Việt Nam coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Thụy Điển
TCCSĐT - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thụy Điển, ngày 27-5-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven, dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Điển và gặp gỡ các tập đoàn hàng đầu của Thụy Điển.
Nhận lời mời của Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển từ ngày 26 đến 28-5. Ngày 27-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiến hành hội đàm với Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven sau khi hai lãnh đạo có cuộc gặp hẹp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và chu đáo mà Chính phủ Thụy Điển dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam; bày tỏ vui mừng đến thăm đất nước Thụy Điển tươi đẹp nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đánh dấu một nửa thế kỷ phát triển của quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống Việt Nam - Thụy Điển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Chính phủ và nhân dân Thụy Điển đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay. Thủ tướng khẳng định nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ tình đoàn kết mà nhân dân Thụy Điển đã dành cho Việt Nam trong những năm tháng khốc liệt của kháng chiến chống Mỹ và hình ảnh Thủ tướng Olof Palme dẫn đầu đoàn biểu tình phản đối cuộc chiến tranh này tại thủ đô Stockholm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình cảm sâu sắc với Thụy Điển và mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven đánh giá cao chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ song phương tiếp tục phát triển mạnh mẽ; nhân dân Thụy Điển luôn khâm phục sự dũng cảm và ý chí kiên cường của nhân dân Việt Nam; Chính phủ Thụy Điển hiện nay coi Việt Nam là một đối tác quan trọng của Thụy Điển tại khu vực.
Hai Thủ tướng đánh giá quan hệ Việt Nam - Thụy Điển thời gian qua đã có nhiều bước phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực và ở nhiều cấp, tạo ra các mối hợp tác đa dạng, phong phú, bổ sung cho nhau và phát huy thế mạnh của cả hai bên. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam của Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria (từ ngày 06 đến 08-5-2019) đã thành công tốt đẹp, góp phần thắt chặt tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác giữa hai nước. Hai Thủ tướng nhất trí hai bên tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương đã được thiết lập.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Stefan Löfven khẳng định quan hệ thương mại - đầu tư đóng một vai trò quan trọng trong hợp tác song phương và đã có bước tiến đáng kể, nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Để khai thác tiềm năng còn lớn trong lĩnh vực này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Thụy Điển quan tâm, khuyến khích các doanh nghiệp Thụy Điển tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Thụy Điển có thế mạnh như công nghiệp chế tạo, hóa chất, điện tử, thông tin truyền thông, trồng rừng và khai thác chế biến gỗ bền vững, xử lý rác thải, dược phẩm, công nghiệp phụ trợ xe ô-tô.
Hai Thủ tướng thống nhất cần thúc đẩy bộ, ngành, đối tác hai nước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, như đô thị thông minh, môi trường, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, thông tin truyền thông, y tế…
Hai Thủ tướng hoan nghênh việc hai bên tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Thụy Điển tại Stockholm nhân chuyến thăm, khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục tạo điều kiện thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp tiếp sau Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Thụy Điển được tổ chức tại Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam của Công chúa kế vị Victoria.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thụy Điển ủng hộ sự phát triển quan hệ toàn diện Việt Nam - EU. Hai Thủ tướng nhất trí phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (EVIPA) trong những tuần tới và nhanh chóng phê chuẩn, triển khai sau đó, để mang lại lợi ích của tất cả các bên và góp phần tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Điển. Thủ tướng Thụy Điển trao Ý định thư về tín dụng đầu tư hơn 2 tỷ USD vào Việt Nam.
Thủ tướng Stefan Löfven đã đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam vào sự thịnh vượng và đa dạng văn hóa của nước Thụy Điển cũng như vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư giữa hai nước.
Hai bên nhất trí sẽ đẩy mạnh hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, ASEM, hợp tác ASEAN - EU, cũng như tham gia hợp tác chung ứng phó với các vấn đề toàn cầu, úng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển bền vững. Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, phù hợp với Luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời Thủ tướng Stefan Löfven thăm Việt Nam. Thủ tướng Stefan Löfven đã vui vẻ nhận lời.
** Chiều cùng ngày, tại thủ đô Stockholm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven đã cùng tham dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Điển. Ảnh: TTXVN
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven nhắc lại thành công từ chuyến thăm Việt Nam của Công chúa Kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree và bày tỏ vui mừng đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đến thăm Thụy Điển. Thủ tướng Stefan Löfven cho rằng, điều này thể hiện vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế và với tư cách là đối tác quan trọng của Thụy Điển.
Nhắc lại những kỷ niệm tốt đẹp trong chuyến thăm Việt Nam cách đây 20 năm với tư cách đại diện thương mại Thụy Điển, Thủ tướng Stefan Löfven hoan nghênh việc Việt Nam ủng hộ chủ trương thương mại tự do. Thủ tướng Stefan Löfven cũng mong muốn Liên minh châu Âu (EU) sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với Việt Nam, qua đó, thúc đẩy lợi thế cạnh tranh của cả Việt Nam và Thụy Điển.
Đề cập đến việc năm 2019 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, Thủ tướng Stefan Löfven cho biết Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên mở Đại sứ quán tại Hà Nội và kể từ đó đến nay, đã có nhiều bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Chính phủ và nhân dân hai nước. Thủ tướng Stefan Löfven nói: “Tình hữu nghị hai nước đang lớn mạnh lên từng ngày”.
Thủ tướng Stefan Löfven đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong hơn 20 năm qua; cho rằng nhờ những nỗ lực về cải cách kinh tế và tham gia các Hiệp định thương mại, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và biến những con số tăng trưởng ấn tượng thành hiện thực, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Thủ tướng Stefan Löfven nhấn mạnh các doanh nghiệp Thụy Điển và Việt Nam đang đứng trước những cơ hội hợp tác to lớn. Ngành công nghiệp của Thụy Điển đã cho ra đời nhiều giải pháp quan trọng trong xây dựng đô thị thông minh, cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ 5G, giải pháp giao thông công cộng, lưới điện và năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin và viễn thông, quản lý không lưu, xử lý nước thải, rác thải, công nghệ y tế…và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam.
Trích dẫn một câu trong tác phẩm Truyện Kiều: “Gian nan mới tỏ lòng người”, Thủ tướng Stefan Löfven nhấn mạnh: “Toàn thể Chính phủ, người dân và doanh nghiệp Thụy Điển cùng mong muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ với Việt Nam trong vòng 50 năm tới”.
Về phần mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven đã tới dự Diễn đàn doanh nghiệp hai nước; hoan nghênh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Phòng Thương mại Công nghiệp Thụy Điển tổ chức sự kiện đầy ý nghĩa này.
Nhấn mạnh đến sự giúp đỡ to lớn, ủng hộ chí tình của Chính phủ và nhân dân Thụy Điển từ cách đây 50 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Thụy Điển đã giành ODA rất lớn cho Việt Nam để giải quyết khó khăn, tái thiết và xây dựng đất nước. Nhiều công trình từ sự giúp đỡ của Thụy Điển đã để lại những dấu ấn sâu đậm đối với người dân Việt Nam.
Nhắc lại câu thơ trong Truyện Kiều mà Thủ tướng Stefan Löfven vừa trích dẫn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ nền tảng quan hệ lịch sử tốt đẹp đã chắp cánh cho kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Thụy Điển lên mức trên 1,5 tỷ USD. Thụy Điển đang đầu tư vào Việt Nam 34 dự án giá trị xếp thứ 34/130 nước, quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Nhiều tập đoàn đa quốc gia của Thụy Điển đang có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam như: ABB, Ericsson, Volvo, Electrolux… Thế hệ trẻ Việt Nam rất quen với các nhãn hàng, dịch vụ nổi tiếng, như H&M (thời trang), Spotify (nhạc online), Skype (viễn thông) hay IKEA (đồ nội thất)…
Thông tin đến các doanh nghiệp Thụy Điển tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngày nay Việt Nam đã vươn lên thành quốc gia có mức phát triển trung bình. Năm 2018, GDP tăng trưởng 7,1% - cao hàng đầu thế giới; Kim ngạch thương mại đạt 500 tỷ USD, trong đó xuất khẩu trên 250 tỷ USD; lạm phát ở mức dưới 4%; Kinh tế vĩ mô ổn định, đời sống vĩ mô ổn định…Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và đang chuẩn bị ký EVFTA với EU. Việt Nam chủ trương cải cách thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế, phát huy khu vực kinh tế tư nhân, tiếp tục mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và rất mong các nhà đầu tư, doanh nghiệp Thụy Điển đến Việt Nam hợp tác, đầu tư.
Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ và các doanh nghiệp Thụy Điển ủng hộ việc EU sớm ký kết và phê chuẩn EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) trong tháng 6 tới bởi các Hiệp định quan trọng này có tiêu chuẩn cao, toàn diện và có độ mở lớn sẽ là nền tảng vững chắc thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU nói chung và Việt Nam với Thụy Điển nói riêng. Trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA và EVIPA, hàng hóa Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi phân phối tiến vào thị trường EU và ngược lại, đầu tư tại Việt Nam, các doanh nghiệp Thụy Điển có thể tiếp cận thị trường ASEAN phát triển năng động.
Doanh nghiệp là chủ thể tiên phong thực thi hợp tác hai nước. Thành công của quan hệ hợp tác Việt Nam - Thụy Điển tùy thuộc rất nhiều vào sự hợp tác thành công của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn qua diễn đàn lần này, các doanh nghiệp hai nước sẽ hiểu nhau hơn, kết nối cơ hội hợp tác thành công trong tương lai, góp phần đưa quan hệ hai nước, hai dân tộc lên tầm cao mới trong thời kỳ mới.
Cũng tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven đã cùng chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước; trong đó nổi bật là dự án hợp tác của liên doanh ba bên giữa NutiFood - Tập đoàn Backahill - Hợp tác xã các nông trại chăn nuôi bò sữa Skånemejerier Ekonomisk Förening về việc chính thức vận hành nhà máy sữa mang tên NutiFood Sweden AB, một trong những dự án đầu tư có quy mô lớn nhất của Việt Nam tại Thụy Điển.
** Trước đó, sáng 27-5, theo giờ địa phương, tại thủ đô Stockholm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo của những tập đoàn hàng đầu của Thụy Điển như Electrolux, Oriflame, Scania, ABB, Ericsson, Volvo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu đoàn Việt Nam chụp ảnh chung với lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế lớn của Thụy Điển. Ảnh: TTXVN
Đây là những nhà lãnh đạo của các tập đoàn, thương hiệu đại diện cho những nền tảng công nghiệp, khoa học và công nghệ xuất sắc của Thụy Điển, hoạt động trên quy mô toàn cầu, góp phần tạo ra những động lực mới về tăng trưởng và phát triển trên thế giới và hầu hết đều đã có hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh từ nhiều năm nay tại Việt Nam.
Trong phát biểu mở đầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt hoan nghênh lãnh đạo các tập đoàn đã tham dự cuộc gặp gỡ. Thủ tướng cũng đánh giá cao uy tín, thương hiệu các tập đoàn Thụy Điển trên thị trường thế giới và được đông đảo người dân Việt Nam chọn lựa, sử dụng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong nhiều năm qua, Chính phủ và nhân dân Thụy Điển luôn là người bạn tốt, viện trợ, giúp đỡ to lớn cho nhân dân Việt Nam cả trong đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Trong thời kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các tập đoàn, doanh nghiệp Thụy Điển sẽ tiếp tục quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam với những công nghệ mới, tiến bộ và hiện đại; tham gia tích cực hơn nữa vào tiến trình phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam.
Cho rằng cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam là cơ hội tuyệt vời cho việc xúc tiến thương mại giữa hai nước, bà Ylva Berg, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Thụy Điển, bày tỏ cảm ơn Thủ tướng và các cơ quan chức năng của Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ tổ chức thành công chuyến thăm Việt Nam của Công chúa Kế vị Thụy Điển vừa qua.
Bà Ylva Berg tin tưởng chuyến thăm chính thức Thụy Điển lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tiếp tục tạo một dấu mốc mới trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Điển.
Các nhà lãnh đạo các tập đoàn Thụy Điển tham dự cuộc gặp phát biểu, cho rằng Thụy Điển có quan hệ hợp tác truyền thống với Việt Nam và hiện nay hai nước đang cùng có điểm chung là nỗ lực ứng phó với những thách thức toàn cầu.
Các tập đoàn Thụy Điển cùng bày tỏ mong muốn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU (EVFTA) sớm được ký kết, qua đó tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thương mại Thụy Điển vào Việt Nam.
Ông Jonas Samuelsson, Tổng Giám đốc điều hành của Electrolux - thương hiệu điện máy gia dụng rất nổi tiếng ở Việt Nam - cho biết, thị trường Việt Nam đem lại doanh thu 15 triệu USD hằng năm và là thị trường quan trọng nhất của Electrolux tại Đông Nam Á.
Ông Hakan Buskhe, CEO Saab, tập đoàn cung cấp giải pháp hàng đầu thế giới về quốc phòng, an ninh, hoạt động tại cả 5 châu lục, cho biết hằng năm tập đoàn này đầu tư 25% doanh thu vào lĩnh vực R&D. Saab đã có hoạt động hợp tác về quản lý không lưu, cảng biển tại Việt Nam và sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các đối tác Việt Nam.
Theo ông Frederic Jejding, Phó Chủ tịch điều hành của Tập đoàn viễn thông Ericsson - “gã khổng lồ” về viễn thông toàn cầu, tập đoàn này đã đầu tư tại Việt Nam từ 1993, cộng tác tốt với các nhà mạng tại Việt Nam.
Ericsson đang thiết lập cơ chế phối hợp cung cấp hạ tầng 5G tại Việt Nam, qua đó đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Ericsson mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa vào tiến trình đổi mới sáng tạo tại Việt Nam thông qua các giải pháp phầm mềm và công nghệ.
Ông Johan Soderstrom, CEO ABB Sweden - doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam từ 1998 - đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam và bày tỏ cam kết mạnh mẽ phát triển hợp tác với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực phát triển lưới điện tại Việt Nam.
Còn ông Magnus Calibarau, CEO Oriflame - hãng mỹ phẩm thân thuộc với phụ nữ Việt Nam - cho biết sản phẩm của hãng được kinh doanh trên 60 quốc gia, có trên 3 triệu đại lý, người bán hàng. Oriflame hoạt động tại Hà Nội từ năm 2003 với 300.000 người bán hàng, đem lại doanh thu 40 triệu USD.
Các ý kiến tại cuộc gặp đều bày tỏ mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Được Thủ tướng ủy quyền trao đổi tại cuộc gặp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao kết quả sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam của các tập đoàn hàng đầu Thụy Điển thời gian qua.
Bộ trưởng cũng đánh giá cao nhà đầu tư ABB trong việc hợp tác với Việt Nam nhằm hoàn thiện hệ thống lưới điện; đề nghị ABB tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong nghiên cứu xây dựng giải pháp đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện quốc gia và xây dựng giải pháp điều hành lưới điện.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tin tưởng doanh thu của các tập đoàn Thụy Điển chắc chắn sẽ tăng mạnh, nhất là sau khi EVFTA được ký kết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước những cam kết, mong muốn của các tập đoàn hàng đầu Thụy Điển mở rộng hơn nữa hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định các cơ quan liên quan sẽ hết sức hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp Thụy Điển đến với Việt Nam và mở rộng đầu tư tại đây.
Thủ tướng cho biết sẽ trực tiếp lắng nghe, tháo gỡ khó khăn để đưa khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại của Thụy Điển thông qua các tập đoàn quy mô lớn của Thụy Điển vào thị trường Việt Nam.
Với ưu thế là cửa ngõ thị trường ASEAN và nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và đang chuẩn bị được ký kết, Việt Nam là thị trường rộng mở cho các doanh nghiệp Thụy Điển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng không chỉ là sự nối tiếp truyền thống, hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam còn là thời cơ quan trọng mà các doanh nghiệp Thụy Điển cần nắm bắt.
** Ngay sau khi đến Thủ đô Stockholm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn Cấp cao Việt Nam đã tới thăm, gặp mặt nhân viên, cán bộ Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Thụy Điển./.
Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị  (27/05/2019)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 20 đến 26-5-2019  (27/05/2019)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 20 đến 26-5-2019)  (27/05/2019)
Hợp tác phát triển, bảo đảm an ninh năng lượng Việt Nam - Ấn Độ  (27/05/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên