tại phường Yên Sở (quận Hoàng Mai), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm các khu chức năng của bệnh viện gồm khu hành chính; khu dinh dưỡng, xét nghiệm, kho vật tư, thiết bị y tế; khu điều trị bệnh nhân nặng; khu điều hành điều hành, theo dõi và hội chẩn qua hệ thống Telehealth...
Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gợi ý với các ngành, đơn vị và thành phố Hà Nội về việc xây dựng một bệnh viện dã chiến có quy mô lớn, đủ tiêu chuẩn để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 cho Hà Nội và các tỉnh lân cận. Sau quá trình chuẩn bị, chỉ trong vòng hơn 1 tháng kể từ ngày khởi công, từ ngày 24-7-2021 đến nay, bệnh viện đã cơ bản hoàn thành, đi vào hoạt động.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các đơn vị đã có nhiều nỗ lực để sớm đưa bệnh viện vào hoạt động, phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đơn vị tiếp tục hoàn thiện, khai thác hiệu quả cơ sở y tế này; đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đào tạo thêm nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ từ các chuyên khoa khác để phục vụ nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện.
Ngay sau khi kiểm tra Bệnh viện Điều trị bệnh nhân COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đến kiểm tra thực tế tình hình và công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Tại đây, Thủ tướng Chính phủ đã gặp, hỏi chuyện với người giao hàng (shipper); thăm hỏi một số nhà dân, chủ cửa hàng bán hàng hóa thiết yếu. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tìm hiểu chi tiết về phương thức hoạt động của các shipper; phương thức trao đổi, mua bán hàng hóa của các cửa hàng; sự hiểu biết và thực hiện phòng, chống dịch của người dân... Thủ tướng Chính phủ căn dặn người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có Thông điệp 5K; không di chuyển nếu không thực sự cần thiết mà nên “ai ở đâu ở yên đó”; thực hiện “an toàn để buôn bán và buôn bán phải an toàn”.
Thủ tướng Chính phủ dành thời gian kiểm tra, động viên lực lượng của tổ phòng, chống COVID cộng đồng đang làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch của phường Thanh Xuân Trung, đặc biệt là tại ngõ 328 và ngõ 330, đường Nguyễn Trãi - nơi đang bị phong tỏa do dịch COVID-19. Kiểm tra từng vấn đề cụ thể trong phòng, chống dịch tại đây, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao tinh thần làm việc của các thành viên tại các chốt kiểm dịch; yêu cầu thành phố tiếp tục quan tâm, ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19, thường xuyên xét nghiệm SARS-CoV-2, trang bị các dụng cụ thiết yếu để các thành viên Tổ phòng, chống COVID cộng đồng bảo đảm sức khỏe, an toàn làm việc.
Sau khi đi thị sát, tại Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 phường Thanh Xuân Trung, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã gọi điện trực tiếp tới các số điện thoại đường dây nóng để kiểm tra mức độ đáp ứng về nhu cầu thiết yếu và nhu cầu y tế của người dân tại cơ sở. Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc làm việc trực tuyến với lãnh đạo thành phố Hà Nội tại đầu cầu Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố. Cuộc làm việc cũng được kết nối trực tuyến tới gần 600 điểm cầu phòng, chống dịch trên địa bàn Thủ đô.
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân và thành phố Hà Nội báo cáo về tình hình dịch bệnh cũng như các bước triển khai phòng, chống dịch của phường, quận và thành phố như: việc kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch; lập sở chỉ huy; cập nhật văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch của Chính phủ; thực hiện giãn cách xã hội; cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu, các dịch vụ y tế cho người dân trong vùng phong tỏa...
Phát biểu tại buổi làm việc, người đứng đầu Chính phủ ghi nhận, biểu dương thành phố trong suốt thời gian qua đã có nhiều nỗ lực để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng Chính phủ cho rằng kết quả đó là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, có hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền thành phố; sự chung sức, đồng lòng của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, doanh nghiệp và đặc biệt là sự tham gia, hưởng ứng của nhân dân toàn thành phố.
Trên tinh thần thẳng thắn, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế mà Thủ tướng và đoàn công tác ghi nhận từ thực tế. Đó là người dân vẫn ra đường khá đông, chưa đạt kết quả giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Việc kiểm tra cho thấy, nếu tình hình vẫn như hiện nay thì thành phố còn có thể kiểm soát được, song nếu dịch diễn biến phức tạp, xấu hơn như một số tỉnh, thành phố phía Nam thì Hà Nội dễ rơi vào bị động, lúng túng.
Phường Thanh Xuân Trung - nơi "nóng" nhất Hà Nội về dịch COVID-19, nhưng hiện tại đang thiếu người chỉ huy cao nhất trong phòng, chống dịch. Phường đã có Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch nhưng lại không có quy chế làm việc. Khi thị sát, Thủ tướng Chính phủ cảm nhận rằng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch của phường thiếu người “trực chiến”... Đây là những vấn đề thành phố cần khắc phục ngay.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, “xã, phường, thị trấn là pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ”, “người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể” trong phòng, chống dịch COVID-19... đang là chủ trương đúng, nên thành phố cần tiếp tục thực hiện thực tốt hơn. Trong đó, việc phòng dịch vẫn là yếu tố cơ bản, quan trọng nhất và người dân vừa có nghĩa vụ, vừa có trách nhiệm trong phòng, chống dịch, vì sức khỏe của chính mình, vì cộng đồng và vì phát triển đất nước.
Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở, khi thực hiện giãn cách xã hội thì phải quyết liệt, nghiêm ngặt, không để "chặt ngoài, lỏng trong"; tổ chức xét nghiệm thần tốc theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thu hẹp chu kỳ xét nghiệm, nhanh chóng tìm ra nguồn lây, tách F0 ra khỏi cộng đồng để có phương án chăm sóc, điều trị phù hợp; phải thu dung, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 nhanh nhất; đưa dịch vụ đến người dân nhanh nhất, gần nhất, ngay từ cơ sở. Cùng với đó, ngành chức năng phải tổ chức tiêm vaccine kịp thời, khoa học, hiệu quả, an toàn cho người dân.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các xã, phường phải bảo đảm an sinh xã hội; an ninh, trật tự, an dân; chủ động bảo đảm các nguồn lực theo phương châm "4 tại chỗ" và tập huấn các kỹ năng cho nguồn nhân lực; chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng khi phải phong tỏa; tăng cường truyền thông để người dân hiểu biết và tin tưởng, tham gia phòng, chống dịch tích cực hơn…
Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những hạn chế để điều chỉnh và giúp đỡ xã, phường cả về nhân lực, vật lực để phòng, chống dịch hiệu quả; khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời xử lý nghiêm những sai phạm trong công tác phòng, chống dịch… Thủ tướng Chính phủ lưu ý thành phố Hà Nội cần tăng cường việc giãn cách xã hội, nhất là trong thời gian nghỉ lễ sắp tới./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Cần có các giải pháp để khai thác, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai  (31/08/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Đã hy sinh kinh tế, thực hiện giãn cách xã hội thì phải sớm đạt mục tiêu kiềm chế dịch bệnh  (30/08/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Năm học 2021 - 2022, Chính phủ sẽ có giải pháp bảo đảm an toàn trường học gắn với tiêm vaccine  (29/08/2021)
VietinBank dành hơn 27 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh, thành phố phía Nam phòng, chống dịch COVID-19  (28/08/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra các cơ sở điều trị COVID-19 ở Bình Dương  (28/08/2021)
“Những liều vắc-xin” để Petrovietnam vượt qua khó khăn trong mùa dịch  (27/08/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển