Doanh nhân Việt Nam phải có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt
TCCS - Ngày 23-12-2019, Hội nghị Thủ tướng với các đại diện của cộng đồng hơn 700.000 doanh nghiệp với chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững” đã diễn ra tại Hà Nội.
Đây là lần thứ 3, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc đối thoại quy mô lớn với cộng đồng doanh nghiệp trên toàn quốc.
Khoảng 1.000 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương; lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các địa phương, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp… tham dự sự kiện. Hội nghị được kỳ vọng là cơ sở để có thêm nhiều giải pháp, chính sách mới thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, để làm sao chúng ta đạt được mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Với quyết tâm đưa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam vào tốp đầu của ASEAN, Hội nghị tiếp tục khẳng định cam kết Chính phủ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng tiên phong trên mặt trận kinh tế đang ngày càng lớn mạnh, với hơn 126.000 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm. Riêng năm 2019, dự kiến đạt 136.000 doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên khoảng 760.000 doanh nghiệp.
Sự yếu kém của doanh nghiệp có trách nhiệm của Nhà nước
Phát biểu tại hội nghị, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội cả nước trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa sẽ khép lại năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, mức tăng trưởng của Việt Nam trên 7%, là một trong những nước tăng trưởng cao nhất châu Á và thế giới.
Thủ tướng khẳng định, đóng góp vào những thành quả kinh tế - xã hội 2019 cũng như xuyên suốt hơn 3 thập niên đổi mới của Việt Nam có vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam. Theo Thủ tướng, sự lớn mạnh của doanh nghiệp không thể thiếu vai trò của Nhà nước, ngược lại, sự yếu kém của doanh nghiệp chắc chắn có phần trách nhiệm của Nhà nước. Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ kiến tạo phát triển sẽ phải không ngừng tìm cách giảm mức độ rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là rủi ro do thể chế, chính sách và nhũng nhiễu của bộ máy hành chính gây ra.
Đánh giá cao quan điểm của các bộ, ngành là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, song, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, với những vi phạm kinh tế nghiêm trọng, phải xử lý thật nghiêm để bảo đảm kỷ cương.
Đề cập đến mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm tới, Thủ tướng cho rằng, cần tạo điều kiện thuận lợi để hạn chế số doanh nghiệp giải thể. Bởi số lượng doanh nghiệp trên quy mô dân số của Việt Nam vẫn còn thấp. Cả nước mới có 7 doanh nghiệp nằm trong số 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ đô la Mỹ. Doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam mới có quy mô 17 tỷ USD. Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam có quy mô hơn 6 tỷ USD.
Chấm dứt tình trạng "hù dọa" doanh nghiệp
Thủ tướng chỉ đạo: "Trừ cứu hỏa và thiên tai, việc giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp phải nằm ở trang đầu quyển sổ tay hành động của lãnh đạo. Không thể không biết doanh nghiệp rất khó khăn trên địa bàn của mình, trong lĩnh vực của mình". Mỗi bộ, ngành khẩn trương xây dựng một chương trình hành động nhằm thực hiện các cam kết hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2020, tầm nhìn 20 năm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối đốc thúc, cập nhật tổng hợp, báo cáo Thủ tướng; phối hợp đào tạo nguồn nhân lực, cùng doanh nghiệp tìm kiếm thị trường.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục có những chính sách cởi mở hơn, thực sự "cởi trói" ủng hộ để doanh nghiệp bứt phá. "Cởi trói" cho doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực, các ngành mà trước đây chỉ có Nhà nước đảm trách, ngoại trừ những lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh, quốc phòng. Cùng với đó là tiếp tục thực hiện nhất quán và triệt để trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung vào những khâu còn yếu và doanh nghiệp kêu ca.
Gửi thông điệp đến các doanh nghiệp, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao tinh thần đoàn kết, tương tác. Khuyến khích sự chủ động hợp tác và tương trợ nhau trên thương trường, phát huy tinh thần yêu nước, yêu dân tộc, gắn bó với nhau khi khó khăn để cùng nhau vươn ra biển lớn. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp cần phải chủ động đổi mới chính mình, tái cấu trúc và cải tiến liên tục để nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng uy tín thương hiệu sản phẩm. Cùng với đó, cần lưu ý để không vướng vào các vụ kiện, tranh chấp thương mại.
Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ luật pháp, cần thực hành các chuẩn mực kinh doanh tiến bộ, nộp thuế hoặc các nghĩa vụ tài chính bắt buộc; thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ, giữ gìn thương hiệu, uy tín quốc gia.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy không ngừng và mạnh mẽ hơn nữa các cải cách; tích cực rà soát rào cản pháp lý, chính sách, quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh; xóa bỏ các rào cản độc quyền nhà nước để trao cơ hội tham gia nhiều hơn cho khu vực tư nhân, bao gồm các dịch vụ công cộng cũng như bảo hộ, bảo vệ các hàng rào thương mại kỹ thuật.
Nhấn mạnh đến quyết tâm đồng hành với doanh nghiệp, Thủ tướng mong muốn, doanh nhân Việt Nam phải có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt. Đó chính là những tiền đề quan trọng để Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập tự cường và thịnh vượng vào năm 2045.
Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu đã tham quan trưng bày các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, máy móc, thiết bị… của một số tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam./.
Tú Anh (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ tiếp lãnh đạo bộ quốc phòng, quân đội các nước  (21/12/2019)
Thủ tướng Chính phủ thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Myanmar  (19/12/2019)
Làm sâu sắc thêm quan hệ truyền thống giữa hai nước Việt Nam - Myanmar  (19/12/2019)
Thành phố Hà Nội: Bất cập trong xử lý rác thải y tế  (18/12/2019)
Hà Nội với công tác an sinh xã hội và những việc cần làm ngay  (17/12/2019)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên