TCCSĐT - Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 31 tại thủ đô Nouakchott (Mauritania) đã đạt được tiến bộ về chống tham nhũng và quyết tâm thúc đẩy Khu vực Thương mại Tự do Lục địa châu Phi (AfCFTA).

AU đồng thuận về chống tham nhũng và thúc đẩy thương mại

 
 Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 31. Ảnh: africa.cgtn.com

Diễn ra trong hai ngày 01 và 02-7-2018 với sự tham dự của đại diện đến từ 55 nước thành viên, Hội nghị lần này có chủ đề “Chiến thắng trong cuộc chiến chống tham nhũng: Con đường bền vững đối với sự chuyển đổi của châu Phi”. Hội nghị đã tập trung thảo luận các vấn đề tự do thương mại, chống tham nhũng và giải quyết các cuộc khủng hoảng về nhân đạo và an ninh của châu lục.

Tại Hội nghị, trên cương vị Chủ tịch AU, Tổng thống Rwanda Paul Kagame đã kêu gọi thúc đẩy tự do thương mại tại châu Phi.

Hồi tháng 3 vừa qua, đại diện của 44/55 nước thành viên AU đã đạt được thỏa thuận thành lập khu vực tự do thương mại lục địa châu Phi (AfCFTA) nhằm tăng cường hội nhập khu vực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên toàn châu lục. Theo thỏa thuận trên, các thành viên AU cam kết sẽ dỡ bỏ thuế đối với 90% hàng hóa, 10% còn lại sẽ từng bước được đưa ra xem xét. AfCFTA cũng được kỳ vọng góp phần tự do hóa thương mại dịch vụ, có thể bao gồm cả việc di cư tự do của người dân châu Phi và thiết lập đồng tiền chung. Hiện thỏa thuận AfCFTA đang trong quá trình chờ phê chuẩn của từng quốc gia thành viên. Nếu được 55 thành viên AU thông qua, khu vực AfCFTA hứa hẹn có tổng GDP khoảng 2.500 tỷ USD, thị trường rộng lớn với dân số 1,2 tỷ người.

Về cuộc chiến chống tham nhũng, theo Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat, việc chống tham nhũng đòi hỏi phải có các biện pháp pháp lý, hành chính hoặc tài chính. Thực tế cho thấy, hiện châu Phi đang đứng trước nhiều thách thức trong việc ổn định xã hội và phát triển bền vững. Bên cạnh các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh biên giới, nạn khủng bố, tình trạng di cư bất hợp pháp, đói nghèo, bệnh tật… thì tham nhũng cũng đã kìm hãm các nền kinh tế và tạo nguy cơ gây rối loạn nhiều quốc gia. Tổng Thư ký Khối thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA) S. Ngwenya cho biết, hiện nay mức độ tham nhũng trong nhiều lĩnh vực, nhất là khu vực công, đã và đang cản trở các chính sách vĩ mô của nhiều quốc gia châu Phi trong việc thúc đẩy phát triển đất nước. Còn theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, châu Phi được coi là khu vực có tỷ lệ tham nhũng cao nhất thế giới. Tham nhũng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực có liên quan đến các nguồn tài nguyên của châu Phi như dầu khí, mua sắm và tài chính công… Chính vì vậy, việc Hội nghị thượng đỉnh lần này đạt được những tiến bộ về chống tham nhũng cho thấy, các nhà lãnh đạo AU đã tìm được tiếng nói chung nhằm đấu tranh có hiệu quả với nạn tham nhũng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển bền vững của toàn châu lục.

Tương lai khó đoán định của Thỏa thuận hạt nhân Iran

 
 Tổng thống Iran H. Rouhani thăm Thụy Sĩ. Ảnh: gettyimages.com

Từ ngày 02 đến 04-7-2018, Tổng thống Iran H. Rouhani đã thực hiện chuyến thăm hai nước châu Âu là Áo và Thụy Sĩ. Chuyến công du lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Iran trong bối cảnh nước này đang chờ đợi nhận được gói đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) nhằm bảo vệ các lợi ích của Tehran trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận này.

Với hai chặng dừng chân ở Thụy Sĩ, quốc gia đại diện cho các lợi ích của Mỹ tại Iran, khi mà Washington và Tehran không có quan hệ ngoại giao chính thức và ở Áo, nước vừa tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên EU từ Bulgaria, nhà lãnh đạo Iran muốn tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ từ châu Âu để duy trì thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Thông qua nước Chủ tịch luân phiên EU, Tổng thống Iran H. Rouhani muốn gửi thông điệp tới Anh, Pháp, Đức - những nước thành viên của JCPOA - rằng cần nhanh chóng đưa ra các cam kết bằng “hành động cụ thể” nhằm cứu vãn thỏa thuận này.

Tuy nhiên, diễn ra trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt kinh tế mới của Mỹ nhằm vào Tehran sẽ chính thức được khôi phục từ ngày 06-8 tới liên quan tới lĩnh vực ô tô và kim loại. Tiếp đó, từ ngày 04-11, Mỹ sẽ áp đặt lệnh cấm vận đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và giao dịch ngân hàng của Iran với lý do để “ngăn chặn các nỗ lực của Tehran phát triển vũ khí hạt nhân”. Do vậy, sứ mệnh bảo vệ thỏa thuận hạt nhân của nhà lãnh đạo Iran H. Rouhani càng trở nên nặng nề.

Thực tế cho thấy, hành trang mang tới châu Âu lần này của Tổng thống H. Rouhani là những hợp đồng kinh tế giá trị, vốn có lực hấp dẫn đối với các đối tác ở Lục địa già thời điểm vài năm trước đây, khi Mỹ và EU mới dỡ bỏ lệnh cấm vận Iran sau nhiều năm áp đặt. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, mọi chuyện đã thay đổi, sau khi chính quyền Tổng thống D. Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái khởi động các biện pháp trừng phạt đã được dỡ bỏ trước đó đối với Iran, các công ty của châu Âu cũng trở nên “dè dặt” hơn khi hợp tác với Tehran. Điều này giải thích lý do trong chuyến công du tới Thụy Sĩ và Áo, nhà lãnh đạo Iran dù vẫn nhận được những tuyên bố ủng hộ duy trì thỏa thuận hạt nhân, nhưng ý nghĩa có phần giảm đi khi các hợp đồng kinh tế trị giá hàng tỷ USD đã không được ký kết.

Hơn nữa, với các nước EU, lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào những lĩnh vực trọng yếu như dầu mỏ và ngân hàng sẽ là một thử thách không nhỏ đối với các đồng minh châu Âu của Washington vốn đang nỗ lực né tránh các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Nhà nước Hồi giáo để giảm thiệt hại. Ngay cả với Iran, vốn rất coi trọng vai trò của JCPOA, nhưng cũng không thể bất chấp tất cả để duy trì bằng được thỏa thuận này. Với Tehran, lợi ích quốc gia mới chính là điều cần bảo vệ trước nhất.

Trước thực trạng này, cho dù Iran và EU đã rất thiện chí khi cùng ủng hộ duy trì JCPOA, nhưng việc cả hai đều thể hiện sự “giữ miếng” khiến tương lai của bản thỏa thuận này trở nên khó đoán định.

Chính sách cải cách thuế của Tổng thống Mỹ phát huy hiệu quả

 
 Chính sách cải cách thuế của Tổng thống Mỹ phát huy hiệu quả. Ảnh: kcrg.com

Văn bản tài liệu do Nhà Trắng công bố ngày 03-7-2018 cho thấy, chính sách cải cách thuế của Tổng thống Mỹ D. Trump đã giúp hồi sinh nền kinh tế đầu tàu thế giới. Sau hơn 6 tháng kể từ khi Tổng thống D. Trump ký ban hành luật cải cách thuế trị giá 1.500 tỷ USD, nền kinh tế Mỹ phát triển mạnh và dự kiến sẽ tiếp tục đà tăng trưởng.

Theo một cuộc khảo sát gần đây, 54% người dân Mỹ cho rằng, nền kinh tế số một thế giới đang phát triển rất tốt. Đây là tỷ lệ cao nhất cho thấy người dân Mỹ lạc quan về sự phát triển của kinh tế đất nước. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua kể từ năm 1969, xuống còn 3,8%.

Theo Văn phòng Phân tích kinh tế (BEA) của Mỹ, trong quý đầu tiên năm 2018, các doanh nghiệp quay trở lại đầu tư vào nước này với tổng số vốn đầu tư cao kỷ lục hơn 300 triệu tỷ USD. Tỷ lệ lạc quan của các nhà sản xuất đạt mức cao nhất trong lịch sử 20 năm qua. Trong khi đó, tỷ lệ này của các doanh nghiệp nhỏ đạt mức cao kỷ lục thứ hai kể từ khi Liên đoàn Quốc gia doanh nghiệp độc lập Mỹ bắt đầu thực hiện cuộc khảo sát 45 năm trước đây.

Các cuộc khảo sát gần đây cũng cho thấy, với chính sách cắt giảm thuế của chính quyền Tổng thống D. Trump, người lao động và các hộ gia đình Mỹ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Công nhân Mỹ kỳ vọng sẽ tiếp tục có thêm thu nhập khi các chủ doanh nghiệp có kế hoạch thuê thêm nhân công và tăng tiền đền bù. Gần 2/3 người Mỹ tin rằng, đây là thời điểm tốt để tìm một công việc chất lượng.

Trước đó, trong báo cáo đánh giá thường niên về kinh tế Mỹ hồi cuối tháng 6 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng vững trong năm 2018 và năm 2019, nhờ chương trình cắt giảm thuế. Tuy nhiên, IMF lưu ý rằng, mức thâm hụt ngân sách lớn có thể kéo tăng trưởng kinh tế xuống dưới mức mục tiêu của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

IMF dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm 2018 và 2,7% vào năm 2019, cao hơn so với con số 2,3% hồi năm 2017. Song, IMF lưu ý sau sự thúc đẩy ban đầu của chương trình cắt giảm thuế, kinh tế nước này sẽ tăng chậm lại trong tương lai với mức dự báo tăng 1,4% vào năm 2023. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng mà Tổng thống D. Trump đặt ra là 3% và cao hơn nữa trong những năm tới.

Mỹ - Nhật - Hàn tiếp tục khẳng định vai trò trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên

 
 Cuộc gặp cấp ngoại trưởng ba bên Mỹ - Nhật - Hàn. Ảnh: gettyimages.com

Trong hai ngày 07 và 08-7-2018, tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) đã diễn ra cuộc gặp cấp ngoại trưởng ba bên Mỹ - Nhật - Hàn nhằm trao đổi về nội dung cuộc thảo luận giữa Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo với các quan chức cấp cao Triều Tiên trong chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông trước đó. Trong bối cảnh có những hoài nghi về ý định phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, việc Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tái khẳng định hợp tác trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên tiếp tục khẳng định vai trò của ba nước trong vấn đề này.

Tại cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo một lần nữa khẳng định chuyến đi của ông tới Bình Nhưỡng đã đạt được tiến triển nhất định, trong đó hai bên đã tái khẳng định mục tiêu phi hạt nhân mà Tổng thống Mỹ D. Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đạt được trong cuộc gặp lịch sử hôm 12-6 tại Singapore. Trong khi đó, Ngoại trưởng nước chủ nhà T. Kono cũng khẳng định lập trường không lay chuyển rằng, ba nước Nhật - Mỹ - Hàn sẽ tăng cường hợp tác để hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên. Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha tuyên bố nước này và Nhật Bản đánh giá tích cực tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên sau khi Ngoại trưởng Mỹ đã thông báo chi tiết cho Hàn Quốc và Nhật Bản về các cuộc đàm phán tại Bình Nhưỡng.

Có thể thấy, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đã đánh dấu sự khởi đầu một tiến trình mới, đó là tiến trình định hình lại chiến lược an ninh ở khu vực Đông Bắc Á. Tuy nhiên, việc Washington tuyên bố ngừng cuộc tập trận “Người bảo vệ tự do Ulchi” với Hàn Quốc nhằm thể hiện quan điểm của chính phủ Mỹ, đó là tạo dựng một môi trường tin cậy để khuyến khích Triều Tiên nhanh chóng thực hiện cam kết về một tiến trình phi hạt nhân hóa “toàn diện, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng”, đã khiến Nhật Bản và Hàn Quốc bất ngờ và lo ngại tính bền vững trong các cam kết an ninh của Mỹ, đẩy hai nước này rơi vào tình thế bất lợi trước Triều Tiên và Trung Quốc. Trước sự kiện thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản có chung quan ngại về việc Mỹ trong khi chỉ chú trọng đến vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa sẽ bỏ qua sự nguy hiểm của tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên, loại vũ khí mà Hàn Quốc và Nhật Bản nằm trong “tầm ngắm”.  Trước những quan ngại của Nhật Bản và Hàn Quốc, Mỹ đã trấn an hai đồng minh bằng sự khẳng định Washington không thay đổi các cam kết an ninh của Mỹ và tiếp tục duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại các quốc gia này. Đồng thời một lần nữa nhấn mạnh Hàn Quốc và Nhật Bản là các đồng minh tin cậy của Mỹ tại Đông Bắc Á.

Đặc biệt, trong bối cảnh kết quả chuyến công du lần thứ ba của Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo tới Bình Nhưỡng kể từ đầu tháng 4 năm nay có thể đánh giá là khá khiêm tốn khi sau những giờ đàm phán đầy cam go, phía Mỹ cho là đã đạt được “bước tiến” trong mọi nội dung đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên hoàn toàn. Trong khi đó, phía Triều Tiên lại lấy làm tiếc về kết quả đàm phán và cho rằng, phía Mỹ đã “đơn phương đưa ra những đòi hỏi thái quá”. Chính vì vậy, cuộc gặp ba bên Mỹ - Nhật - Hàn lần này đã cho thấy các nỗ lực phối hợp với các đồng minh của Mỹ, cũng như tạo cơ hội để những cam kết giữa Mỹ và Triều Tiên có thể thành hiện thực.

Hậu quả của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt

 
 Nhiều nơi trên thế giới đều ghi nhận những mức nhiệt cao kỷ lục. Ảnh: Daily mail

Trong tuần qua, nhiều nơi trên thế giới đều ghi nhận những mức nhiệt cao kỷ lục. Từ các khu vực đang trong mùa hè ở Ireland, Scotland và Canada… tới những vùng nắng như thiêu tại Trung Đông, và rất nhiều các nơi khác ở Bắc bán cầu. Theo các chuyên gia, cường độ và tần suất của các đợt nóng ngày càng tăng thời gian qua được cho là hậu quả của biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia cho biết, hiện tượng nóng lên trong những ngày qua tại các nơi trên thế giới là kết quả của các khối không khí nóng khổng lồ đang “xoáy” quanh nửa phía Bắc của hành tinh.

Tại châu Mỹ, kể từ cuối tuần trước, một nền nhiệt cao nắng nóng đã bao trùm 2/3 khu vực phía Đông nước Mỹ và phần Đông Nam của Canada. Trời không chỉ nóng mà còn ẩm một cách khác thường. Một số kỷ lục đã được ghi nhận tại khu vực này như 40,5 độ C tại Denver, Mỹ (ngày 28-6). Tại Canada, nhiệt độ ở Montreal đã ghi nhận mức cao nhất trong vòng 147 năm qua là 40 độ C (trong ngày 05-7). Tại châu Âu, trời nắng nóng đã thiêu đốt các quần đảo của Anh trong tuần qua, ghi nhận mức nhiệt độ lập kỷ lục cao nhất trong vòng 42 năm qua với gần 50 độ C, khiến đường ray xe lửa biến dạng, nhựa đường tan chảy, mái nhà cong vênh... Các mức nhiệt tại Scoland, Ireland và Bắc Ireland đều ở các mức thường xuyên trên 30 độC. Trong khi đó tại lục địa Á - Âu, tuần qua, nền nhiệt độ luôn ở mức cao, kéo theo tình trạng thời tiết hết sức cực đoan. Tại Tbilisi, Georgia ngày 04-7, nhiệt độ đã tăng vọt lên 40,5 độ C. Trong khi ở Yerevan, Armenia ngày 02-7, nhiệt độ tăng lên 42 độ C. Khu vực Trung Đông, thị trấn Quriyat của Oman đã trải qua ngày nóng kỷ lục với mức nhiệt cao 42,6 độ C (ngày 28-6). Tại châu Á, trong tháng 4 năm nay, Pakistan ghi nhận mức nhiệt 50,2 độ C. Cũng tại Pakistan, hồi tháng 5-2017 ghi nhận mức nhiệt 53,3 độ C. Nhưng như thế vẫn còn thấp hơn so với mức 53,7 độ C tại Ahvaz, Iran vào cuối tháng 6-2017.

Theo các chuyên gia, cường độ và tần suất của các đợt nóng ngày càng tăng thời gian qua được cho là hậu quả của biến đổi khí hậu. Sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu đang hằng ngày gây ra sự nóng lên của Trái Đất, kéo theo đó là vô số hệ lụy… Chính con người với những hoạt động sản xuất công nghiệp và sinh hoạt hằng ngày là một trong những nguyên nhân chính đang gây ra sự nóng lên toàn cầu và gây ra hiệu ứng nhà kính. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, con người cần nâng cao nhận thức về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, đồng thời tuyên truyền các biện pháp để cải thiện, bảo vệ môi trường. Biến đổi khí hậu không phải là vấn đề của riêng ai. Quan tâm và chung tay hành động sẽ giúp cho Trái Đất ngày một xanh tươi, cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn./.