Cần thiết ra nghị quyết về xóa nợ thuế
TCCSĐT - Chiều 20-6-2019, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã làm việc với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính). Cùng dự có Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội về kết quả hoạt động của ngành Thuế thời gian qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết, ngay từ đầu năm, cơ quan thuế đã thường xuyên kiểm tra, đối chiếu giữa tình hình thực tế với hệ thống dữ liệu của cơ quan thuế bảo đảm kiểm soát, nắm bắt, theo dõi và quản lý thuế kịp thời; tăng cường công tác đôn đốc nộp tờ khai, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế của người nộp thuế và kiểm soát chặt chẽ số chi hoàn thuế giá trị gia tăng, bảo đảm việc hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách thuế và quản lý thuế mới đến người nộp thuế, đặc biệt là những nội dung về cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; tăng cường phát triển hệ thống đại lý thuế trên cả nước nhằm xã hội hoá dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế; phối hợp với cơ quan truyền thông để tuyên truyền và duy trì phát sóng về cải cách thủ tục hành chính thuế.
Ngành thuế cũng đã triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý nợ thuế nhằm đôn đốc thu hồi kịp thời cho ngân sách và hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh: xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2019 đến từng cục thuế; công khai danh sách các doanh nghiệp nợ đọng thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường thực hiện việc cưỡng chế đối với các trường hợp phải cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của pháp luật... Tính đến hết tháng 5-2019, toàn ngành thuế đã thực hiện 22.714 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt trên 26% kế hoạch năm; tăng thu qua thanh tra, kiểm tra hơn 4.045 tỷ đồng, giảm lỗ là trên 8.800 tỷ đồng; số tiền thuế nộp vào ngân sách trên 2.122 tỷ đồng...
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, thời gian qua, ngành thuế đã nỗ lực, phấn đấu đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Thu nội địa 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 51,2% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái là những con số ấn tượng, thể hiện sự cố gắng của ngành tài chính nói chung và của cơ quan quản lý thuế nói riêng. Thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là số thu nội địa, nếu loại trừ các khoản thu từ tiền sử dụng đất, cổ tức, lợi nhuận để lại, xổ số thì số thu nội địa tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2018. Theo đó, tính đến hết tháng 5-2019, tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách đạt 52,47% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra và bằng 106,37% so với cùng kỳ năm 2018.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan thuế các cấp đã được hoàn thiện và kiện toàn; thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, theo đó đã giảm được 1.590 đầu mối; xây dựng Đề án Chi cục Thuế vùng… Cụ thể là, tại cơ quan Tổng cục hiện nay còn 17 vụ/đơn vị và 3 ban “mềm” với 20 phòng (giảm 27 phòng). Tại các cục thuế địa phương, giảm từ 789 phòng xuống còn 736 phòng (giảm 63 phòng). Tại cấp chi cục thuế, giảm từ 4.780 đội thuế xuống còn 3.280 đội thuế (giảm 1.500 đội thuế). Sau 3 đợt sáp nhập tại 29/63 địa phương đã hợp nhất 194 chi cục thuế, thành 91 chi cục thuế, giảm được 103 chi cục thuế.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao kết quả sau sắp xếp, tinh gọn rất lớn về đầu mối, con người, nhưng ngành thuế vẫn giữ vững sự ổn định, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Cùng với đó là công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế liên tục được tăng cường; mở rộng khai thuế, nộp thuế điện tử đạt trên 98% số doanh nghiệp; triển khai hệ thống hoàn thuế điện tử tại 63 tỉnh, thành trong cả nước và đã thí điểm thực hiện hóa đơn điện tử, số giờ nộp thuế giảm dần qua các năm từ 537 giờ xuống còn 351 giờ, được các tổ chức quốc tế và người nộp thuế ghi nhận, đánh giá cao.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành thuế tập trung để triển khai Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tới việc chú trọng từ công tác tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ quản lý thuế, đến người nộp thuế; đặc biệt là việc ban hành các văn bản hướng dẫn luật phải bảo đảm hiệu lực đồng thời với Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-7-2020. Theo Chủ tịch Quốc hội, ngành thuế cần rà soát tất cả các chính sách về thu ngân sách tại các luật, các văn bản dưới luật để nghiên cứu các vướng mắc, các nội dung của chính sách không có tính khả thi, từ đó đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xử lý để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của cơ quan thuế tinh gọn, hiệu quả, song phải bảo đảm không làm thất thu ngân sách nhà nước; đặc biệt là việc tổ chức các chi cục vùng cần được nghiên cứu một các thận trọng, đi kèm với các giải pháp có hiệu quả trong việc phối hợp, sự vào cuộc của chính quyền địa phương (ví dụ như chi cục vùng sẽ quản lý thu tại ít nhất 2 huyện khác nhau).
Với những khó khăn, thách thức trong việc hoàn thành mục tiêu thu ngân sách theo dự toán được Quốc hội giao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ngành thuế phải tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, đề xuất các giải pháp cụ thể, tích cực trong công tác thu thuế và quản lý thuế.
Ghi nhận kiến nghị của Tổng cục Thuế về việc Quốc hội ban hành nghị quyết về xóa nợ đọng thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhất trí và ủng hộ sự cần thiết ban hành nghị quyết này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã dự kiến đưa dự thảo nghị quyết này vào Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV (tháng 10-2019). Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế cần nghiên cứu một cách thận trọng, bảo đảm minh bạch, công khai và đặc biệt là bảo đảm tính công bằng giữa người nộp thuế chấp hành tốt và người nộp thuế cố tình chây ỳ, lách luật để trốn thuế../.
Tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai  (20/06/2019)
Về “sức mạnh mềm” Việt Nam  (20/06/2019)
Đổi mới công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng, hiệu quả để du lịch biển thực sự trở thành một ngành kinh tế biển trụ cột  (20/06/2019)
Những hoạt động nổi bật của các đồng chí lãnh đạo nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam  (20/06/2019)
Các đoàn đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri sau kỳ họp  (20/06/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển