Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 12 đến 18-11-2018)
TCCSĐT - Tiếp nối lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Diễn đàn Hòa bình Paris lần thứ nhất đã diễn ra từ ngày 11 đến 13-11 tại thủ đô Paris (Pháp). Trong bối cảnh gia tăng căng thẳng trên thế giới hiện nay, diễn đàn hứa hẹn trở thành điểm hẹn hằng năm của các dự án, ý tưởng và sáng kiến, góp phần hình thành một tiến trình hợp tác quốc tế tốt hơn đối với các thách thức lớn toàn cầu, một quá trình toàn cầu hóa công bằng hơn và bình đẳng hơn, cũng như một hệ thống đa phương hiệu quả hơn.
Diễn đàn hòa bình Paris: Cơ hội hợp tác để giải quyết những thách thức toàn cầu
Thủ tướng Đức A. Merkel và Tổng thống Pháp E. Macron tại Diễn đàn Hòa bình Paris. Ảnh: TTXVN
Diễn đàn Paris với sự tham dự của 60 nguyên thủ và lãnh đạo quốc gia lần này xoay quanh 5 chủ đề: hòa bình và an ninh, phát triển, môi trường, kinh tế toàn diện, kỹ thuật số và công nghệ mới. Diễn đàn gồm 3 không gian tranh luận, giải pháp và sáng tạo kết nối với nhau. Không gian tranh luận là nơi các ý tưởng và sáng kiến được bàn thảo và đi đến các kết luận có thể thực thi. Tại không gian giải pháp, các cá nhân và tổ chức trình bày các dự án quản trị thế giới liên quan đến 5 chủ đề của diễn đàn. Không gian sáng tạo dành cho các nhóm lập trình và phát triển phần mềm về việc minh bạch các số liệu tài chính.
Tại Diễn đàn, Tổng thống Pháp E. Macron cho biết mục đích của Diễn đàn Hòa bình Paris là thúc đẩy hành động cụ thể nhằm bảo đảm những hành động này sẽ mang lại hòa bình lâu dài. Tổng thống E. Macron một lần nữa cảnh báo thế giới hiện đang bị suy yếu bởi sự trở lại của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, phân biệt chủng tộc, tư tưởng cực đoan... Điều đáng lo ngại là những bi kịch trong quá khứ đang có nguy cơ trỗi dậy “sẵn sàng thực thi các mục tiêu chết chóc, gây hỗn loạn”, phá hỏng di sản hòa bình mà thế giới từng phải trả bằng xương máu mới giành được, đặt ra một thách thức lớn đối với hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, Tổng thống E. Macron cũng chỉ ra rằng, khủng bố, tội phạm mạng, biến đổi khí hậu và những rủi ro toàn cầu khác là những hiểm họa tiềm năng.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thư ký Liên hợp quốc A. Guterres cho rằng, dường như hiện đang xuất hiện một yếu tố địa chính trị “vô hình” nhưng đáng lo ngại vì tương tự như yếu tố đã dẫn đến Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres nhấn mạnh, cơ chế đa phương trong hợp tác quốc tế không chỉ là một hy vọng cho thế giới, mà là điều vô cùng cần thiết. Còn Thủ tướng Đức A. Merkel nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét lại hợp tác quốc tế, cân bằng lợi ích giữa các bên và thậm chí cả Dự án hòa bình châu Âu ra đời sau năm 1945. Những tín hiệu tích cực cũng phát đi từ Diễn đàn Hòa bình Paris, đó là việc Tổng thống Nga V. Putin tuyên bố Nga sẵn sàng đối thoại toàn diện với Mỹ về Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), vốn bị Tổng thống Mỹ D. Trump đe dọa hủy bỏ.
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống E. Macron chọn thời điểm tròn 100 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất để đăng cai tổ chức Diễn đàn Hòa bình Paris lần thứ nhất. Việc làm sống lại hồi ức về một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất trên thế giới là cách để cộng đồng quốc tế lưu ý hơn tới những thách thức mà thế giới hiện đại đang phải đương đầu.
Thế giới ngày nay đang phải chịu nhiều yếu tố tiêu cực mới nổi lên như khủng bố Hồi giáo cực đoan, an ninh mạng, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu... Sự chia rẽ và bất ổn, các cuộc xung đột với những điểm nóng xung đột mới cũng đã trở thành những thách thức lớn đối với thế giới. Ngay tại châu Âu, nơi bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ nhất, chủ nghĩa dân túy cực đoan, bài ngoại, đang làm đảo lộn mọi giá trị và gây chia rẽ sâu sắc trong mỗi quốc gia và trên toàn Liên minh châu Âu (EU).
Cùng với các yếu tố trên, thế giới cũng đang phải chứng kiến điều mà nhiều nhà lãnh đạo các nước gọi là “sự lộng hành của chủ nghĩa đơn phương”. Trong thế giới đa cực hiện nay, sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa đơn phương được xem là những yếu tố dẫn đến xung đột. Thực trạng này đã khiến hòa bình trên thế giới luôn trong tình trạng “bị đe dọa”. Xung đột và đối đầu giữa các cường quốc, thậm chí giữa các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, tình hình bất ổn ở khu vực Trung Đông, các cuộc xung đột sắc tộc ở nhiều nơi… luôn có thể gây bùng nổ gây hiệu ứng domino. Chính vì vậy, Diễn đàn Hòa bình Paris lần đầu tiên là một điểm sáng trong nỗ lực hợp tác quốc tế trước những thách thức lớn đang nảy sinh, đề cao vai trò của các khuôn khổ đa phương hiệu quả, tạo sự kết nối vì thịnh vượng chung, hướng tới một quá trình toàn cầu hóa công bằng hơn, bình đẳng hơn và trên hết là mục tiêu gìn giữ hòa bình nhân loại.
Cơ hội hạ nhiệt căng thẳng Nga - Mỹ
Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã có cuộc hội đàm song phương nhân dịp tham dự lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1918 - 2018) tại thủ đô Paris (Pháp). Với kết quả được đánh giá là tốt đẹp, cũng như việc giữ nguyên kế hoạch tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tới đây tại Argentina, cơ hội hạ nhiệt trong quan hệ Nga - Mỹ được mở ra.
Cuộc gặp lần này diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Nga nhiều năm qua luôn bị phủ bóng đen bởi những bất đồng liên quan tới cuộc chiến ở Syria, xung đột tại miền Đông Ukraine và việc bán đảo Crimea sáp nhập trở lại Nga, cũng như những cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và vụ cựu điệp viên người Nga S. Skripal bị đầu độc tại Anh. Quan hệ Nga và Mỹ tiếp tục có thêm mâu thuẫn sau khi Tổng thống D. Trump mới đây đe dọa rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Cùng với đó là việc Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow, và Nga đã cảnh báo bất kỳ sự áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nào là “không thể chấp nhận được” và sẽ là “tuyên bố chiến tranh kinh tế”.
Cuộc gặp lần này là cuộc gặp song phương lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ kể từ cuộc gặp hồi tháng 7 năm nay tại Helsinki, Phần Lan. Trước đó, dư luận không biết liệu hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ có gặp nhau bên lề sự kiện tại Paris hay không bởi, hai bên đã nhất trí sơ bộ về kế hoạch tiến hành cuộc gặp, song đã hủy kế hoạch này sau khi xem xét “những cân nhắc của Pháp”. Chính phủ Pháp đề nghị Tổng thống V. Putin và Tổng thống Mỹ D. Trump từ bỏ kế hoạch tiến hành cuộc gặp tại Paris. Nga cũng đã tham vấn với Mỹ về vấn đề này. Trong khi đó, ngay chính Tổng thống Mỹ D. Trump cũng bày tỏ không chắc chắn về cuộc gặp khi cho biết cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ có thể sẽ không diễn ra như những gì được giới chức hai nước thông báo.
Tuy chi tiết cuộc trao đổi không được công bố, nhưng theo Văn phòng Tổng thống Pháp, hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đã thảo luận về nhiều vấn đề, như tình hình Trung Đông, tình hình Ukraine, cuộc nội chiến tại Syria, Iran và Saudi Arabia, cũng như các diễn biến tại Triều Tiên. Mặc dù vậy, hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đã không đề cập đến việc Mỹ rút khỏi INF.
Dù cuộc gặp ngắn với rất ít nội dung, nhưng đây lại được coi là một tín hiệu tích cực cho quan hệ Nga - Mỹ, khi Tổng thống V. Putin cho biết ông đã có một cuộc trao đổi chóng vánh nhưng “tốt đẹp” với người đồng cấp Mỹ D. Trump. Trước đó, Tổng thống Mỹ cũng đưa ra một tín hiệu tích cực khác khi tuyên bố không thay đổi kế hoạch về cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Nga bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Argentina từ ngày 30-11 đến 01-12 tới. Theo các nhà phân tích, dù được đánh giá là khó tạo ra bước đột phá, nhưng cuộc gặp tới đây cũng sẽ mang một ý nghĩa biểu tượng về nỗ lực hướng tới cải thiện quan hệ giữa hai quốc gia đối đầu này.
Sự kiện này cũng thể hiện quan điểm của Tổng thống D. Trump, Washington và Moscow có thể chung tay giải quyết những vấn đề chính trị giữa hai nước cũng như ở khu vực Trung Đông và châu Âu. Thậm chí, không loại trừ khả năng hai bên sẽ đạt được những thỏa thuận để mở ra hướng giải quyết những vấn đề quốc tế nóng cần sự phối hợp của hai cường quốc có ảnh hưởng hàng đầu thế giới.
ASEAN vững mạnh và thúc đẩy hợp tác hiệu quả với các đối tác
Các Trưởng đoàn ASEAN cùng trưởng đoàn các nước đối tác. Ảnh: TTXVN
Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 33 và các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra tại Singapore từ ngày 13 đến 15-11 đã kết thúc thành công. Các hội nghị này là sự kiện quan trọng trong năm của ASEAN với sự tham gia của lãnh đạo 10 nước ASEAN và các nguyên thủ, lãnh đạo của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Australia cùng với Canada (Chủ tịch G7), Chile (Chủ tịch G20) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Tại các hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN tái khẳng định yêu cầu tiên quyết cần duy trì đoàn kết, thống nhất, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN và củng cố một cấu trúc hợp tác khu vực rộng mở, minh bạch, dựa trên luật lệ. Các nhà lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để đạt được một hiệp định thương mại tự do hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và mang lại lợi ích cho tất cả các bên trong năm 2019. Trong thảo luận, các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác nêu các ý kiến về sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cần tiếp tục làm rõ nội hàm và cần bảo đảm các nguyên tắc, giá trị chung về tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo đảm chủ quyền lãnh thổ, cơ chế hợp tác mở, dung nạp, với ASEAN giữ vai trò trung tâm, bảo đảm tự do hàng không, hàng hải, tự do giao thương, hợp tác cùng có lợi, vì hòa bình, thịnh vượng. Trong khi đó, đa số các nước đối tác ASEAN đều khẳng định cùng chung tay nỗ lực tạo dựng môi trường thuận lợi cho đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin để Biển Đông trở thành vùng biển của hòa bình, hợp tác và phát triển.
Tại phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 với chủ đề xây dựng một “ASEAN tự cường và sáng tạo”, những vấn đề ASEAN tập trung giải quyết, đó là tạo dựng một nền tảng vững vàng cho một khu vực hòa bình, ổn định và dựa trên luật lệ; duy trì ASEAN tiếp tục là khu vực phát triển kinh tế vững mạnh và năng động; tăng cường năng lực của ASEAN để ứng phó hiệu quả với các thách thức đe dọa an ninh và ổn định khu vực. Để giải đáp những vấn đề này, ASEAN đã và đang đạt được những tiến triển tích cực trong đối thoại và hợp tác.
Đánh giá về sự điều hành hiệu quả của Singapore, Chủ tịch ASEAN 2018, các nước ASEAN nhận định, hợp tác và liên kết ASEAN trong năm đã đạt bước phát triển rất đáng khích lệ. Theo đó, ASEAN tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm, củng cố và nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại và hợp tác do ASEAN dẫn dắt, đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực, đồng thời đạt được những kết quả khả quan trong triển khai xây dựng Cộng đồng. ASEAN tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ của các đối tác. ASEAN đã thể hiện được vai trò và năng lực xử lý trước các vấn đề nổi lên, nhất là các đợt thiên tai lớn xảy ra ở khu vực, các diễn biến của tình hình quốc tế tại Bán đảo Triều Tiên, tình hình bang Rakhine của Myanmar.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng chỉ ra các thách thức mà ASEAN phải đối mặt, cả từ những biến động phức tạp của môi trường quốc tế, khu vực, cũng như từ chính nội bộ ASEAN. Các nhà lãnh đạo tái khẳng định yêu cầu tiên quyết cần duy trì đoàn kết, thống nhất, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN và củng cố một cấu trúc hợp tác khu vực rộng mở, minh bạch, dựa trên luật lệ, với ASEAN ở vị trí trung tâm, qua đó, đóng góp tích cực cho một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng.
Nhân dịp này, lãnh đạo các nước ASEAN cũng đã thông qua 7 văn kiện tại Hội nghị, gồm dự thảo tuyên bố thực hành hỗ trợ lãnh sự, khung dự thảo cho Thành phố thông minh ASEAN, dự thảo Kế hoạch tổng thể ASEAN 2025 lồng ghép quyền cho người khuyết tật, dự thảo tuyên bố công nhận Ngày thanh niên ASEAN, một bản dự thảo tuyên bố về thân thiện với môi trường, một bản dự thảo về biến đổi khí hậu sẽ được đệ trình lên Liên hợp quốc và dự thảo tuyên bố về bảo tồn đa dạng sinh học.
Khủng hoảng chính trị tại Sri Lanka thêm trầm trọng
Tổng thống Sri Lanka M. Sirisena chứng kiến lễ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng mới của ông M. Rajapakse tại Colombo ngày 26-10. Ảnh: TTXVN
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Sri Lanka vẫn chưa có dấu hiệu vãn hồi khi Tòa án Tối cao nước này đình chỉ sắc lệnh giải tán Quốc hội của Tổng thống M. Sirisena, đồng thời ra lệnh ngừng mọi công tác chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sớm. Động thái mới này được đánh giá là sẽ khiến cuộc khủng hoảng chính trị tại Sri Lanka trở nên trầm trọng hơn.
Sri Lanka rơi vào bất ổn chính trị từ ngày 26-10 khi Tổng thống M. Sirisena bất ngờ cách chức Thủ tướng R. Wickremesinghe và bổ nhiệm cựu Tổng thống M. Rajapakse giữ chức vụ này. Ngay sau khi cách chức ông R. Wickremesinghe, Tổng thống M. Sirisena đã đình chỉ hoạt động của Quốc hội từ ngày 27-10.
Sau đó, Tổng thống M. Sirisena đã đồng ý triệu tập Quốc hội họp lại, dự kiến vào ngày 14-11. Tuy nhiên ngày 09-11, ông M. Sirisena tuyên bố giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 05-01-2019. Giải thích về quyết định của này, Tổng thống cho biết ông giải tán Quốc hội và kêu gọi bầu cử để tránh nguy cơ hỗn loạn trong nước xuất phát từ xung đột giữa các nghị sĩ. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka K. Jayasuriya cáo buộc Tổng thống Sirisena “tiếm quyền” của các nhà lập pháp và yêu cầu giới công chức không thực hiện “các mệnh lệnh bất hợp pháp” của ông M. Sirisena.
Ngày 12-11, cuộc khủng hoảng chính trị tại Sri Lanka bị đẩy lên một nấc thang mới khi một số đảng phải chính trị ở Sri Lanka kháng nghị lên Tòa án tối cao nước này về quyết định của Tổng thống. 3 đảng lớn tại Sri Lanka gồm Đảng Đoàn kết dân tộc (UNP) của cựu Thủ tướng R. Wickremesinghe, đảng đối lập chính Liên minh Tamil quốc gia (TNA) và đảng cánh tả Mặt trận giải phóng nhân dân (JVP) nằm trong số 10 tổ chức chính trị kiến nghị Tòa án Tối cao nước này, cho rằng hành động của Tổng thống là bất hợp pháp. Ba đảng này hợp lực sẽ tạo ra thế đa số tuyệt đối trong Quốc hội Sri Lanka.
Tại phiên tòa diễn ra dưới sự bảo vệ của hàng trăm cảnh sát và quân đội đặc nhiệm ngày 13-11, Tòa án tối cao Sri Lanka đình chỉ sắc lệnh giải tán Quốc hội của Tổng thống M. Sirisena. Các thẩm phán đã yêu cầu ủy ban bầu cử nước này ngừng các bước chuẩn bị của cuộc bầu cử sớm vào ngày 05-0-2019. Với phán quyết trên, Quốc hội Sri Lanka có thể tiến hành một cuộc bỏ phiếu đối với đề cử của Tổng thống M. Sirisena cho vị trí Thủ tướng nước này là cựu Tổng thống M. Rajapakse. Trong trường hợp này, ông M. Rajapakse buộc phải có được sự ủng hộ của 225 thành viên Quốc hội để chính thức trở thành thủ tướng mới.
Trong một động thái mới nhất liên quan đến chính trường Sri Lanka, Quốc hội Sri Lanka rơi vào tình trạng hỗn loạn ngày 14-11 khi một kiến nghị bất tín nhiệm tân Thủ tướng M. Rajapakse của đảng đối lập JVP được đưa ra bỏ phiếu. Tuy nhiên, khi kiến nghị được đưa ra bỏ phiếu, các nghị sĩ thuộc đảng của ông M. Rajapakse đã phản đối. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội K. Jayasuriya tuyên bố đa số thành viên trong Quốc hội gồm 225 ghế đã ủng hộ kiến nghị bất tín nhiệm ông M. Rajapakse.
Không chỉ đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị ngày một trầm trọng, Sri Lanka còn phải đương đầu với rất nhiều khó khăn về kinh tế. Đầu năm 2016, Sri Lanka đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về nợ và về cán cân thanh toán, trước khi được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giải cứu bằng khoản cho vay. Trong năm 2018 và 2019, nền kinh tế này sẽ phải thanh toán “núi nợ” cao của mình và Chính phủ Sri Lanka cũng đang trong quá trình ban hành luật cho phép vay nhiều hơn mức giới hạn ngân sách hằng năm để ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng nợ. Hiện nợ quốc tế của quốc đảo nhỏ bé này ước tính khoảng 64,9 tỷ USD.
Theo IMF, năm 2017, Sri Lanka đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất kể từ năm 2001 cùng mức thâm hụt ngân sách tương đương 5,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong khi đó, dự trữ ngoại tệ của Sri Lanka cũng giảm, các khoản thu thuế ở mức thấp. Thu nhập theo hộ gia đình không theo kịp tỷ lệ tăng trưởng quốc gia, người dân đang phải vật lộn với khó khăn thường nhật trong khi giá cả leo thang. Mới đây nhất ngày 04-11, Mỹ và Nhật Bản đã đóng băng hơn 1 tỷ USD viện trợ phát triển cho Sri Lanka. Thông tin này, cùng với cảnh báo trước đó của EU khi Brussels có thể rút lại nhượng bộ miễn thuế cho hàng xuất khẩu của Sri Lanka, có thể làm trầm trọng hơn nữa tình hình kinh tế khó khăn của quốc gia Nam Á này./.
Biểu quyết 5 Luật và thảo luận dự án Luật Thi hành án hình sự sửa đổi  (19/11/2018)
Những tấm gương nặng lòng với con chữ cho trẻ ở vùng khó khăn  (19/11/2018)
Xây dựng mẫu hình người nông dân thế hệ mới trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới  (19/11/2018)
Việt Nam tích cực và trách nhiệm cao, vun đắp liên kết kinh tế khu vực  (19/11/2018)
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Thanh Hóa, Hà Tĩnh  (18/11/2018)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên