Làm sâu sắc thêm quan hệ truyền thống giữa hai nước Việt Nam - Myanmar
TCCS - Nhận lời mời của Tổng thống Myanmar U Win Myint, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm chính thức nước Cộng hòa Liên bang Myanmar từ ngày 16 đến ngày 18-12-2019. Tổng thống Myanmar đã chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Ngày 17-12-2019, lễ đón chính thức Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn cấp cao Chính phủ nước ta đã diễn ra trọng thể tại Dinh Tổng thống, Thủ đô Cộng hòa Liên bang Myanmar dưới sự chủ trì của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar U Win Myint. Sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Myanmar U Win Myint; hội đàm với Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Myanmar T. Khun Myat.
* Tại buổi hội kiến, Tổng thống U Win Myint nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Myanmar, khẳng định chuyến thăm sẽ góp phần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống trong suốt gần 45 năm qua và quan hệ Đối tác Hợp tác toàn diện giữa hai nước hiện nay.
Tổng thống U Win Myint cho rằng, mối quan hệ truyền thống gắn bó giữa hai dân tộc đã có từ lâu khi hai nước tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lãnh tụ Ong San dẫn dắt; khẳng định Việt Nam luôn là người bạn tin cậy, ủng hộ, giúp đỡ Myanmar. Tổng thống U Win Myint gửi lời thăm hỏi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và nhắc lại ấn tượng tốt đẹp về chuyến thăm Việt Nam và dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 vừa qua.
Tổng thống U Win Myint và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ nhận định quan hệ Đối tác Hợp tác toàn diện giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp, với nhiều chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực; đặc biệt, tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau và tin cậy chính trị ngày càng được thắt chặt, thông qua việc trao đổi thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, cũng như tăng cường giao lưu nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân khẳng định, Việt Nam hết sức coi trọng và luôn mong muốn tăng cường quan hệ với Myanmar, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của ASEAN và khu vực. Tổng thống U Win Myint ủng hộ việc đẩy mạnh hợp tác trên tất cả các kênh, kể cả kênh Đảng và Quốc hội, và trên nhiều lĩnh vực, nỗ lực đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng, thiết thực hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm 2020.
Điểm lại hợp tác hai nước trên các lĩnh vực, hai nhà lãnh đạo đánh giá hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, an ninh - quốc phòng, nông nghiệp, du lịch, năng lượng, thông tin viễn thông... có nhiều thành tựu nổi bật. Đáng chú ý, kim ngạch thương mại song phương năm 2019 dự kiến đạt trên 1 tỷ USD, vượt mục tiêu đặt ra cho năm 2020 và Việt Nam đang là nhà đầu tư lớn thứ 5 tại Myanmar. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các con số trên, mặc dù còn khiêm tốn nhưng đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ và doanh nghiệp hai nước; đề nghị Tổng thống U Win Myint tiếp tục chỉ đạo, đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Myanmar, xem xét tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo cấp cao Myanmar với các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Myanmar.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tiếp tục đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác có tác động tích cực đối với việc thắt chặt tình hữu nghị và giao lưu nhân dân như văn hóa, thể thao, du lịch, lao động và giáo dục - đào tạo... Về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai nhà lãnh đạo nhất trí ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế, khu vực. Tổng thống U Win Myint chúc mừng Việt Nam đã trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu gần như tuyệt đối.
Về vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng, là thành viên ASEAN, Việt Nam và Myanmar cùng các nước ASEAN cần tiếp tục ủng hộ lập trường chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, góp phần duy trì hoà bình, ổn định trên Biển Đông.
Ngay sau cuộc hội kiến với Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar U Win Myint, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.
** Tại hội đàm, Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi bày tỏ vui mừng được gặp lại Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm chính thức Myanmar lần đầu tiên; chúc mừng những thành tựu quan trọng, ấn tượng về phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong thời gian qua, coi đó là niềm cảm hứng cho nhân dân Myanmar trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi chúc mừng Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu cao kỷ lục. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng lần đầu tiên tới thăm Myanmar; cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và chu đáo Chính phủ và nhân dân Myanmar dành cho Thủ tướng cùng Đoàn đại biểu Việt Nam; chúc mừng những thành tựu có ý nghĩa của Chính phủ và nhân dân Myanmar về hoà bình, hoà giải dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân và mở rộng quan hệ đối ngoại; chúc Myanmar tổ chức Tổng tuyển cử năm 2020 thành công tốt đẹp.
Hai bên đánh giá cao quan hệ Đối tác Hợp tác toàn diện hai nước có nhiều bước phát triển mạnh mẽ; đặc biệt hai bên thường xuyên duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, cũng như các cơ chế hợp tác song phương, trong đó có Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương và Tiểu ban hỗn hợp thương mại; hoan nghênh việc ký Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Hợp tác toàn diện việt Nam - Myanmar giai đoạn 2019 - 2024 trong dịp này.
Trao đổi về hợp tác an ninh - quốc phòng, hai bên nhất trí mở rộng hợp tác về hải quân, quân y, công nghiệp quốc phòng, hậu cần, cứu hộ - cứu nạn, hợp tác quân - binh chủng, quản lý biên giới, tình báo quốc phòng; chống các loại tội phạm xuyên biên giới, khủng bố, di cư trái phép, rửa tiền...; không cho phép các cá nhân, tổ chức sử dụng lãnh thổ nước này thực hiện các hoạt động chống phá nước kia; thúc đẩy đàm phán, ký kết các thỏa thuận về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù, bảo vệ thông tin mật, pháp luật và tư pháp.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Chính phủ Myanmar đã đồng ý nhập khẩu quả thanh long của Việt Nam theo mùa vụ; đánh giá cao việc vừa qua Myanmar đã tích cực tháo gỡ một số vướng mắc cho doanh nghiệp Việt Nam. Cố vấn Nhà nước Myanmar ghi nhận các đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tiếp tục tạo thuận lợi, giảm bớt rào cản kỹ thuật hàng xuất khẩu Việt Nam; thu hẹp danh mục các mặt hàng nhập khẩu Việt Nam cần xin giấy phép trong bối cảnh hội nhập và tự do hóa khu vực đang phát triển; tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam được đối xử công bằng, được tiếp cận nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh hơn tại Myanmar; đẩy nhanh tiến độ cấp phép, có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư Việt Nam; tạo điều kiện cho các văn phòng đại diện/chi nhánh của các ngân hàng Việt Nam hoạt động hiệu quả tại Myanmar.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Myanmar đề xuất khả năng thành thành lập một Khu Công nghiệp Việt Nam tại Myanmar, đề nghị các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước nghiên cứu cụ thể; khẳng định Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Myanmar, coi đây là thị trường trọng điểm trong tương lai, đồng thời hoan nghênh doanh nghiệp Myanmar đầu tư vào Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi phương hướng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác có nhiều tiềm năng như nông nghiệp, viễn thông, khai khoáng, năng lượng, xây dựng… Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị giao các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác về nuôi trồng và chế biến thủy sản, sản xuất lúa, trồng cây công nghiệp, trồng rừng, khai thác và chế biến lâm sản. Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi đồng ý xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam được triển khai cáp quang và hạ tầng viễn thông; tham gia các dự án công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước, các dự án phát triển xã hội, chính phủ điện tử; được đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí và cung ứng dịch vụ dầu khí; đầu tư trong các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, nhà ở, xuất khẩu và sản xuất vật liệu xây dựng cũng như các lĩnh vực tiềm năng khác.
Hai bên khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN cũng như các cơ chế hợp tác tiểu vùng khác như ACMECS, CLMV, GMS, EWEC... Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không; tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực; cam kết ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và ràng buộc pháp lý.
Sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký và trao 3 văn kiện hợp tác quan trọng, gồm Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện Việt Nam - Myanmar giai đoạn 2019 - 2024, Bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao và lễ trao Công hàm sửa đổi Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông của hai nước và cùng tiến hành gặp gỡ báo chí hai nước.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Chủ tịch Quốc hội Myanmar T. Khun Myat.
*** Tại cuộc hội kiến, Chủ tịch Quốc hội Myanmar T. Khun Myat đánh giá cao thành tựu của sự nghiệp đổi mới của Việt Nam trong thời gian vừa qua, đưa Việt Nam trở thành một trong các nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực. Chủ tịch Quốc hội Myanmar cho rằng, là nước đang trong quá trình cải cách, Myanmar mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế. Chủ tịch Quốc hội T. Khun Myat bày tỏ hài lòng về việc tình hữu nghị và quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng được củng cố trên các lĩnh vực và trên các kênh, trong đó có quốc hội.
Việc trao đổi đoàn cấp cao diễn ra sôi nổi, trong đó có các đoàn quan trọng của Quốc hội, như chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Myanmar năm 2017 và chuyến thăm Myanmar của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân năm 2016. Hai bên cũng hợp tác, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn nghị viện đa phương và khu vực, nhất là trong khuôn khổ Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA); các Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị và nghị sỹ hai nước cũng tích cực giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Chủ tịch Quốc hội T. Khun Myat cảm ơn Việt Nam đã luôn ủng hộ Myanmar tại các diễn đàn quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc, ASEAN, AIPA.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo với Chủ tịch Quốc hội Myanmar T. Khun Myat về kết quả hội kiến với Tổng thống U Win Myint và hội đàm với Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi; đề nghị Quốc hội hai nước tích cực phối hợp giám sát thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã ký giữa hai nước, trong đó có Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Hợp tác toàn diện Việt Nam - Myanmar giai đoạn 2019 - 2024 ký ngày 17-12-2019; ủng hộ các cơ chế, chính sách và pháp luật nhằm đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư hiện đang phát triển năng động giữa hai nước. Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội Myanmar tích cực phối hợp chặt chẽ khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA năm 2020.
**** Tối 17-12-2019, tại Yangon, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam và gặp gỡ, nói chuyện với đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Myanmar. Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Luận Thùy Dương cho biết, cộng đồng người Việt có khoảng 1.500 người, trong đó 95% là các doanh nghiệp từ Việt Nam sang, còn lại là các gia đình sống lâu năm tại đây.
Nói chuyện với bà con kiều bào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại nhận xét của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi tại cuộc họp báo chung rằng thành tựu phát triển kinh tế Việt Nam là ấn tượng, đáng kinh ngạc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo cho bà con thêm thông tin về thành tựu này. Năm 2019, chúng ta đạt và vượt toàn diện các chỉ tiêu. Tăng trưởng kinh tế thuộc hàng cao nhất thế giới và khu vực, khoảng 7%. Chúng ta cán đích nhiều mục tiêu đề ra, kim ngạch xuất nhập khẩu trên 500 tỷ USD. Chúng ta liên tục xuất siêu, năm nay đạt khoảng 10 tỷ USD. Tăng trưởng cao nhưng lạm phát thấp, đời sống nhân dân được nâng lên. Thu ngân sách trên 1,6 triệu tỷ đồng. Năng lực sản xuất gia tăng khi có khoảng 140.000 doanh nghiệp được thành lập mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,45%. Chương trình xây dựng nông thôn mới là điểm ấn tượng.
Sang năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhận hai nhiệm vụ là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Thủ tướng khẳng định, chúng ta sẽ đảm nhận tốt nhiệm vụ này, đề nghị Đại sứ quán nỗ lực góp sức, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trên tất cả các mặt: Kinh tế, văn hóa, công tác cộng đồng để làm sao nhà đầu tư Việt Nam yên tâm làm ăn lâu dài tại Myanmar. Thủ tướng cũng lưu ý cần chú trọng công tác cộng đồng, đây là trách nhiệm rất lớn, “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Thủ tướng mong muốn bà con tuân thủ pháp luật nước sở tại, gương mẫu, đầu tư, làm ăn chân chính, giữ gìn hình ảnh Việt Nam. Băn khoăn về việc giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng, Thủ tướng đề nghị Đại sứ quán mở các lớp dạy tiếng Việt cho bà con và “mong bà con cộng đồng, Đại sứ quán, câu lạc bộ doanh nghiệp đoàn kết để có môi trường sống tốt, ấm cúng, giữ gìn văn hóa đất Việt”.
Chuyến thăm chính thức Myanmar của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết thúc bằng việc hai bên đã ký kết Chương trình hành động cho hợp tác hai nước giai đoạn 2019 - 2024. Đây được đánh giá là một văn kiện quan trọng vì định hướng sự phát triển của quan hệ Đối tác Hợp tác toàn diện giữa hai nước với tầm nhìn dài hạn và ngày càng sâu sắc, bền chặt. Chuyến thăm một lần nữa khẳng định, Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác Hợp tác toàn diện Việt Nam - Myanmar, mong muốn thúc đẩy sự phát triển hợp tác sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực./.
Thùy Linh (tổng hợp)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện Chính trị khu vực III  (15/12/2019)
Kỷ niệm 65 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc và 50 năm các thế hệ học sinh miền Nam thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (09/12/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam