Tiềm năng kinh tế Việt Nam trong mắt các nhà doanh nghiệp Nhật Bản
TCCSĐT - Nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), ngày 28-6-2019, tại Osaka, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo gần 30 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Nhật Bản như Hitachi, Toshiba, Hanwa, Daikin, Anna, Fujitsu, Kajima, Mazda Motor, Kansai Economy…
Phát biểu tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ của Nhật Bản tham dự buổi làm việc. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang duy trì ổn định xã hội và tăng trưởng cao liên tục trong thời gian qua. Đây là điều kiện quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ chiếm đa số, tầng lớp trung lưu đang không ngừng tăng cao, đến năm 2030 chiếm trên 50% số dân Việt Nam, với sự thích nghi nhanh với việc ứng dụng công nghệ. Những điều này đã tạo nên một thị trường sức mua hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản. Không chỉ vậy, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới; có quan hệ với 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, ngày 30-6 tới đây, Việt Nam sẽ ký Hiệp định thương mại tự do EVFTA với Liên minh châu Âu (EU). Việt Nam cũng đã ký kết FTA với 15 nước trong nhóm các quốc gia G20.
Thủ tướng cũng cho biết, hiện Việt Nam có 130 quốc gia đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh với tổng số vốn trên 350 tỷ USD; trong đó đã giải ngân được trên 200 tỷ USD. Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với gần 60 tỷ USD. Thủ tướng cho biết, theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), có trên 65% số doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh có lãi tại Việt Nam và trên 70% số doanh nghiệp Nhật Bản đang mong muốn mở rộng quy mô đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Việt Nam cũng có những doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn đầu tư ra nước ngoài, trong đó có Nhật Bản.
Thủ tướng khẳng định, kinh tế số đang diễn ra nhanh chóng, sâu rộng ở các quốc gia. Cùng với xu thế đó, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng chuyển đổi số toàn bộ nền kinh tế xã hội với ưu tiên phát triển hạ tầng thông tin, triển khai thương mại điện tử ứng dụng công nghệ 5G đến năm 2020, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; bảo đảm an toàn thông tin, phấn đấu trở thành trung tâm an ninh mạng ở khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Việt Nam phấn đấu trở thành một trong những nhà sản xuất phần mềm, công nghệ thông tin lớn trên thế giới. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xây dựng chính phủ điện tử, e-cabinet, làm cơ sở phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Việt Nam phấn đấu có trên 1 triệu nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2020 - 2025 trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Thủ tướng nêu rõ, Nhật Bản là quốc gia phát triển cao, có nhiều nhà đầu tư lớn, tiềm lực mạnh, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Chính phủ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản; trong đó có các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cam kết bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư trong quá trình kinh doanh tại Việt Nam.
Phát biểu ý kiến trao đổi tại buổi gặp mặt, hầu hết các tập đoàn công nghệ Nhật Bản cho biết, đều đã có các hoạt động đầu tư vào Việt Nam từ rất sớm; bày tỏ mong muốn được mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và coi Việt Nam là một trong những cứ điểm để phát triển các lĩnh vực công nghệ của mình. Các nhà đầu tư cho rằng, công nghệ là lĩnh vực có sự thay đổi rất nhanh chóng, do đó việc phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực là việc rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Các nhà đầu tư Nhật Bản mong muốn Việt Nam quan tâm nhiều hơn nữa đến lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ để cung cấp nguồn lao động chất lượng cao ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Các tập đoàn công nghệ Nhật Bản cũng đề cập đến tầm quan trọng của viễn thông 5G và đề nghị được tham gia vào quá trình xây dựng các trung tâm dữ liệu 5G tại Việt Nam. Tại buổi gặp gỡ, một số ý kiến đề nghị được tham gia vào các lĩnh vực trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Việt Nam; đồng thời mong muốn Chính phủ Việt Nam cải thiện thời gian cấp phép kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài; linh hoạt trong xét duyệt kế hoạch kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, bởi môi trường kinh doanh trong lĩnh vực này đang thay đổi nhanh chóng dẫn đến thay đổi tương ứng trong kế hoạch kinh doanh của các nhà đầu tư.
Hoan nghênh các ý kiến góp ý tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tính đa dạng trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam của các doanh nghiệp công nghệ Nhật Bản; vui mừng vì hầu hết các nhà doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ Nhật Bản đều đã có hoạt động đầu tư Việt Nam từ nhiều năm nay. Giải đáp một số ý kiến được nêu ra tại buổi làm việc, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, là yếu tố quan trọng hàng đầu và đang nỗ lực phấn đấu có trên 1 triệu nhân lực số giai đoạn 2020 - 2025, đạt chuẩn quốc tế và bảo đảm cung cấp nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực này trong khu vực và thế giới. Việt Nam mong muốn các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ Nhật Bản tích cực tham gia đào tạo, giảng dạy nhân lực công nghệ thông tin tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mà Nhật Bản có thế mạnh như điện toán đám mây, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo…
Về việc tận dụng lợi thế CPTPP, EVFTA, Thủ tướng nhấn mạnh đến mảng kinh doanh, dịch vụ và cho rằng, đây cũng là một trong những thế mạnh của Nhật Bản; là cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản xâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam tận dụng tốt hơn lợi thế từ các hiệp định này, hỗ trợ Việt Nam trong việc hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tiếp Chủ tịch Tập đoàn tài chính SMBC Koichi Miyata - một nhà đầu tư lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao thành công từ những hoạt động đầu tư tài chính của SMBC tại Việt Nam; tin tưởng, trong giai đoạn hợp tác chiến lược sắp tới giữa hai nước, SMBC sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, tài chính của Việt Nam - Nhật Bản phát triển mạnh mẽ. Chủ tịch Tập đoàn tài chính SMBC Koichi Miyata bày tỏ vui mừng và vinh dự được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp tại Osaka nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20; cho biết SMBC có lịch sử đầu tư 25 năm tại Việt Nam và là ngân hàng nước ngoài có vốn điều lệ lớn nhất tại Việt Nam với 500 triệu USD. Ông Koichi Miyata cũng tự hào vì SMBC đã góp phần vào tiến trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam mà gần đây nhất là việc SMBC tham gia vào việc phát triển một dự án năng lượng tại Việt Nam. Chủ tịch SMBC khẳng định, thành công trong kinh doanh của SMBC tại Việt Nam thời gian qua là nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tại buổi gặp gỡ, SMBC cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để SMBC mở rộng hoạt động đầu tư, hỗ trợ tài chính tại Việt Nam, qua đó cống hiến và đóng góp nhiều hơn nữa sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong tương lai.
** Cũng trong ngày 28-6, The Japan Times - tờ báo tiếng Anh lớn nhất Nhật Bản - đã đăng bài viết với tiêu đề “Môi trường đầu tư và triển vọng kinh tế Việt Nam” của Giáo sư Ryo Ikebe, trường Đại học Senshu, Nhật Bản.
Bài viết đánh giá cao môi trường và tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi nhanh chóng và đối mặt với một loạt các thách thức lớn chưa từng có, từ căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu Mỹ - Trung Quốc, tình trạng trì trệ của thương mại, gánh nặng nợ khổng lồ, đến biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực của công nghệ và các điểm nóng xung đột khắp toàn cầu. Trong bối cảnh trên, nhiều doanh nghiệp đang phải cân nhắc, chọn lựa các địa điểm đầu tư, chuyển đổi cơ sở sản xuất, điều chỉnh lại chuỗi cung ứng và quy trình hoàn thiện hàng hóa. Các quốc gia, vùng lãnh thổ có điều kiện chính trị ổn định, nền kinh tế mở, cùng nguồn lao động dồi dào, thị trường nội địa đủ lớn…, đặc biệt là quan hệ tốt với các nền kinh tế hàng đầu thế giới, đang là sự lựa chọn lý tưởng của các nhà đầu tư. Dựa trên những điều kiện chung nêu trên, Việt Nam là ứng cử viên hàng đầu cho các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn trong một trật tự thế giới không ngừng biến động hiện nay. Việt Nam vừa tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai vào tháng 2 vừa qua và có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế.
Việt Nam có một thị trường nội địa đủ lớn với hơn 97 triệu dân, nguồn lao động dồi dào bởi độ tuổi trung bình rất trẻ chỉ 31 tuổi và đặc biệt ngày càng có trình độ. Nền kinh tế Việt Nam được khẳng định là nền kinh tế mở, khi nước này tham gia hầu hết những hiệp định thương mại tự do đa phương trong khu vực và thế giới. Chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ tháng 1-2007, Việt Nam hiện nay đã ký kết, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong số đó phải kể đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - một FTA thế hệ mới có mức thuế quan cắt giảm sâu, cùng sự tham gia của 11 nước, chiếm 13,5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu, bao gồm các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Canada, Australia... Việt Nam cũng đang chuẩn bị ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) với Liên minh châu Âu (EU) và đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại toàn diện khu vực (RCEP) - một hiệp định thương mại bao trùm khu vực rộng lớn gồm 10 quốc gia ASEAN và 6 nền kinh tế lớn gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, New Zealand, có 3 tỷ người và chiếm tới 40% tổng thương mại toàn cầu.
Giữa Việt Nam và Mỹ - nền kinh tế hàng đầu thế giới - đã ký Hiệp định thương mại song phương từ năm 2000. Hiện, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam xét chung về quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu, sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Đối với Mỹ, Việt Nam đứng thứ 16 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của nước này. Tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa hai nước từ mức 450 triệu USD năm 1994 lên hơn 60 tỷ USD vào năm 2018. Tăng trưởng bình quân hằng năm đạt hơn 20%. Năm 2018, dưới sự lãnh đạo của một chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, tăng trưởng GDP Việt Nam đã đạt mức 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008 và thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Báo cáo của ngân hàng DBS Bank thuộc Singapore công bố gần đây dự báo quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua Singapore vào năm 2029. Chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam so với khu vực được đánh giá thuộc nhóm dẫn đầu. Thuế thu nhập doanh nghiệp đang ở mức 20% - gần như thấp nhất tại Đông Nam Á, cùng nhiều ưu đãi đầu tư theo từng lĩnh vực, vùng, miền.
Trong Sách Trắng lần thứ 11-2019, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) khẳng định kể từ khi trở thành thành viên WTO, Việt Nam đã thực hiện quá trình cải cách luật pháp trong nước để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này đã tạo ra một môi trường đầu tư và thương mại hấp dẫn hơn. Ngoài thế mạnh về nguồn lao động, thị trường, độ mở của nền kinh tế, cùng hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư, kinh doanh, Việt Nam còn là quốc gia được đánh giá có chính trị ổn định, chỉ số an ninh con người đang ngày càng được cải thiện. Việt Nam cũng có một vị trí địa chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương, nằm trải dài ven Biển Đông, tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới.
Những thuận lợi trên, đi kèm với đường lối đối ngoại cởi mở đã giúp vị thế của Việt Nam ngày càng tăng. Việt Nam có quan hệ đối tác với tất cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, Trung Quốc, đối tác chiến lược với Anh, Pháp và đối tác toàn diện với Mỹ. Dù không phải là thành viên của Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) và G20, song với vị thế và vai trò ngày càng quan trọng, Việt Nam là một trong những thành viên thường xuyên được mời tham gia các hội nghị thượng đỉnh G7, G20 mở rộng.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Osaka, Nhật Bản từ ngày 28 đến ngày 29-6, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham gia với một vai trò quan trọng, khẳng định vị trí của Việt Nam là một quốc gia tiềm năng, một đối tác tin cậy trong tình hình thế giới đầy biến động hiện nay. Việc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 cũng góp phần củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Nhật Bản - Việt Nam vì hòa bình, thịnh vượng tại châu Á, khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc gặp song phương với Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe. Nhân chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc còn có các hoạt động thiết thực, hiệu quả khác như dự Hội nghị xúc tiến đầu tư - thương mại Việt Nam - Nhật Bản, gặp gỡ những tri thức Việt Nam hàng đầu tại Nhật Bản để lắng nghe ý kiến đóng góp xây dựng quê hương.
Việt Nam đang thể hiện là một quốc gia lý tưởng thu hút các nguồn lực đầu tư, kinh doanh từ nước ngoài, đồng thời cũng là quốc gia trách nhiệm, có ảnh hưởng và tham gia ngày càng sâu vào đời sống kinh tế, chính trị thế giới./.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị G20 và gặp gỡ song phương các nhà lãnh đạo thế giới  (29/06/2019)
Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020  (29/06/2019)
Từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ nghĩa tư bản và chính sách đối với giai cấp tư sản ở Việt Nam, nhìn lại sự vận dụng chính sách ấy trong thực tiễn  (28/06/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên