TCCSĐT - Sáng 15-7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì khai mạc Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của bốn dự án luật: Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội_Ảnh: Quochoi.vn

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 7, việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8 và chủ trương đầu tư xây dựng dự án Quốc hội điện tử, việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xem xét, quyết định thành lập việc thành lập phường Lộc Hòa và phường Mỹ Xá thuộc thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định; thành lập thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, từ Kỳ họp thứ 7 đến nay, thời gian không nhiều, nhưng với tinh thần phối hợp chặt chẽ, tích cực nghiên cứu, chuẩn bị của các cơ quan, đến nay, 4 dự án luật đã được tiếp thu, chỉnh lý để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục phát huy tinh thần chủ động trong việc chuẩn bị cho các phiên họp tiếp theo.

Sau khai mạc Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, các đại biểu đã cho ý kiến một số vấn đề còn có ý kiến khác của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) và dự án luật Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)

Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét, thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 7. Sau Kỳ họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương, tích cực nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. So với dự thảo Chính phủ trình, nhiều nội dung các điều, khoản đã được chỉnh lý, bổ sung. Cơ bản các ý kiến phát biểu tại phiên họp tán thành với nội dung tiếp thu, chỉnh lý đối với dự án luật.

Về tên gọi, cơ bản các ý kiến đồng tình với với nội dung giải trình như trong báo cáo. Tên gọi "Dân quân tự vệ" kế thừa hiện hành và đã được ghi trong Hiến pháp, trong các nghị quyết của Đảng và các quy định trong hệ thống pháp luật và Dân quân tự vệ được hiểu là một lực lượng, trong đó dân quân và tự vệ được tổ chức ở các đơn vị, địa phương cho phù hợp. Về vị trí, chức năng của Dân quân tự vệ, nội dung này đã được chỉnh lý tương đối cơ bản, đưa xuống thành Điều 3, sau giải thích từ ngữ. Đây là quy định rất quan trọng, là gốc rễ để thiết kế các nội dung của luật.

Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, khoản 1 của Điều 2 và Điều 27 của Luật Quốc phòng đều quy định về vị trí, chức năng của Dân quân tự vệ. Vậy, có cần thiết phải đặt ra quy định ở Điều 3 nữa hay không? Vấn đề này cần làm rõ để tránh trùng lặp.

Về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp, đây là nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm, phát biểu nhiều trong thảo luật tại Kỳ họp thứ 7 và tại Phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng rất quan tâm, cho ý kiến về vấn đề này. Điều 17 của dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng chặt chẽ, cụ thể hơn.

Vấn đề tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp cũng đã được tổng kết, đánh giá và là nội dung còn nhiều tồn tại, hạn chế. Các điều kiện để tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp mặc dù được chỉnh lý nhưng vẫn còn khá chung chung và nội dung giải trình cũng chưa rõ. Do đó, nội dung này cần làm rõ thêm. Điều 36 dự thảo luật quy định về kinh phí bảo đảm cho tự vệ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được tính vào các khoản chi được trừ khi xác định chịu thuế của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, là vấn đề cần phải bàn bạc, thống nhất kỹ. Về nguyên tắc thì mục đích bảo đảm quốc phòng - an ninh luôn phải được ưu tiên. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, việc yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, nhất là khối tư nhân, khối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư, chi phí cho việc tổ chức, hoạt động của lực lượng tự vệ phải được tính toán kỹ, hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và nhà nước, không thể ép buộc.

Vấn đề đưa vào chi phí được trừ khi tính thuế cần phải thống nhất với pháp luật về thuế, bảo đảm công bằng, công khai. Với tính chất trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị vấn đề này cần nghiên cứu kỹ thêm, có ý kiến chính thức của cơ quan quản lý thuế, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề bảo đảm thống nhất, khách quan…

Mục tiêu của luật này là phải giải quyết hài hòa, hợp lý giữa việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ với bản chất là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác vững mạnh, rộng khắp, chú trọng biên giới, hải đảo, nhưng phải tinh gọn trong tổ chức bộ máy, giảm số người hoạt động không chuyên trách, nâng cao hiệu quả, tránh dàn trải nguồn lực. Việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ phải bám sát tình hình, xu hướng của công tác quân sự, quốc phòng, đặc thù trong công tác xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.

Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

Dự án Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7. Sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương, tích cực nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

So với dự thảo Chính phủ trình, nhiều nội dung các điều, khoản đã được chỉnh lý, bổ sung, thêm 2 chương và 12 điều. Qua phát biểu, thảo luận, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo luật, trong thời gian ngắn sau kỳ họp, cơ quan thẩm tra đã phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tích cực nghiên cứu chỉnh sửa, làm rõ và bổ sung mới nhiều nội dung.

Về bố cục, việc bổ sung một số điều, mục và 2 chương mới (Chương IV và VI) là phù hợp nhằm cụ thể, chi tiết thêm các nội dung của dự thảo luật. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ quy định của Chương VI về cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Đây là chương hoàn toàn mới và với quy định này thì hiện có nhiều loại cơ sở dữ liệu: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cơ sở dữ liệu về hộ tịch và sẽ thêm cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất, nhập cảnh. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh cơ bản là cần thiết, tuy nhiên cần rà soát, đánh giá kỹ, nhất là về tính liên thông, việc kết nối, dử dụng chung giữa các cơ quan; đánh giá kỹ những vấn đề liên quan đến chi phí, con người, bộ máy. Vấn đề này đề nghị tiếp tục được làm rõ.

Về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, đây là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Các ý kiến tại phiên họp cũng tập trung đề cập, làm rõ. Quy định này đã được tiếp thu, chỉnh lý tương đối cơ bản, làm rõ thêm nhiều nội dung. Yêu cầu đặt ra đó là, quy định về việc tạm hoãn phải bảo đảm chặt chẽ, vừa phục vụ cho công tác quản lý, nhưng cũng tránh làm ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền của công dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị tiếp tục rà soát kỹ về các nội dung liên quan đến giải thích từ ngữ, các nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh, về trình tự cấp hộ chiếu, giấy thông hành, các trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, việc quản lý, sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh, tiếp tục làm rõ thêm tính khả thi của việc triển khai các quy định liên quan đến việc cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử, tính khả thi trong việc kết nối hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam…

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị sau phiên họp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh hai dự thảo luật, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Về quy định xử lý kỷ luật đối với người nghỉ việc, nghỉ hưu

Chiều cùng ngày, tại Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều nội dung liên quan đến chính sách đối với người có tài năng, hình thức kỷ luật giáng chức, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu... trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã được Thường vụ Quốc hội thảo luận, mổ xẻ khá kỹ.

Các đại biểu cho rằng, đây là dự án luật quan trọng, khó và phức tạp, vừa đặt ra để thể chế hóa kịp thời nghị quyết của Đảng nhưng đồng thời cũng giải quyết những vấn đề thực tế đang đặt ra trong lĩnh vực cán bộ, công chức, viên chức./.

Đa số ý kiến tán thành với việc chưa đưa cán bộ, công chức cấp xã liên thông với cán bộ, công chức cấp huyện, tỉnh, Trung ương; đồng thời, chỉ coi người lãnh đạo ở đơn vị sự nghiệp công lập làm nhiệm vụ phục vụ chính trị và quản lý nhà nước là cán bộ, công chức, còn lại chuyển sang viên chức.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, quy định chỉ người lãnh đạo ở đơn vị sự nghiệp công lập làm nhiệm vụ phục vụ chính trị và quản lý nhà nước là cán bộ, công chức là phù hợp với Nghị quyết 19 của Bộ Chính trị (về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập), nhưng cần xác định rõ tiêu chí đơn vị sự nghiệp công lập nào thực hiện nhiệm vụ chính trị, làm nhiệm vụ quản lý nhà nước, để tránh không thống nhất trong vận dụng, ngăn ngừa sự tùy tiện.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tổng kết và có phương án xử lý thích hợp với đối tượng là công chức cấp xã khi cải cách toàn diện chế độ công vụ, công chức.

Chính sách với người có tài năng vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ băn khoăn về đối tượng người tài năng là sinh viên mới ra trường, xác định đối tượng này rất khó.

Theo Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, , dự thảo Luật vẫn đưa ra nhiều quy định ràng buộc trong việc trong sử dụng người có tài năng, chế độ chính sách liên quan đến người có tài năng, cần quy định mềm dẻo hơn, giao trách nhiệm cho người đứng đầu mới có khả thi.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, cần có những quy định cụ thể về người tài, nếu không, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước rất tốt nhưng không chọn được người tài, người giỏi, không liên thông được. “Một người rất giỏi ở doanh nghiệp muốn vào công chức, sẵn sàng đóng góp cho Đảng, Nhà nước nhưng không vào được, hay hiệu trưởng một trường là viên chức, tôi giới thiệu vào làm đại biểu Quốc hội cũng không được. Quan trọng nhất ở đây là liên thông và xác định tài năng phù hợp với đánh giá, thẩm định của các tổ chức của quốc tế”, ông Phan Xuân Dũng nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, khái niệm đối với người có tài năng quy định trong dự thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu rõ thêm vì phạm trù này phức tạp và có nhiều ý kiến khác nhau. “Đưa ra định nghĩa còn quá chung chung, chưa cụ thể ngay trong Luật. Chính sách đối với người có tài năng chỉ nêu nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định, sẽ tạo sự minh bạch trong bối cảnh hiện nay. Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng chiến lược về nhân tài,” Chủ tịch Quốc hội nói.

Về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề rất khó. Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế khi Quốc hội thảo luận lần đầu tiên, ra một nghị quyết để cách chức một nguyên bộ trưởng. Phân tích của Chủ tịch Quốc hội cho thấy, những người nghỉ việc, nghỉ hưu không còn là công chức. Cần cân nhắc có nên tách một điều riêng trong dự luật về xử lý kỷ luật đối với người nghỉ việc, nghỉ hưu. Có nên quy định cụ thể nội dung này trong luật hay không, hay chỉ quy định nguyên tắc và tạo cơ sở để Chính phủ có quy định hình thức và quy trình xử lý kỷ luật với đối tượng này, tạo sự minh bạch trong tổ chức thực hiện”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề./.