Lãnh đạo Đảng, Nhà nước hội kiến Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Win Myint
Myanmar sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp
Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Win Myint sang thăm Việt Nam và dự
Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần thứ 16 - Vesak 2019.
Sáng 11-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Myanmar Win Myint.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng nhiệt liệt chào mừng Ngài Win Myint thăm Việt Nam và tham dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019; đồng thời, gửi những lời chúc mừng tốt đẹp đến Chính phủ và nhân dân Myanmar nhân dịp Tết cổ truyền Thingyan của Myanmar.
Tổng thống Win Myint bày tỏ vui mừng lần đầu tiên sang thăm Việt Nam; chúc mừng những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong công cuộc đổi mới, chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp; bày tỏ mong muốn được học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực dệt may, sản xuất giấy, giày da và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sớm thăm Myanmar.
Tổng thống Win Myint cảm động nhắc lại những mốc chính trong quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai nước, nhấn mạnh vai trò của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Lãnh tụ Aung San trong việc xây dựng và vun đắp cho quan hệ Việt Nam-Myanmar nhiều năm trước khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng trước những bước phát triển ngày càng mạnh mẽ của quan hệ hai nước trên các lĩnh vực, nhất là từ sau khi nâng cấp lên Đối tác Hợp tác Toàn diện năm 2017; tái khẳng định sự coi trọng và mong muốn đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả thực chất, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì sự phát triển của Cộng đồng ASEAN và hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao kết quả các chuyến thăm cấp cao gần đây giữa hai nước, trong đó có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Myanmar của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng năm 2017 và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Cố vấn Cấp cao Nhà nước Myanmar Ong San Su Chi năm 2018; nhất trí thắt chặt hơn nữa tin cậy chính trị thông qua việc đẩy mạnh các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh.
Hai bên đánh giá hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư là điểm sáng trong quan hệ hai nước, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 860 triệu USD, đầu tư của Việt Nam tại Myanmar hiện đạt 2,1 tỷ USD với 18 dự án lớn.
Hai bên cam kết làm sâu sắc hơn hợp tác trong lĩnh vực này trên cơ sở hai bên cùng có lợi; tăng cường hợp tác và tìm kiếm các phương thức mới nhằm sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 1 tỷ USD.
Tổng thống Myanmar đánh giá các dự án đầu tư của Việt Nam tại Myanmar đang góp phần tích cực vào quá trình phát triển bền vững, nâng cao mức sống người dân Myanmar; hoan nghênh doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư vào Myanmar, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, điện, du lịch, dầu khí… ; nhất trí tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam trên cơ sở luật pháp và quy định của Myanmar.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Tổng thống Myanmar quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan giải quyết thỏa đáng các vướng mắc cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Hai bên đánh giá cao những bước phát triển gần đây trong hợp tác quốc phòng và an ninh; nhất trí bên cạnh việc triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được, hai bên sẽ nghiên cứu mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực tiềm năng như hải quân, quân y, công nghiệp quốc phòng, hậu cần, cứu hộ-cứu nạn; tăng cường hợp tác phòng, chống các loại tội phạm có liên quan đến an ninh quốc gia của hai nước và khu vực; thúc đẩy đàm phán để sớm ký Bản Ghi nhớ về hợp tác tương trợ lẫn nhau trong các vấn đề về hình sự.
Hai nhà lãnh đạo cũng cho rằng hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực khác, nhất là nông-lâm-ngư nghiệp; giao thông vận tải, du lịch, viễn thông, giáo dục, văn hóa.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Myanmar quan tâm thúc đẩy các dự án nông nghiệp và thủy sản đã có giữa hai nước nhưng chưa phát triển như mong muốn; giải quyết thuận lợi việc cấp đất cho các dự án phát triển cây công nghiệp của Việt Nam tại Myanmar; thúc đẩy phát triển các dự án kết nối đường bộ và vận tải biển ven bờ, trước mắt, sớm khảo sát tuyến đường thuộc phần lãnh thổ của Myanmar để kết nối với tuyến Hà Nội-Tây Trang đi Lào, đưa vào Hành lang Kinh tế Đông-Tây.
Tổng thống Myanmar đánh giá du lịch là thế mạnh của hai nước, nhất trí đẩy mạnh các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch, sớm thảo luận việc nâng thời hạn miễn thị thực từ 14 ngày hiện nay thành 30 ngày cho người mang hộ chiếu phổ thông hai nước.
Tổng thống Myanmar cũng đánh giá cao hoạt động và đóng góp của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tại Myanmar; ghi nhận các đề nghị về việc quan tâm cho phép các nhà mạng Việt Nam triển khai thi công hạ tầng mạng lưới viễn thông; mở trường đại học về ICT nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường, cung cấp dịch vụ cho Chính phủ và người dân Myanmar.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác tại các diễn đàn đa phương và tiểu vùng, trong đó có CLMV, GMS, ACMECS.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Myanmar đã cam kết ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Tổng thống Myanmar khẳng định sẽ hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 nhằm tiếp tục phát triển Cộng đồng ASEAN, phát huy vai trò trung tâm và củng cố đoàn kết của ASEAN.
Nhân dịp này, Tổng thống Myanmar nhắc lại lời cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc đã cử Đặc phái viên của Thủ tướng sang thăm và thông báo hỗ trợ Myanmar 100.000 USD cho Myanmar giải quyết vấn đề Rakhai.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; khẳng định ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; cam kết ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi Tổng thống Win Myint nhận lời tham dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019.
Tổng thống Win Myint bày tỏ tin tưởng với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững," Đại lễ năm nay sẽ góp phần phát huy cốt lõi của đạo Phật để giải quyết những thách thức lớn, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển, đáp ứng nguyện vọng của Phật tử và nhân dân trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam và Myanmar.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Tổng thống Myanmar
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Tổng thống Myanmar Win Myint.
Chiều 11-5, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Tổng thống Myanmar Win Myint. Chủ tịch Quốc hội chào mừng Tổng thống và Đoàn đại biểu cấp cao Myanmar sang Việt Nam tham dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak 2019).
Nhân dịp nhân dân Myanmar vừa đón Tết cổ truyền Thingyan với nhiều hoạt động vui tươi và đầm ấm, Chủ tịch Quốc hội chúc Tổng thống, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Myanmar một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Thay mặt Quốc hội và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội chúc mừng những thành tựu của Chính phủ Myanmar trong xây dựng và phát triển đất nước, thực hiện tiến trình hòa hợp dân tộc, đưa đất nước Myanmar phát triển thịnh vượng, không ngừng nâng cao vị thế ở khu vực và trên trường quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ những ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Myanmar trong chuyến thăm chính thức Myanmar năm 2016, đặc biệt là tinh thần tự cường, bất khuất và cần cù của người dân Myanmar.
Nhấn mạnh Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak 2019) là sự kiện quan trọng của Phật tử trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam và Myanmar, Chủ tịch Quốc hội cho rằng sự có mặt của Tổng thống Win Myint và Đoàn đại biểu Myanmar sẽ góp phần vào thành công chung của Đại lễ, qua đó tôn vinh tư tưởng khoan dung, vị tha, hòa hợp của đạo Phật, góp phần xây dựng hòa bình, hợp tác ở khu vực.
Tổng thống Myanmar Win Myint cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian cho cuộc tiếp và cho biết đây là lần đầu tiên đến Việt Nam trên cương vị Tổng thống.
Nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa Myanmar và Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tướng Aung San đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước các thế hệ sau tiếp tục dày công vun đắp, Tổng thống cho biết với sự hỗ trợ giúp đỡ của các đối tác phát triển và những người bạn như Việt Nam đã góp phần giúp Myanmar phát triển đất nước.
Vui mừng vì hai quốc gia hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn khu vực và thế giới, Tổng thống khẳng định Myanmar ủng hộ Việt Nam ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; đồng thời cho biết, trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình ông sẽ đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư...
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Myanmar có bề dày lịch sử. Myanmar là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và trân trọng sự ủng hộ quý báu của Nhà nước, nhân dân Myanmar trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng thời gian gần đây, quan hệ hai nước có những bước phát triển mạnh mẽ, nổi bật là việc nâng cấp lên quan hệ lên Đối tác Hợp tác Toàn diện (2017).
Hai bên duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao trên các kênh, trong đó có kênh Nghị viện; thúc đẩy thực hiện hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, mở rộng giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương. Hợp tác giữa Quốc hội hai nước thời gian qua phát triển rất tốt đẹp. Lãnh đạo Quốc hội hai nước thường xuyên thăm lẫn nhau, góp phần tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Việt Nam hiện là nhà đầu tư thứ 7 trong số 49 quốc gia đầu tư tại Myanmar với 18 dự án và 2,1 tỷ USD vốn đầu tư. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng mạnh, từ 152,3 triệu USD năm 2010 lên gần 860 triệu USD năm 2018, hai nước đang hướng tới mục tiêu 1 tỷ USD như đã đề ra. Bên cạnh đó, hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng và thế mạnh cần khai thác.
Quốc hội hai nước phối hợp chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) và Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU).
Nhất trí với ý kiến đề xuất của Chủ tịch Quốc hội, Tổng thống Win Myint cho biết năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN, Quốc hội Việt Nam là Chủ tịch AIPA, Myanmar tích cực ủng hộ Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN và AIPA, nhằm tiếp tục đóng góp tích cực cho việc phát triển Cộng đồng ASEAN, phát huy vai trò trung tâm ASEAN trong giải quyết các thách thức chung ở khu vực./.
25 năm quan hệ thương mại và đầu tư Hoa Kỳ - Việt Nam  (12/05/2019)
Hoạt động tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV  (12/05/2019)
Biểu hiện sinh động cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam - Nepal  (11/05/2019)
Nguy cơ sụp đổ thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA)  (11/05/2019)
Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal  (11/05/2019)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội tiếp Phó Tổng thống Ấn Độ  (10/05/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển