Việt Nam có đủ năng lực, nguồn lực, kinh nghiệm và ý chí để phòng, chống dịch COVID-19
TCCS - Ngày 13-3-2020, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; dự Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 tháng vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia và công bố tích hợp thêm trên 15 dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, khai trương Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trên thế giới đang xuất hiện những ổ dịch mới, có nguy cơ lây lan vào Việt Nam. Đến nay có trên 126.500 người mắc COVID-19 tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó trên 4.600 người đã chết. Trong hai tuần qua, số ca mắc COVID-19 bên ngoài Trung Quốc đã tăng gấp 13 lần, số quốc gia bị ảnh hưởng cũng tăng gấp 3 lần.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các bộ, ngành, đặc biệt là các tổ chức xã hội, doanh nghiệp đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cùng nhiều hàng hóa khác để đồng hành cùng Chính phủ, các địa phương chống dịch.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn sẵn sàng đáp ứng các loại hàng hóa dồi dào nhất để phục vụ nhân dân trong mọi tình huống. Biện pháp trước mắt là tiếp tục ngăn chặn mạnh mẽ, quyết liệt hơn các nguồn lây, chống lây lan ra cộng đồng; tăng cường công tác khai báo y tế, nhất là khi thế giới đã xuất hiện một số ổ dịch mới.
Bên cạnh việc nhấn mạnh Việt Nam có đủ năng lực, nguồn lực, kinh nghiệm và ý chí để phòng dịch. Vì sức khoẻ của dân, chúng ta sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn, Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp, các ngành duy trì mục tiêu kép chống dịch và giữ ổn định xã hội, chăm lo phát triển.
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục tinh thần chủ động, hành động kịp thời, đúng đắn, không chủ quan, có kịch bản cụ thể, sát thực tế, bảo đảm không bị động, cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho nhân dân. Thủ tướng yêu cầu phải tìm mọi biện pháp hạn chế nguồn lây lan, hạn chế các chuyến bay từ vùng dịch đến Việt Nam, theo tinh thần “4 tại chỗ”, tập trung năng lực ứng phó tại cơ sở, địa phương. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh, tập trung phương tiện, nhân sự điều trị các ca dương tính, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do COVID-19.
Trong việc dạy và học, Thủ tướng yêu cầu, dù giảm số giờ dạy học nhưng không được giảm chất lượng, phải tính toán giải pháp hợp lý cho các trường quốc tế tại Việt Nam.
Về việc đeo khẩu trang, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, những nơi tập trung đông người (trên 100 người), phải đeo khẩu trang. Ngành y tế và công thương phải chuẩn bị đủ số khẩu trang cung cấp, chỉ đạo các sân bay, các cửa khẩu quốc tế chuẩn bị khẩu trang cho khách nhập cảnh.
Tiếp tục khẳng định, cách ly tập trung là biện pháp đúng đắn, Thủ tướng cho rằng nếu có các biện pháp đặc biệt, cụ thể thì sẽ do Ban Chỉ đạo quyết định; tiếp tục duy trì cách ly tập trung. Đối với việc khai báo y tế toàn dân, Thủ tướng cho biết, đây không phải là biện pháp bắt buộc như khai báo y tế khi nhập cảnh Việt Nam.
Đối với người Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, dù Nhà nước còn khó khăn nhưng chúng ta chưa thu phí điều trị đối với những trường hợp nhiễm bệnh. Còn đối với người nước ngoài, nếu mắc bệnh thì phải trả phí điều trị, không phải trả chi phí cách ly và xét nghiệm. Về việc lập Quỹ phòng, chống COVID-19, Thủ tướng giao Bộ Y tế phụ trách.
Thủ tướng cũng khuyến cáo cần ổn định số học sinh, sinh viên đang du học ở nước ngoài, khuyến khích học sinh, sinh viên du học yên tâm ở lại để điều trị, nếu về nước thì phải cách ly nghiêm túc theo quy định; cần quản lý chặt chẽ biên giới, ngăn ngừa khách từ vùng dịch lợi dụng nhập cảnh qua nước thứ ba vào Việt Nam.
Thủ tướng nhắc lại quan điểm không cấm bay đối với hàng không mà phải bảo đảm hoạt động giao thương kinh tế - thương mại bình thường. Hàng hoá, sản xuất, cung ứng, giá cả phải bảo đảm, có thể mở cửa đến 11h đêm để phục vụ nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông phải thống nhất cung cấp thông tin, đồng thời cho rằng cần quản lý mạng xã hội thật nghiêm, không để lan toả thông tin tiêu cực, sai sự thật, gây hoang mang; tăng cường diễn tập ở một số ngành, địa phương để có thể ứng phó tốt khi tình huống xảy ra. Thủ tướng tán thành với các đề xuất của bộ, ngành về việc khẩn trương chuẩn bị các điều kiện chống dịch, phản ứng nhanh, hiệu quả, hành động kịp thời và đúng đắn. Đặc biệt, các cấp, các ngành và toàn dân không được chủ quan, không để dịch lây lan thiếu kiểm soát. Các bộ, ngành, địa phương phải cam kết đẩy lùi dịch bệnh để người dân yên tâm. Các kịch bản hiện có phải được nâng tầm thêm một bậc, sát thực tiễn hơn nữa, gồm cả việc bảo đảm lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống.
Trước thực tế dịch đã lây lan trong cộng đồng, Thủ tướng yêu cầu, từng người dân, hộ gia đình, khu dân cư phải có biện pháp phòng, chống cụ thể. Mỗi doanh nghiệp, mỗi khu dân cư, thậm chí mỗi người dân đều phải là một “pháo đài” phòng, chống dịch. Cho rằng còn một số địa phương, cơ quan chủ quan, lúng túng trong phòng, chống dịch, Thủ tướng yêu cầu phải có kịch bản chủ động từ Trung ương đến địa phương. Các đô thị lớn phải tuân thủ các biện pháp cách ly, hạn chế các trường hợp riêng biệt, không để các trường hợp này lây lan ra cộng đồng. Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn về quy trình bao vây, ngăn chặn dịch để các địa phương thực hiện, tránh tình trạng lúng túng ở một số nơi như vừa qua.
Thủ tướng cũng yêu cầu phải phát hiện nhanh hơn, khoanh vùng tốt hơn và kiên quyết hơn đối với các trường hợp dương tính hoặc nghi ngờ mắc bệnh, trong đó cần hết sức lưu ý các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam. Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch chỉ đạo chuẩn bị trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ phòng, chống dịch, đặc biệt là bộ kit thử để phát hiện nhanh người dương tính với dịch, phân bổ cho các địa phương.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 tháng vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia; công bố tích hợp thêm trên 15 dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, khai trương Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Phải thực sự cải tiến, đổi mới để chất lượng tốt hơn, thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp
Sau 3 tháng đưa vào vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống đã kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với 14 bộ và 63 địa phương (đã có gần 79.000 tài khoản đăng ký; hơn 23 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ; hơn 2,9 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái). Hiện nay, hệ thống thực hiện tích hợp để nộp phí, lệ phí dịch vụ hành chính công tại An Giang; nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; nộp phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ tại 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận); thực hiện nộp thuế cá nhân, thuế doanh nghiệp, thuế môn bài trực tuyến trên toàn quốc.
Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ dù trong giai đoạn thử nghiệm đã triển khai tích hợp 19 chế độ báo cáo của 10 bộ, cơ quan; bước đầu cung cấp một số thông tin liên quan đến kinh tế - xã hội hằng ngày, hằng tháng, quý và năm.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc tích hợp 11 dịch vụ công có ý nghĩa lớn góp phần tiết kiệm thời gian, vật chất, kinh phí, tiền bạc. Đây cũng là cách phòng, chống tham nhũng hiệu quả thông qua việc hạn chế gặp gỡ giữa những người quản lý với người thực hiện. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 lan tràn, việc không tiếp xúc với tiền bạc, giấy tờ và gặp gỡ sẽ góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Thủ tướng chỉ đạo cần tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các địa phương kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia trên tinh thần "những việc có lợi cho nhân dân, giảm chi phí cho doanh nghiệp thì chúng ta thực hiện".
Thủ tướng lưu ý công tác bảo mật thông tin; tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, công tác tác tiếp nhận, giải quyết cần đúng tiến độ, chất lượng; nâng cao chất lượng phục vụ. Thủ tướng đề nghị cần triển khai hệ thống giám sát về chính phủ điện tử để thu thập, đo lường mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đối với từng địa phương, từng bộ, ngành.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chuẩn hóa thông tin, dữ liệu thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, hồ sơ trên hệ thống một cửa điện tử bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận.
Đi đôi với đó là tiếp tục đẩy mạnh thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế thu và xử lý hành chính và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện dịch vụ công cộng, dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh để góp phần thanh toán không dùng tiền mặt. Bộ Tài chính chỉ đạo triển khai các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công. Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu tích hợp cung cấp dịch vụ đáp ứng một cách tự nguyện.
Đi liền với đó là vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trên mạng, Văn phòng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, không để xảy ra lộ lọt thông tin, dữ liệu.
Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ cần xây dựng một trung tâm chuẩn bị để khai thác các báo cáo; cập nhật đầy đủ thông tin, dữ liệu, đồ thị, hình ảnh minh họa, trực quan, sinh động; những vấn đề kinh tế - xã hội nóng cần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo hằng ngày như tình hình thiên tai, dịch bệnh, môi trường; báo cáo kinh tế - xã hội hằng tháng, hằng quý, hằng năm. Thiết kế giao diện của hệ thống phải đổi mới, cải cách mạnh mẽ, nhất là áp dụng những tiến bộ mới về khoa học - công nghệ./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Chính phủ sẽ có những chính sách tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19  (12/03/2020)
Thủ tướng thị sát tiến độ thi công cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận  (10/03/2020)
Đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế là những người lính xung kích trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh  (27/02/2020)
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh kiểm tra khu vực cách ly phòng, chống dịch bệnh Covid-19  (27/02/2020)
Quyết liệt chống dịch, nỗ lực vượt khó, tập trung sản xuất, kinh doanh  (26/02/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển