Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp nhiều nhà đầu tư Nhật Bản
TCCSĐT - Chiều 29-6, tại Osaka, Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo Tập đoàn JXTG, Marubeni và Ngân hàng J.Trust, là những doanh nghiệp Nhật Bản đã và sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, cùng lãnh đạo Hội Hữu nghị Nhật - Việt vùng Kansai và Hội Hữu nghị Nhật - Việt tại thành phố Sakai..
Nhân dịp dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), chiều 29-6, tại Osaka, Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo Tập đoàn JXTG, Marubeni và Ngân hàng J.Trust, là những doanh nghiệp Nhật Bản đã và sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Tiếp Chủ tịch Tập đoàn Marubeni Kakinoki Masumi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Marubeni, một tập đoàn lớn của Nhật Bản, đã có các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam 70 năm qua.
Thủ tướng đề nghị tập đoàn tiếp tục đầu tư lâu dài tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, ngoài năng lượng, với công nghệ hiện đại nhất.
Ông Kakinoki Masumi, Chủ tịch Marubeni, cho biết hiện tập đoàn đang vận hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 vừa được khánh thành vào tháng 2-2019. Ngoài ra, tập đoàn đang triển khai Dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2 đúng tiến độ và sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Tập đoàn cũng mong muốn đầu tư vào sản xuất điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng và đang lựa chọn các địa điểm để đề xuất với các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Bên cạnh dự án hạ tầng và năng lượng, tập đoàn mong muốn tham gia đầu tư vào lĩnh vực khác tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực xử lý nước quy mô lớn; đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực phân phối, thương mại điện tử, thể thao, giải trí, chăm sóc sức khỏe, thành phố thông minh...
Chủ tịch Tập đoàn Marubeni cho biết, Việt Nam là thị trường quan trọng hàng đầu, nên tập đoàn sẽ mang tất cả kinh nghiệm, công nghệ tốt nhất để đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là tuân thủ quy định Việt Nam, bảo vệ môi trường như yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Nêu rõ bảo vệ môi trường là vấn đề được các nhà lãnh đạo rất quan tâm tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, Thủ tướng yêu cầu tập đoàn sử dụng công nghệ hiện đại và bảo vệ môi trường khi đầu tư tại Việt Nam. Thủ tướng cho biết Việt Nam khuyến khích các dự án sản xuất bao bì không sử dụng nhựa, góp phần bảo vệ môi trường.
Tiếp Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn JXTG, ông Tsutomu Sugimori, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sự hợp tác giữa Tập đoàn JXTG với Petrolimex trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và áp dụng các phương pháp quản trị tiên tiến, quản lý tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và công nghệ hiện đại của Nhật Bản tại Petrolimex.
Cảm ơn Thủ tướng dành thời gian tiếp, Chủ tịch Tập đoàn JXTG trình bày kế hoạch hợp tác đầu tư với Petrolimex và mong muốn được Thủ tướng tiếp tục ủng hộ trong thời gian tới. JXTG là tập đoàn năng lượng số một Nhật Bản, đã mua cổ phần và trở thành đối tác chiến lược của Petrolimex từ năm 2016.
Ông Tsutomu Sugimori khẳng định JXTG sẽ hợp tác triển khai cùng Petrolimex với mục tiêu giúp Việt Nam đa dạng hóa chuỗi cung ứng xăng dầu, bảo đảm an ninh năng lượng. Qua đó, cung cấp cho thị trường Việt Nam các sản phẩm xăng dầu chất lượng theo tiêu chuẩn cao của nhà máy lọc dầu tại Nhật Bản, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn môi trường trong xu thế mới của Việt Nam, và mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Ghi nhận ý kiến của ông Tsutomu Sugimori, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần nghiên cứu, đánh giá kỹ càng dự án để bảo đảm hiệu quả đầu tư và giao Petrolimex báo cáo cụ thể, chi tiết về dự án này trước khi có chủ trương chính thức.
Tiếp ông Nobiru Adachi, Chủ tịch Ngân hàng J.Trust, một ngân hàng lớn của Nhật Bản hoạt động tại nhiều quốc gia, Thủ tướng đánh giá cao kinh nghiệm, năng lực tài chính của J.Trust trong việc tái cấu trúc, khôi phục hoạt động của các tổ chức ngân hàng, tài chính yếu kém, gặp khó khăn về tài chính tại một số nước trong khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc, lành mạnh hóa hoạt động của hệ thống tài chính - ngân hàng.
Đánh giá cao J.Trust muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng tại Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, quá trình tham gia phải phù hợp với các quy định pháp luật của Việt Nam. Thủ tướng đề nghị J.Trust khẩn trương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiến hành các công việc cần thiết. Các đối tác tham gia vào quá trình tái cơ cấu các ngân hàng tại Việt Nam phải là những ngân hàng có tiềm lực tài chính, trình độ quản trị hiện đại, có phương án tái cấu trúc rõ ràng.
Thủ tướng hoan nghênh việc J.Trust mong muốn là cầu nối thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam và cho biết, Việt Nam đang phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, đây cũng là cơ hội cho các ngân hàng hoạt động tại Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp, Chủ tịch Ngân hàng J.Trust, ông Nobiru Adachi cho biết trọng tâm của ngân hàng là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đầu tư ra các nước. Tập đoàn mong muốn trở thành cầu nối đưa nhiều hơn doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào Việt Nam, bởi hiện các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất.
Hiện tập đoàn đang quan tâm đến thị trường tài chính, ngân hàng Việt Nam, mong muốn mang kinh nghiệm, thế mạnh tốt nhất của J.Trust để tham gia vào quá trình tái cơ cấu các ngân hàng tại Việt Nam.
** Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp lãnh đạo Hội Hữu nghị Nhật - Việt vùng Kansai và Hội Hữu nghị Nhật - Việt tại thành phố Sakai.
Tại buổi tiếp ông Teichi Nishimura, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt tại Kansai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng gặp lại các thành viên của hội; đồng thời hoan nghênh và đánh giá cao những đóng góp của hội cho việc phát triển tình hữu nghị hai nước nói chung và giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp vùng Kansai nói riêng.
Đề cập đến sự phát triển tốt đẹp, thời cơ thuận lợi để thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Nhật Bản, Thủ tướng mong muốn Hội Hữu nghị Nhật - Việt tại Kansai đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa giữa hai nước; tăng cường giao lưu kinh tế, thương mại, nhất là những mặt hàng thế mạnh của khu vực Kansai.
Thủ tướng cũng đề nghị hội tạo điều kiện và kêu gọi các doanh nghiệp Kansai đầu tư vào Việt Nam và đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Kansai; giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Kansai.
Thủ tướng cũng đề nghị hội quan tâm đến việc gìn giữ, phát huy tình hữu nghị hai nước, nhất là trong những người trẻ tại Kansai và Nhật Bản.
Nhắc lại những kỷ niệm tốt đẹp trong hai cuộc gặp trước đây với hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, bên cạnh hoạt động hợp tác kinh tế, các hoạt động của hội nhằm thúc đẩy giao lưu nhân dân, nhất là hỗ trợ sinh viên, lao động Việt Nam tại Kansai cũng đã đem lại những ý nghĩa rất thiết thực.
Bày tỏ vinh dự được gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Osaka, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt tại Kansai Teichi Nishimura nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị Thượng đỉnh G20 - quy tụ các nhà lãnh đạo các quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Ông Teichi Nishimura cho rằng với vai trò là quốc gia khách mời, việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn Cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và sau đó là thăm Nhật Bản khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế; đồng thời cũng khẳng định sự phát triển tốt đẹp của tình hữu nghị, mối quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Ông Teichi Nishimura cho biết Hội Hữu nghị Nhật - Việt tại Kansai được thành lập từ năm 1995 với mục tiêu hỗ trợ các hoạt động hợp tác, thúc đẩy giao lưu xúc tiến thương mại và giao lưu nhân dân giữa người dân và doanh nghiệp Việt Nam với nhân dân và doanh nghiệp tại Kansai, Osaka.
Bày tỏ cảm ơn các nhà lãnh đạo Việt Nam về niềm vinh dự được trao tặng Huân chương Hữu nghị, ông Teichi Nishimura thông tin về một số kết quả hoạt động nổi bật của Hội. Theo đó, hội đã tiến hành trồng cây tại vườn ươm hoa anh đào ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vào năm 2018; hỗ trợ học bổng cho sinh viên ngành y khoa ở Việt Nam với tổng giá trị khoảng 1 triệu yên/năm và một số hoạt động khác.
Thời gian tới, hội sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, xúc tiến triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam với nhiều mô hình đa dạng và hiệu quả hơn.
Tiếp ông Hitoshi Kato, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt thành phố Sakai, người bạn thân thiết của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ với sự tin cậy chính trị cao; là cơ sở thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động giao lưu nhân dân cũng như hợp tác kinh tế thương mại hai nước.
Thủ tướng đánh giá cao tình cảm và sự đóng góp tích cực của hội vào việc thúc đẩy giao lưu nhân dân, tăng cường hợp tác quốc phòng, kinh tế, văn hóa giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản như đón tàu Trần Hưng Đạo của Hải quân Việt Nam thăm cảng Sakai (2018); thực hiện thành công dự án chuyển giao kỹ thuật, ngư cụ Nhật Bản để khai thác và xuất khẩu cá ngừ tỉnh Bình Định; hỗ trợ tổ chức nhiều hội thảo kinh tế tại Osaka, Sakai, đón tiếp các đoàn xúc tiến đầu tư, thương mại của các địa phương Việt Nam...
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Hội Hữu nghị Nhật - Việt thành phố Sakai tiếp tục tăng cường giao lưu nhân dân, hợp tác quốc phòng, kinh tế, văn hóa; khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp thành viên tích cực hợp tác, đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó là thúc đẩy hợp tác nguồn nhân lực, mở rộng tiếp nhận thực tập sinh của Việt Nam sang học tập, làm việc trong các ngành thế mạnh và nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai bên; đồng thời tiếp tục quan tâm và hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam đang học tập và sinh sống tại khu vực.
Nhắc lại những ấn tượng tốt đẹp và vinh dự gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước đó, ông Hitoshi Kato vui mừng cho biết, năm 2018, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, Hội Hữu nghị Nhật - Việt thành phố Sakai đã tham gia tổ chức giao lưu quân nhạc hai nước Việt Nam - Nhật Bản; tổ chức những ngày Việt Nam tại Sakai, với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa truyền thống, đặc sắc của nhiều vùng, miền của hai nước.
Hiện nay, Hội Hữu nghị Nhật - Việt thành phố Sakai đang xúc tiến hỗ trợ dự án nuôi cá ngừ tại tỉnh Bình Định, Việt Nam với những kết quả cụ thể nâng cao về sản lượng, chất lượng nuôi cá. Ông Hitoshi Kato khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để nâng cao thu nhập của những người nông dân trong dự án nuôi cá này tại Việt Nam.
Ngoài ra, hội cũng đang phối hợp triển khai dự án giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm về môi trường; bước đầu lắp đặt hệ thống nước sạch theo mô hình “uống tại vòi” tại Bình Định. Hội cũng đang hoàn thiện dự án thành lập Trung tâm nuôi cá Koi; triển khai dự án trồng hoa anh đào tại Bình Định và hy vọng sau khi đi vào hoạt động, những mô hình này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương.
Cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam về niềm vinh dự được trao tặng Huân chương Hữu nghị, ông Hitoshi Kato khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa doanh nghiệp và nhân dân hai nước nói chung và thành phố Sakai nói riêng ngày càng đạt được những thành tựu mới./.
G20: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới  (30/06/2019)
Chủ tịch Quốc hội dự lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Phú Yên  (30/06/2019)
Tân Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng: Chung sức, chung lòng vì sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam  (29/06/2019)
Lấy phiếu tín nhiệm của hội đồng nhân dân các cấp ở tỉnh Thái Nguyên - Kết quả và một số vấn đề đặt ra  (29/06/2019)
Tiềm năng kinh tế Việt Nam trong mắt các nhà doanh nghiệp Nhật Bản  (29/06/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên