Dấu mốc quan trọng trong quan hệ thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu
TCCSĐT - Ngày 30-6-2019, Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Hai hiệp định này được đánh giá là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, toàn diện, chất lượng cao, có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam và EU không chỉ về thương mại, đầu tư, mà còn gắn thương mại, đầu tư với “các chuẩn mực về xã hội, lao động, môi trường và các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm”.
Những kết quả đạt được
Theo thỏa thuận sau khi ký kết, EVFTA sẽ dỡ bỏ hơn 99% thuế quan đối với hàng hóa giao dịch giữa hai bên. Việt Nam sẽ loại bỏ 65% thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu của EU, phần còn lại sẽ tiếp tục loại bỏ dần trong 10 năm tiếp theo. Thỏa thuận cũng có các điều khoản cụ thể để giải quyết các rào cản phi thuế quan trong lĩnh vực ô-tô và bảo vệ một số sản phẩm thực phẩm và đồ uống truyền thống của châu Âu tại Việt Nam thông qua bảo hộ chỉ dẫn địa lý(1).
Bên cạnh việc mang đến những cơ hội kinh tế quan trọng, EVFTA cũng bảo đảm thương mại, đầu tư và phát triển bền vững luôn song hành bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn cao nhất về bảo hộ lao động, an toàn, bảo vệ môi trường và người tiêu dùng. Thỏa thuận cam kết hai bên tôn trọng và thực hiện hiệu quả các nguyên tắc của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) liên quan đến các quyền cơ bản tại nơi làm việc; thực hiện các thỏa thuận môi trường quốc tế; hành động ủng hộ việc bảo tồn và quản lý bền vững động vật hoang dã, đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản(2).
Với EVIPA, hai bên cam kết sẽ dành đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc với đầu tư của nhà đầu tư của bên kia. Với một số ngoại lệ, cũng như sự đối xử công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn và đầy đủ, cho phép tự do chuyển vốn và lợi nhuận từ đầu tư ra nước ngoài, cam kết không trưng thu, quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư mà không có bồi thường thỏa đáng, cam kết bồi thường thiệt hại phù hợp cho nhà đầu tư của bên kia tương tự như nhà đầu tư trong nước hoặc của bên thứ ba trong trường hợp bị thiệt hại do chiến tranh, bạo loạn... trên lãnh thổ của một bên ký kết. Trong trường hợp có tranh chấp phát sinh, hai bên thống nhất ưu tiên giải quyết tranh chấp một cách thiện chí thông qua đàm phán hoặc hòa giải. Trong trường hợp không thể giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán và hòa giải thì mới sử dụng đến cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định cụ thể trong Hiệp định này(3). EVIPA cũng bao gồm những quy định hiện đại và có tính thực thi cao về bảo hộ đầu tư thông qua Hệ thống Tòa án đầu tư mới, bảo đảm quyền của các chính phủ hai bên trong việc điều tiết những lợi ích của thể nhân và pháp nhân. Hiệp định này sẽ thay thế các hiệp định bảo hộ đầu tư song phương mà 21 quốc gia thành viên EU hiện có với Việt Nam.
EVFTA và EVIPA được ký kết giữa một liên kết khu vực với một quốc gia. Tuy nhiên, do EU đàm phán và thực hiện với tư cách là một khối hơn là các quốc gia riêng rẽ(4) nên EVFTA và EVIPA được coi là một FTA và IPA song phương đặc biệt. EVFTA được đánh giá là hiệp định thế hệ mới toàn diện, chất lượng cao, có phạm vi tự do hóa rộng. Trong EVFTA, ngoài mục tiêu xóa bỏ hàng rào thương mại, hai bên còn hướng tới tự do đầu tư và thương mại dịch vụ trong một số lĩnh vực, như vận tải, viễn thông, giáo dục, tài chính, phân phối. Cam kết về di chuyển thể nhân trong dịch vụ kiến trúc, quy hoạch đô thị, tư vấn kỹ thuật, giáo dục bậc cao và môi trường(5). EVFTA cũng quy định một thể chế để quản lý các hoạt động trong EVFTA. Tuy nhiên, Việt Nam và EU vẫn giữ chính sách thương mại độc lập với các nước bên ngoài. Như vậy, EVFTA đã vượt qua hình thức khu vực thương mại tự do, chưa đạt tới hình thức liên minh thuế quan nhưng đã áp dụng một số biện pháp để hướng tới một thị trường chung trên cơ sở di chuyển tự do vốn, lao động; hài hòa hóa một số chính sách và thiết lập một thể chế quản lý chung.
Về số lượng thành viên của các hiệp định, EU gồm 28 nước thành viên và đến năm 2021 có thể giảm xuống còn 27 nước khi tiến trình Brexit (nước Anh rời khỏi EU) chính thức có hiệu lực, trong đó có 19 nước tham gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Do vậy, khi EVFTA và EVIPA chính thức có hiệu lực, đây sẽ là FTA và IPA có số lượng thành viên lớn nhất từ trước đến nay mà Việt Nam đã tham gia. Đây cũng là các hiệp định thương mại - đầu tư thế hệ mới đầu tiên mà EU đạt được với một nước thu nhập trung bình. Tính đến thời điểm hiện nay, EVFTA là cam kết tham vọng nhất của EU với một nước đang phát triển. Với Việt Nam, EVFTA còn là FTA có mức độ cam kết và quy mô cắt giảm thuế quan lớn nhất, lộ trình cắt giảm thuế nhanh hơn các FTA khác hiện tại của Việt Nam. Cụ thể là:
Cam kết thuế quan trong EVFTA có quy mô cắt giảm rộng, gần 100% kim ngạch và rộng hơn nhiều so với các FTA khác của Việt Nam. Trong các FTA khác mà Việt Nam đã ký kết, Việt Nam và các nước đối tác thường cam kết loại bỏ thuế quan đối với khoảng 90% dòng thuế và khoảng 10% còn lại không cam kết loại bỏ thuế. Ví dụ, FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) có quy mô cắt giảm thuế quan hơn 84% kim ngạch nhập khẩu; Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA): hơn 92%; Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP): 90% và cao nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), đạt khoảng 97%(6).
Mức độ cắt giảm thuế quan trong EVFTA cao, theo đó, EU cam kết xóa bỏ thuế và áp dụng mức thuế 0% chỉ với một tỷ lệ nhỏ các mặt hàng còn lại áp dụng hạn ngạch thuế quan. Trong khi đó, với các FTA khác của Việt Nam, khoảng 10% còn lại không giảm thuế có thể giữ nguyên mức thuế cơ sở, hoặc giảm xuống một mức thuế nhất định (5% với danh mục nhạy cảm, 50% với danh mục nhạy cảm cao), hoặc giảm 20% hoặc 50% của mức thuế cơ sở, hoặc loại trừ hoàn toàn.
Lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam trong EVFTA cũng ngắn hơn so với nhiều FTA đã ký của Việt Nam với thời gian khoảng 10 - 15 năm, như AJCEP (17 năm), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA, 14 năm), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ô-xtrây-li-a/Niu Di-lân - (AANZFTA, 13 năm), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA, 14 năm), VJEPA (16 năm), VKFTA (15 năm) và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA, 13 năm). Thêm vào đó, trong các FTA Việt Nam đã ký trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam thường áp dụng lộ trình cắt giảm thuế theo mức độ cắt giảm thuế trong giai đoạn đầu không cao và sẽ tăng lên trong các năm cuối của lộ trình cắt giảm (backload), trong khi các cam kết trong EVFTA tuân thủ theo 4 lộ trình tuyến tính là 4 năm, 6 năm, 8 năm và 10 năm.
Tác động của EVFTA và EVIPA đối với nền kinh tế Việt Nam
Trước hết, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong EVFTA sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU. Cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế, như dệt may, da giày, nông, thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau, củ, quả), đồ gỗ... là rất đáng kể(7).
Với tốc độ cắt giảm thuế quan nhanh, các tác động của EVFTA sẽ đến tương đối nhanh và rõ ràng ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với khi chưa có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020, 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030(8).
Với việc thuận lợi hóa thương mại và bảo hộ đầu tư như vậy, các nhà đầu tư châu Âu có nhiều điều kiện để tiếp tục và gia tăng đầu tư tại Việt Nam, nhất là các ngành EU có thế mạnh, như công nghệ cao, năng lượng sạch, tự động hóa, tài chính - ngân hàng, vận tải, logistics…(9). Đặc biệt, thông qua EVFTA và EVIPA, các nhà đầu tư EU cũng sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường các nước đã ký kết FTA với Việt Nam với những đối xử ưu đãi hơn. Hiệp định này cũng giúp thúc đẩy quan hệ giữa EU với từng nước ASEAN nói riêng và cả khối ASEAN nói chung, tạo tiền đề hướng tới việc thảo luận một FTA giữa EU và ASEAN trong tương lai. Đồng thời, những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong EVIPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.
Như vậy, việc thực thi cam kết trong EVFTA và EVIPA dự kiến sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam:
Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận thông tin hải quan và chi phí thủ tục thương mại ngày càng hợp lý hơn. EVFTA quy định việc tăng cường hợp tác giữa hai bên về hải quan với mục đích vừa bảo đảm kiểm soát hải quan, vừa tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu chi phí liên quan cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu.
Thứ hai, cơ hội giảm thiểu các hàng rào kỹ thuật thương mại bất hợp lý. EVFTA quy định các nước thành viên phải công bố bản dự thảo và văn bản chính thức về quy định liên quan đến kiểm dịch động, thực vật (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) của nước mình. Những quy định này sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU có đủ thời gian để tìm hiểu các rào cản kỹ thuật cũng như bày tỏ những quan ngại trước những hàng rào kỹ thuật bất hợp lý.
Thứ ba, nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu do phải đáp ứng các yêu cầu về TBT và SPS của EU cũng như sức ép cạnh tranh đến từ các sản phẩm của EU. Các cam kết về SPS và TBT sẽ tạo cơ hội cũng như những áp lực cần thiết buộc các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam phải đầu tư vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng đến vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm để xuất khẩu hoặc cạnh tranh với chính mặt hàng nhập khẩu từ EU tại thị trường nội địa.
Thứ tư, cơ hội giảm rủi ro trong các vụ kiện chống bán phá giá. Các cam kết về phòng vệ thương mại trong EVFTA sẽ giúp hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tránh được những rủi ro trong tương lai khi xuất khẩu tăng mạnh.
Thứ năm, cơ hội xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm tại thị trường EU. Do các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU một cách thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU.
Thứ sáu, nguồn nhân lực của Việt Nam sẽ có cơ hội được nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tay nghề. Việc thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư từ EU vào Việt Nam góp phần đổi mới các doanh nghiệp trong nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua chuyển giao công nghệ, năng lực quản lý từ các doanh nghiệp EU.
Thứ bảy, tạo cơ hội cho các ngành chuyển đổi cơ cấu và phương thức sản xuất theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường. Dưới áp lực do EVFTA tạo ra, quá trình cơ cấu lại các ngành sẽ phải diễn ra nhanh hơn, quyết liệt hơn. Các biện pháp liên quan đến các quy định kỹ thuật sẽ có thể được áp dụng phổ biến hơn, điều này trước hết làm gia tăng chi phí sản xuất của người sản xuất, giảm năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, với những sức ép này sẽ làm cho doanh nghiệp và người dân buộc phải thay đổi phương thức sản xuất theo hướng khoa học và bền vững.
Thứ tám, tạo cơ hội nhập khẩu và nhận chuyển giao các công nghệ sản xuất hiện đại với chi phí hợp lý hơn. Bên cạnh các hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU, đặc biệt là có nhiều cơ hội được tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ/kỹ thuật cao từ các nước EU, qua đó nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm.
Thứ chín, thúc đẩy cải cách thể chế, môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư. Thực hiện các cam kết trong EVFTA và EVIPA sẽ tạo áp lực và cơ hội để Việt Nam cải thiện năng lực quản trị, môi trường kinh doanh, các quy trình thủ tục trong nước, các điều kiện về thương mại và hậu cần…, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư EU và từ các nước khác đầu tư vào Việt Nam, từ đó sẽ tạo ra sức lan tỏa để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp trong nước mạnh dạn đầu tư hơn nữa tại thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, EVFTA và EVIPA cũng sẽ có những thách thức nhất định, nhất là sức ép từ các yêu cầu cao của EU trong việc mở cửa thị trường và cải cách chính sách, thể chế:
Một là, khả năng đáp ứng các quy tắc xuất xứ và chỉ dẫn địa lý, sở hữu trí tuệ trong hiệp định. EVFTA quy định khá chi tiết về các thủ tục, điều kiện ràng buộc về thời hạn, cách thức mà các nước phải tuân thủ về thủ tục chứng nhận xuất xứ theo từng trường hợp cụ thể. Đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam khi việc vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ diễn ra tương đối phổ biến và khó kiểm soát, hệ thống và khả năng truy xuất nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu và năng lực chuẩn bị hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ còn hạn chế.
Hai là, khả năng đáp ứng rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại. Thực tế hiện nay cho thấy nhiều mặt hàng của Việt Nam chưa đáp ứng được các quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn kỹ thuật của EU. Bên cạnh đó, EVFTA còn quy định các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, như quy định về lao động và môi trường. Việc thực thi các quy định này trong ngắn hạn có thể ảnh hưởng đến chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.
Ba là, áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp của Việt Nam. Khi EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài sẽ tận dụng những ưu đãi từ EVFTA để thâm nhập và mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Điều này sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường nội địa.
Bốn là, thách thức về vi phạm cam kết lao động. Các cam kết về lao động trong EVFTA, một mặt, sẽ mang lại cơ hội nâng cao vai trò và tiếng nói của người lao động và cải thiện thu nhập; mặt khác, đặt ra thách thức về việc sử dụng lao động trong chuỗi sản xuất của Việt Nam. Trong trường hợp phát hiện vi phạm về cam kết lao động trong EVFTA, các nước EU có thể từ chối nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam vi phạm quy định này.
Năm là, các hiệp định đòi hỏi Việt Nam cần sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật trong nước có liên quan nhằm đáp ứng các nghĩa vụ cam kết theo hiệp định, đồng thời gia tăng cạnh tranh và hội nhập sâu hơn từ kết quả của các hiệp định đòi hỏi Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn, nhất là đẩy mạnh cải cách các quy định pháp luật, cắt giảm chi phí, thời gian, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Thông qua những cam kết cắt giảm thuế và bảo hộ đầu tư ở mức độ cao, phạm vi rộng lớn với đối tác lớn là EU, EVFTA và EVIPA mở ra cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng trao đổi thương mại và thu hút đầu tư từ các quốc gia thành viên EU. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội có được, một số ngành của Việt Nam được dự đoán sẽ gặp không ít thách thức từ EVFTA. Để có thể tận dụng tốt các cơ hội và vượt qua được những thách thức này, Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục thực hiện cải cách thể chế vì đây chính là chìa khóa để cải thiện môi trường kinh doanh và pháp lý, đồng thời phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp về nội dung và thời hạn những cam kết trong các hiệp định, cũng như thông tin thị trường để thâm nhập tốt thị trường EU. Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước cần có chiến lược kinh doanh lâu dài và biện pháp thực hiện cụ thể gắn với lộ trình thực hiện của hiệp định, đồng thời nâng cao chất lượng/độ an toàn và giá trị gia tăng cho sản phẩm./.
----------------------------------------
(1) Commission presents EU-Vietnam trade and investment agreements for signature and conclusion, http://trade.ec.europa.eu/doclib/press/index.cfm?id =1921, ngày 17-10-2018
(2) Commission presents EU-Vietnam trade and investment agreements for signature and conclusion, Tlđd
(3) Hiệp định EVFTA và EVIPA giữa Việt Nam và EU sẽ được ký vào ngày 30-6-2019, http://www.trungtamwto.vn/chuyen-de/13421-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-va-hiep-dinh-bao-ho-dau-tu-giua-viet-nam-va-lien-minh-chau-au-evfta-va-ipa-se-duoc-ky-vao-ngay-3062019, ngày 26-6-2019
(4) Delegation of the EU to Vietnam, Guide to the EU - Vietnam Free Trade Agreement, Delegation of the European Union to Vietnam, Hanoi, Vietnam, 2016
(5) Delegation of the EU to Vietnam (2016), Guide to the EU - Vietnam Free TradeAgreement, Delegation of the European Union to Vietnam, Tlđd
(6) Cắt giảm thuế theo cam kết của các hiệp định FTA và tác động đến kinh tế Việt Nam, http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/cat-giam-thue-theo-cam-ket-cua-cac-hiep-dinh-fta-va-tac-dong-den-kinh-te-viet-nam-96394.html, ngày 16-4-2015
(7) Việt Nam đạt được mức cam kết cao nhất trong FTA với EU, http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Viet-Nam-dat-duoc-muc-cam-ket-cao-nhat-trong-FTA-voi-EU/369234.vgp, ngày 26-6-2019
(8) Hiệp định EVFTA và EVIPA giữa Việt Nam và EU sẽ được ký vào ngày 30/6/2019, http://www.trungtamwto.vn/chuyen-de/13421-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-va-hiep-dinh-bao-ho-dau-tu-giua-viet-nam-va-lien-minh-chau-au-evfta-va-ipa-se-duoc-ky-vao-ngay-3062019, ngày 26-6-2019
(9) Theo báo cáo Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam: Góc nhìn từ Việt Nam, do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ngày 8-10-2019, gần 80% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, EVFTA sẽ tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh trung hạn hoặc dài hạn. Đa số tin rằng, EVFTA sẽ giúp Việt Nam tăng tính cạnh tranh, trong đó có 72% cho rằng, Hiệp định sẽ giúp Việt Nam trở thành cánh cổng giao thương cho các doanh nghiệp châu Âu trong khu vực Đông Nam Á
(10) Việt Nam sẽ đón một làn sóng đầu tư mới từ châu Âu, http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/viet-nam-se-don-mot-lan-song-dau-tu-moi-tu-chau-au-63460.htm, ngày 26-6-2019
Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sau 5 năm nhìn lại  (12/07/2019)
Nâng cao chất lượng phục vụ, đem lại sự hài lòng cho người dân tham gia bảo hiểm y tế  (12/07/2019)
Tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại một số địa phương  (12/07/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên