25 năm quan hệ thương mại và đầu tư Hoa Kỳ - Việt Nam
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gặp mặt đại diện một số nhà đầu tư Hoa Kỳ trước phiên khai mạc.
Đây là lần thứ 3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ (AmCham) và Phòng thương mại Hoa Kỳ phối hợp tổ chức Hội nghị. Hội nghị thu hút sự tham gia của khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ, trong đó có những tên tuổi lớn như: Exxon Mobil, Amazon, Cocacola, Google, Facebook, Paypal, Visa… và nhiều nhà đầu tư mới.
25 năm phát triển quan hệ kinh tế, thương mại
Từ tháng 02-1994, khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam, một trang mới trong quan hệ thương mại giữa hai nước đã bắt đầu. Kể từ đó, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng gần 120 lần, từ mức 450 triệu USD (năm 1994) lên hơn 60 tỷ USD (năm 2018). Trong nhiều năm liên tục, Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất của Hoa Kỳ.
Khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO vào năm 2007, giá trị xuất nhập khẩu song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mới đạt con số gần 11,8 tỷ USD nhưng đến năm 2018 con số này đã lên đến hơn 60 tỷ USD, gấp 5 lần thời điểm 2007. Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 47,52 tỷ USD, gấp 5 lần và trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Hoa Kỳ đạt tới 12,75 tỷ USD, gấp tới 8 lần. Trong chuyến thăm Việt Nam dự Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2 vừa qua của Tổng thống Trump, các nhà lãnh đạo hai nước đã chứng kiến lễ ký các hợp đồng thương mại lên tới hơn 21 tỷ USD.
Với tốc độ tăng trưởng ở mức cao, Hoa Kỳ duy trì vị thế là đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20% trong tổng trị giá xuất khẩu.
Đồng thời, nền kinh tế lớn nhất thế giới này cũng là thị trường đứng thứ 5 về cung cấp hàng hóa cho Việt Nam, chiếm tỷ trọng 5% trong tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của nước ta. Tính chung về quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu, Hoa Kỳ đứng vị trí thứ 3 trong số hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ ngoại thương với Việt Nam (sau Trung Quốc và Hàn Quốc).
Không chỉ năm 2018 mà trong nhiều năm qua, Việt Nam liên tục duy trì được thặng dư thương mại với Hoa Kỳ. Đáng lưu ý, trong 3 đối tác thương mại lớn nhất, Hoa Kỳ là thành viên duy nhất Việt Nam đạt thặng dư thương mại với con số xuất siêu gần 35 tỷ USD trong năm 2018, trong khi Việt Nam nhập siêu lớn từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong những tháng đầu năm 2019 vẫn tiếp đà tăng. Từ đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ có bước tăng trưởng "thần tốc", chỉ riêng tháng đầu tiên của năm 2019 đã đạt hơn 5,151 tỷ USD, tăng tới 42,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ cao hơn 4,7 lần tốc độ bình quân của tất cả các thị trường khác.
Xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ được dự báo sẽ có những vận hội mới, có thể đạt kim ngạch đến 56,1 tỷ USD trong năm 2020. Nhận định về tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ, bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cả Việt Nam và Hoa Kỳ đang nỗ lực để gỡ bỏ các rào cản liên quan đến hàng rào kỹ thuật, khâu thủ tục để có được thương mại công bằng và mở rộng thị trường cho cả hai bên.
Tuy Hoa Kỳ là thị trường khó tính, đòi hỏi cao nhưng là một thị trường với tiềm năng xuất khẩu còn rất lớn, mà các doanh nghiệp Việt (đặc biệt trong ngành hàng nông sản) vẫn chưa khai thác hết. Bởi vậy, điều quan trọng là doanh nghiệp Việt cần khắc phục mặt hạn chế và học cách thích ứng với thị trường khó tính này.
Tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư song phương
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao và cảm ơn sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong suốt chặng đường 25 năm qua. Phó Thủ tướng khẳng định trong mỗi bước phát triển của quan hệ hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại cộng đồng doanh nghiệp hai nước đều đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng với các đại diện doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Có những bước phát triển nhanh, vượt bậc cả về tầm mức và chiều sâu trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ thời gian qua, với nhiều sự kiện mang ý nghĩa lịch sử như: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo một nước ASEAN đầu tiên thăm chính thức Hoa Kỳ ngay sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức; Tổng thống Trump là vị Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm Việt Nam 2 lần trong một nhiệm kỳ. Phó Thủ tướng nhấn mạnh chính sách xuyên suốt của Việt Nam là coi Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng hàng đầu, mong muốn tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Hoa Kỳ, trong đó hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục là nền tảng và động lực của quan hệ hai nước.
Nhiều năm qua, Hoa Kỳ liên tục là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 130 lần kể từ năm 1994 đến nay. Xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam tiếp tục tăng mạnh (tăng gần 40% trong năm 2018). Hiện có 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký hơn 340 tỷ USD, trong đó Hoa Kỳ có 900 dự án còn hiệu lực với tổng giá trị hơn 9 tỷ USD.
Phó Thủ tướng nhận định, nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng gia tăng tính bổ trợ lẫn nhau. Trong khi Việt Nam có các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ như thủy sản, hạt điều, dệt may, da giày… thì Hoa Kỳ cung cấp cho Việt Nam những sản phẩm công nghệ cao, trong đó phải kể đến các dự án đầu tư năng lượng hay các hợp đồng mua máy bay...
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có những biến động nhanh, phức tạp, khó lường, Việt Nam quyết tâm hội nhập ngày càng sâu rộng và chủ động vào thể chế đa phương, thể hiện qua việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tham gia và phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái bình Dương (CPTPP).
Phó Thủ tướng cũng tái khẳng định quyết tâm của Việt Nam xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, kinh doanh hiệu quả, thành công tại Việt Nam, đặc biệt trong những lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam đang mong muốn phát triển như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và bền vững, kết cấu hạ tầng, tài chính ngân hàng, giáo dục đào tạo, du lịch, công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao…
“Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ lần này nên được coi là một trong những hoạt động nhằm kiến tạo và phát huy các cơ hội kinh doanh đầu tư giữa hai nước đồng thời cũng là một nỗ lực tiếp nối để phát triển những thành quả trên”, Phó Thủ tướng đề xuất và được cộng đồng doanh nghiệp hai nước hưởng ứng.
Phó Thủ tướng mong muốn VCCI, Phòng Thương mại Hoa Kỳ, AmCham tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ kết nối kinh doanh và đầu tư. Doanh nghiệp hai bên tiếp tục sử dụng hiệu quả cơ chế của Hiệp định khung về Thương mại và đầu tư (TIFA), trong đó tập trung vào triển khai và phát huy cơ chế cảnh báo sớm để mỗi bên có sự chuẩn bị kịp thời đối với tác động của các chính sách, quy định mới.
Còn theo các chuyên gia, quan hệ thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ trong năm 2019 nhiều khả năng sẽ có những thay đổi quan trọng, cả về chất lượng. Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững vào Hoa Kỳ, theo ông Bùi Huy Sơn - Tham tán Công sứ, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, các cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ tạo môi trường chính sách thuận lợi, ổn định, nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng thương hiệu, tận dụng tốt hệ thống phân phối, triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại.
Đặc biệt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Bên cạnh các chương trình và định hướng chung về tăng cường hỗ trợ xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc xây dựng thương hiệu, dỡ bỏ thuế, tháo gỡ hàng rào kỹ thuật, Bộ Công Thương còn có các đề án lớn nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu, nhất là sản phẩm của các ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, ngoài các chính sách hỗ trợ, theo Bộ trưởng các doanh nghiệp phải chủ động phát triển thị trường để nâng cao năng lực sản xuất trong nước; đồng thời gắn kết sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh hiệu quả để thâm nhập sâu hơn vào thị trường này và góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Một số chuyên gia nhìn nhận rằng, cả phía nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam cần có những chuẩn bị cẩn trọng về đề xuất chính sách để phát triển quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ sang một trạng thái mới với quy mô lớn hơn, lợi ích nhiều hơn, tương xứng với quy mô kinh tế và thương mại, đầu tư gia tăng của quan hệ song phương. Các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược nghiên cứu, đầu tư và phát triển sang thị trường Hoa Kỳ trên cơ sở kết nối theo chuỗi với các doanh nghiệp và đối tác nội địa của Hoa Kỳ trên cơ sở tuân thủ luật pháp của Hoa Kỳ... Tuy nhiên các chuyên gia cũng khuyến cáo, việc đa dạng hóa thị trường và đối tác vẫn cần tiếp tục được thực hiện hiệu quả để tránh quá tập trung vào thị trường Hoa Kỳ dễ gặp rủi ro bất ngờ.
25 năm qua, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận đã khép lại những khó khăn, thăng trầm trong quá khứ, đồng thời một chương mới đầy hứa hẹn trong quan hệ thương mại giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã được mở ra. Phát biểu tại lễ kỷ niệm 25 năm bình thường hoá quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam (tháng 01-2019), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu và sẵn sàng cùng Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác trên mọi lĩnh vực"./.
Hoạt động tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV  (12/05/2019)
Biểu hiện sinh động cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam - Nepal  (11/05/2019)
Nguy cơ sụp đổ thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA)  (11/05/2019)
Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal  (11/05/2019)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội tiếp Phó Tổng thống Ấn Độ  (10/05/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển