Mang cả Trường Sơn về thành phố
TCCS - 1959 - 2009, năm mươi năm Trường Sơn cũng là chẵn 50 năm có một đề tài Trường Sơn hiện hữu sáng ngời trong văn học, có một đội ngũ các nhà văn áo lính thế hệ sau nối thế hệ trước tâm huyết với đất và người Trường Sơn, gắn bó máu thịt với những trang viết về chiến tranh cách mạng và người lính. Đội ngũ nhà văn ấy, những trang viết ấy không chỉ góp phần làm phong phú thêm mà còn tạo nên nét độc đáo của văn học Việt Nam hiện đại.
Tôi về công tác ở Tạp chí Văn nghệ quân đội 30 năm nay và có cái may mắn là được cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với nhiều thế hệ nhà văn thuộc dường như là đủ các sắc lính, như: đặc công có ông thiếu tướng Dũng Hà, ông đại tá Chu Lai; thông tin có các ông đại tá Anh Ngọc, Hồng Diệu, Lê Thành Nghị; quân Tiên phong (308) có tướng Hồ Phương; hải quân có ông thượng tá Trần Đăng Khoa, ông đại tá Tô Nhuần; trinh sát có các ông đại tá Nguyễn Minh Châu, Khuất Quang Thụy; quân y có ông đại tá Nguyễn Khải, Sương Nguyệt Minh; pháo binh có ông đại úy Ngô Thảo, tư pháp có ông đại úy Nguyễn Đình Tú; vốn là lính lái xe có các sỹ quan trẻ Đỗ Tiến Thụy, Phùng Văn Khai... Với bộ đội 559, với bộ đội Trường Sơn thì thời nào cũng có, lúc nào cũng có thể gặp các nhà văn “từ trong rừng ra” nơi “ nhà số 4” (trụ sở tòa soạn Tạp chí Văn nghệ quân đội ở số 4 phố Lý Nam Đế, Hà Nội), mà là lính Trường Sơn đánh giặc công tác ở đó thực sự, lính Trường Sơn chính hiệu.
Mãi cho đến bây giờ, Nguyên Ngọc vẫn được coi là nhà văn có những trang viết hay nhất về mảnh đất “mái nhà Đông Dương” và là một trong những chuyên gia hàng đầu về Trường Sơn - Tây Nguyên của nước ta.
Nhà văn Xuân Thiều cũng là nhà văn có những trang viết đáng nhớ về miền đất này. Trước khi giữ cương vị Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, ông đã có nhiều năm tháng chiến đấu dọc Trương Sơn với tư cách là phóng viên mặt trận với bút danh Nguyễn Thiều Nam. Thôn ven đường - tiểu thuyết; Chiến đấu trên mặt đường - ký sự cùng các truyện dài truyện ngắn: Người quản tượng và con voi chiến sỹ, Chuyện làng Rapồng, Truyền thuyết quán tiên... là những tác phẩm xuất sắc viết về cuộc chiến đấu anh hùng của bộ đội và nhân dân ta trên tuyến đường huyền thoại Trường Sơn những năm ác liệt nhất. Những trang viết ấy ngời ngời lửa đạn, nhưng cũng đậm đặc chất thơ, nặng tình đồng đội, nặng nghĩa đồng bào và chan chứa tình yêu đôi lứa. Trong số này có những tác phẩm được trao Giải thưởng văn nghệ Giải phóng, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật; đồng thời cũng có những tác phẩm một thời bị coi là “có vấn đề ” vì “dám” viết cả những chuyện thuộc về mặt trái của cuộc chiến tranh.
Có một vị tướng cùng thời với Nguyên Ngọc và Xuân Thiều viết ít nhưng “kỹ tính” trong văn chương là ông Nguyễn Chí Trung. Ông cũng là nhà văn “từ trong rừng ra”. Nói đến ông là người đọc nghĩ ngay tới Bức thư làng Mực viết năm 1969 và mới đây là Tiếng khóc của Nàng Út - Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008. Bức thư làng Mực như bài ca ca ngợi tinh thần chiến đấu hy sinh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Tác phẩm được viết cùng năm với thiên tùy bút Đường chúng ta đi của Nguyên Ngọc. Ông là nhà văn có gắn bó máu thịt với Trường Sơn, đặc biệt là miền đất Khu 5 kiên trung.
Có những người không tham gia các trại viết, trại sáng tác Trường Sơn nhưng viết và vẽ nhiều, viết và vẽ thành công về đề tài đường Trường Sơn, nổi danh vì những sáng tác về Trường Sơn cũng rất hay lui tới Lê Lựu, lui tới “nhà số 4” để gặp gỡ nhau; trao đổi, thông tin cho nhau về đồng đội cũ, về Trường Sơn hôm nay, về những sáng tác mới của mình.
Cho đến hôm nay, bài hát Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây cùng với các bài hát Lá đỏ (Hoàng Hiệp phổ thơ Nguyễn Đình Thi), Đêm Trường Sơn nhớ Bác (Trần Chung phổ thơ Nguyễn Trung Thu), Bài ca Trường Sơn (Trần Chung phổ thơ Gia Dũng)... vẫn là những bài ca về Trường Sơn hay nhất, sống mãi với thời gian.
Tác giả bài thơ Bài ca Trường Sơn, nhà thơ Gia Dũng cũng là người của “nhà số 4”. Ông vốn là lính Sư đoàn 312 anh hùng nhiều năm có mặt ở Trường Sơn. Ông viết bài thơ Bài ca Trường Sơn với những câu đầy lãng mạn cách mạng: Trường Sơn ơi / Nơi mà ta qua không một dấu chân người / Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác / Dừng ở lưng đèo mà nghe suối hát / Ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi... Những câu thơ bây giờ đọc lại có người tỏ ra nghi ngờ, sao lại “đường ra trận mùa này đẹp lắm”?, đi chiến đấu chứ đi trẩy hội đâu mà “ngắt một đóa hoa rừng cài lên mũ ta đi”?, nhưng ở vào thời điểm cả dân tộc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước / mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu), hoặc như “có những ngày vui sao / cả nước lên đường” với những “tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu” (Chính Hữu) là một sự thật. Là thế nên bài thơ Bài ca Trường Sơn của Gia Dũng vừa mới ra đời đã được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc và nhanh chóng trở thành bài hát có sức lay động, cổ vũ hàng triệu con tim tuổi trẻ, nâng bước họ lên đường chiến đấu. Với thanh niên Việt Nam những năm tháng ấy, câu thơ của Tố Hữu: Trường Sơn đông nắng tây mưa / Ai chưa đến đó như chưa rõ mình là thơ mà cũng là lời hiệu triệu, là thơ nhưng cũng là lời của nước non kêu gọi người người lên đường đuổi giặc.
Nhà thơ Nguyễn Trung Thu, tác giả phần lời bài hát Đêm Trường Sơn nhớ Bác cũng là người hay lui tới trụ sở Tạp chí Văn nghệ quân đội để gặp gỡ những đồng đội viết văn, làm thơ ở Trường Sơn năm nào, bởi ông cũng là một nhà thơ áo lính. Rời mái trường Đại học Tổng hợp lên đường nhập ngũ, ông vượt Trường Sơn vào chiến đấu ở chiến trường B. Một đêm nghỉ lại giữa đại ngàn cũng trăng sao, cũng tiếng suối chảy, cũng tiếng hát đâu đây, ông chợt nhớ tới Bác Hồ - vị cha già dân tộc năm nào nơi núi rừng Việt Bắc... và trong ông bật lên thành thơ: Đêm Trường Sơn / Chúng cháu nhìn trăng nhìn cây / Cảnh về khuya như vẽ / Bâng khuâng chúng cháu nghĩ / Bác như đã đến nơi này/ Ơi đêm Trường Sơn/ nghe tiếng suối trong như tiếng hát xa / Mà ngỡ như từ Pắc Bó suối về đây ngân nga / Âm vang Trường Sơn, âm vang Trường Sơn / Đường Trường Sơn mang bóng hình của Bác / Đường Trường Sơn chúng cháu dồn chân bước / Con đường của Bác mới đi qua... Bài thơ hoàn thành ngay sáng hôm sau khi ông và đồng đội tiếp tục cuộc hành quân đánh giặc. Bài thơ là tấm lòng thành kính, là lời hứa của những nguời lính với Bác nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Bác đã vạch ra - con đường “không có gì quý hơn độc lập tự do”, “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giữ cho được độc lập tự do”. Sau khi được phổ nhạc, sức lan tỏa cả bài thơ càng lan rộng để bây giờ sau mấy mươi năm, Đêm Trường Sơn nhớ Bác vẫn là một trong những khúc ca hay nhất viết về tình cảm của người lính nói chung, của bộ đội Trường Sơn nói riêng đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu.
Nói về những người lính, những nhà văn đã mang cả Trường Sơn về thành phố, về với Thủ đô, với “ngôi nhà số 4” còn phải kể đến nhiều tên tuổi khác. ấy là một Chính Hữu với những “Ngọn đèn đứng gác”, một Nguyễn Minh Châu với những “Dấu chân người lính”, “Những người đi từ trong rừng ra” cùng “Những cánh rừng đầy giấy bay”; một Nguyễn Khải với “Tháng ba ở Tây Nguyên”, một Khuất Quang Thụy “Trong cơn gió lốc”..., rồi một Trung Trung Đỉnh với cuộc “Lạc rừng”. Đó là những tác phẩm xuất sắc viết về Tây Nguyên - Trường Sơn của các nhà văn áo lính. Những tác phẩm mà nói đến con đường huyền thoại Trường Sơn, nói đến một thời “xẻ dọc Trường Sơn” của dân tộc ta người đời sau không thể không nhắc tới!
Đường Trường Sơn, bộ đội 559 trong chiến tranh đã về thành phố theo những trang sách, những bài ca như thế. Đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh và cả Tây Nguyên hôm nay cũng về thành phố, về Thủ đô cùng những bài ca, những trang văn ngày nối ngày. Viết về bộ đội làm kinh tế ở Tây Nguyên, Nguyên Bảo có tiểu thuyết Giám định của đất, nhà văn trẻ Đỗ Tiến Thụy có tiểu thuyết Màu rừng ruộng; viết về vùng kinh tế mới nơi đây Nguyễn Trí Huân có tập truyện ngắn Cao nguyên không xa xôi... nhiều nữa, nhưng có lẽ không thể không nhắc tới những trang viết của Nam Hà và Nguyễn Hữu Quý.
Ngay từ khi ta làm đường lớn - đại lộ Hồ Chí Minh và đường dây tải điện 500 KV, nhà văn Nam Hà - tác giả của những câu thơ bất hủ: “Đất nước của những người con gái con trai / Đẹp như hoa hồng cứng hơn sắt thép / Xa nhau không hề rơi nước mắt / Nước mắt chỉ dành cho ngày gặp mặt” đã khoác ba lô, bắt xe tải cùng những người thợ đường dây vượt Trường Sơn một lần nữa để có tập bút ký 500 trang mang tên Dặm dài đất nước. Cuốn sách không chỉ được Hội Nhà văn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng giải thưởng cao mà còn được đích thân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khen ngợi và ký lệnh cấp cho một chiếc xe ô-tô con. Chiếc xe này hiện anh em phóng viên Tạp chí Văn nghệ quân đội vẫn đang sử dụng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2009  (15/04/2009)
Ngày hội tôn vinh, phát huy các giá trị và tinh hoa văn hoá Việt Nam  (15/04/2009)
Đảng cộng sản Hy Lạp: Điểm sáng trong phong trào cộng sản châu Âu  (15/04/2009)
Mang cả Trường Sơn về thành phố  (15/04/2009)
Nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu hiện nay  (15/04/2009)
Thêm chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp  (14/04/2009)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên