Chính phủ sẽ có những chính sách tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19
TCCS - Ngày 12-3-2020, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, hàng không, lương thực, thực phẩm, công nghiệp…. Cuộc họp nhằm huy động nguồn lực của thành phần kinh tế tư nhân tham gia hiến kế sáng tạo, chủ động đóng góp cho sự phát triển đất nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan trên toàn cầu.
“Pháo đài” phòng, chống dịch
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, WHO đã công bố COVID-19 là đại dịch. Việt Nam có 800.000 doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, do đó lúc này, các doanh nghiệp, tập đoàn cũng là những “pháo đài” trong phòng, chống dịch.
Bày tỏ vui mừng khi trong khó khăn, một số tập đoàn có sự chuyển hướng, bước đi phù hợp, vẫn phát triển tốt, Thủ tướng cho biết, thời gian qua, các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân đã tham gia có hiệu quả vào việc bảo đảm hàng hóa, nhu yếu phẩm, lương thực cho nhân dân, không để thiếu hàng, tăng giá; cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch, cứu chữa bệnh nhân COVID-19, không để có người tử vong.
Hiện nay, một số nền kinh tế lớn trên thế giới đang có xu hướng phục hồi sản xuất rất nhanh, Thủ tướng đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp cần "biến nguy cơ thành thời cơ” với tinh thần, khát vọng phát triển mạnh mẽ sau đại dịch.
Thúc đẩy đầu tư công
Đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp có mặt tại buổi làm việc đều bày tỏ tin tưởng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước; tin tưởng vào quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép kiểm soát dịch bệnh, đồng thời bảo đảm sự phát triển kinh tế.
Phó Tổng Giám đốc Vietjet, Hồ Ngọc Yến Phương, cho biết, trong thời gian qua, hãng hàng không này đã phục vụ không ít chuyến bay, đoàn khách miễn phí. Thậm chí là khởi động ủy ban khẩn cấp phòng, chống dịch vào ngày 21-1-2020, góp phần vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam và các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới.
Phó Tổng Giám đốc Vietjet đề xuất Chính phủ nên triển khai một số giải pháp hỗ trợ lĩnh vực hàng không - một lĩnh vực thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của dịch COVID-19 - trong đó có việc miễn thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay; miễn giảm từ 50%-70% phí dịch vụ hoạt động hàng không, như chi phí cất - hạ cánh, các chi phí tại các cảng hàng không; giãn thời gian nộp các loại thuế, phí ít nhất 6 tháng. Cùng với đó là thúc đẩy thu hút đầu tư hạ tầng hàng không, như nhà ga, sân đỗ, các công trình hàng không..., thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài thông qua các biện pháp như hỗ trợ thủ tục, chính sách ưu đãi thuế tùy theo ngành, nghề đầu tư.
Một số ý kiến của doanh nghiệp đề nghị các địa phương cũng cần tăng cường tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp về phòng, chống dịch; đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp cũng mạnh dạn đề xuất sẵn sàng chia sẻ khó khăn với Nhà nước.
Tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả quản trị
Sau khi lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, kết luận buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt; đồng thời, đánh giá cao sự kiên cường, vượt khó vươn lên của các doanh nghiệp trong cả nước, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các doanh nghiệp đã thể hiện bản lĩnh Việt Nam, khắc phục khó khăn để tìm lối đi, cách làm trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp để hình thành những chính sách tốt hơn, phù hợp hơn, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Cho rằng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chính là những "pháo đài phòng, chống dịch", đặc biệt là giải quyết việc làm, bảo đảm kinh tế vĩ mô, Thủ tướng tán thành với các biện pháp của doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này, nhất là tái cơ cấu, sắp xếp phù hợp, hiệu quả hơn, đặc biệt là quản trị tốt, ứng dụng công nghệ trong phát triển, tăng cường hợp tác, liên kết, chia sẻ rủi ro, chia sẻ lợi nhuận. Thủ tướng cho rằng, trong thời điểm này, Chính phủ cũng phải cải cách mạnh mẽ hơn, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ứng dụng những dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 để giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Chính phủ sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện thể chế để tạo điều kiện cho sự phát triển và có kịch bản ứng phó với tình hình mới một cách phù hợp. Cùng với đó, Thủ tướng gợi ý các doanh nghiệp cần tận dụng, đón bắt thời cơ của EVFTA, đồng thời chú trọng thị trường trong nước gần 100 triệu dân với nhu cầu lớn về nhu yếu phẩm chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây cũng là một yêu cầu rất lớn của Chính phủ đối với các doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao các bộ, ngành, địa phương cần có những biện pháp tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện, giảm chi phí cho doanh nghiệp, kể cả miễn, giảm thuế, phí, lãi suất vay, giãn, hoãn nợ, cho chậm nộp thuế, phí bảo hiểm, đặc biệt là những lĩnh vực, ngành nghề chịu tác động nặng nề do COVID-19. Tuy nhiên, “sự hỗ trợ phải có chọn lọc, không cào bằng". Thủ tướng chỉ đạo xây dựng một chương trình toàn diện phục hồi kinh tế sau khi dịch kết thúc, trong đó chú ý đến những ngành nghề thiệt hại nặng. Việc kích cầu có thể thông qua đầu tư và tiêu dùng, chính sách tiền tệ, tài khóa theo tinh thần "dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi nhưng chúng ta phải cố gắng gấp ba".
Bày tỏ vui mừng vì các doanh nghiệp đều có chương trình hành động trong lúc khó khăn này, Thủ tướng cũng mong muốn các doanh nghiệp cần chuẩn bị kịch bản để bảo đảm hoạt động doanh nghiệp liên tục không bị gián đoạn vì bất cứ tình huống nào. Đi đôi với đó là nâng cấp hoạt động quản trị, tăng cường ứng dụng công nghệ. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bên cạnh việc phòng dịch chặt chẽ, cần linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam về thủ tục và những biện pháp cách ly phù hợp.
Nhấn mạnh sẽ tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ sẽ có những biện pháp điều hành chính sách sát hơn, tốt hơn với thực tế để các mục tiêu kép được thực hiện thành công; xây dựng một số cơ chế phù hợp để hỗ trợ các lĩnh vực chịu thiệt hại nặng do COVID-19, nhất là hàng không, du lịch, dịch vụ. Nhân đây, Thủ tướng yêu cầu không chỉ Chính phủ, các bộ, ngành, mà tất cả các địa phương, hiệp hội, ngành hàng trong cả nước cũng phải có những biện pháp tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp.
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp phải có những biện pháp khẩn trương, phù hợp để vượt khó, vươn lên, kết hợp với điều kiện kinh doanh thuận lợi mà Chính phủ tạo ra để tiếp tục tăng trưởng và phát triển bền vững trong tương lai.
* Chiều cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Trước đó, ngày 4-3-2020, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Một trong những giải pháp quan trọng tại Chỉ thị là đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.
Chỉ thị số 11/CT-TTg giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chuyển đổi từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, như dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, các dự án thành phần của dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020; xem xét việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, báo cáo Chính phủ trước ngày 15-3-2020 để báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Tại cuộc họp ngày 12-3-2020, Bộ Giao thông vận tải báo cáo kết quả nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công đối với các dự án thành phần trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020, cũng như kiến nghị một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư tại các dự án trên. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đề xuất phương án chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công đối với một số dự án cấp bách nhằm sử dụng hiệu quả tối đa nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa công trình vào sử dụng, từ đó góp phần quan trọng vào thúc đẩy sự tăng trưởng.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, công trình hạ tầng giao thông - vận tải lớn là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động lớn từ dịch COVID-19. Trong đó, các dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ cần được khẩn trương tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Thủ tướng nhất trí với phương án do Bộ Giao thông vận tải đề xuất, yêu cầu bộ này phối hợp với các bộ liên quan có báo cáo chính thức về vấn đề này, trình cấp có thẩm quyền. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là phải bảo đảm tiến độ, thời gian, chất lượng.
Đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thúc đẩy triển khai để sớm đưa vào sử dụng. Về dự án tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Thủ tướng cho rằng, đây là tuyến rất quan trọng để kết nối với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (dự kiến thông tuyến trong năm 2020, khánh thành vào năm 2021), do đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ dự án này một cách tốt nhất./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Thủ tướng thị sát tiến độ thi công cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận  (10/03/2020)
Đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế là những người lính xung kích trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh  (27/02/2020)
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh kiểm tra khu vực cách ly phòng, chống dịch bệnh Covid-19  (27/02/2020)
Quyết liệt chống dịch, nỗ lực vượt khó, tập trung sản xuất, kinh doanh  (26/02/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển