Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
TCCS - Ngày 30-5-2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - khu vực kinh tế hội tụ đủ điều kiện và lợi thế cho phát triển công nghiệp và dịch vụ để có tăng trưởng nhanh, hiệu quả, bền vững.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh...; lãnh đạo một số bộ, ngành và 8 tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà nghiên cứu chính sách ….
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 7 tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang). Vùng đang là trung tâm thu hút nguồn vốn FDI lớn nhất cả nước với hàng loạt dự án FDI còn hiệu lực; cùng số lượng lớn khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động... Đây cũng là một trong những vùng kinh tế tạo động lực phát triển quan trọng hàng đầu của cả nước, đóng vai trò một cửa ngõ kinh tế, cầu nối giao thương của Việt Nam với thế giới.
Trong phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến một trong những quyết sách rất quan trọng làm nên chiến thắng đại dịch COVID-19 ở Việt Nam đó là phương châm “chống dịch như chống giặc”, tiến hành cách ly tập trung. Từ đó, Thủ tướng đặt vấn đề, sau đại dịch, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần có định hướng, hoạt động như thế nào để khôi phục và phát triển kinh tế, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.
Thủ tướng khẳng định, mặc dù phải chống chọi với cuộc chiến COVID-19 nhưng Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế không những không suy giảm mà còn tăng trưởng. Việt Nam không làm đổ gãy nền kinh tế và đang từng bước tăng trưởng trở lại qua từng tháng. Đây là nền tảng bước đầu quan trọng để tiếp tục đà phát triển kinh tế đất nước mà đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát biểu tại Hội nghị bày tỏ vui mừng về việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 với nhiều ý kiến, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp đã được giải quyết. Các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ cân nhắc gia hạn hoãn thanh toán thuế đến năm 2021 để doanh nghiệp có thời gian phục hồi. Cùng với đó cần tích cực hơn nữa đồng hành với doanh nghiệp trong phát triển thị trường sau đại dịch.
Trước buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp thị sát khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, thị xã Phú Mỹ; thị sát vị trí dự án cầu Phước An. Thủ tướng cũng đã thị sát vị trí triển khai Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ và thăm Khu công nghiệp Hyosung.
Dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ tại thị xã Phú Mỹ với diện tích khoảng 1.763ha (trong đó trung tâm logistics và bến cảng Cái Mép Hạ là 1.122ha). Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trung tâm logistics Cái Mép Hạ có vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, là cảng cửa ngõ phía nam gắn liền với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là khu vực có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, nằm gần với các tuyến trung chuyển hàng hóa quốc tế, có tuyến vận hành thường xuyên của các tàu tải trọng lớn giao lưu liên kết giữa các trung tâm kinh tế lớn của thế giới có luồng sâu (-14m) và là 1/21 bến cảng trên thế giới tiếp đón được siêu tàu container sức chở từ 18.000 TEU trở lên. Trong thời gian qua, tỉnh đã chuẩn bị các điều kiện về quy hoạch đất đai, rút ngắn thủ tục… để kêu gọi đầu tư. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương chỉ định nhà đầu tư có năng lực thực hiện theo quy định của pháp luật.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tập hợp các ý kiến tại Hội nghị để xây dựng một nghị quyết về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; làm cơ sở một bước phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Thủ tướng đánh giá cao thành tựu của Thành phố Hồ Chí Minh và 7 tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong phòng, chống đại dịch COVID-19 và bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế thời gian qua; góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng trước dịch COVID-19.
Nhận xét về tình hình kinh tế của vùng trong 6 tháng đầu năm 2020, Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao quyết tâm của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố; theo đó, khu vực phía Nam chưa thay đổi mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2020.
Đề cập đến mục tiêu phát triển của vùng, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là “vùng trọng điểm” của bốn vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Trong tương lai gần, đây là khu vực siêu đô thị trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. Với đặc thù của một vùng phát triển kinh tế nhưng có môi trường sống trong lành, Thủ tướng cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh và 7 tỉnh còn lại của vùng là 1 bát giác kim cương ở trong khu vực này. Do đó, Thủ tướng cho biết, tầm nhìn Việt Nam hùng cường 2045 sẽ đặt mục tiêu về đích sớm hơn và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải là “vùng hùng cường vào năm 2035”. Nhắc đến câu nói: “Miền Nam đi trước về sau”, Thủ tướng cho rằng, bây giờ miền Nam “phải đi trước một lần nữa”, cần xem đây là một đòi hỏi của thực tiễn và của lịch sử.
Đề cập đến lợi thế so sánh riêng có của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, sức mạnh và năng lực cạnh tranh tại khu vực này hơn hẳn các vùng kinh tế trọng điểm khác trên cả nước. Thủ tướng đề nghị các tỉnh trong vùng phát huy tinh thần đoàn kết, “nắm tay nhau”, chung một ý chí, nghị lực; cùng dấn thân, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm trước sự phát triển của đất nước. Với điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa, con người năng động, sáng tạo, lãnh đạo dám nghĩ, dám làm trong nhiều thời kỳ, khả năng thu hút nhân tài trong và ngoài nước, Vùng có thể thu hút phát triển tốt với tinh thần tiến bước xa hơn, cao hơn.
Cho ý kiến về các kiến nghị, giải pháp được nêu ra tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị giao các cơ quan nghiên cứu đề án cơ chế đặc thù cho các vùng kinh tế trọng điểm; trong đó, đặc biệt có vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm cả vấn đề ngân sách.
Cùng với đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu một gói hỗ trợ từ Trung ương để hỗ trợ cho các địa phương sớm đầu tư các công trình hạ tầng, giao thông cấp bách - yếu tố quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức tín dụng tham gia vào các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án theo hình thức PPP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo cần tránh để xảy ra tình trạng chỉ làm gia công, giá trị thấp; tiếp nhận các dự án môi trường thấp hoặc chỉ làm những việc lao động giá rẻ. Thủ tướng nêu rõ cần coi trọng đầu tư nước ngoài nhưng cũng cần tránh tình trạng thôn tính doanh nghiệp Việt Nam thông qua mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong nước.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu đề xuất thành lập dự án kết nối các loại hình giao thông giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế trong vùng. Nhắc lại các dự án hạ tầng mà Thủ tướng vừa thị sát tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhất là dự án logistics, Thủ tướng chỉ đạo lãnh đạo các tỉnh liên quan cần thống nhất sớm, tránh tình trạng “để mãi năm nọ, tháng kia”. Các địa phương trong vùng cần ưu tiên phát triển kinh tế số, thương mại điện tử và đẩy mạnh mạng lưới 5G bởi đây là những yêu cầu quan trọng cho phát triển công nghệ cao của vùng. Đi liền với đó là làm tốt công tác quy hoạch đô thị theo xu hướng mới, nhất là đô thị thông minh.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện tốt Nghị quyết 84/NQ-CP, tích cực tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tiếp tục thúc đẩy kích cầu tiêu dùng, coi đây là một cực quan trọng trong tăng trưởng GDP./.
Trung Duy (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp về phát triển vùng kinh tế trọng điểm  (27/05/2020)
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Bác nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh  (19/05/2020)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự quốc tang Đại tướng Lào Sisavath Keobounphanh  (14/05/2020)
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là cách thiết thực để xây dựng nước Việt Nam “hùng cường”, “sánh vai với các cường quốc năm châu”  (13/05/2020)
“Thời điểm vàng” để phục hồi kinh tế  (07/05/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên