Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp về phát triển vùng kinh tế trọng điểm
TCCS - Ngày 26-5-2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phát triển vùng kinh tế trọng điểm. Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, lãnh đạo các địa phương trong vùng cần đề cao trách nhiệm trong phát triển kinh tế vùng, phải thực sự tận tâm, tận lực vì sự phát triển của cả vùng, của đất nước và từng địa phương.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2011 - 2019, GRDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm bình quân mỗi năm tăng 7,25%. Quy mô GRDP của toàn bộ 24 địa phương thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm so với GDP của cả nước ở mức trên 70%. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai cực tăng trưởng quan trọng của cả nước, đóng góp vào tăng trưởng chung cả nước bình quân năm trong giai đoạn 2011 - 2019 tương ứng đạt 13,08% và 19,9%.
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy, cứ 1% tăng trưởng của 4 vùng kinh tế trọng điểm sẽ làm GDP của toàn bộ nền kinh tế tăng 0,61%, trong đó vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phía Nam là hai vùng có tác động lớn nhất. Cụ thể, tăng 1% GRDP của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ làm GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,49%; tăng 1% GRDP của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam làm GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,55%. Các vùng kinh tế trọng điểm đã hướng sự phát triển vào các ngành là lợi thế của vùng.
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tập trung phát triển các ngành công nghiệp. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tập trung phát triển các ngành thuộc khu vực dịch vụ. Hiện nay, các vùng kinh tế trọng điểm là nơi tập trung đầu mối giao thông vận tải biển và hàng không lớn nhất cả nước, với 6/8 cảng biển quốc gia, tập trung tới 93% công suất bốc xếp của cảng và 100% công suất của các sân bay quốc tế, với năng lực tiếp nhận trung bình khoảng 25 triệu lượt khách mỗi năm.
Tại cuộc họp, lãnh đạo một số bộ, ngành và 4 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng kinh tế trọng điểm (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Kiên Giang) đã báo cáo việc thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về phát triển vùng kinh tế trọng điểm.
Lãnh đạo các bộ, địa phương cũng báo cáo tình hình thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có việc đầu tư các dự án mang tính kết nối trong vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa như các dự án giao thông, các chuỗi liên kết phát triển du lịch, logistic, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, các dự án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Kết luận cuộc họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, vùng kinh tế trọng điểm là cực tăng trưởng quan trọng của đất nước; cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nằm trong quy hoạch tổng thể quốc gia. Đây là yêu cầu cần triển khai sớm, cần làm kỹ, rà soát đầy đủ trên các lĩnh vực để khắc phục cho được những vướng mắc hiện nay, khắc phục tình trạng trùng dẫm hay mạnh ai nấy làm.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện nhiệm vụ quan trọng này để tạo thuận lợi cho các vùng phát triển. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phải đi đầu trong phục hồi phát triển kinh tế sau dịch, đặc biệt là thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn, các công ty xuyên quốc gia có năng lực công nghệ hàng đầu, đứng đầu các chuỗi giá trị.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, trong kinh tế vùng, cần đặc biệt quan tâm đến kết cấu hạ tầng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là sớm triển khai một số tuyến cao tốc đã quy hoạch. Từng vùng, từng địa phương cần chú ý hai việc: Phải hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2020; nỗ lực hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm nay, đặc biệt là tăng trưởng và thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh hậu COVID-19.
Về cơ cấu lại kinh tế vùng, thu hút đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Hội đồng vùng, từng địa phương tận dụng cơ hội từ việc đã kiểm soát, chống dịch COVID-19 thành công, đi trước các nước để thu hút đầu tư mạnh mẽ, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các vùng kinh tế trọng điểm, nhất là các trung tâm kinh tế, phải là những điểm thu hút đầu tư, đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư khu vực và toàn cầu, biến thách thức thành cơ hội.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, kiên quyết không được gây khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; có chính sách ưu đãi hỗ trợ về tín dụng, điện, nước, kết cấu hạ tầng giao thông, dịch vụ logistic, đặc biệt là nhân lực, để phục vụ nhu cầu của các dự án quy mô lớn, công nghệ cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành và địa phương luôn theo sát, đồng hành cùng các vùng kinh tế trọng điểm, từng địa phương trong thu hút vốn đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp cho vùng kinh tế trọng điểm mang tính đặc thù, vượt trội, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế để đạt mục tiêu này.
Về thể chế phát triển vùng kinh tế trọng điểm, theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ. Tuy nhiên, cần có biện pháp, lộ trình phù hợp, có việc làm ngay, có việc cần thời gian. Việc làm ngay đó là phát huy tối đa vai trò Hội đồng vùng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đề xuất Chính phủ cơ chế phù hợp để các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm tận dụng được tiềm năng, thế mạnh, không cạnh tranh lẫn nhau, làm suy yếu nhau. Các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, triển khai tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, “có ngay các giải pháp mạnh, đồng bộ, hiệu quả để thu hút đầu tư, thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch”.
Với từng vùng kinh tế trọng điểm cụ thể, trước hết, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với trọng tâm là tam giác phát triển gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, có nhiều điều kiện thu hút đầu tư công nghệ cao, chế biến chế tạo, điện tử, dịch vụ, tài chính ngân hàng, logistic, nông nghiệp công nghiệp cao; có thế mạnh về nguồn nhân lực, hình thành các trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao.
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tập trung phát triển mạnh kinh tế biển, phát triển hệ sinh thái ô tô, các ngành dịch vụ vận tải, đặc biệt là du lịch; cần có đề án phát triển du lịch miền Trung kết hợp với Tây Nguyên thành vùng trọng điểm mang tầm khu vực và thế giới.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải tập trung thu hút đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi giá trị; phát huy vai trò đầu tầu của Thành phố Hồ Chí Minh để đưa vùng này thành động lực tăng trưởng ngay trong năm 2020 và thời gian đến.
Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng có trình độ phát triển chưa cao, cần phát triển mạnh mẽ các ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt các loại nông sản chủ lực, tôm, cá tra, trái cây; phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến. Các địa phương thực hiện tốt Nghị quyết số 120-NQ/CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, ứng phó biến đổi khí hậu./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng  (27/05/2020)
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Bác nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh  (19/05/2020)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự quốc tang Đại tướng Lào Sisavath Keobounphanh  (14/05/2020)
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là cách thiết thực để xây dựng nước Việt Nam “hùng cường”, “sánh vai với các cường quốc năm châu”  (13/05/2020)
“Thời điểm vàng” để phục hồi kinh tế  (07/05/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển