Kết quả bầu cử là điểm tựa để Ấn Độ vươn tới cường quốc toàn cầu
Kết quả vượt quá kỳ vọng
Chiến thắng trong bầu cử Hạ viện Ấn Độ thuộc về đảng Nhân dân Ấn Độ của Thủ tướng Narendra Modi.
Ngày 24-5, Ủy ban Bầu cử Ấn Độ (IEC) đã công bố kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử Hạ viện Ấn Độ khóa 17, với chiến thắng thuộc về đảng Nhân dân Ấn Độ của Thủ tướng Narendra Modi.
Theo IEC, đảng BJP dẫn đầu với 303 ghế trong tổng số 542 ghế được bầu, vượt xa con số 272 ghế để có đa số tại Hạ viện. Đây là số ghế cao nhất mà BJP giành được trong các cuộc bầu cử Hạ viện từ trước đến nay. Trong khi đó, đảng Quốc đại (INC), đảng đối lập chính, nhận được 52 ghế.
Với kết quả này, ông Modi đã tái đắc cử Thủ tướng nhiệm kỳ hai trong 5 năm tới. Chiến thắng này sẽ cho phép ông Modi thúc đẩy các kế hoạch cải cách nhằm giảm thất nghiệp, cũng như giải quyết những vấn đề khó khăn đối với khu vực nông thôn.
Đây là cuộc bầu cử lập pháp kéo dài nhất thế giới, bắt đầu từ ngày 11-4 đến 19-5, theo 7 giai đoạn. Cuộc tổng tuyển cử năm nay chứng kiến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt mức cao kỷ lục 67,11%, so với mức 66,40% trong kỳ bầu cử năm 2014.
Nguyên nhân thắng lợi vang dội
Bầu cử Hạ viện Ấn Độ là một hành trình marathon kéo dài gần 2 tháng với quá trình bầu cử 7 giai đoạn. Kết quả, cử tri Ấn Độ đã lựa chọn gương mặt lãnh đạo đất nước trong 5 năm tiếp theo. Không có gì bất ngờ khi Liên minh dân chủ quốc gia do đảng Nhân dân Ấn Độ và Thủ tướng Narendra Modi dẫn dắt tiếp tục giành thắng lợi, nhưng chiến thắng vang dội của BJP đã vượt quá kỳ vọng. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1984, một đảng tại Ấn Độ giành được thế đa số tuyệt đối trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Có nhiều luận giải về nguyên nhân chiến thắng của BJP và liên minh. Ông Modi và những cộng sự đã thành công trong việc triển khai chiến dịch vận động tranh cử hiệu quả, tập trung vào sự ủng hộ của đông đảo cử tri bình dân. Yếu tố cá nhân, khả năng hùng biện và khai thác tốt cảm xúc của cử tri với sự hỗ trợ của truyền thông và mạng xã hội đã định hình trong lòng cử tri về hình ảnh một Thủ tướng Modi như là đại diện của chủ nghĩa dân tộc Hindutva. Phản ứng của Chính phủ Ấn Độ sau vụ khủng bố Pulwama hôm 14-02 đã khơi dậy tinh thần dân tộc và xây dựng hình ảnh về một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán. An ninh quốc gia và tinh thần dân tộc đã thúc đẩy nhân dân đoàn kết xích lại gần nhau, nhất là trong cộng đồng người Hindu đông đảo, vượt qua yếu tố đẳng cấp vốn nặng nề trong xã hội. Tuy nhiên, trên tất cả, sự tín nhiệm của cử tri đã chứng minh tính đúng đắn và hiệu quả của những chính sách và sáng kiến của chính phủ cầm quyền với những bước đi mạnh mẽ và táo bạo trên tất cả các mặt trận, từ việc quyết đoán trong vấn đề an ninh quốc gia đến tích cực thúc đẩy các cải cách giúp nền kinh tế cất cánh và nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là những người ở tầng lớp thấp và ở vùng nông thôn.
Dấu ấn của Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đra Mô-đi trong 5 năm cầm quyền
Sau 5 năm cầm quyền, chính phủ BJP dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi đã tạo ra nhiều dấu ấn cả đối nội và đối ngoại. Trong nhiệm kỳ 5 năm của mình, ông Modi đã thực hiện 41 chuyến công du tới 59 nước và là Thủ tướng Ấn Độ thực hiện nhiều chuyến công du nước ngoài nhất. Với việc Ấn Độ tiếp tục dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Modi, chính sách đối ngoại của nước này trong 5 năm tới về cơ bản sẽ ít có sự thay đổi lớn.
Trong 5 năm qua kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 5-2014, Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đra Mô-đi đã triển khai chính sách đối ngoại toàn diện, đa phương, “đa liên kết” với những bước đi ngoại giao quyết liệt, khôn khéo, kết hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia, đưa Ấn Độ trở thành cường quốc khu vực và thế giới. Với hai mục tiêu lớn là phát triển kinh tế và gia tăng vị thế quốc tế của đất nước, trong đó tập trung vào vai trò ngoại giao cấp cao, ngoại giao láng giềng, điều chỉnh quan hệ với các nước lớn và ngoại giao kinh tế, chính sách đối ngoại của Ấn Độ đang được triển khai tích cực, bước đầu đạt được mục tiêu trong việc nâng cao vai trò của nước này trong cấu trúc quyền lực khu vực và ảnh hưởng trên toàn cầu, hứa hẹn những thay đổi tương quan so sánh lực lượng có lợi cho Ấn Độ.
Từ khi lên cầm quyền, Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi đã tiến hành những bước thay đổi mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại nhằm khôi phục những mối quan hệ trước đây với các nước lớn, tập trung xoay quanh ba mục tiêu chính: Thứ nhất, nâng quan hệ chiến lược với các nước lớn lên đúng tầm, từ đó tạo điều kiện cho Ấn Độ trở thành một lực lượng quan trọng trong bàn cờ chính trị toàn cầu; Thứ hai, tái sắp xếp “bàn cờ” khu vực Nam Á, củng cố tầm ảnh hưởng bao trùm của Ấn Độ trong khu vực; Thứ ba, tăng cường hợp tác với các nước lớn và các nước láng giềng, hướng tới mục tiêu và lợi ích an ninh và kinh tế của Ấn Độ.
Kể từ khi giành độc lập, Ấn Độ đã theo đuổi chính sách đối ngoại không liên kết, đưa nước này thành quốc gia dẫn đầu phong trào không liên kết trên toàn cầu. Tuy nhiên, Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi đã chuyển sang không liên kết có lựa chọn hay còn gọi là "không liên kết +". Ngay từ đầu nhiệm kì, Thủ tướng Modi đã yêu cầu giới ngoại giao phải đưa Ấn Độ "giữ vị trí lãnh đạo hơn là một lực lượng chỉ mang tính cân bằng trên toàn cầu". Bí thư đối ngoại Ấn Độ Vijay Gokhale cho biết Ấn Độ đã chuyển từ quốc gia không liên kết trong quá khứ thành một quốc gia liên kết, nhưng trên từng vấn đề cụ thể. Ông Gokhale cũng nhấn mạnh đã đến lúc Ấn Độ trở thành một phần của tiến trình tạo ra luật lệ và nước này sẽ có vị thế mạnh mẽ hơn trong các thể chế đa phương.
Thủ tướng Modi định nghĩa tự chủ chiến lược là một mục tiêu có thể đạt được thông qua việc tăng cường quan hệ đối tác hơn là tránh các mối quan hệ như vậy. Trên thực tế, Ấn Độ đã tích cực đa dạng hóa và tham gia nhiều cặp quan hệ để cân bằng chính sách đối ngoại của mình. Trong khi thúc đẩy quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, Australia trong liên minh bộ tứ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Ấn Độ đồng thời tăng cường tam giác quan hệ với Trung Quốc và Nga. Trong bối cảnh thế giới thay đổi mạnh mẽ và khó lường, Thủ tướng Modi đã thành công trong việc truyền đạt mối quan tâm của mình tới tất cả các bên. Điều này thể hiện chính sách mềm mỏng trong quan hệ và cân bằng quyền lực với các nước lớn.
Bên cạnh việc vươn tầm ra thế giới, tăng cường ảnh hưởng tại khu vực vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay. Dưới thời Thủ tướng Modi, chính sách hướng Đông đã được nâng cấp thành Hành động hướng Đông trong khi ra đời chính sách "Nghĩ về phía Tây". Cả hai điều này đều nhằm liên kết Ấn Độ nhiều hơn với châu Á. Thông điệp rõ ràng của Ấn Độ dưới thời BJP là New Delhi sẽ hành động theo điều kiện và quy định của mình để khéo léo đóng vai trò như một nhân tố cân bằng châu Á.
Tham vọng nâng cao ảnh hưởng và vị thế, Thủ tướng Modi được đánh giá đang đưa Ấn Độ từ một quốc gia thụ động sang đối ngoại chủ động, đặc biệt trong quan hệ với các nước lớn. Ấn Độ đã gia tăng ảnh hưởng tại châu Á, tiếp cận mạnh hơn với các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Australia, Việt Nam, Singapore…Ấn Độ cũng tăng cường ảnh hưởng tới các quốc gia xa xôi tại châu Phi và Mỹ Latinh - nơi New Delhi vốn tụt hậu so với các cường quốc khác.
Đối với châu Âu, Ấn Độ dưới thời ông Modi đã nỗ lực đưa khu vực này trở lại vị trí trung tâm trong ý thức toàn cầu của mình. Thành công lớn trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Modi là vượt qua "tâm lý thuộc địa" và chiến tranh lạnh để xích lại gần hơn với châu Âu. Lần đầu tiên trong 50 năm, Ấn Độ đã tham gia lễ khai mạc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, bất chấp sự phản đối của Pakistan. Với việc sử dụng sức mạnh quân sự trong cuộc chiến chống khủng bố và đưa máy bay tấn công sâu vào lãnh thổ Pakistan tại Balakot hôm 27-02 - điều mà New Delhi đã tránh trong một thời gian dài - Ấn Độ cho thấy đang thay đổi nguyên tắc cơ bản về an ninh và đối ngoại.
Ấn Độ cũng đã thúc đẩy mạnh mẽ quảng bá sức mạnh mềm, coi đây là công cụ quan trọng để truyền bá ảnh hưởng và nâng tầm vị thế đất nước. Ấn Độ đã thành công trong việc thông qua ngày Yoga thế giới và tham vọng đưa tiếng Hindi trở thành ngôn ngữ Liên hợp quốc. Năm năm qua, Thủ tướng Modi đã thay đổi cách tiếp cận của Ấn Độ đối với cộng đồng Ấn kiều khi trở thành thủ tướng đầu tiên coi di cư là quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế đất nước.
Nhìn chung, Ấn Độ dưới thời ông Modi đang ngày một chủ động, từ một quốc gia thận trọng dường như đã sẵn sàng đảm nhận vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Với việc Thủ tướng Modi sẽ tiếp tục tại nhiệm, chính sách đối ngoại thực dụng trong 5 năm qua sẽ tiếp tục được chính quyền mới theo đuổi.
Những định hướng trong nhiệm kỳ tới và thách thức
Về đối nội, Thủ tướng Modi trước mắt tập trung vào việc sắp xếp nội các. Ngoài Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj đã tuyên bố nghỉ hưu, nhiều khả năng lãnh đạo của các bộ chủ chốt như Quốc phòng, Tài chính, Nội vụ cũng sẽ thay đổi. Ổn định chính trị trong nước và an ninh quốc gia sẽ là ưu tiên hàng đầu. Phát biểu tại trụ sở đảng BJP chiều 23-5, ông Modi khẳng định sẽ vì lợi ích và sự tiến bộ của Ấn Độ, đưa mọi người cùng đi trên con đường phát triển. Do đó, ông sẽ lãng quên tất cả những công kích chống lại ông trong giai đoạn tranh cử. Thủ tướng Modi khẳng định chính phủ có thể được bầu ra bởi một tỷ lệ đa số, nhưng đất nước sẽ được điều hành trên cơ sở đồng thuận. Đến năm 2022, Ấn Độ sẽ trở thành một nước mạnh và thế giới ngày nay sẽ phải chú ý đến Ấn Độ như một siêu cường.
Với thắng lợi tuyệt đối của đảng BJP, ông Modi sẽ có nhiều không gian để triển khai các kế hoạch theo quyết định của mình. Việc lãnh đạo một số đảng, trong đó có Chủ tịch Quốc đại Rahul Gandhi đã thừa nhận thất bại và gửi lời chúc mừng Thủ tướng Modi và BJP, sẽ góp phần đảm bảo sự ổn định của đất nước và không có nguy cơ gây phức tạp tình hình sau bầu cử.
Tuy nhiên, những trở ngại về bộ máy bảo thủ, trì trệ cản trở nỗ lực thay đổi của Thủ tướng Modi, tiềm lực tài chính hạn chế và nền kinh tế còn khó khăn với tỷ lệ nghèo đói cao, cơ cấu chính trị trong nước với vai trò lãnh đạo của đảng địa phương gây phân tán việc điều hành chính sách vĩ mô của chính phủ trung ương..., sẽ là những thách thức mà ông Modi cần phải vượt qua. Là người lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Modi cần sự đoàn kết, thống nhất và xây dựng quan hệ hợp tác với tất cả lãnh đạo các đảng vì lợi ích chung. Các thách thức khác như vấn đề Kashmir và quan hệ với Pakistan cũng như ứng xử với cộng đồng người Hồi giáo gần 200 triệu dân cần những chính sách và quyết định khéo léo, thông minh.
Sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân cũng tạo niềm tin và điều kiện thuận lợi để Thủ tướng Modi tiếp tục triển khai các chính sách cải cách kinh tế đã và đang thực hiện như “Make in India” “India Digital”, “Smart City” cũng như các chính sách tài chính vĩ mô… Tái cấu trúc nền kinh tế, đưa Ấn Độ trở thành công xưởng sản xuất của thế giới để phát triển đất nước và nâng cao đời sống nhân dân sẽ là nhiệm vụ nặng nề và phép thử chứng minh lòng tin của nhân dân cũng như là tiêu chí đảm bảo thành công của một nhiệm kì 5 năm tiếp theo.
Cho dù còn nhiều thách thức, nhưng cơ hội đang mở ra cho cho quốc gia Nam Á đứng thứ hai về dân số và thứ sáu về quy mô kinh tế thế giới. Niềm tin của nhân dân đặt vào đảng BJP và Thủ tướng Modi sẽ là điểm tựa và động lực cho một nước Ấn Độ đang vươn lên trở thành cường quốc toàn cầu./.
Hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Na Uy  (24/05/2019)
Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2018  (24/05/2019)
EVNNPC: Khai mạc Hội thao công nhân viên chức lao động năm 2019  (24/05/2019)
Góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt trong giai đoạn mới  (24/05/2019)
Kỳ họp thứ 10 Hội đồng Lý luận Trung ương  (24/05/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên