TCCSĐT - Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng đường 9 - Khe Sanh 1968, sáng 09-7, tại Thành phố Vinh (Nghệ An), Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến thắng đường 9 - Khe Sanh 1968 - Tầm vóc và bài học lịch sử”. Tham dự có các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, Quân khu IV, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, các đồng chí lão thành cách mạng, các tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng đông đảo nhà khoa học trong và ngoài quân đội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhấn mạnh ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của chiến thắng đường 9 - Khe Sanh 1968. Chiến thắng có ý nghĩa quan trọng về quân sự, chính trị, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, thay đổi cục diện chiến trường, đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước sang giai đoạn mới.

Phát biểu Đề dẫn, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh việc Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch tiến công đường 9 - Khe Sanh cách đây 50 năm là hoàn toàn đúng đắn. Trải qua 177 ngày đêm chiến đấu liên tục (từ 20-01-1968 đến 15-7-1968), chiến dịch thực hiện đòn nghi binh chiến lược, thu hút, giam chân, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, loại khỏi vòng chiến đấu gần 12 ngàn quân địch, bắn rơi, phá hủy hàng trăm máy bay các loại cùng nhiều vũ khí, phương tiện chiến đấu.

Các tham luận và phát biểu tại hội trường của các đại biểu đã tập trung vào một số vấn đề:

Một là, khẳng định chiến thắng đường 9 - Khe Sanh 1968 là sự kiện lịch sử đặc biệt, mang ý nghĩa chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là kết quả của đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, sự chỉ đạo chiến lược xuất sắc của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam; thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường, quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa hậu phương với tiền tuyến, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Hai là, với độ lùi 50 năm, cùng với những kết quả nghiên cứu và tư liệu mới được công bố, chiến thắng đường 9 - Khe Sanh 1968 ngày càng được nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc hơn, đặc biệt về tầm vóc và bài học lịch sử. Từ những phân tích tình hình quốc tế, trong nước về âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ý đồ xây dựng hàng rào Mắc Na-ma-ra và thiết lập tập đoàn phòng ngự,… đến tái hiện diễn biến của chiến dịch, tái hiện cuộc đấu trí, đấu lực quyết liệt giữa ta và địch, các tham luận đã nêu bật được nghệ thuật tổ chức và điều hành chiến dịch, trình độ chỉ huy, hiệp đồng tác chiến quân binh chủng, khả năng cơ động và thực hành chiến đấu của quân và dân ta.

Ba là, qua nghiên cứu, bổ sung, phân tích, các đại biểu đã làm rõ thêm những kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn để vận dụng phát huy tinh thần đoàn kết, quyết chiến, quyết thắng trong xây dựng quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, củng cố quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, đồng thời giáo dục truyền thống lịch sử, phê phán các quan điểm, tư tưởng sai trái, bảo vệ thành quả của cách mạng trong bối cảnh tình hình mới hiện nay.

Trước đó, ngày 08-7, các đại biểu đã dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích lịch sử Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An./.