Chính phủ đưa ra các phương án, kịch bản và khả năng ứng phó đối với trường hợp khẩn cấp về dịch bệnh COVID-19
TCCS - Ngày 31-3-2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ về các phương án, kịch bản và khả năng ứng phó đối với trường hợp khẩn cấp về dịch bệnh COVID-19 trong cả nước, cũng như các chính sách bảo đảm an sinh xã hội đối với những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Hỗ trợ trực tiếp người nghèo, người lao động gặp khó khăn do COVID-19
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ chia sẻ khó khăn với các tổ chức, cá nhân trong bối cảnh chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh COVID-19 như hiện nay. Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, tác động của dịch là rất lớn, không chỉ đối với sản xuất, kinh doanh, thu ngân sách, mà cả với đời sống của người dân, nhất là người nghèo, công nhân thất nghiệp và một số đối tượng khác không có tích lũy, cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, Thường trực Chính phủ thấy rằng, đây là nội dung rất cần thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 sẽ diễn ra vào ngày 1-4-2020, để Chính phủ thảo luận và ban hành nghị quyết về vấn đề liên quan, làm cơ sở cho việc xử lý nhanh và chính xác hơn công tác hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng. Thủ tướng nhấn mạnh, đây cũng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo, những người gặp hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng yếu thế trong bối cảnh hiện nay.
Tại cuộc họp, các bộ, ngành đã đề xuất, thảo luận về một số gói hỗ trợ cụ thể; trong đó có các giải pháp hỗ trợ cả lao động và người sử dụng lao động nếu người sử dụng lao động bị giảm một nửa số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng liền kề trước tháng cơ quan có thẩm quyền công bố dịch.
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành cũng thảo luận về các giải pháp giãn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp và người lao động trong một khoảng thời gian, sau đó đóng bù và không phải nộp tiền lãi chậm nộp; cho phép người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do COVID-19 dẫn đến phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh; có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho lao động được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; cho phép người sử dụng lao động được vay tiền với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho lao động...
Xuất khẩu gạo phải có kiểm soát để bảo đảm an ninh lương thực
Về an ninh lương thực, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, xuất khẩu là cần thiết, là thế mạnh của nước ta, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì xuất khẩu (gạo) phải có kiểm soát để bảo đảm an ninh lương thực trên tinh thần thực hiện tốt Nghị định số 107 của Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm nay được mùa, được giá, nông dân trồng lúa có lợi mặc dù thời tiết khắc nghiệt, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Việc chỉ đạo cấy xạ trước 1 tháng giúp mức thiệt hại chỉ bằng khoảng 9% so với đợt hạn mặn năm 2016.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tới yêu cầu bảo đảm lương thực dồi dào đối với 100 triệu dân và phải bảo đảm dự trữ, thực hiện các nhiệm vụ khác như hỗ trợ gạo để trồng rừng, hỗ trợ học sinh miền núi…Cùng với việc bảo đảm giá cả có lợi cho người nông dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, tích trữ, nâng giá trái pháp luật. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương điều hành chặt chẽ, có kiểm soát để bảo đảm nguồn lương thực ở trong nước.
Với tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng cũng như các địa phương trong cả nước chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực ở các vùng, miền có đất lúa, cụ thể là lúa nước, nhằm bảo đảm cân đối được lương thực. Cùng với đó, những vùng có năng suất cao, chất lượng tốt có thể tính toán tới việc xuất khẩu lương thực.
Bộ trưởng Bộ Công Thương có văn bản chính thức (có ý kiến của một số bộ liên quan) báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề xuất khẩu gạo trước ngày 5-4-2020, bảo đảm nguyên tắc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước trong mọi tình huống, tuyệt đối không để xảy ra thiếu lương thực, nhất là trong bối cảnh thời tiết, khí hậu bất lợi và dịch COVID-19. Bộ Tài chính khẩn trương mua đủ số lượng 190.000 tấn gạo, 90.000 tấn thóc và có thể mua nhiều hơn để dự trữ theo chỉ tiêu dự trữ quốc gia năm 2020 đã được phê duyệt, đáp ứng kịp thời các yêu cầu đột xuất, cấp bách.
Yêu cầu cách ly toàn xã hội mới chỉ dừng lại ở việc thuyết phục, vận động nhân dân tự giác chấp hành, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình, không phải là phong tỏa đất nước
Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, với các giải pháp mới nhất cả nước hiện đang ở tình trạng tiền khẩn cấp, nên việc cách ly toàn xã hội mới chỉ dừng lại ở việc thuyết phục, vận động nhân dân tự giác chấp hành, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình. Chính phủ chưa tính đến việc phong tỏa các thành phố lớn.
Liên quan đến phương án cách ly toàn xã hội của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, người phát ngôn Chính phủ khẳng định, yêu cầu cách ly xã hội không phải là phong tỏa đất nước, "nội bất xuất, ngoại bất nhập", cũng không phải là lệnh giới nghiêm như thời chiến. Mục tiêu của biện pháp cách ly toàn xã hội là nhằm giảm tối đa tương tác xã hội. Chỉ thị 16 đã đưa ra nguyên tắc: Gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh. Tức là mỗi cá nhân hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác, tránh tiếp xúc quá gần với người khác. Chính phủ vẫn đang kiểm soát được tình hình, vì vậy cần phải bảo đảm các vấn đề về sinh hoạt, về sản xuất, về kinh tế - xã hội. Khi kiểm soát được thì không nên đóng cửa ngay lập tức, vì có những tỉnh chưa có dịch hoặc có nhưng đã khoanh vùng và kiểm soát được.
Đây là những dự lệnh, những khuyến cáo, hạn chế, yêu cầu mà lãnh đạo Chính phủ đưa ra, chưa phải lệnh cấm. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm khuyến cáo, mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa hoặc dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác. Khi người dân ra ngoài, cần thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, yêu cầu cách ly xã hội chưa phải là lệnh cấm nên không áp dụng hình phạt cho trường hợp gia đình hơn 2 người đi ra ngoài. Tuy nhiên tinh thần là Thủ tướng Chính phủ khuyến cáo mọi người dân hạn chế tối đa việc tiếp xúc, tụ tập đông người, càng ít người càng tốt, trừ trường hợp thật sự cần thiết. Đây là thông điệp mạnh mẽ hơn so với cách đây 4 ngày khi yêu cầu không tụ tập trên 10 người. Điều này truyền đi thông điệp rằng mong mọi người dân nên ở nhà trong giai đoạn cao điểm, hạn chế đi ra ngoài, tụ tập đông người vì tình hình bây giờ đã khác 4 ngày trước.
Các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở. Như Văn phòng Chính phủ hiện đã quyết định cho 50% số cán bộ, với khoảng hơn 300 người làm việc ở nhà. Những người bắt buộc đến công sở cũng phải bảo đảm ngồi cách nhau 2m, khi ăn mỗi người một bàn.
Còn với doanh nghiệp, các cơ quan tư nhân cũng nên ưu tiên điều chỉnh bố trí, sắp xếp làm việc trực tuyến tại nhà để cùng Chính phủ chung tay chống dịch. Trừ những trường hợp bất khả kháng không thể làm việc trực tuyến được thì phải bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch, hạn chế tụ tập đông người, tránh tiếp xúc quá gần và bảo đảm các điều kiện vệ sinh phòng bệnh. Các doanh nghiệp sản xuất vẫn hoạt động sản xuất và lưu thông hàng, nhưng phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.
Lần này, Chính phủ giao trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị để giám sát và xử lý. Nếu thủ trưởng cơ quan để cho đơn vị mình có người bị lây nhiễm COVID-19 do buông lỏng quản lý thì phải chịu trách nhiệm. Bởi, những nhà máy, công xưởng có hàng chục nghìn lao động, chỉ lơi lỏng, không kiểm soát tốt, để xảy ra 1 trường hợp lây nhiễm cũng phải đóng cửa ngay lập tức, tránh lây nhiễm chéo và lây lan ra cộng đồng.
Chỉ thị không yêu cầu “ngăn sông, cấm chợ”, không đóng cửa siêu thị, các cửa hàng bán đồ thiết yếu, cũng không cấm người dân ra ngoài mua lương thực, thực phẩm, thuốc men… Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu vẫn hoạt động và lưu thông hàng hóa, chỉ hạn chế, đóng cửa những cửa hàng, dịch vụ không cần thiết. Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương chủ động, quy định cụ thể về những cửa hàng nào đóng, cửa hàng nào mở rất rõ ràng. Các bộ, ngành bảo đảm nguồn hàng thiết yếu cung ứng cho người dân. Vì vậy, người dân yên tâm không thiếu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, không nên đổ xô đi mua tích trữ, tụ tập đông người dễ phát sinh lây lan dịch bệnh.
15 ngày thực hiện nghiêm yêu cầu cách ly toàn xã hội tới đây là rất cần thiết. Đây được xem là thời điểm mang tính quyết định của cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid 19. Nếu chúng ta bỏ qua cơ hội này là đánh mất "thời cơ vàng", lúc đó tình hình sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều. Chính phủ hiểu rằng, với những yêu cầu nêu trên, người dân, doanh nghiệp có thể sẽ khó khăn hoặc cảm thấy không thoải mái, nhưng đây là biện pháp cần thiết vì sức khỏe cộng đồng. Việc chống dịch phải có sự đồng thuận của tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt có sự đồng thuận, chung sức của người dân. Vì vậy, mỗi người dân hãy tin tưởng vào những quyết định của Đảng và Chính phủ, tin tưởng chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Thủ tướng họp trực tuyến và thị sát với 5 thành phố trực thuộc Trung ương về công tác phòng, chống dịch COVID-19  (30/03/2020)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 về ứng phó dịch COVID-19  (27/03/2020)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đầu tư thực hiện chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển  (24/03/2020)
Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc "chống dịch như chống giặc"  (20/03/2020)
Agribank ủng hộ 10 tỷ đồng chung tay phòng, chống dịch COVID-19  (18/03/2020)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam