Căng thẳng Mỹ - Iran leo thang và nguy cơ sụp đổ Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA)
Leo thang căng thẳng
Thời gian qua, căng thẳng Mỹ - Iran liên tục leo thang. Washington đã triển khai tàu sân bay USS Abraham Lincoln và một phi đội máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress tới vùng Vịnh. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết các động thái này là nhằm sẵn sàng đáp trả một cuộc tấn công nhằm vào những lợi ích của Mỹ tại khu vực. Có thông tin rằng quân đội Mỹ đã triển khai một kế hoạch theo yêu cầu của Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton, cử 120.000 binh sĩ tới Iran. Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác bỏ thông tin này, song sự leo thang căng thẳng giữa Washington và Tehran là thực tế và nó có thể dẫn đến xung đột quân sự khi mà hai bên đang có hành động và phát ngôn cứng rắn, đáp trả nhau. Đây là tình huống vô cùng nguy hiểm vì rủi ro rất cao trong tình trạng quân đội hai nước đã gần như chạm trán nhau.
Sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Iran bắt đầu từ khoảng một năm trước, kể từ khi Mỹ xem xét lại Thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Thỏa thuận hạt nhân Iran, ký năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức), theo đó Iran hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân. Thỏa thuận là kết quả mang tính lịch sử sau nhiều năm đàm phán cam go. Thỏa thuận dày 109 trang giấy bao gồm 9 điểm quan trọng và 5 phụ lục. Thỏa thuận đặt ra khoảng thời gian 15 năm Iran phải chịu sự hạn chế nghiêm ngặt trong việc nghiên cứu và phát triển nhiên liệu hạt nhân. Trong 15 năm đó, Iran không được làm giàu uranium quá 3,67%. Sau thời hạn 15 năm, Iran sẽ được quyền sản xuất bao nhiêu nhiên liệu hạt nhân cũng được, đồng thời được phép nghiên cứu các máy ly tâm tiên tiến sau năm thứ 8. Hơn nữa, Iran cũng sẽ được gỡ bỏ cấm vận xuất nhập khẩu vũ khí quy ước và các tên lửa đạn đạo.
Cốt lõi của thỏa thuận nằm ở các điều khoản hạn chế lượng nhiên liệu hạt nhân mà Iran có thể nắm giữ trong giai đoạn 15 năm đầu thực thi thỏa thuận. Kho uranium làm giàu thấp (LEU) hiện tại của Iran sẽ phải cắt giảm đến 98%, tức từ mức 7.500 kg xuống còn khoảng 300 kg, còn lại chủ yếu là phải vận chuyển sang Nga để lưu giữ.
Bên cạnh đó, Iran cũng sẽ phải cắt giảm 2/3 số máy ly tâm, từ 19.000 máy xuống còn 6.104 máy, trong đó, chỉ có khoảng 5.000 máy thực sự làm giàu uranium. Sau 10 năm đầu thực thi, Iran không được nâng cấp ngay năng lực làm giàu uranium, không được nghiên cứu, thử nghiệm các máy ly tâm tiên tiến mà phải tuân theo một lộ trình từng bước.
Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Bất chấp việc các cuộc thanh sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đều khẳng định Iran tuân thủ nghiêm chỉnh các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân lịch sử, ngày 08-5-2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do nội dung thỏa thuận "quá hào phóng" với Iran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực. Từ đó, Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Tehran.
Sau động thái này của Washignton, các quốc gia châu Âu đã nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận này. Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo thiết lập Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại để đảm bảo duy trì các hoạt động thương mại với Iran, qua đó bảo vệ lợi ích của Iran trong bối cảnh Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nước này. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ chế này vẫn chưa đi vào hoạt động và Iran nhiều lần thể hiện sự mất kiên nhẫn đối với EU.
Bước đáp trả của Iran
Tròn một năm kể từ khi Tổng thống Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1, ngày 08-5-2019, Bộ Ngoại giao Iran thông báo quyết định của nước Cộng hòa Hồi giáo này đình chỉ việc thực hiện một số cam kết tự nguyện trong thỏa thuận nói trên. Tổng thống Iran Rouhani thông báo sau 60 ngày, Iran sẽ "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani. Đây chính là thời hạn mà Iran yêu cầu các nước còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân gồm Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp và Đức phải thực hiện cam kết liên quan đến lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng. Ông Rouhani cũng cảnh báo sẽ có hành động đáp trả nhất định nếu vấn đề hạt nhân một lần nữa được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ông khẳng định lập trường của Iran sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân và cảnh báo, sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 là mối hiểm nguy đối với Iran và cả thế giới.
Iran sẽ nối lại việc làm giàu urani nếu các cường quốc trên thế giới không giữ đúng cam kết trong khuôn khổ JCPOA. Đề cập đến khả năng thương lượng, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh Iran sẵn sàng thương lượng với Mỹ nếu Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế và xin lỗi về hành động của mình. Tổng thống Iran cho rằng, các cuộc thương lượng sẽ diễn ra sau khi tất cả sức ép được loại bỏ.
Trên thực tế, Iran đã liên tục đưa ra những tuyên bố cảnh báo về hành động cứng rắn của mình, nhất là trong gần 1 tháng trở lại đây, khi “gọng kìm” trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran ngày càng siết chặt. Dư luận cũng không quá bất ngờ bởi hoàn cảnh của Iran đã bị coi là “dồn vào đường cùng”.
Một năm qua, Tehran đã phải hứng chịu liên tiếp các đòn trừng phạt từ Washington, bất chấp các cuộc thanh sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho tới thời điểm này đều khẳng định Iran tuân thủ nghiêm chỉnh các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Đỉnh điểm là khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tìm cách chấm dứt toàn bộ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran nhằm bóp nghẹt kinh tế của quốc gia này.
Theo thỏa thuận hạt nhân Iran, Tehran đã ngừng mọi hoạt động hạt nhân ở cấp độ vũ khí để đổi lại việc quốc tế hủy bỏ các lệnh trừng phạt đối với quốc gia này. Trong khi đó, các nước còn lại trong thỏa thuận, mặc dù đưa ra nhiều hứa hẹn, song lại tỏ ra chậm chạp trong việc thực thi các cam kết đối với quốc gia Trung Đông này. Nga và Trung Quốc, dù ủng hộ Iran, song không có khả năng gây sức ép để buộc Mỹ thay đổi chính sách, trong khi “bộ ba” Liên minh châu Âu chịu ràng buộc bởi quan hệ đồng minh quá chặt chẽ với Mỹ, không có hành động thực tế và hiệu quả để bảo đảm lợi ích của Iran theo thỏa thuận hạt nhân, và cũng là để bảo vệ lợi ích của chính các công ty châu Âu đang làm ăn với Iran, bởi tính tới năm 2016, EU đã đầu tư hơn 20 tỷ USD vào các dự án ở Iran. Mặc dù chỉ trích mạnh mẽ Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, tuyên bố ủng hộ thỏa thuận hạt nhân, thậm chí, bàn thảo một cơ chế phối hợp của EU, bao gồm cả việc làm ăn với Iran mà không cần đồng USD nhằm “tránh” biện pháp trừng phạt của Mỹ, song rõ ràng EU thực sự “lúng túng và bất lực” trong việc giải quyết vướng mắc liên quan đến vấn đề này, một phần là bởi đối với EU, sức ép từ phía Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là đồng minh quan trọng về chính trị-an ninh của EU, là rất lớn. Suốt một năm qua, EU không thể trao cho Iran bất kỳ một sự bảo đảm nào trước sức ép của Mỹ, ngoài những lời hứa được lặp đi lặp lại.
Như vậy, có thể thấy tuyên bố đáp trả của Iran thực chất là một bước đi “cực chẳng đã”! Thực tế, Iran đã bị đẩy đến chân tường.
Quan ngại của cộng đồng quốc tế
Trước nguy cơ sụp đổ của Thỏa thuận hạt nhân lịch sử - JCPOA và gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Iran, cộng đồng quốc tế đều bày tỏ sự quan ngại. Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini khẳng định EU sẽ cam kết thực thi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran với Nhóm P5+1, miễn là Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế khẳng định Tehran tuân thủ thỏa thuận này. Bà Mogherini nêu rõ: "Chúng tôi vẫn hoàn toàn cam kết thực hiện đầy đủ JCPOA, thỏa thuận hạt nhân.... Cho đến nay, chúng tôi đã chứng kiến Iran hoàn toàn tuân thủ mọi cam kết liên quan tới hạt nhân theo thỏa thuận này. IAEA sẽ tiếp tục giám sát việc thực thi những cam kết liên quan tới hạt nhân này".
Tuyên bố chung của EU và các ngoại trưởng cũng nêu rõ sẽ đánh giá mức độ tuân thủ của Iran trên cơ sở các hoạt động của nước này liên quan những cam kết của Tehran theo JCPOA và Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân NPT. EU hối thúc Iran tôn trọng và tiếp tục tuân thủ thỏa thuận quốc tế này một cách đầy đủ như lâu nay, tránh tình hình căng thẳng leo thang, đồng thời cho biết khối này chủ trương tiếp tục giao thương với nước Cộng hòa Hồi giáo, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen cũng nói rằng châu Âu cần “làm mọi thứ” để duy trì đối thoại với Iran, đồng thời kêu gọi hợp tác với Tehran để thực thi các điều khoản trong khuôn khổ thỏa thuận JCPOA.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres khẳng định ông luôn coi “Kế hoạch Hành động chung toàn diện” là một thành công lớn trong nỗ lực ngoại giao nhằm ngưng phổ biến hạt nhân và đóng góp cho hòa bình, an ninh của khu vực cũng như thế giới. Vì thế, ông rất hy vọng sẽ cứu vãn được thỏa thuận này.
Cộng đồng quốc tế lo ngại trước viễn cảnh sụp đổ của JCPOA và leo thang căng thẳng giữa Mỹ va Iran. Cách tốt nhất dĩ nhiên là đàm phán. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng để ngỏ khả năng cùng với lãnh đạo Iran đàm phán về việc Tehran từ bỏ tham vọng hạt nhân. Tuy nhiên, ông cũng đồng thời cảnh báo Washington không loại trừ giải pháp quân sự. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, mặc dù là một người có lập trường cứng rắn, nhưng cũng ủng hộ các biện pháp gây sức ép về kinh tế và quân sự "để buộc Iran đầu hàng", trong khi ông Bolton lại chủ trương chiến tranh. Ông nêu rõ Mỹ sẽ không ngay lập tức sử dụng vũ lực chống Iran, nhưng nếu tiếp tục thất vọng với kết quả mà các biện pháp trừng phạt kinh tế cũng như thể hiện sức mạnh mang lại (nhằm buộc Iran đàm phán), ông Trump có thể sử dụng vũ lực khi mà Israel và Saudi Arabia cũng đang kêu gọi Mỹ tấn công Iran.
Về phần mình, Tehran không có khả năng đàm phán trên cơ sở bình đẳng và Iran có lý khi cảm thấy sẽ thất bại thảm hại tại bàn đàm phán. Iran không muốn bị bẽ mặt một lần nữa. Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Majid Takht Ravanchicho nêu rõ Tehran đã đàm phán với 6 cường quốc và đạt thỏa thuận, nhưng Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận. Vì vậy, không có gì bảo đảm Nhà Trắng sẽ không tiếp tục có các động thái tương tự sau này./.
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 27-5 đến ngày 02-6-2019)  (05/06/2019)
Xóa bỏ tâm lý “Không sợ bị trừng phạt” để góp phần phòng, chống tham nhũng có kết quả  (05/06/2019)
"Tư lệnh" ngành xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trả lời những câu hỏi hóc búa từ phía cử tri  (04/06/2019)
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn về Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội  (04/06/2019)
Khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội  (04/06/2019)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên