Thủ tướng Chính phủ: Quảng Ngãi cần phải trân trọng từng đồng vốn đầu tư
TCCSĐT - Chiều 2-7, phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ngãi năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý đến các nhà đầu tư, “nói phải đi đôi với làm, làm thì phải làm nhanh, không nói thứ không làm được”.
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư có các biên bản ghi nhớ, ký kết các khuôn khổ hợp tác đầu tư cần phải sớm thực hiện các cam kết của mình.
Tới dự Hội nghị còn có nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.
Phát triển công nghiệp và du lịch
Quảng Ngãi là địa phương ven biển nằm ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam, có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam và Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Quy mô và cơ cấu kinh tế thay đổi lớn sau khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động (năm 2009). Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2019 ước đạt gần 55.000 tỷ đồng. Từ chỗ thu ngân sách năm 1989 chỉ đạt 16 tỷ đồng đã tăng lên ở mức hơn 16.700 tỷ đồng vào năm 2010, năm 2019 ước đạt 20.000 tỷ đồng.
Hai thế mạnh nổi trội cũng là tâm điểm thu hút nhà đầu tư đến với vùng đất Quảng Ngãi là Khu kinh tế Dung Quất được quy hoạch với diện tích hơn 45.000ha, là một trong năm Khu Kinh tế ven biển được Chính phủ ưu tiên đầu tư. Cùng với đó là Khu Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị VSIP và một số Khu Công nghiệp khác đang hoạt động hiệu quả.
Lợi thế tiếp theo của Quảng Ngãi là tiềm năng du lịch phong phú, “mảnh đất màu mỡ” để phát triển du lịch. Trải dài trên hơn 130km, bờ biển Quảng Ngãi có những bãi tắm sạch đẹp, nên thơ như Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Khe Hai. Kết hợp với sự đa dạng và đan xen kỳ diệu của địa hình và khí hậu nhiệt đới gió mùa, Quảng Ngãi có một hệ sinh thái rất phong phú và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Núi Cà Đam, thác Trắng. Sự đa dạng về tộc người cùng với sự giao thoa lâu đời của nền văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa đã tạo nên những nét đặc trưng độc đáo, một diện mạo rất riêng cho tâm hồn con người và bản sắc văn hóa đất Quảng.
Đặc biệt, Đảo Lý Sơn là đảo tiền tiêu của Tổ quốc, với vị trí nằm trên con đường biển từ Bắc vào Nam và nằm ngay cửa ngõ của Khu Kinh Tế Dung Quất cũng như của cả khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung đang thu hút đông đảo lượng khách du lịch. Đảo Lý Sơn là một thắng cảnh thiên nhiên độc đáo, giữ nguyên những nét hoang sơ của tự nhiên.
“Đứng vững trên đôi chân mình”
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến niềm tự hào về truyền thống của vùng đất và con người Quảng Ngãi trung dũng, kiên cường, quê hương của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Nhắc đến hai sự kiện lớn của đất nước trong tháng sáu vừa qua: Trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc với số phiếu rất cao; ký kết các Hiệp định EVFTA và EVIPA giữa Việt Nam và EU, Thủ tướng nhấn mạnh, thời điểm này, Việt Nam đã có đến 13 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định thế hệ mới, mở ra những thị trường rộng lớn. Chính vì vậy, phải đẩy mạnh phát triển kinh tế trong nước để “đứng vững trên đôi chân mình”, thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng lợi thế của các hiệp định đã được ký kết. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh Quảng Ngãi, bất cứ mô hình đầu tư nào cũng phải được lựa chọn trên cơ sở bảo đảm môi trường và chú ý những giá trị toàn cầu.
Đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi, Thủ tướng cho rằng, Quảng Ngãi vẫn là tỉnh khó khăn, tỉnh nghèo, thu nhập của người dân còn thấp. Do đó, “cần phải trân trọng từng đồng vốn đầu tư dù nhỏ” bởi giá trị những đồng vốn này mang lại cho người dân của một địa phương còn khó khăn là rất đáng quý.
Tận dụng các nguồn vốn sẵn có
Quảng Ngãi chưa “làm nổi bật” tiềm năng, lợi thế của mình để thu hút các nhà đầu tư, Thủ tướng nhận xét và chỉ ra những “vốn sẵn có” của Quảng Ngãi, hấp dẫn các nhà đầu tư, như vốn kinh tế với vị trí địa kinh tế chiến lược; vốn kết cấu hạ tầng với hệ thống cảng hàng không, cảng biển sẵn có, Khu Kinh tế Dung Quất, Khu phức hợp đô thị VSIP; vốn tự nhiên với 130km bờ biển dài và đẹp là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch nhưng vẫn chưa được khai thác tốt; vốn văn hóa của vùng đất có bề dày lịch sử, nhiều di tích lịch sử văn hóa cổ xưa như thành cổ Châu Sa, di tích Gò Vàng...
Đặc biệt, Thủ tướng nhắc đến “nguồn vốn con người” của Quảng Ngãi với truyền thống hiếu học, khoa bảng; tinh thần cách mạng, được tôi luyện qua môi trường khắc nghiệt nhưng luôn có nghị lực, sáng tạo... Đây là những “nguồn vốn” quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thủ tướng cũng nhắc đến những sản vật tự nhiên của Quảng Ngãi mang đậm phong vị quê hương như: cá bống, cá thài bai, đường phèn, đường phổi, kẹo gương, mạch nha và rất nhiều món ăn đặc sản khác... Đây là những thương hiệu bản địa mà nếu các nhà đầu tư biết cách khai thác, quảng bá và phát triển sẽ tạo nên những giá trị thương mại rất lớn, Thủ tướng gợi ý.
Cải thiện môi trường kinh doanh
Thủ tướng nhận xét, tăng trưởng kinh tế của Quảng Ngãi 2018 đạt mức rất cao là 9,6%, kim ngạch xuất khẩu vượt 20% so với kế hoạch; thu ngân sách vượt 33,4% dự toán; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 2.514 USD/năm, tương đương bình quân chung cả nước.
Đặc biệt, từ năm 2011, Quảng Ngãi đã có nguồn thu ngân sách điều tiết về trung ương để qua đó giúp chia sẻ với các địa phương kém phát triển hơn. Hiện thu ngân sách của Quảng Ngãi đã đạt trên 1 tỷ USD, đứng thứ 13 cả nước (gần bằng tất cả các tỉnh Tây Nguyên cộng lại và là 1 trong 16 tỉnh/thành có điều tiết ngân sách cho Trung ương).
Tuy nhiên, thu ngân sách của Quảng Ngãi lớn nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu ổn định và kém bền vững, do vẫn còn phụ thuộc chủ yếu vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Tình trạng người dân di cư đến địa phương khác tìm kiếm việc còn nhiều. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao (9,57%), đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận người dân vẫn chưa thực sự đổi thay.
Phát triển các ngành kinh tế dựa trên lợi thế so sánh
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh lưu ý đến việc cải thiện môi trường kinh doanh hiện vẫn đang xếp hạng không tốt về PCI (hạng 41).
Gợi ý một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng đề nghị Quảng Ngãi tiếp tục cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản trị nhà nước, đào tạo lao động, cải thiện cơ hội tiếp cận đất đai, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch với các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đặc biệt, tỉnh cần phải có quy hoạch và chiến lược ưu tiên phát triển các ngành kinh tế một cách chọn lọc và rõ ràng dựa trên lợi thế so sánh để điều hướng phân bổ nguồn lực, đặc biệt là giữa ưu tiên phát triển công nghiệp (đặc biệt là công nghiệp nặng) với du lịch.
Quảng Ngãi cần chú trọng phát triển kinh tế tư nhân tại địa phương; khuyến khích, hỗ trợ và nuôi dưỡng các doanh nghiệp quy mô nhỏ, khu vực kinh tế cá thể. Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, đồng thời tránh tái nghèo; đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường, cả kiểm soát ô nhiễm chất thải công nghiệp và ô nhiễm từ phát triển du lịch.
Nhắc lại câu nói về chí khí của người miền Trung tựa như những cây xương rồng trong sa mạc, dù khô cằn sỏi đá vẫn có sức sống mạnh mẽ, sinh sôi nảy nở, vươn lên, đơm hoa, Thủ tướng mong muốn chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông, “quyết không thể để cái đói cái nghèo theo đuổi hay đeo mang bên mình mãi”, tiếp tục phát triển tỉnh đạt được những thành tựu mới.
Tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án, với tổng mức đầu tư 14.532 tỷ đồng; trao ghi nhận đầu tư cho 5 dự án khác với tổng mức đầu tư 3.640 tỷ đồng.
Cũng trong chiều 2-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm dự án Thành phố Giáo dục quốc tế - IEC Quảng Ngãi, công trình trọng điểm chào mừng 30 năm tái lập tỉnh Quảng Ngãi và đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Dương Thị Hân (phường Nghĩa Chánh) có chồng và 2 con là liệt sĩ; thăm, tặng quà đồng chí Dương Thanh Biền, nguyên Khu ủy viên Khu 5, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi./.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và tác động của nó đến quyền con người ở Việt Nam  (02/07/2019)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản  (02/07/2019)
Việt Nam - EU sẽ hoàn thiện pháp luật để thực hiện EVFTA, EVIPA  (01/07/2019)
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU: Tận dụng tối đa lợi ích  (01/07/2019)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp nhiều nhà đầu tư Nhật Bản  (30/06/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên